Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Cô Đơn

Khi bạn thấy cái HIỆN LÀ, bạn sẽ phát hiện nỗi cô đơn được chuyển hóa như thế nào. (Krishnamurti)
Có hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã.
...Khi con muốn tổ chức và tiêu chuẩn hóa mọi người theo tiêu chí của con thì sự cô đơn đã hình thành trong con một cách kiên cố!
(Viên Minh)



Con thỉnh thoảng nghe pháp của Thầy, con nghe rồi chiêm nghiệm, khi con vướng kẹt thì con lại nghe tiếp và chiêm nghiệm tiếp. Nếu có thể, Thầy giảng một bài pháp về sự “Cô Đơn” được không Thầy? Đề tài này hầu như chưa có ai giảng cả.
Con quan sát thấy rằng, nhiều vị xuất gia nhiều lúc rất cô đơn, lạc lõng trong chính môi trường tu của họ. Con thấy cũng tội mà không biết sao. Con rất muốn xuất gia, nhưng con đang quay về với thực tại chính mình để hiểu rõ mình và chiêm nghiệm rõ để có hướng đi đúng đắn. Đi tu là theo sự “hợp cách” như Thầy đã giảng, không phải theo sự cảm xúc nhất thời, chạy theo bản ngã được cái này cái kia thì càng đánh mất đi bản thân mình. Con nghĩ rất nhiều, và điều quan trọng con phải xem mình thật sự là đúng với người muốn xuất gia hay không, hay là đang trốn tránh sự đời. Con cũng đã đi và gặp một số người, con thấy tội quá Thầy ạ, họ như vào rồi mà không ra được, nhưng sao họ không dám dũng mạnh ra ngoài để làm ăn và trải nghiệm, sống như vậy nhiều lúc buồn quá…
Nếu con được xuất gia, thì con rất muốn viết một cuốn sách về “xây dựng môi trường tu học” tại vì đề tài này rất ít người viết, mà có viết cũng rất sợ đụng chạm. Nhiều vị đi học, đi giảng để xây dựng cho đệ tử tinh thần tu học, nhưng lắm lúc lại quên đi phải xây dựng tổ chức trong nhà chùa, trong nhà của mình sao cho mọi người cùng nhau tu học, cùng nhau nuôi dưỡng tình yêu thương. Con không hiểu sao, con thấy đây là vấn nạn mà Phật giáo Việt Nam đang gặp phải, sự thật là cần một nơi mà sống với trọn vẹn đời người tu, hay là để cho Pháp tự vận hành theo duyên nghiệp của mỗi người, như vậy có phó thác quá cho duyên nghiệp không Thầy?
Con xin lỗi nếu con có nói gì sai, nhưng đó là những gì con trăn trở, những cái thấy của con, làm sao mà xây dựng môi trường tu cho mọi người có được sự học tập và tu thật sự.
Con cảm ơn Thầy nhiều.

Trả lời:



Có hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã.

1) Cô đơn hữu ngã là khi con không cô độc nhưng lại cảm thấy cô độc lạc lõng vì không tìm được mối quan hệ hợp ý mình. Chính ý muốn "xây dựng môi trường tu học" như một tổ chức lý tưởng để thiết lập mối quan hệ hoàn hảo khiến con cảm thấy cô đơn. Biết đâu cuốn sách mà con định viết nhằm xây dựng một môi trường tu lý tưởng theo ý con lại tạo cảm giác cô đơn cho nhiều người khác!? Rồi phải chăng khi con không tìm thấy mối quan hệ lý tưởng trong môi trường tu hiện tại con lại muốn "quay về với thực tại chính mình" mà thực ra là đang trốn chạy sự tương giao hiện hữu, đang tự cô lập mình trong cảm giác cô đơn bất mãn? Khi con muốn tổ chức và tiêu chuẩn hóa mọi người theo tiêu chí của con thì sự cô đơn đã hình thành trong con một cách kiên cố!

2) Cô đơn vô ngã là khi con sống tương giao hài hòa vô ngại với mọi người dù mỗi người là mỗi cá thể đặc thù, nói cho dễ hiểu là mỗi người một tính cách, một trình độ, một biểu hiện độc đáo, một lý lịch quá khứ riêng tư..., mà con không hề có ý muốn tiêu chuẩn hóa mối quan hệ mọi người trong một tổ chức lý tưởng theo ý mình, ngay trong thực tại đó con vẫn thương yêu, tôn trọng, hòa hợp với mọi người dù đồng hay dị mà vẫn sống độc lập, tự tại giữa họ thì đó chính là sự cô đơn vô ngã của một người giác ngộ. Người giác ngộ nhận ra rằng mỗi người đều đã và đang dựng lên cho mình một cái ngã ảo tưởng từ đó phát sinh ra sự bất đồng, và điều kỳ diệu của pháp là chính sự va chạm của những bất đồng đó lại giúp phá vỡ thành trì của bản ngã, nên sự va chạm ấy vô cùng cần thiết, trong khi ý muốn "tổ chức môi trường tu học" hoàn hảo lại chính là ý đồ nuôi dưỡng và gia cố cho cái bản ngã luôn muốn cầu toàn, vì vậy mà nó không bao giờ giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống.


Theo hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông

KRISHNAMURI nói về SỰ CÔ ĐƠN



Bạn có biết nổi cô đơn có nghĩa là gì không và bạn có ý thức rõ về nó hay không? Tôi rất nghi ngờ về điều đó, bởi vì chúng ta đã bóp nghẹt bản thân mình trong các hoạt động, trong sách vở, trong các mối quan hệ, trong những ý niệm, mà những thứ này thực ra ngăn cản chúng ta có thức giác về trạng thái cô đơn.
Chúng ta hiểu trạng thái cô đơn là gì? Nó là một cảm thức về sự trống rỗng, không có gì cả, một trạng thái cực kì hoang mang mờ mịt, không bến không bờ. Nó không phải là nỗi tuyệt vọng hay thất vọng, nhưng là một cảm thức về hư vô, một cảm thức về sự trống không và một cảm thức về sự ẩn ức bất toại. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng cảm thấy trạng thái đó, những người hạnh phúc lẫn những người bất hạnh, những người thật năng nổ hoạt động lẫn những người mê say kiến thức. Tất cả họ đều biết trạng thái này. Nó là sự cảm nhận nỗi đau bất tận, thực sự, một nỗi đau không thể che giấu, mặc dù chúng ta cứ cố che giấu.Chúng ta hãy tiếp cận lại vấn đề này để thấy cái gì thực sự xảy ra, để thấy bạn làm gì khi bạn cảm thấy cô đơn. Bạn cố gắng đào thoát khỏi tình cảnh cô đơn của bạn, bạn cố gắng đọc tiếp một quyển sách, bạn theo một lãnh tụ nào đó, hay bạn đi xem chiếu bóng, bạn trở nên hết sức năng nổ về mặt xã hội, bạn đi lễ bái cầu nguyện, hay bạn vẽ, bạn làm một bài thơ về nỗi cô đơn. Đấy là điều đang thực sự xảy ra. Khi bắt đầu thức giác về nỗi cô đơn, nỗi đau của nó, nỗi sợ hãi khác thường và sâu thẳm về nó, bạn tìm kiếm một lối thoát và lối thoát đó trở thành quan trọng hơn và do vậy các thứ hoạt động của bạn, kiến thức của bạn, các thần linh của bạn, những chiếc radio của bạn, tất cả trở thành quan trọng, không phải thế sao? Khi bạn đặt tầm quan trọng vào những giá trị thứ yếu, chúng đưa bạn tới bất hạnh và hỗn loạn; những giá trị thứ yếu tất nhiên là những giá trị của cảm giác; và nền văn minh hiện đại đặt nền tảng trên những giá trị ấy cống hiến cho bạn lối đào thoát này - đào thoát qua việc làm của bạn, qua gia đình của bạn, tên tuổi của bạn, việc học tập của bạn, qua việc họa vẽ v.v...; tất cả nền văn hóa của chúng ta được đặt nền tảng trên lối đào thoát đó. Nền văn minh của chúng ta được xây dựng trên đó và đấy là một sự kiện.Bạn có bao giờ thử nghiệm ở trạng thái một mình chưa? Khi bạn làm thế bạn sẽ cảm thấy nó khó khăn khác thường đến dường nào và chúng ta phải có sự thông minh khác thường đến dường nào để ở vào trạng thái một mình, bởi vì tâm thức không chịu để cho chúng ta một mình. Tâm thức trở nên náo động, lăng xăng với những cách đào thoát, vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy cái trống không khác thường này bằng cái biết được. Chúng ta phát hiện phải năng động thế nào, phải bặt thiệp ứng xử ra sao; chúng ta biết phải học tập như thế nào, nghe radio như thế nào. Chúng ta sẽ lấp đầy cái thực thể ấy mà chúng ta không biết bằng những thứ mà chúng ta biết. Chúng ta cố lấp đầy cái trống rỗng ấy bằng đủ loại kiến thức, các mối quan hệ, hay các đồ vật. Há không phải là thế sao? Đấy là quá trình của chúng ta, đấy là cuộc hiện sinh của chúng ta. Giờ đây khi bạn nhận chân điều gì bạn đang làm, bạn có còn nghĩ rằng bạn có thể lấp đầy cái trống rỗng đó hay không? Bạn đã cố dùng mọi phương cách nhằm lấp đầy sự trống rỗng này của nỗi cô đơn. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó hay không? Bạn đã cố đi xem phim ảnh và bạn đã không thành công và do vậy bạn đi theo các chân sư của bạn và những kinh sách của bạn, hoặc bạn trở thành người hoạt động rất tích cực về mặt xã hội. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó không hay là bạn chỉ che giấu nó mà thôi? Nếu bạn chỉ che giấu mà thôi thì nó vẫn tồn tại ở đó; do vậy nó sẽ trở lại. Nếu bạn có khả năng đào thoát hoàn toàn thì bấy giờ bạn bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, hoặc bạn trở nên mê đần hết mức. Đấy là điều đang xảy ra trên thế giới.Liệu sự trống rỗng này, trạng thái hư vô này, có thể lấp đầy được hay không? Nếu không thể lấp đầy được thì liệu chúng ta có thể chạy trốn nó, đào thoát khỏi nó hay không? Nếu chúng ta đã từng kinh nghiệm qua và đã thấy một lối đào thoát nào đó là vô giá trị thì, do vậy há chẳng phải mọi lối đào thoát khác cũng đều là vô giá trị hay sao? Dù bạn lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng thứ này hay thứ khác, việc đó cũng chẳng quan trọng gì. Cái gọi là thiền định cũng là một lối thoát. Thay đổi cách đào thoát của bạn, việc ấy chẳng quan trọng bao nhiêu.Vậy làm thế nào bạn sẽ phát hiện ra cái gì cần phải làm về nỗi cô đơn này? Bạn chỉ có thể phát hiện ra cái cần phải làm khi nào bạn ngưng dứt đào thoát. Chẳng phải thế sao? Khi bạn sẵn sàng đối mặt cái HIỆN LÀ - tức là bạn không được mở radio, tức là bạn quay lưng lại với nền văn minh - lúc bấy giờ nỗi cô đơn đi đến chỗ chấm dứt, bởi vì nó được chuyển hóa hoàn toàn. Nó không còn là nỗi cô đơn nữa. Nếu bạn không hiểu cái HIỆN LÀ thì bấy giờ cái HIỆN LÀ là cái thuộc về thực tại. Bởi vì tâm thức cứ luôn lẩn tránh, đào thoát, không chịu lấy cái HIỆN LÀ nên nó tạo sinh ra những chướng ngại cho chính nó. Bởi vì chúng ta có quá nhiều thứ chướng ngại ngăn cản chúng ta nhìn thấy nên chúng ta không thông hiểu cái HIỆN LÀ và do vậy chúng ta đang chạy trốn thực tại; mọi thứ chướng ngại này đã được tạo ra bởi tâm thức để không thấy cái HIỆN LÀ. Thấy cái HIỆN LÀ không những đòi hỏi nhiều năng lực hành động và thức giác trong hành động mà còn có nghĩa là quay lưng lại với mọi thứ gì mà bạn đã xây dựng nên, tài khoản ngân hàng của bạn, tên tuổi của bạn và mọi thứ gì mà chúng ta gọi là văn minh. Khi bạn thấy cái HIỆN LÀ, bạn sẽ phát hiện nỗi cô đơn được chuyển hóa như thế nào.

Về sự cô đơn - Krishnamurti
(theo bản dịch của Nguyễn Minh Lý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét