Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Hết thuốc chữa


Không phải ngẫu nhiên mà người xưa nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Có những tính khí bất thiện dường như ăn sâu vào tâm khảm và máu thịt đến độ không thể dứt ra được. Cho nên có không ít người sau những phút giây bừng tỉnh, hứa hẹn phục thiện nhiều điều rồi mọi việc đâu cũng vào đấy, ngựa quen đường cũ mà thôi.Tâm bệnh cũng như thân bệnh. Nhiều chứng bệnh có thể chữa được nếu phát hiện sớm và trị liệu kịp thời. Gặp bệnh khó, hiếm mà phát hiện vào giai đoạn cuối thì thầy thuốc giỏi cũng bó tay, hết thuốc chữa. Đức Phật là bậc y vương, có khả năng chữa lành tâm bệnh cho chúng sanh nhưng gặp một số chứng tâm bệnh mạn tính, nan y (thiếu nhân duyên với Chánh pháp) thì Ngài cũng tuyên bố là không thể trị liệu.
Cũng giống như gặp thầy giỏi, thuốc hay mà bệnh nhân tưởng mình không bệnh, quyết không hợp tác thì cũng chào thua. Không thể chữa trị vì phiền não, nghiệp lực của chúng sanh quá sâu dày. Lại thêm si mê ám chướng nhiều đời nhiều kiếp vô cùng sâu nặng nên không thể thấy được sự thật. Chúng sanh nguyện lấy khổ làm vui thì làm sao mà khởi tâm trị liệu?
Đức Phật đã dạy về năm trường hợp tâm bệnh không thể trị liệu như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay có năm người chẳng thể trị liệu. Thế nào là năm? Người xiểm nịnh, không thể trị liệu; người gian tà, không thể trị liệu; người nói ác không thể trị liệu; người tật đố không thể trị liệu; người phản bội không thể trị liệu.
Ðó là, này Tỳ-kheo! Có năm người này chẳng thể trị liệu.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:

Người gian tà, ác khẩu,
Tật đố, người phản bội,
Người này không thể trị,
Bị người trí từ bỏ.

Thế nên, các Tỳ-kheo! Thường nên học chính ý từ bỏ tật đố, tu hành oai nghi, nói ra đúng pháp. Nên biết đền ơn, nghĩ đến công nuôi dưỡng, ơn nhỏ còn chẳng quên, huống nữa là ơn lớn. Chớ ôm lòng xan tham, lại cũng chẳng nên tự khoe mình, chẳng chê bai người khác. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Đẳng kiến, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.349)

Mới hay, tâm chúng ta có vô số phiền não nhưng riêng năm loại hiểm độc như “xiểm nịnh, gian tà, nói ác, tật đố, phản bội” thì phải hết sức lưu ý, chớ xem thường. Vì sao? Đơn giản vì chúng rất dễ dàng phát sinh cũng như tái phát mà lại vô cùng khó khăn để ngăn chặn, trừ khử. Thành ra chúng gần như hiện diện và hoành hành liên tục trong tâm chúng ta. Phải chăng vì thế mà Đức Phật mới nói là không thể trị liệu.
Những hành vi biểu hiện như nịnh hót hại người, gian dối tà vạy, nói lời xấu ác, ghen ghét đố kỵ, vô ơn bội nghĩa chắc chắn là của người xấu. Nhưng nếu để ý thì có thể thấy chúng hiện diện đầy dẫy xung quanh đời sống chúng ta, không chừa bất cứ chốn nào. Nếu mình còn chút phước báo tuy vẫn có các phiền não này mà nhẹ nhàng hơn thì cũng hết sức để ý những người nhiễm nặng căn bệnh này. Nếu chúng ta chưa đủ trí tuệ và từ bi để chuyển hóa họ thì phải nên dè chừng vì tính chất “không thể trị liệu”, hay tái phát của nó.
Đức Phật nói hết thuốc chữa thực ra là để nhấn mạnh, chỉ cho những tập khí xấu ác như “xiểm nịnh, gian tà, nói ác, tật đố, phản bội” trong chúng ta có gốc rễ sâu dày, rất khó chuyển hóa. Do vậy, người nào khi tự quán chiếu bản thân mình, thấy rõ đang mắc một hay nhiều chứng thuộc năm loại phiền não kể trên thì biết mình nặng nghiệp, rất nặng là đằng khác. Có thể nói dù chúng ta hiện đang ở bất cứ địa vị xã hội nào, bất kể thuộc giai tầng nào, kể cả đệ tử Phật xuất gia hay tại gia… nếu chứng “xiểm nịnh, gian tà, nói ác, tật đố, phản bội” tồn tại trong tâm thì cũng đều phải lo tu dưỡng thật nhiều. Vì bản chất của chúng là “không thể trị liệu” và tiềm ẩn hiểm họa khó lường.

Quảng Tánh


http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-121_4-20086_5-50_6-1_17-119_14-2_15-2/het-thuoc-chua.html#detail

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét