Một lần, khi đang đi ngoài đường cùng một người bạn, bất thần tôi bị đánh ngã bởi một cơn đột quỵ. Cú shock đến thật chớp nhoáng và bất ngờ, không hề có một dấu hiệu nào báo trước. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong phòng cấp cứu của một bệnh viện.
Trong cơn mê,tôi như lạc vào một thế giới khác. Xác thân bồng bềnh tựa hồ đang trôi trong một cõi nào hư ảo. Tôi mơ hồ như nghe một tiếng gọi, kêu mình đi vào một chỗ mịt mùng không bến không bờ. Lời gọi của hư không! Trong những ngày nằm tĩnh dưỡng, tôi chợt cảm nhận được biết bao điều về cuộc đời, về sự phù du của cõi thế. Và chợt hiểu rằng chỉ trong cõi hư không, mà ta luôn tìm cách trốn lánh, ta mới thấu hiểu được những điều mà ta suốt đời hoài công tìm tòi trong những trang kinh sách.
Thế đấy! Cái chết có thể đến đột ngột, như làn sét chớp lòe giữa trưa hè. Mà con người lại cứ luôn sống với hoang tưởng rằng bầu trời sẽ luôn luôn quang đãng! Chí khi đối diện với cái chết và nghe ra lời gọi của hư không, dù rất thầm thì, con người mới có cơ duyên nhận chân ra toàn bộ sự phù phiếm của kiến thức, của lợi danh và sự hư ảo của trần gian. Con người sẽ sống đẹp biết mấy và sẽ thấy cuộc đời đáng yêu biết mấy, nếu biết rằng ngày mai mình sẽ chết. Điều đó hầu như ai cũng hiểu được, ai cũng nói được, nhưng một khi cái chết chưa chạm vào đời ta bằng bàn tay tỏa hơi lạnh toát của nó thì mọi “kiến thức về cái chết” cũng chỉ là những thứ sở tri phù phiếm, nặng mùi sách vở. Chỉ có những gì giúp ta một mình đối diện với cái chết bằng tất cả sự thanh thản, bằng tất cả tinh thần vô úy của Phật giáo, bằng kinh nghiệm thực hành thường xuyên khi còn khỏe mạnh, thì những thứ đó mới có giá trị chân chính. Ngoài ra, lúc đó chúng ta sẽ thấy mọi sự đều trở nên vô nghĩa, và rỗng tuếch.
Rất nhiều người không nhận ra diệu nghĩa của đạo Phật nên thường chê đạo Phật có nhiều “tính chất bi quan, không tích cực”, khi kinh điển chỉ bày ra toàn những cảnh khổ não của nhân sinh. Họ không hiểu rằng đem cảnh “sinh, lão, bệnh, tử” não nùng bày ra đấy chỉ là một cách để con người thấy được chân tướng của cõi đời mà từ bỏ tham dục và phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề, Chỉ vì cái trần gian điên đảo này được xây dựng trên những cột trụ của ái và dục, nên con người cứ mê mải bon chen tranh giành như mình sẽ sống mãi mãi, mà không có một giây phút nào sực tỉnh để hiểu rằng mình sẽ phải chết. Kinh điển Ấn Độ gọi đó là vô minh (Maya).
Chỉ khi ta đối diện thường xuyên với cái chết thì nó mới mở ra những viễn tưởng mênh mông cho tâm thức. Vương Dương Minh – một danh nho vĩ đại đời Minh – trong những ngày bị lưu đày ở Long Trường, hàng đêm cứ ngồi trong quan tài mà quán tưởng về cái chết. Nhờ đó mà ông ngộ ra được huyền nghĩa của thuyết “Trí Lương Tri”, một loại “Huyền Môn Tâm Pháp” trong Khổng giao. Truyện Kiều mở đầu bởi sự dự cảm mênh mông của Thúy Kiều về cái chết, qua ngôi mộ của Đạm Tiên. Giữa cảnh lộng lẫy của ngày tảo mộ vẫn lù lù hiện ra: “Sè sè nắm đất bên đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Bi kịch vĩ đại Hamlet của Shakespeare cũng mở đầu bằng cái chết, qua một bóng ma.
Con người cứ luôn tìm mọi cách để lãng tránh cái chết, cứ khao khát đi tìm sự trường sinh bất tử một cách điên rồ, mà không hiểu rằng từ mấy ngàn năm trước, Homer đã để lại những suy tư bất hủ. Phim TROY của đạo diễn Wolfgang Petersen, nhân vật Achilles (do Brad Pitt thủ vai), khi được nàng Briseis hỏi có sợ chư thần hay không, đã nói một câu đầy minh tuệ:
“Ta sẽ nói cho nàng nghe một điều bí mật, mà họ đã không cho dạy cho nàng tại chốn điện thờ. Đó là thần thánh ghen tỵ với chúng ta. Họ ghen tỵ với chúng ta vì chúng ta sẽ phải chết, bởi vì đối với chúng ta bất kỳ giây phút nào cũng có thể là những giây phút cuối cùng trong đời. Mọi thứ đều trở nên tươi đẹp hơn bởi vì chúng ta đều phải chết. Nàng sẽ không bao giờ đáng yêu hơn như bây giờ. Chúng ta sẽ không bao giờ trở lại nơi đây được nữa”. (I’ll tell you a secret something they don’t teach you in your temple. The Gods envy us. They envy us because we’re mortal, because any moment might be our last. Everything is more beautiful because we’re doomed. You will never be lovelier than you are now. We will never be here again).
Điều kỳ diệu của con người so với chư thần là chư thần không thể chết. Một nhà văn phương Tây đã nói một câu hóm hỉnh mà sâu sắc: “Con người khác với con vật ở chỗ con người có khả năng tự tử”! Chỉ có con người, bên cạnh cái chết theo quy luật tự nhiên, mới có thể chủ động kết thúc sinh mệnh của chính mình. Nhân vật Kirilov trong tiểu thuyết “Lũ người quỷ ám” của văn hào Dostoievski đã tự tử để chứng tỏ rằng chỉ khi không còn phân biệt sống chết, chỉ khi đã chiến thắng được sự sợ hãi trước cái chết thì con người mới đạt đến sự tự do tuyệt đối và trở thành Thượng đế. Lúc đó Thượng đế giả định của lịch sử và của tôn giáo sẽ mất đi. Nhưng đó chỉ là sự hủy hoại theo tinh thần hư vô chũ nghĩa của xã hội Nga vào cuối thế kỷ XIX hoặc na ná chủ thuyết (đoạn kiến của các sa môn và bà-la-môn thời Đức Phật. Nó hoàn toàn khác với sự quán tưởng về cái chết để đạt đến vô úy ấn của Phật giáo.
Cái chết là một trong những sự kiện kỳ diệu nhất của Thiên nhiên. Đời sống có ý nghĩa do vì nó có giới hạn, để ta thấy được “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng”. Nếu như chúng ta cứ “bị” sống mãi mà không bao giờ chết, thì hãy thử tưởng tượng cõi đời sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán và vô vị đến độ nào? Tiếng chim hót sẽ không còn véo von nữa, liễu rũ sẽ không còn biếc nữa, mây trời không còn mênh mông nữa, tiếng suối chảy sẽ không còn róc rách nữa. Tất cả đều sẽ trở nên tẻ nhạt vì ta biết mình sẻ tồn tại cùng chúng đến thiên thu. Hạt lúa chết đi để nẩy mầm, mùa đông tàn tạ để báo hiệu mùa xuân tươi đẹp. Cái chết đặt dấu chấm hết cho cái sống để đem lại cho cõi đời muôn ngàn hương sắc. Cái chết giúp ta hiểu được sự phù du của cõi thế, sự mong manh của kiếp người, sự hư ảo của danh lợi nhưng đồng thời nó cũng giúp ta nhận ra toàn bộ vẻ đẹp bi trán của trần gian.
Hoa nghiêm kinh, quyển 6, chương Thập địa, dùng một hình ảnh cực kỳ sinh động:
“Giống như có người nằm mộng thấy mình bị rơi xuống dòng sông lớn. Vì muốn thoát khỏi dòng sông, bèn khởi phát sức đại dũng mảnh để cố gắng vùng vẫy. Do dùng sức đại dũng mảnh để cố gắng vùng vẫy, người ấy bèn tỉnh dậy. Khi tỉnh dậy rồi thì nhữngsự dũng mảnh khi vùng vẫy đó đều ngưng bặt”.
(Thí như hữu nhân mộng kiến tự thân đọa u đại hà. Vị dục độ cố, phát đại dũng mảnh khởi đại kiều cần. Dĩ đại dũng mảnh khởi đại kiều cần, khước tiện ngụ mị. Ký ngụ mị dĩ, sở tác nhất thiết dũng mảnh, cự vụ giai tất hữu túc).
Đó là hình ảnh của chúng ta trong cõi nhân sinh. Chúng ta bị nghiệp lực ném vào thế giời Ta bà này như một kẻ bị rơi xuống dòng sông. Chúng ta dùng mọi thủ đoạn, mọi toan tính lọc lừa để vùng vẫy bằng tất cả sức lực bình sinh, không phải để thoát ra, mà để ngoi lên trên đồng loại, để kéo dài sinh mạng, để vun đắp “cái tôi” bằng vô vàn thứ trang sức của lợi danh và kiến thức. Chỉ khi ngẫu nhiên đối diện với cái chết, chính Lời Gọi Hư Không sẽ giúp chúng ta có cơ duyên sực tỉnh để hiểu rằng tất cả đều chẳng hiện tiền. Và đến lúc đó ta thấu hiểu thêm huyền nghĩa của câu kệ lục như trong kinh Kim Cang:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Tất cả pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng.■
Tùy bút | Huỳnh Ngọc Chiến | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 63
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét