Tất cả chúng ta đều mang trong người vô số những sở trường và sở đoản, những đức tính và thói hư tật xấu, những cái hay và cái dở, ưu điểm và khuyết điểm... được huân tập, tích lũy từ lâu đời. Điều này được biểu hiện rõ ràng trong những cuộc soi kiếp đặc biệt của ông Cayce, nhằm mục đích giúp đỡ trong việc hướng nghiệp cho một số người.
Trước đây, ta đã thấy những ảnh hưởng năng khiếu từ tiền kiếp có thể lưu lại đến kiếp sống này như thế nào, và chính điều đó đã tạo ra những khả năng, năng khiếu đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Một thí dụ điển hình là trường hợp của một thiếu phụ làm nghề sửa sắc đẹp ở New York. Cô làm chủ một thẩm mỹ viện hạng sang, chuyên sửa sắc đẹp cho phụ nữ, từ việc uốn tóc, chải đầu... cho đến tư vấn, hướng dẫn về cung cách ăn nói, dáng điệu... Bản thân cô cũng là một người có sắc đẹp và dáng vẻ rất thùy mị, đáng yêu...
Cuộc soi kiếp cho cô gái này tiết lộ rằng trong ba kiếp trước đây chỉ có hai kiếp là có ảnh hưởng trực tiếp đến khuynh hướng nghề nghiệp của cô bây giờ. Một kiếp diễn ra dưới triều đại vua Louis XV ở Pháp. Khi ấy cô có một ảnh hưởng lớn đối với nhà vua và hoàng triều. Trong kiếp đó, cô là một chuyên gia về ngành giao tế, lễ nghi cùng phép xã giao lịch sự, nghệ thuật trang sức và những bí quyết chỉnh sửa sắc đẹp. Trong kiếp trước nữa, cô sống dưới thời Đế quốc La Mã, và là một trong những người đầu tiên trong hàng quí tộc theo đạo Gia Tô. Lùi xa hơn về dĩ vãng, cô đã sống ở xứ cổ Ai Cập vào khoảng 13.000 năm trước Công nguyên và đã từng làm việc công quả trong một ngôi đền.
Trong kiếp sống ở Pháp, cô đã thâu thập được những kinh nghiệm về đời sống lộng lẫy xa hoa; cô đã phát triển những khả năng đặc biệt về giao tế và phép lịch sự trong đời sống xã hội. Nhưng những kinh nghiệm mà cô đã thâu thập được trong một ngôi đền thời cổ Ai Cập cần được giải thích rõ ràng hơn. Dường như thời kỳ đó ở Ai Cập có hai ngôi đền lớn, gọi là đền Mỹ Lệ và đền Hy Sinh. Người ta thấy rải rác trong vài chục cuộc soi kiếp những mô tả về hai ngôi đền này, và do sự góp nhặt những tài liệu đó, người ta có một ý niệm khá hoàn chỉnh về những gì đã xảy ra ở đó.
Ngôi đền Mỹ Lệ là một kiểu trường đại học, nhưng không chỉ đào luyện về mặt trí dục không thôi mà còn hướng đến việc đào tạo nhân cách toàn diện cho người học. Tất cả những nghệ thuật và khoa học đều được sử dụng để đào tạo nên mộttâm hồn cao thượng và một thể xác kiện toàn cho các học viên, để chuẩn bị cho họ trở nên những người công dân có khả năng, tích cực hoạt động cho xứ sở.
Ngôi đền này còn là trường huấn luyện về mặt tôn giáo và đạo đức tâm linh. Ngôi đền này có bảy trung tâm đào tạo có kỷ luật, theo qui mô của bảy luân xa hay bí huyệt trong cơ thể con người. Điều này cho ta thấy rằng chương trình học tập và kiến trúc của ngôi đền được quan niệm dựa trên sự hiểu biết sâu xa về khoa huyền môn thời cổ.
Một trong những ngành hoạt động của ngôi đền Mỹ Lệ là vấn đề hướng nghiệp căn cứ trên nền tảng tâm linh. Nhiều người trong kiếp này chú trọng đến vấn đề hướng thiện, phát triển nhân cách, hoặc đào tạo nhân phẩm bằng nghệ thuật và tôn giáo, khi truy nguyên ra thì được biết rằng trong kiếp trước, họ là những giáo sư hay sinh viên đã từng theo học ở ngôi đền Mỹ Lệ hồi thời cổ Ai Cập.
Còn đền Hy Sinh thì giống như một bệnh viện, trong đó người ta áp dụng nhiều kỹ thuật cao để giải phẫu và chữa bệnh (có lẽ do người Atlante truyền lại). Phép chữa bệnh này theo một nguyên tắc chính là kiện toàn thể xác và cải tiến giống nòi. Người ta xem trung tâm y khoa này là một ngôi đền vì có ý nhấn mạnh một sự hướng dẫn tâm linh.
Dưới đây là trường hợp của một vị y sĩ chuyên môn chữa bệnh đau khớp xương. Cuộc soi kiếp cho biết rõ bốn tiền kiếp của ông, mà có ba kiếp ảnh hưởng đến phương diện nghề nghiệp của ông trong kiếp này. Ông đã từng làm y sĩ ở châu Mỹ từ giai đoạn ban sơ và có giao thiệp nhiều với thổ dân xứ ấy, nhờ đó mà học được phép chữa bệnh theo lối tự nhiên và bằng các loại thảo dược.
Trong các cuộc soi kiếp, nếu người nào trước kia đã từng có tiếp xúc chặt chẽ với thổ dân châu Mỹ, hoặc chính họ là thổ dân da đỏ trong kiếp trước, đều tỏ ra có khuynh hướng sống một đời sống tự nhiên nơi những chốn rừng cây, ưa thích cảnh trí thiên nhiên, thích làm những công việc lao động tay chân và dùng cách chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên.
Trong kiếp thứ hai, vị y sĩ nói trên trông coi các nhà tắm công cộng và chuyên về phép thoa bóp ở La Mã dưới thời kỳ đầu Công nguyên. Trong kiếp thứ ba, ông ta sống ở Ba Tư và trong kiếp thứ tư trước đó ông làm nghề ướp xác bằng đầu thơm ở xứ cổ Ai Cập, khoảng 13.000 năm trước Công nguyên. Có lẽ kinh nghiệm của ông trong kiếp đó đã giúp cho ông có sự hiểu biết sâu xa về những bộ phận bên trong cơ thể con người cùng ảnh hưởng của các chất hương liệu và cỏ thơm đối với con người.
Trường hợp sau đây là của một nghệ nhân ở Hollywood, làm giám đốc chuyên môn về màu sắc trong một hãng phim. Cuộc soi kiếp cho biết ông đã từng sống với ngành mỹ thuật trong ba kiếp trước. Tất cả có bốn tiền kiếp đã được soi thấu. Trong một kiếp, ông làm người trang hoàng nhà cửa vào cuối thời kỳ khai mở thuộc địa ở Bắc Mỹ. Trong kiếp kế đó, ông làm sĩ quan trong quân đội kỵ binh ở Nga. Trong kiếp kế đó nữa ông làm nhà trang trí mỹ thuật cho một bà hoàng ở Đông Dương. Và trong kiếp xa xưa nhất, ông làm người trang hoàng bên trong của ngôi Đền Lớn ở xứ cổ Ai Cập.
Người ta có cảm tưởng rằng nhờ kinh nghiệm trong kiếp làm sĩ quan kỵ binh mà kiếp này ông phát triển những đức tánh linh hoạt, tỉ mỉ, cẩn thận và năng động, cùng với tánh thích chưng diện và lòng háo thắng. Như vậy, nhiều điểm trong tánh tình đã giúp cho công việc làm của ông ở kiếp này có thêm phần sinh khí và linh động, dường như có nguyên nhân từ những kinh nghiệm ở kiếp làm sĩ quan kỵ binh, cho dù nghề quân nhân không có liên quan gì đến mỹ thuật. Còn những kỹ năng sắc sảo về phương diện nghệ thuật thì lại có nguyên nhân từ ba kiếp đã từng hoạt động trong ngành nghệ thuật.
Một nhà soạn nhạc tiếng tăm ở New York cũng đã có những kinh nghiệm về ngành này trong nhiều tiền kiếp. Trong một kiếp trước, hồi thời kỳ khai thác thuộc địa ở Bắc Mỹ, ông đảm nhiệm những lớp dạy âm nhạc và dạy hát trong các trường. Một kiếp khác, ông là người Đức, làm nghề chế tạo các loại đàn dây. Trong kiếp thứ ba, ông là nghệ nhân hài trong triều vua Nabuchodonosor ở xứ Chaldee. Kiếp cuối cùng lui về quá khứ, ông là một người dân Atlante đến xứ Ai Cập và lãnh trách nhiệm coi sóc phần âm nhạc trong những cuộc tế lễ ở các đền thờ. Sự thích thú của ông về âm nhạc trong kiếp này dường như là do bởi kinh nghiệm của ông trong kiếp làm nghề chế tạo đàn. Tánh hài hước và óc linh hoạt của ông được truy nguyên ra từ kiếp làm diễn viên hài; và những khả năng về âm nhạc của ông được truyền lại từ hai kiếp làm nhạc sĩ.
Đôi khi, những thú vui tiêu khiển ngoài vòng hoạt động nghề nghiệp của một người cũng có nguyên nhân từ những tiền kiếp. Chẳng hạn như trường hợp của một viên giám đốc ngân hàng, từ thuở nhỏ đã tỏ ra ham thích các môn thể thao, nhất là môn quần vợt. Khi vị mục sư nhà thờ Baptiste, mà ông là một tín đồ, quở trách việc ông chơi đánh banh vào ngày chúa nhật thì ông tức khắc rời khỏi giáo hội! Ngân hàng đã trở nên ngành hoạt động nghề nghiệp của ông và nhờ đó ông đã gầy dựng được một sản nghiệp lớn. Nhưng ông thường dùng thời giờ rảnh để tham gia một câu lạc bộ quần vợt.
Chúng ta hãy thử xét những nghề nghiệp của ông trong các tiền kiếp. Trước hết, ông là một trong những người khai thác thuộc địa đầu tiên, làm nghề xuất nhập khẩu ở Bắc Mỹ. Trong kiếp kế đó, ông là người La Mã, đảm nhiệm việc tổ chức các trò giải trí công cộng tại các vũ trường. Một kiếp nữa, ông là tù trưởng của một bộ lạc du mục ở Ba Tư, chuyên tổ chức những trung tâm trao đổi hàng hóa. Trong kiếp thứ tư, ông là quan thủ kho của triều đình xứ Ai Cập thời cổ.
Người ta nhận thấy rằng ba kiếp trong số đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến nghề nghiệp và ngành ngân hàng của ông bây giờ. Kiếp thứ hai làm nhà tổ chức các cuộc giải trí ở La Mã đã giúp cho ông có khả năng lãnh đạo, nhờ đó có thể tiến lên địa vị giám đốc ngân hàng. Đồng thời, kinh nghiệm ở kiếp đó cũng là nguyên nhân sự thích thú của ông về các môn điền kinh, thể dục ở kiếp này.
Trong các cuộc soi kiếp về vấn đề hướng nghiệp, ông Cayce thường khuyên một số người nên theo đuổi môn học này hay môn học khác, tùy theo những gì ông nhận biết về tiền kiếp của người đó.
Môn chữa bệnh bằng điện ngày nay đã khá phổ biến, và những lời khuyên của ông Cayce đối với một số người về ngành học này thường dựa trên những kinh nghiệm trong tiền kiếp của họ ở Ai Cập hay ở châuAtlantide. Dường như vào khoảng mười ngàn năm trước Tây lịch, vào thời kỳ tai biến cuối cùng trong ba cơn thiên tai lớn đã tiêu diệt châu Atlantide, có nhiều người Atlante đã kịp di cư sang Ai Cập. Họ đã đem theo những kiến thức và sự tiến bộ của họ về nghệ thuật và khoa học. Tuy họ không thể xây dựng lại nền văn minh của họ một cách hoàn chỉnh như trước, nhưng những gì còn sót lại về khoa học và kiến thức của họ đã hỗn hợp với nền văn minh Ai Cập. Trong tất cả những trường hợp mà ông Cayce khuyên đương sự nên theo đuổi ngành chữa bệnh bằng điện đều có một điểm lý thú chung là, tuy ngành này còn khá mới mẻ với con người hiện nay, nhưng đây lại là một ngành học thuật rất cổ mà con người xưa kia đã từng am hiểu.
Trong nhiều trường hợp, khi các đương sự tỏ ra thích thú say mê ngành hàng không, điện tử, vô tuyến điện, thôi miên, nguyên tử lực .v.v... thì những sự thích thú này đều được truy nguyên từ những kinh nghiệm của đương sự trong một kiếp trước ở châu Atlantide.
Từ đó, người ta có thể kết luận rằng khi một người có khuynh hướng hoặc tài năng rõ rệt về một môn học hay một ngành hoạt động nào, thì chắc chắn rằng trong một hay nhiều kiếp trước, người ấy đã từng theo đuổi và thực hành những môn ấy, hoặc ít ra cũng là một ngành hoạt động tương tự.
Nhiều trường hợp khác đưa đến kết luận rằng sự thay đổi nghề nghiệp chưa hẳn đã là một sự thất bại, nếu sự thích thú đối với nghề nghiệp mới chọn có căn cứ chắc chắn trong dĩ vãng, và những khả năng về nghề nghiệp này đã được phát triển trong tiền kiếp.
Thí dụ dưới đây là trường hợp của một người ba mươi mốt tuổi, mặc dầu đã có gia đình nhưng lại quyết định bắt đầu theo đuổi việc học y khoa. Vì những lý do nào đó, ông đã không thể theo học ngành y từ trước đó, mặc dầu cha ông là một bác sĩ.
Ông yêu cầu ông Cayce dành cho một cuộc soi kiếp. Ông muốn biết xem quyết định của ông có thể thực hiện được không, và sau cùng ông có thành công trong ngành y khoa hay không.
Cuộc soi kiếp xác nhận những điều ông mong muốn, và cho biết rằng sự thích thú của ông về ngành y cónguyên nhân từ thời kỳ khởi nghĩa ở Mỹ quốc. Trong tiền kiếp đó, ông là một người lính hầu, làm công việc đưa thư tín trong quân đội. Dường như nhờ thiện chí và khả năng thông cảm nên ông được cấp trên giao cho công tác đi phủ dụ và nâng đỡ tinh thần binh sĩ. Chính trong lúc đó, ông nảy sinh ý muốn trở nên một y sĩ. Cảnh tượng đau khổ của những thương binh ngoài mặt trận làm cho ông muốn có sự hiểu biết và phương tiện nghề nghiệp của một y sĩ để xoa dịu những đau khổ đó.
Chính sự mong muốn này đã khiến ông sinh ra trong một gia đình có người cha làm y sĩ trong kiếp này. Điều này hẳn là một hoàn cảnh thuận tiện để cho ông bước vào ngành y khoa. Tuy rằng người ta không biết rõ lý do vì sao ông quyết định hơi trễ trong việc theo học ngành này, nhưng có lẽ đó là vì ông ta đã lập gia đình hơi sớm. Có thể rằng giữa hai vợ chồng ông ta có một sự hấp dẫn mãnh liệt do duyên nghiệp tạo nên từ kiếp trước, và sự theo đuổi cuộc hôn nhân đó đã làm cho ông tạm gác lại các mục đích khác.
Nhưng điều quan trọng là cuộc soi kiếp đã tiên đoán trước sự thành công của ông trong một ngành mà ông mới bắt đầu theo đuổi khá muộn màng.
Nói tóm lại, việc truy nguyên các năng khiếu nghề nghiệp của một người thường chỉ ra rằng các khả năng đó đã được huân tập từ một hay nhiều kiếp trước đó, vì đương sự đã từng có kinh nghiệm về nghề nghiệp đó hay một nghề tương tự. Một sự thích thú say mê một ngành hoạt động nào đó thường có nghĩa là trong một kiếp trước ngành hoạt động đó là nghề nghiệp chính của đương sự.
Điều đáng nói là, nhiều ngành nghề chỉ mới xuất hiện trên thế giới hiện nay trong thời gian gần đây nhưng thật ra chính là những nghệ thuật và khoa học của nhân loại từ thời cổ đã bị thất truyền, có thể là từ thời đạiAtlantide và Ai Cập cổ đại.
Cũng có một số người chỉ mới bước vào một ngành hoạt động nào đó lần đầu tiên, và điều đó cho thấy khả năng thành công của họ trong ngành nghề đó chưa thể nắm chắc. Ngược lại, nếu trong quá khứ họ đã từng say mê và phát triển những khả năng về một ngành nghề nào thì sự thành công trong ngành nghề đó ở kiếp này sẽ là một điều chắc chắn hơn.
PHƯƠNG CHÂM TRONG VIỆC CHỌN NGHỀ
Những câu chuyện về các khuynh hướng nghề nghiệp trong các tập hồ sơ Cayce có thể làm cho người sưu tầm khảo cứu không khỏi nêu ra nhiều câu hỏi. Trước hết, sự khởi đầu nghề nghiệp của một cá nhân là một vấn đề làm cho người ta phải thắc mắc khi cố gắng tìm hiểu cho đến tận những động cơ thúc đẩy ban đầu. Điều đó có nghĩa là, nếu quả thật có các tiền kiếp, thì khi một con người lần đầu tiên đến với một nghề nghiệp nào đó, họ đã chịu sự thúc đẩy của những động lực nào? Tại sao họ lại chọn một ngành hoạt động này mà không phải là một ngành hoạt động khác? Nếu tất cả mọi con người đều có bản chất bình đẳng như nhau thì tại sao có người lại hướng về nông nghiệp, có người lại chọn ngành thương mại, người khác lại hướng về âm nhạc, và người khác nữa lại chọn ngành toán học? Như vậy, phải chăng trong mỗi con người đều có một động lực tế nhị thuộc về cá tính, đã thúc đẩy họ chọn lựa những ngành hoạt động khác nhau? Và nếu quả như thế thì nguyên nhân tối sơ nào đã tạo ra cái cá tính đó, và nó biểu lộ ra bằng cách nào?
Trong những hồ sơ Cayce, không có sự giải đáp rõ ràng những câu hỏi nêu trên, nhưng lại có những tài liệu khá hoàn chỉnh về một điểm khác là nguyên nhân nào làm cho một người phải thay đổi từ một nghề nghiệp này sang một nghề nghiệp khác.
Người ta tìm thấy trong các hồ sơ Cayce có nhiều trường hợp thay nghề đổi nghiệp như vậy, và sự phân tách các tài liệu đó chỉ ra rằng sự thay đổi ấy thường căn cứ trên hai yếu tố căn bản là do lòng ham thích hoặc do luật nhân quả.
Trong nhiều trường hợp đã kể trên, chúng ta thấy rằng lòng ham thích cũng có một sức mạnh đáng kể trong việc gây nhân tạo quả. Một người có thể bắt đầu nảy sinh ý muốn có một khả năng hay một đức tính vào khi họ tiếp xúc với một người khác có cái khả năng hay đức tính đó. Sức mạnh của ý muốn đó thúc đẩy một cá nhân luôn có sự cố gắng trải qua nhiều kiếp để phát triển khả năng hoặc đức tính mà mình mong muốn.
Đôi khi, lòng ham muốn không phải do ảnh hưởng của một người nào, mà vì đương sự cảm thấy bất lựctrước một tình trạng nguy cấp mà vì thiếu khả năng cần thiết nên không thể giải cứu người khác hay làm được điều mình muốn làm.
Cho dù với nguyên nhân sinh khởi như thế nào, lòng ham muốn dường như vẫn luôn là một yếu tố quan trọng quyết định khuynh hướng của mỗi con người. Lòng ham muốn đó thường tăng trưởng dần dần và nhắm đến những mục đích ngày càng rõ rệt hơn cho đến khi đủ để bắt đầu phát triển một khía cạnh mới trong những năng khiếu tự nhiên của một cá nhân.
Có lẽ phải trải qua rất nhiều kiếp sống con người mới có thể hoàn toàn thực hiện một sự thay đổi từ một nghề này sang nghề khác do sự thúc đẩy của ý muốn. Nhưng nếu điều này là đúng thì đó là một tín hiệu khuyến khích quí báu cho những ai tự thấy mình quá kém cỏi trong nghề nghiệp hiện tại. Có thể rằng lý do sự kém cỏi của một cá nhân so với tài năng của những người khác là vì cá nhân ấy chỉ mới bắt đầu ngành hoạt động này chưa bao lâu, và chưa đủ thời gian để phát triển tài năng của mình.
Ngoài lòng ham muốn, nghiệp quả cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự thay đổi nghề nghiệp. Chẳng hạn, một quả báo tàn tật về thể xác khi đến lúc chín muồi và xuất hiện có thể làm gián đoạn danh vọng đang lên của một võ sư nổi tiếng, một sự nghiệp mà ông này đã dày công rèn luyện đến mức hoàn thiện trải qua nhiều tiền kiếp. Một quả báo làm gián đoạn một sự nghiệp như thế, tự nhiên là đưa đến sự thay đổi qua một nghề nghiệp khác, và có thể làm khơi dậy một khả năng tiềm tàng khác đã bị chôn vùi và quên lãng từ lâu.
Đó là trường hợp của một thiếu nữ bị bệnh lao xương như đã kể trong chương 5. Sau khi mắc phải chứng bệnh này một thời gian rất lâu, thiếu nữ ấy đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp và cho biết xem cô có thể làm nghề gì để trở nên hữu ích cho xã hội. Ông Cayce khuyên cô nên học đàn, và cho biết thêm rằng cô có thiên tư về âm nhạc, vì trong một kiếp trước ở xứ cổ Ai Cập cô đã từng là một nghệ sĩ chuyên về loại đàn dây. Người thiếu nữ nghe theo và nhận thấy rằng mình quả có một năng khiếu đặc biệt về đàn dây, mặc dù trước kia cô chưa học đàn bao giờ. Sau một thời gian ngắn, cô đã có thể biểu diễn trước công chúng, và cho dù tài nghệ của cô chưa đủ để được nổi tiếng nhưng ít nhất cô đã làm được một nghề hữu ích để tìm thấy lẽ sống cùng hạnh phúc trong cuộc đời.
Trong những kiếp trước gần đây, cô đã làm những nghề nghiệp khác. Như vậy, trong trường hợp này, một quả báo xác thân đã xuất hiện thình lình để làm gián đoạn một sự nghiệp, nhưng lại làm sống lại một tài năng khác đã bị quên lãng.
Một vấn đề khác được nêu ra là người ta có thể có kinh nghiệm cùng lúc về nhiều nghề nghiệp khác nhau hay chăng? Thật ra, trong dòng chảy tự nhiên của nhiều kiếp sống, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Vì thế, hầu như không thể có một con người nào có thể được xem như chỉ có kinh nghiệm hoàn toàn về nghệ thuật chẳng hạn, và không biết gì cả về ngành cơ khí, y học, hay xã hội học. Người ta có thể hình dung rằng mỗi con người đều phải trải qua ít nhiều những hiểu biết và kinh nghiệm về tất cả mọi ngành hoạt động khác nhau, chỉ có điều là họ sẽ chọn lấy theo ý muốn sự phát triển vượt trội của một trong các ngành đó qua nhiều kiếp sống của mình.
Trong rất nhiều trường hợp, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa vấn đề nghề nghiệp và vấn đề tâm linh. Nói một cách khác, một sự khó khăn về nghề nghiệp có thể có nguyên nhân từ một sự khuyết điểm về tánh tình, cần phải được sửa chữa.
Đó là trường hợp của một người đàn ông độc thân, bốn mươi tám tuổi, làm nhân viên địa ốc, vì tánh tình khó khăn nên càng ngày càng bị lúng túng trong việc hành nghề. Ông đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp để biết xem có nên đổi qua nghề khác hay chăng, và nghề nào sẽ thích hợp?
Ông Cayce cho biết rằng trong một kiếp trước ông đã làm nghề dạy học, nhưng ông có một tánh chất hungbạo, cộc cằn và độc đoán. Ông đã mang theo tánh chất cứng rắn và bạo ngược đó trong kiếp này, và nó làm cho ông khó hòa mình trong sự giao tế xã hội.
Ông Cayce khuyên người này không nên đổi nghề mặc dầu ông ta đang bị nhiều nỗi khó khăn trong nghề nghiệp. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:
- Mặc dầu điều đó không phải dễ làm, nhưng nếu cố gắng thì ông sẽ học được những bài học cần thiết.
Có nhiều trường hợp tương tự như thế trong các tập hồ sơ Cayce, làm cho người ta nhớ lại một tư tưởng của Tolstoy. Nhà văn hào này nói rằng những hoàn cảnh trong đời người giống như những giàn giáo dùng để cất nhà. Những giàn giáo này được dựng lên để làm cái sườn chung quanh, nhờ đó mà một ngôi nhà cao tầng được xây dựng ở phía trong. Nhưng cái giàn giáo đó vốn không hề có một giá trị lâu dài. Khi ngôi nhà đã xây xong thì người ta phải dẹp bỏ nó. Có lẽ những sinh hoạt nghề nghiệp của con người cũng cần được hiểu theo cách đó, vì chúng chỉ là những phương tiện và điều kiện cần thiết cho sự tu dưỡng tâm tánh và tiến hóa tâm linh mà thôi.
Những tập hồ sơ Cayce chứa đựng nhiều tài liệu về cuộc đời của một số người có những năng khiếu đã bị quên lãng từ lâu và chôn vùi trong những chỗ thâm sâu kín đáo của tiềm thức. Những cuộc soi kiếp thường nhắc nhở đương sự chú ý đến những khả năng tiềm tàng đó, và trong rất nhiều trường hợp, những khả năng ấy một khi đã được khơi dậy liền có thể phát triển rất mau chóng để trở thành một thiên tư đặc biệt về nghề nghiệp.
Người ta có thể truy nguyên những khả năng đặc biệt này từ những kinh nghiệm mà đương sự đã tích lũy được trong những tiền kiếp. Biết được điều này tức là biết rằng mỗi người trong chúng ta có thể đang chất chứa trong tiềm thức một số vốn kiến thức hay khả năng chưa được dùng đến. Những sự say mê thích thú của ta về một ngành nào đó đều có thể truy nguyên từ những hoạt động của ta trong những kiếp trước về ngành ấy.
Có người chỉ thích thú đặc biệt những sự vật của xứ Tây Ban Nha; hoặc có người chỉ ưa thích những sự vật của Trung Hoa, hay Nhật Bản chẳng hạn; điều đó cho thấy là họ đã từng sống một kiếp trước ở những xứ ấy. Nếu những người ấy biết trau dồi khuynh hướng của họ bằng cách học tiếng Tây Ban Nha, hoặc khảo cứu về lịch sử và văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản... họ có thể làm khơi dậy những ký ức sâu xa trong tiềm thức và những khả năng đã tích lũy được trong kiếp trước ở những xứ ấy. Nhờ đó, họ cũng có thể tiếp xúc với những người mà họ đã từng có dây liên lạc mật thiết trong những kiếp đó.
Sự gặp gỡ với những người mà chúng ta đã có nhân duyên cũ từ kiếp trước có thể hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời của chúng ta bằng cách mở cửa cho chúng ta bước vào những địa hạt hoạt động mà ta không hề nghĩ đến.
Việc làm trước tiên trong vấn đề hướng nghiệp là kiểm điểm lại những khả năng của mình và chọn lấy một khả năng nào trội nhất. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều đồng ý với các nhà chuyên môn về vấn đề hướng nghiệp và thường nêu ra những khả năng trội nhất của đương sự. Nhưng trong những trường hợp khả nghi không quyết đoán, hoặc khi cần đưa ra cho đương sự những cảnh báo đặc biệt nào đó thì ôngCayce thường đưa ra những nguyên tắc đại cương làm tiêu chuẩn cho sự quyết định của họ. Những nguyên tắc đó thường được lặp lại nhiều lần, đến nỗi người ta có thể xem đó như những nguyên tắc căn bản cho việc chọn lựa nghề nghiệp. Dưới đây là một vài nguyên tắc như thế:
Nguyên tắc thứ nhất:
Hãy xác định và nêu cao một lý tưởng.
Điều này có nghĩa là, ta cần phải định rõ mục đích sâu xa của cuộc đời mình và tìm mọi cách nỗ lực thựchiện lý tưởng đó. Sự nêu cao lý tưởng là một điều quan trọng trong vấn đề hướng nghiệp. Những cuộc soi kiếp đều nhấn mạnh rằng ta nên biết rõ về cái lý tưởng mà mình muốn thực hiện. Và lý tưởng đó đối với ta còn cách bao xa?
Ông Cayce cũng nhìn nhận rằng những lý tưởng của một người thường là phức tạp nhưng chúng ta chỉ có thể đi đúng con đường của mình khi nào chúng ta nêu được rõ ràng cái mục đích mà mình muốn đi tới. Sự chọn lựa nghề nghiệp phải căn cứ trên vấn đề xác định và nêu cao lý tưởng trước nhất.
Nguyên tắc thứ hai:
Hãy cố gắng giúp đỡ và phụng sự người khác.
Bằng cách nào ta có thể phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhất? Đó là tiêu chuẩn quan trọng trong việc chọn lựa một nghề nghiệp. Nếu xét thấy một nghề nghiệp nào mà qua đó ta có thể giúp đỡ mọi người quanh ta một cách hiệu quả nhất thì đó chính là nghề nghiệp mà ta nên theo đuổi. Ta đừng bao giờ quên rằng mình là một phần tử của nhân loại. “Giúp đỡ kẻ khác là việc làm cao cả nhất.” Đó là một câu thường được lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp.
Đi kèm với phương châm này, ông Cayce còn nói rằng vấn đề tiền bạc, danh vọng ở đời phải đặt sau lý tưởng phụng sự người khác, và chỉ nên xem đó là những vấn đề phụ thuộc mà thôi.
Một đứa trẻ mười ba tuổi có năng khiếu đặc biệt về nhiều ngành khác nhau và chưa biết nên theo học về ngành nào, đã đặt câu hỏi:
- Tôi phải phát triển khả năng nào để đến lúc trưởng thành tôi có thể kiếm được nhiều tiền bạc nhất?
Câu trả lời của ông Cayce là:
- Em hãy quên đi vấn đề tiền bạc, mà chỉ nên nghĩ đến việc em có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào để làm cho cõi đời này trở nên tốt đẹp hơn. Đừng nên lãng phí công lao cố gắng chỉ vì vấn đề tiền bạc. Tiền bạc sẽ tự đến với ta khi ta dùng khả năng của mình để phụng sự tốt cho nhân loại.
Một người khác hỏi:
- Tôi nên theo đuổi ngành hoạt động nào để có thể kiếm được nhiều tiền nhất?
Câu trả lời cho ông vẫn là:
- Anh hãy gác lại vấn đề tiền bạc. Vấn đề tiền bạc phải là kết quả tất nhiên của sự cố gắng giúp đỡ kẻ khác. Sự thịnh vượng về vật chất phải đi sau lý tưởng phụng sự con người.
Một nhà buôn xuất nhập khẩu cũng nhận được lời khuyên sau đây:
- Phương châm của ông phải là: Tôi muốn phụng sự nhân loại, và tiền tài danh vọng sẽ đến với tôi như những kết quả tất nhiên của một cuộc đời tốt lành và phụng sự. Đừng bao giờ xem tiền bạc như những miếng mồi thơm, rồi vì nó mà ta phải hành động trái với lương tâm để chiếm đoạt.
Nguyên tắc thứ ba:
Hãy sử dụng những gì mình đang có trong tay.
Hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình. Câu này dường như hơi thừa, vì đó là một lẽ rất hiển nhiên. Tuy vậy, cũng như nhiều sự thật hiển nhiên khác, nó cần được lặp lại và nhấn mạnh, vì người ta vốn có thói quen khinh thường những điều giản dị và gần gũi để luôn hướng đến tìm kiếm những chuyện xa vời, khó khăn.
Có nhiều người muốn phụng sự nhân loại, nhưng lại nêu ra một lý tưởng quá viễn vông, không thiết thực, hoặc không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong khi họ chọn cho mình một mục đích cao cả để theo đuổi, thì trong thực tế lại mắc kẹt trong một cuộc đời phức tạp không thể nào thoát ra khỏi. Những trách nhiệm gia đình hay trở lực về tài chánh làm ngăn trở sự thực hiện lý tưởng của họ.
Đối với hạng người này, những cuộc soi kiếp thường khuyên rằng:
- Người ta chỉ có thể sử dụng tốt những gì hiện có trong lúc này. Cuộc hành trình muôn dặm cũng bắt đầu bằng chỉ một bước chân.
Bước chân đầu tiên đó, người ta phải thực hiện ngay từ vị trí hiện tại của mình. Một người đàn bà bốn mươi chín tuổi hỏi ông Cayce:
- Tôi nên làm những công việc gì trong đời? Câu trả lời là:
- Bà hãy giúp đỡ những kẻ yếu đuối và những kẻ vấp ngã; giúp thêm sức mạnh và can đảm cho những kẻ thất bại.
Bà ấy lại hỏi:
- Bằng cách nào tôi có thể làm công việc đó? Ông Cayce đáp:
- Bà hãy bắt đầu ngay từ những cơ hội hiện tại. Hãy sử dụng những gì bà đang có và bắt đầu ngay từ vị trí của bà hiện nay.
Một người đàn bà khác cũng có sự thắc mắc tương tự. Bà ấy đã sáu mươi mốt tuổi, vợ của một vị lãnh sự ở một xứ Bắc Âu. Bà đã từng đi du lịch nhiều nơi ở miền Trung Đông và có nhiều kiến thức sâu rộng. Bà ấy hỏi:
- Tôi phải làm gì để phụng sự nhân loại một cách hữu hiệu nhất?
Câu trả lời cũng giống như trong trường hợp kể trên:
- Bà hãy làm bất cứ việc gì đến với bà hằng ngày. Không phải người làm nên những kỳ công hiển hách, vang dội mới là những kẻ làm được nhiều việc nhất; mà chính những ai biết đón nhận lấy mọi cơ hội phụng sự trong cuộc sống hằng ngày.
Khi những cơ hội hằng ngày luôn được tận dụng triệt để thì những cơ hội tốt lành hơn sẽ có đủ điều kiện để xuất hiện nhiều hơn, và những công việc phụng sự lớn lao sẽ đến ta. Đó là vì khi ta dùng những phương tiện đang có sẵn để phụng sự kẻ khác thì những phương tiện ấy sẽ không bao giờ mất đi, mà tự nó sẽ tiếp tục phát triển một cách dồi dào hơn trước nữa.
Một người khác cũng nhận được lời khuyên tương tự:
- Anh hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của anh. Và khi anh đã làm xong bổn phận, chắc chắn anh sẽ gặp được những cơ hội tốt đẹp và lớn lao hơn nữa!
Lời khuyên đầy tính triết lý này tuy nghe có vẻ rất trừu tượng nhưng lại vô cùng chính xác trong thực tế, và những ai đã tuân theo đều phải thừa nhận nó như một sự thật vô cùng cụ thể. Lời khuyên này không những áp dụng cho những người có ý muốn phụng sự nhân loại, mà cũng được áp dụng như một phương thức hữu hiệu dành cho những ai muốn làm nên sự nghiệp to lớn, vang dội tiếng tăm, cho dù là trên bất cứ lãnh vực hoạt động nào.
Dường như sự lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp về việc “cần phải sử dụng những gì mình đang có và bắt đầu từ vị trí hiện tại” là để chống lại hai khuynh hướng cực đoan thường tình của người đời. Đó là, người ta có thể trở nên hoàn toàn thụ động vì thấy rằng kiến thức của mình quá hẹp hòi nông cạn; hoặc vì có một tầm kiến thức quá bao quát rộng lớn.
Có nhiều người biết rõ mục đích mà họ muốn thực hiện trên các địa hạt nghệ thuật, văn hóa, khoa học hay chính trị. Nhưng vì một sự tính toán sai lầm, họ bỏ dở nửa chừng và không làm gì cả, mục đích của họ dường như không thể thực hiện được. Vì họ không biết rõ về tính liên tục của mọi cố gắng và sinh hoạt trong đời sống con người, nên họ không nhận thức được rằng thời gian không phải là yếu tố giới hạn, vì những gì đã bắt đầu trong kiếp này sẽ đem lại kết quả trong kiếp sau.
Vì lầm tưởng rằng đời sống chỉ giới hạn trong một kiếp sống duy nhất ngắn ngủi nên họ cho rằng mình không thể thực hiện được mục đích vì không đủ thời gian. Họ trở nên hoàn toàn thụ động, tê liệt cả ý chí tiến thủ, và bỏ dở mọi việc. Vì thế, thay vì tích cực thực hiện được phần nào mục tiêu đề ra, họ lại đứng giậm chân tại chỗ không tiến thêm được nữa, và trong những kiếp sau họ lại phải khởi sự từ đầu!
Nhưng nếu người ta biết áp dụng lời khuyên đầy minh triết của ông Cayce là “hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại” và “sử dụng những gì hiện có”, thì sự thụ động kia sẽ không còn nữa, và họ sẽ dùng hết nghị lực để hoạt động theo đúng đường lối, với nhiều triển vọng tốt đẹp và tin tưởng nơi sự thành công trong tương lai.
Ngoài ra, có những người nhờ tin vào thuyết luân hồi nhân quả mà hé mở được tầm nhìn vào tương lai, với một viễn ảnh xán lạn huy hoàng, nhưng họ lại không thể hiện được cái đức tin đó ra thành những hành động xử thế hằng ngày.
Nhiều nhà triết học và khoa học mãi đắm chìm trong việc học hỏi khảo cứu các định luật thiên nhiên ảnh hưởng đến sự tiến hóa của nhân loại, nhưng hoàn toàn không biết rằng sự tiến bộ của con người không chỉ được thực hiện bằng sự học hỏi suông. Họ chẳng khác nào người du khách mãi lo nghiên cứu lộ trình trên tấm bản đồ một cách chăm chú và say sưa nhưng lại chưa bao giờ cất bước ra đi!
Những người ấy luôn mải mê chạy theo với những vấn đề trừu tượng siêu hình đến nỗi khi cần phải thực hiện một sự thay đổi tâm tính hay làm một việc hữu ích để giúp đỡ nhân loại thì họ lại thờ ơ chểnh mảng và hoàn toàn bất lực.
Những cuộc soi kiếp của ông Cayce luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, dù ta sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể làm cho hoàn cảnh ấy trở nên thích hợp với những nỗ lực hướng thiện của ta trong hiện tại. Dù cho gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trái nghịch, chúng ta cũng nên xem đó như những cơ hội giúp ta rèn luyện và tu dưỡng tâm tính, chứ không nên xem đó như là những chướng ngại.
Khi ta biết vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trở ngại thì chúng ta mới xứng đáng bước vào những hoàn cảnh tốt lành và thuận tiện hơn.
Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có đưa ra lời khuyên như sau:
- Anh hãy nhớ rằng, dù anh sống trong hoàn cảnh nào, điều đó cũng là cần thiết cho sự tiếp xúc hằng ngày với mọi người, và chính nhờ sự cải thiện trong từng ngày, từng giờ, từng phút đó mà anh thực hiện được sự tu dưỡng một cách hiệu quả và vươn đến sự hoàn thiện trong tương lai.
Chính nhờ kiên nhẫn xây lắp từng viên gạch nhỏ mà người ta mới hoàn tất được những ngôi nhà đồ sộ. Khi một người đã phát khởi ý nguyện sẵn sàng phụng sự nhân loại, sự cố gắng không ngừng trong từng giờ từng phút là điều kiện cần thiết cho sự hoàn thành tâm nguyện đó, và từ đó anh ta sẽ gặp được những hoàn cảnh, những cơ hội thuận tiện hơn. Mỗi người chúng ta hãy xây dựng tương lai của chính mình với những gì đang sẵn có trong tay, và phải khởi sự một cách kiên nhẫn ngay từ những việc làm vô cùng nhỏ nhặt. Đó là những viên gạch nhỏ không thể thiếu nếu ta muốn xây dựng một tòa nhà tương lai thật đồ sộ và kiên cố.
Trích: NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI
Theo tài liệu Many Mansions (1950)
của Gina Cerminara
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét