Sau đó nhờ có người can thiệp ngài được giải thoát để trở về nước Vệ và lại tiếp tục con đường chu du thiên hạ. Khi gian thần Phất Bật nổi loạn ở nước Trịnh, y có mời Khổng Tử về giúp. Khổng Tử định đi nhưng Tử Lộ can ngăn thưa rằng: Ngày xưa trò này có được nghe thầy dạy kẻ nào làm điều bất thiện thì người quân tử không vào bè đảng của nó, nay Phất Bật làm phản, như vậy y là kẻ bất thiện mà thầy lại muốn ra giúp là ý làm sao?
Khổng Tử đáp: Ngày xưa ta có nói như thế. Nhưng ta cũng thường nói rằng: Cái giống bên kia nếu tính chất thật bền thì có mài cũng không mòn; giống trắng thì dầu có nhuộm cũng không đen. Vậy nên dầu gần người bất thiện đi nữa cũng không lây xấu đến ta được đâu. Vả lại ta sinh ra để làm người hữu dụng, chớ có phải như trái bầu kia sao cứ treo đó mà chẳng ăn?
Tuy nói vậy nhưng Khổng Tử cũng không đi giúp Phất Bật. Khổng Tử thấy cái đạo của mình không thực hiện được vì nó không được các nhà thống trị chấp nhận.
Một ngày kia khi còn đang ở nước Vệ, Khổng Tử ngồi gõ khánh ở trong nhà. Một người ẩn sĩ gánh cỏ đi ngang, nghe tiếng khánh của Khổng Tử bèn nói: Người đánh khánh có bụng sốt sắng với đời nhiều lắm vậy. Nhưng người ấy bỉ lậu thay, dụng tâm quá nhiều. Đời chẳng có ai biết đến mình thì nên thôi đi... phải chăm chước tùy thời mới được.
Nghe vậy Khổng Tử bèn tự bảo: Quyết định quên đời chẳng có khó gì đâu. Vì với ông, việc xoay lưng lại xã hội, quên cuộc đời để sống yên thân đâu phải là chuyện khó làm.
Một hôm khác, khi đi chu du sang nước Sái, Khổng Tử thấy hai người đang cày ruộng. Đó là hai bậc ẩn sĩ Tràng Thư và Kiệt Nịch, Khổng Tử bảo Tử Lộ đến hỏi thăm đường. Tràng Thư hỏi Tử Lộ: Người cầm cương trên xe kia là ai vậy?
Tử Lộ trả lời: Đây là ông Khổng Khâu (tức là Khổng Tử).
Có phải là Khổng Khâu nước Lỗ không? Thưa phải.
Ông ấy chu du đã lâu để dạy đạo cho đời, hẳn là đã biết đường rồi, đâu còn phải hỏi ai nữa. Tử Lộ lại hỏi Kiệt Nịch.
Kiệt Nịch hỏi lại Tử Lộ: Anh là ai?
Tử Lộ bảo: Tôi là Trọng Do.
Kiệt Nịch lại hỏi: Anh là học trò của Khổng Khâu nước Lỗ phải không?
Tử Lộ đáp: Thưa phải.
Kiệt Nịch bèn nói: Đời loạn đã lâu, cuộc đời cuồn cuộn như dòng nước chảy mãi không thôi. Làm sao mà đổi loạn ra trị được? Anh đi theo Khổng Tử là kẻ tị nhân (là kẻ bị người đời xa lánh) sao bằng đi theo ta là người tị thế (tức là người xa lánh cuộc đời) có phải hơn không?
Nghe Tràng Thư và Kiệt Nịch nói vậy, Khổng Tử than: Người không thể cùng đàng với điểu thú được, người mà không cùng ở với xã hội loài người thì ở với ai? Nếu như thiên hạ đã có đạo rồi thì Khổng Khâu này đâu còn phải dấn thân lo đổi loạn ra trị làm gì nữa!
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét