Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

THEO BƯỚC LIÊN HOA SINH

Mùa hè năm 2011, tôi may mắn được tham gia một chuyến hành hương đến Ngân Sơn-Tây Tạng. Ngân Sơn (Kailash) là giấc mơ của tôi từ nhiều năm qua. Chuyến hành trình bắt đầu từ Kathmandu, thủ đô Nepal, vượt núi Hy Mã qua biên giới Trung Quốc, đến Tây Tạng. Đoàn đi ngược dòng sông Yarlung Tsangpo từ phía Đông về phía Tây, dọc theo sườn Bắc của dãy Hy Mã Lạp sơn; di chuyển bằng xe trên một độ cao chừng 4.600m, ngày đi đêm nghỉ; sau khi vượt khoảng 900km đường núi, chúng tôi đến Ngân Sơn.
Đến Tây Tạng chắc chắn ta không thể không tìm hiểu về Liên Hoa Sinh. Khách đến Tây Tạng đều cảm thấy Ngài hiện diện khắp nơi, trong tranh tượng, tu viện, kinh sách, công trình kiến trúc. Hơn thế nữa, người Tây Tạng tin rằng Ngài vẫn còn sống thực trên trái đất này và thực hành diệu pháp.
Liên Hoa Sinh hẳn là một nhân vật lịch sử, sống thực trên trái đất này vào thế kỷ thứ tám. Nhưng cuộc đời của Ngài được bao phủ trong một tấm màn huyền thoại. Truyền thuyết cho rằng Ngài sinh ra trong một hoa sen nằm trong một hồ thuộc vùng Gandhara, ngày nay thuộc về Pakistan và Afghanistan. Vì lý do đó Ngài mang tên Liên Hoa Sinh. Liên Hoa Sinh trở thành con nuôi của một nhà vua xứ Oddiyana (Ô-trượng-na) nhưng Ngài sớm bỏ cung đình đi học đạo.
Không bao lâu sau Liên Hoa Sinh trở thành một Tăng sĩ xuất chúng trên mọi phương diện, nhất là Mật tông. Ngài đắc pháp “Đại thành tựu” (Dzogchen) với Garab Dorje và Sri Singha. Theo lời mời của nhà vua Tùng- tán Cương-bố (Trisong Detsen 759-797), Ngài đến Tây Tạng và xây dựng tu viện Samye. Đó là thời kỳ đầu tiên của nền Phật giáo tại Tây Tạng.
Vô số truyền thuyết xung quanh Liên Hoa Sinh làm cho chúng ta không biết đâu là những dữ kiện lịch sử. Nhất là Mật tông Tây Tạng với truyền thống truyền khẩu giữa thầy và trò cũng như khuynh hướng thần bí của Kim Cương thừa làm cho người nghe không biết đâu là sự thực.

Từ tu viện Parphing tại Nepal…

Trên đường Ngài đi từ Ấn Độ qua Tây Tạng, ta có thể chắc chắn là Liên Hoa Sinh ghé vùng đất Nepal ngày nay. Tôi cố tìm tông tích của Ngài tại Nepal và Tây Tạng để thử theo dấu chân Ngài. May thay, người ta xác định một nơi gần Kathmandu có một cái động, nơi đó Liên Hoa Sinh thành tựu một diệu pháp.
Hãy nghe miêu tả thành tựu đó của Liên Hoa Sinh1: “… Thế rồi Liên Hoa Sinh nhắm hướng Parphing, nằm ở phía Tây nam của Kathmandu. Trên những ngọn núi của Parphing có một hang động có tên là Lang-Le-Sho, nơi đó Liên Hoa Sinh sống chung cùng công chúa Nepal xinh đẹp Sakyadevi. Liên Hoa Sinh và Sakyadevi cùng thực hành diệu pháp Kim Cương tát đỏa trong dạng của Samyak Vajra Heruka. Mặc dù hai vị đi rất sâu trong diệu pháp suốt nhiều tháng trời, trở ngại vẫn sinh ra; khắp thung lũng Kathmandu bị bệnh tật và hạn hán xâm chiếm. Liên Hoa Sinh hướng về đạo sư Vidyadhara Prabhahasti xin khai thị. Vị này gửi sứ giả cho chở kinh sách của Vajrakilaya đến. Thú vật chở kinh vừa qua khỏi biên giới thì trời đã mưa, chấm dứt hạn hán. Liên Hoa Sinh thấy vậy liền bảo: ‘Diệu pháp Sri Samyak Heruka có nhiều thần lực, nhưng cũng như nhà thương nhân giàu có đang gặp trở ngại, người đó cần sự hỗ trợ. Phép Vajrakilaya là tối cần thiết để bảo vệ diệu pháp Heruka, như một hiệp sĩ có vũ khí’. Sau đó Ngài nghĩ ra các diệu pháp để phối hợp hai phép tu này. Nhờ tụng niệm và hô triệu Vajrakilaya, nhờ sức gia trì của chư Phật và nhờ dựa trên Sri Samyak, Liên Hoa Sinh và Sakyadevi tiếp tục phát triển phép tu quán tưởng. Trong tình trạng an lạc cao quí nhất, hai vị chứng thực tâm Phật nguyên thủy rộng vô biên, đạt tới thành tựu cao nhất và mức Vidyadhara của Đại Thủ Ấn. Lúc đó thì có thêm hai vị đạo sư đắc đạo vừa đến động Lang-Le-Sho. Đó là Silamanju và vị Vilamamitra nổi tiếng. Hai vị thánh này cũng sống tại đó một thời gian. Liên Hoa Sinh để lại nơi cửa động Lang-Le-Sho dấu tay của mình trên đá, ngày nay vẫn còn”.
Chúng tôi tìm đến động Lang-Le-Sho tại Parphing. Parphing là một địa danh nằm cách Kathmandu chừng 20km về phía Tây nam. Động Lang-Le-Sho ngày nay có tên là động Asura và dấu tay Liên Hoa Sinh nằm ở cửa động vẫn còn rất rõ.
Chúng tôi thay nhau vào động, cúng đèn vì đèn tượng trưng cho trí tuệ, nhớ đến năng lực và hạnh nguyện của Ngài: “… Trong nhiều thời kỳ và qua vô số hiện thân, Ngài phụng sự cho hữu tình, khai thị Pháp đúng như khả năng của họ. Nhưng Ngài cũng dùng thần thông bình thường để giúp hữu tình; Ngài cho nước chảy ra từ nguồn đã cạn, hướng nước ngầm qua một ngả khác, đẩy lùi các lực lượng đen tối, ngăn ngừa chiến tranh. Thật không thể kể hết hành động và hiện thân của Ngài, không thể tìm thấy biên độ của hành trạng giải thoát của Ngài. Không có một chỗ nào mà không được Ngài hướng dẫn bằng hiện thân của Ngài. Sau đó Ngài đi Tây Tạng…”.
Từ Parphing, Ngài đã đến Tây Tạng bằng con đường nào thì tôi không rõ. Liệu Ngài đi bộ như Đức Phật ngày xưa hay Ngài dùng khả năng siêu nhiên của mình để đến Tây Tạng trong nháy mắt, tôi càng không biết. Trên đường đi, truyền thuyết cho hay Ngài đã dùng sức mạnh tâm linh để hàng phục ma quỉ thánh thần trong một xứ chưa hề có Phật giáo.
Nếu thực Ngài đi bộ thì hẳn Ngài đã đi trên con đường từ Kathmandu tới Kodari, một con đường đã có từ thời xưa mà ngày nay được mệnh danh là đường Arniko Highway. Arniko là một kiến trúc sư tài danh của Nepal vào thế kỷ thứ 13, ông đã dùng con đường này để đến Bắc Kinh và xây dựng bảo tháp tại đó trong thời nhà Nguyên. Đây cũng chính là con đường mà đoàn hành hương chúng tôi sẽ đi.… đến tu viện Chiu Gompa tại Tây Tạng
Đường đi tham bái Ngân Sơn cho chúng tôi dừng lại ngay đúng chỗ ước mong. Đoàn nghỉ một đêm tại nhà khách sát dưới chân tu viện Chiu Gompa. Tu viện Chiu Gompa, có khi được gọi là Chiyu Gonpa hay Jiu Gonpa, có nghĩa là tu viện “chim sẻ”. Chiu Gompa nằm trên đỉnh một ngọn đồi sát với hồ thiêng Manasarovar về hướng Tây bắc.
Leo lên đến tu viện này, tôi thở dốc. Từ dưới chân đồi lên đây chỉ khoảng 150m chiều cao nhưng tất cả đã nằm tuốt trên cao nguyên với độ cao 4.600m. Độ cao này gần bằng đỉnh của Mont Blanc, đỉnh núi cao nhất châu Âu với con số 4.800m. Trên tu viện này có một cái động, nơi mà Liên Hoa Sinh thiền định vào bảy năm cuối cùng của đời mình. Tôi vào chiêm bái, trống ngực đánh thình thình, không biết vì độ cao hay vì hồi hộp được thăm Ngài.

Trong động này Liên Hoa Sinh thực hành thiền định với vị Không hành nữ Yeshe Tsogyel, một vị phối ngẫu của Ngài trong phép Kim Cương thừa. Trong ánh sáng lờ mờ của các ngọn đèn mỡ trâu, tôi thấy một tảng đá hoa cương với dấu tay sắc sảo của Ngài. Trên đỉnh động là một tấm hình của Liên Hoa Sinh, hai bên là hai vị Không hành nữ Mandarava và Yeshe Tsogyel. Hình này của Ngài được xem là giống người thật nhất. Quả thật, mắt Ngài to tròn, quyết đoán trong một khuôn mặt rất người.
Động nhỏ và khách thì đông nên tôi sớm nhường chỗ cho các người khác. Tôi tiếc không có thì giờ và tâm trí để lưu lại tại một nơi thiêng liêng. Một năng lượng ấm áp vây quanh, đầu óc tôi đột nhiên sáng sủa. Những ngày qua hầu như tôi không ngủ trên độ cao 4.600m. Xem ra năng lực của Ngài không cho tôi thêm sức mạnh cơ bắp, không làm cho tôi bớt thở dốc, không cho tôi một thứ thần thông nào cả, điều mà tôi cũng không muốn có. Chúng tôi cúng đèn. Bỗng nhiên mọi thứ xuất hiện trong tâm tôi một cách rõ nét. Dường như tâm phóng ra một thứ ánh sáng, chiếu thành một “thế giới”, trong đó có tôi và mọi sự xung quanh, chứ không phải tôi thấy thế giới đó nữa. Lần đầu tiên tôi thấy có hai cách nhìn thế giới. Cách bình thường là tôi, một thực thể riêng lẻ, đang thấy thế giới xung quanh, khác với tôi. Cách kia là một thế giới duy nhất xuất hiện, trong đó có tôi và có những cái khác. Cách thứ hai giống như giấc mơ xuất hiện trong giấc ngủ. Trong giấc mơ cũng có một thế giới hiện ra, có mình có người, có quan có quân, có voi có ngựa, có thời gian, không gian, có đau ốm, có già chết.
Khi tâm trống trải rỗng rang, không dụng tâm, không nỗ lực, thì cách nhìn thứ hai tự động xuất hiện. Thế giới sẽ tự hiện như mây soi bóng trong hồ. Đó là Đại Thủ Ấn. Tôi cảm nhận Liên Hoa Sinh đã cho tôi một lời khai thị. Nhưng tôi cũng biết rõ mình hiểu lời Ngài theo mức độ của mình, mức độ sơ cơ của mình.
Tiếc thay tôi không ở được lâu trong động. Ngài đã thiền định ở đây bảy năm, tôi dừng lại không quá bảy phút nơi đây, thực là bất xứng. Sau thời gian bảy năm ở đây, tương truyền Ngài từ bỏ ứng thân bằng cách biến thành “thân cầu vồng” và đi vào thiên giới.
Tu viện Chiu Gompa đúng là một nơi lý tưởng để Liên Hoa Sinh tu hành. Tu viện như một tổ chim gắn cheo leo trên sườn núi. Từ tầng trên của tu viện, ta có thể ngắm hồ Manasarovar và ngọn núi thiêng Ngân Sơn trong cùng một lúc.
Ra sân thượng, tôi nhìn về hướng Ngân Sơn. Tiếc thay hôm ấy là một ngày mây mù. Ngân Sơn ẩn mình trong mây. Một ngày khác, Ngân Sơn sẽ hiện ứng thân rực rỡ. Từ đây chỉ cách Ngân Sơn 30km đường chim bay. Liên Hoa Sinh lựa động này để tu thiền định cuối đời, tưởng không chỗ nào tuyệt diệu hơn. Vì từ đây ta có thể đảnh lễ Ngân Sơn, ngọn núi hầu như đứng sát một bên, đồng thời có thể đảnh lễ hồ thiêng Manasarovar bao la xanh ngắt trước mặt. Mây trời chiếu rọi làm hồ phát sinh từng mảng màu sắc, biến đổi hầu như vô tận trong một mặt hồ phẳng như tấm gương.
Đồi của tu viện Chiu Gompa cũng được xem là nguồn suối đích thực của sông Sutlej mà tôi được thấy vài ngày trước đó. Nguồn nước này đổ qua hồ dạ-xoa Rakastal cách đó chưa đầy 10km và từ đó xuất phát con sông Sutlej. Theo một truyền thuyết, khi dân Tây Tạng gặp nạn, nguồn nước Chiu Gompa sẽ khô cạn, không thêm nước cho hồ dạ-xoa nữa.
Tôi nhìn về phía hồ dạ-xoa Rakastal. Từ đây ta không thấy được hồ “ma quái” này nhưng dưới chân tôi, trong lòng núi, lẽ ra nước thiêng của hồ dương phải cung cấp cho hồ âm để giữ quân bình cho thế gian. Nguồn nước này đã khô cạn, phải chăng thế giới đang đứng trước một thảm họa? Hay “thảm họa” đã xảy ra?
Tôi lại nhìn về Ngân Sơn, lòng tha thiết. Ngày hôm sau tôi sẽ đi Ngân Sơn…

Chú thích:

1. Tham khảo: Attainment of Great Enlightenment. (Biographies: Lord Padmasambhava, Embodiment of all the Buddhas), Trang nhà của The Dharma Fellowship of His Holiness the Gyalwa Karmapa. 


Nguyễn Tường Bách

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo Xuân 144-145



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét