Có lập luận chủ trương hôn nhân là khế ước. Nếu hai bên cùng thấy rằng những điều kiện của bên kia thỏa mãn được mình thì ký với nhau một khế ước sống chung tức hôn thú.
Quan niệm hôn nhân là khế ước này hiện nay rất phổ biến. Nhưng khế ước là gì, nếu không phải là sự gặp gỡ giữa hai nhóm điều kiện. Sự gặp gỡ này được mệnh danh là tình yêu thương đôi lứa, là hạnh phúc gia đình như bài trên đã nói. Tình yêu thương đôi lứa hay hạnh phúc gia đình như thế hoàn toàn tùy thuộc vào sự gặp gỡ chủ quan của số lượng ít hay nhiều điều kiện và gặp gỡ ở mức cao hay thấp của những điều kiện ấy. Nếu hai vợ chồng thỏa mãn nhau được tối đa điều kiện như ngoại hình, sức khỏe, tuổi tác, tài năng, bằng cấp, địa vị xã hội, khả năng kiếm tiền, tính tình, gia thế, gia phong và chuyện kín đáo chốn phòng the, v.v... Bên này muốn gì, bên kia có nấy, và có ở một mức độ cao, thì cặp vợ chồng này cho rằng họ có hạnh phúc gia đình.
Nhưng khi hai bên tìm hiểu những điều kiện của nhau để lập ước thì đâu có dễ gì mà tìm hiểu cho đến nơi, đến chốn nên chỉ có những điều kiện tưởng là không thì lại có, tưởng có thì lại không, tưởng nhiều thì lại ít và ngược lại làm cho hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Có những cặp vợ chồng bề ngoài đúng là xứng đôi, vừa lứa, gái sắc, trai tài. Gia đình đôi bên thì giầu sang, quyền thế. Những tưởng hạnh phúc tràn trề. Nhưng ít lâu sau đã thấy họ bỏ nhau, đường anh, anh đi, đường nàng, nàng bước.
Tôi có một người bạn cưới cô vợ đầu. Cuộc tình duyên không hiểu vì sao vừa hợp đã tan. Sau anh lại cưới cô vợ thứ hai. Cô vợ này cũng bỏ anh ra đi, chỉ sau một vài tuần chung sống. Đứng ngoài mà xét thì anh với cả hai cô vợ đều là cặp vợ chồng đẹp đôi. Cả ba đều thuộc hàng danh giá, vọng tộc ở địa phương - không hiểu vì lẽ gì mà anh không có được hạnh phúc gia đình. Gặp lúc đất nước chia đôi, anh ở lại miền Bắc, còn tôi vào Nam. Đến lúc đất nước thống nhất, tôi hỏi thăm tin anh mới biết anh có cưới người vợ thứ ba, nhưng bà vợ này cũng lại bỏ anh. Thế là từ đó anh ở vậy đến già, không vợ, không con. Một người con trai khỏe mạnh, đẹp trai, có học, tính tình đôn hậu, con nhà dòng dõi, giầu có như anh xét ra có nhiều điều kiện hấp dẫn đối với nữ giới, nhưng nghe đồn anh chỉ có một điều kiện xấu, đó là sự bất bình thường về mặt sinh lý, một điều kiện mà người đối ước không thể phát hiện được khi lập ước, nên không một người khác phái nào, sau khi tìm hiểu, dò xét đã quyết định kết tóc ở đời với anh, lại tìm được hạnh phúc bên anh.
Lại nữa, tính tình con người là một điều kiện thường được ngụy trang khéo léo, khó mà tìm hiểu, để có được một kết luận chính xác. Khi chưa lấy nhau thì thường bên này cố tỏ cho bên kia biết là tính tình của mình thuộc loại mười phân vẹn mười. Nhưng chung sống với nhau một thời gian, do sự cọ sát của cuộc sống, của hoàn cảnh, mới phát hiện được bản chất của người phối ngẫu và từ đó hạnh phúc gia đình mới dần đần lạt phai.
Hơn thế nữa, lúc tìm hiểu nhau, người ta lại thường thiên trọng về một điều kiện nào đó mà coi nhẹ các điều kiện khác. Chẳng hạn nếu bên trai hiếu sắc mà gặp bên gái là bậc nghiêng nước, nghiêng thành, hay một bên tham của mà bên kia tiền lắm, bạc nhiều; hoặc một bên tham danh mà gặp bên kia thuộc gia đình, dòng họ thế phiệt, trâm anh, thì việc lập ước hẳn sẽ mau mắn, chóng vánh, bất chấp các điều kiện khác có ra sao thì ra. Đến khi thành vợ, thành chồng họ mới thấy những điều kiện trước kia họ đã coi nhẹ, nay lại có một vai trò quan trọng trong cuộc sống chung và chính chúng đang xói mòn dần dần hạnh phúc gia đình.
Giả thử gặp một trường hợp lý tưởng, hai bên đều gặp được tối đa những điều kiện cần thiết cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp vẹn toàn, thì ngay trong trường hợp này, cũng không phải là họ sẽ có hạnh phúc gia đình bền vững. Vì những điều kiện của khế ước hôn nhân cũng như vạn pháp, phải bị chi phối bởi luật vô thường nghĩa là nay thế này, mai thế khác, nay còn, mai mất. Trong sự chuyển biến này có thể có những điều kiện biến chuyển theo hướng tốt lên, như tài sản chẳng hạn, lúc mới lấy nhau tài sản chỉ có một, sau ăn ra làm nên, tài sản có thể là hai hay ba hoặc nhiều hơn nữa, bồi đắp, củng cố hạnh phúc gia đình. Gặp trường hợp trái lại thì hạnh phúc gia đình phải bị ảnh hưởng. Người Anh có câu ngạn ngữ: "When poverty comes in at the door, love flies out at the window". Nghĩa là khi sự nghèo khó vào nhà thì tình yêu đội nón ra đi. Nhưng có những điều kiện luôn luôn biến chuyển theo chiều hướng xấu đi như nhan sắc, sức khỏe, ấy là chưa kể đến những đột biến xã hội làm cho địa vị, danh vọng, tài sản của một bên lâm vào tình trạng đảo ngược, tiêu vong, thì hạnh phúc gia đình cũng theo đó mà đi vào chỗ chao đảo, cạn vơi, tan vỡ.
Ở đây, quan niệm hôn nhân là khế ước lại có một hậu quả rõ rệt. Vì đã là khế ước thì đôi bên chỉ ký kết dựa trên một số điều kiện nào đó. Nay những điều kiện làm cơ sở cho khế ước hoặc không còn nữa, hoặc đã biến chuyển đến chỗ bất lợi cho một bên thì hai bên đối ước, hay một bên sẽ xử dụng quyền bãi ước, nghĩa là người ta sẽ ra tòa xin ly dị, để rồi mỗi người mỗi ngả, đường ai nấy đi, hạnh phúc gia đình hoàn toàn tan vỡ. Nền pháp lý của các quốc gia chấp nhận quan niệm hôn nhân là khế ước luôn luôn tôn trọng ý chí của người lập ước. Tòa án không bao giờ can thiệp để tìm cách ảnh hưởng đến ý chí của bất cứ bên nào, hoặc của cả hai bên.
Người bênh vực lập luận này thì cho rằng khi cuộc sống chung không còn hạnh phúc, gia đình đã là một loại địa ngục trần gian thì chẳng nên duy trì, níu kéo gắng gượng làm gì cho khổ nhau ra. Hạnh phúc gia đình nằm ở chỗ "hay thì ở, dở thì xéo". Nhưng về mặt gia đình, xã hội thì quan niệm này lại không tránh được những hậu quả tai hại. Trong một gia đình mà đường cha, cha đi, đường mẹ, mẹ đi, thì con cái bơ vơ, trôi dạt, rất đáng thương, rất thiệt thòi vì không được sống trong không khí gia đình ấm áp tối cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường của một con người về mặt tình cảm vào lúc thiếu thời. Sau vì không được trông coi, dạy dỗ đúng mức của cha mẹ, chúng dễ trở thành những phần tử hư hỏng, tác hại cho xã hội, cho tập thể.
Tại Hoa Kỳ những bản báo cáo của các trường đại học nổi danh đã khẳng định rằng những thiếu niên phạm pháp, những bà mẹ vị thành niên sống bằng trợ cấp xã hội đa số là con cái của những gia đình có cha mẹ ly hôn.
Còn hai người phối ngẫu đã quyết định dứt tình kia, thì mạnh ai nấy tìm một tổ ấm mới mà họ nghĩ rằng họ sẽ có hạnh phúc ở trong gia đình tân lập. Nhưng rồi sớm muộn họ lại nhận ra rằng họ cũng chẳng có hạnh phúc với người phối ngẫu đến sau, mặc dầu họ cũng có điều tra, tìm hiểu trước khi đi đến quyết định sống chung. Rốt cuộc trên đường đi tìm hạnh phúc gia đình, đích thực, bền vững chẳng bao giờ họ lại đạt được sở cầu.
Lập luận thứ hai chủ trương hôn nhân là định chế. Theo lập luận này thì sau khi tìm hiểu, nếu hai bên quyết định đi đến hôn nhân, thì kể từ ngày thành hôn hai bên có trách nhiệm duy trì cuộc sống chung cho đến bách niên giai lão. Liên hệ phu phụ không phải là mối liên hệ khế ước mà là mối liên hệ thiêng liêng, đạo đức vì hôn nhân là sự sắp đặt, sự tác thành của Bề Trên, của đại gia đình dòng họ đôi bên. Đã nên vợ, nên chồng thì phải kết tóc sống chung cho đến mãn kiếp, trọn đời. Ai bỏ vợ, bỏ chồng thì bị dư luận chê trách, lên án. Thanh danh gia đình cũng bị ảnh hưởng, và luật pháp cũng không tán trợ chuyện này. Một cặp vợ chồng đưa nhau ra trước cửa công lý để xin ly dị muốn được tòa án sở tại có thẩm quyền chấp nhận thụ lý thì trước hết bên nguyên đơn phải chứng minh được cái lỗi luật định của bên bị đơn (chứ không phải bất cứ lỗi nào), một điều không dễ gì làm được. Trường hợp chứng minh được, thì tòa cũng còn triệu đôi bên đến để hòa giải hai, ba lần, cố ý kéo dài vụ án, với hy vọng thời gian sẽ là tác nhân hàn gắn có hiệu quả. Các nhà làm luật tin rằng trong thời gian chờ đợi kéo dài này với cố gắng hòa giải của Tòa; với áp lực của gia đình, dòng họ; với sự khuyên giải của bằng hữu, thân thuộc, đôi bên sẽ nguôi giận và nhận ra hậu quả trầm trọng cả về đạo đức lẫn cuộc sống, nên vui lòng rút lại ý định ly dị ban đầu.
Lập luận này cho rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Có ổn định được gia đình thì nhiên hậu mới ổn định được xã hội. Gia đình có ổn định thì mới có cơ thịnh vượng, mới tạo dựng được cuộc sống khuôn mẫu tốt đẹp cho con cái trong hiện tại và tương lai. Xã hội có ổn định mới có cơ phát triển, tiến bộ.
Nhưng khuyết điểm của lập luận nay là ở chỗ đã đồng hóa sự sống chung với hạnh phúc gia đình. Vì biết rằng chẳng dễ gì bỏ được nhau trước sức cản của gia đình, của dư luận, của luật pháp nên vợ chồng phải bằng mọi giá tìm ra một đường lối để giữ lấy hòa khí gia đình, để bảo vệ cuộc sống chung. Nếu bản chất có hẹp hòi, cố chấp, thì cũng phải gắng học thói khoan dung, dễ dãi, chín bỏ làm mười, sẵn sàng lui lún, tương nhượng, để liên hệ phu phụ tránh được những căng thẳng đáng tiếc, chồng giận thì vợ làm lành và ngược lại. Nghĩa là lập luận này đẩy hai người phối ngẫu vào đường cùng, ngõ cụt, và tin rằng với sự khôn ngoan biết suy hơn, tính thiệt của con người, vợ chồng sẽ phải tự tìm ra lối thoát nào đó để duy trì cho được cuộc sống chung và dán cho nó cái nhãn hiệu hạnh phúc gia đình.
Lập luận này có tránh được những hậu quả tai hại về cá nhân, về gia đình, về xã hội nhưng nó lại mang tính áp đặt, cưỡng bức. Đôi bên cứ phải sống chung với nhau bằng mọi giá, mặc dù không có sự gặp gỡ, trực tiếp của hai tâm hồn. Có chăng chỉ là sự gặp gỡ trực tiếp của hai thể xác, những khi chung gối, chung chăn. Ngoài những phút giây ân ái ngắn ngủi này thì hai tâm hồn luôn luôn xung đột, kình chống. Hai thể xác tuy là đồng tịch, đồng sàng nhưng tâm tư vẫn xa cách, đối nghịch. Có sống với nhau đến đầu bạc, răng long thì cũng chỉ là gắng gượng, miễn cưỡng, chứ nào có hạnh phúc gì đâu.
Lập luận thứ ba, thịnh hành ở các xã hội Đông Phương, lại quan niệm là đành rằng hạnh phúc gia đình phải tùy thuộc vào một số điều kiện, nhưng điều kiện tối hậu và trội yếu phải là sự hạp mạng của đôi bên. Thí dụ: người con trai mạng mộc, muốn có hạnh phúc gia đình thì phải tìm lấy được người con gái cũng mạng mộc như mình, tốt hơn thì là người con gái mạng thủy, cùng lắm cũng là người mạng hỏa, chứ chớ lấy người mạng kim, vì kim khắc mộc. Người tuổi bính thì chớ lấy người tuổi canh vì bính thuộc hỏa, canh thuộc kim, hỏa khắc kim. Người tuổi kỷ chớ lấy người tuổi quý, vì kỷ thuộc thổ, quý thuộc thủy, thủy thổ tương khắc, v.v...
Vì vậy, các bậc cha mẹ mỗi khi dựng vợ gả chồng cho con cái, hay các thanh niên nam nữ sau khi đã tìm hiểu nhau lại thường tìm đến các thầy tướng số để nhờ coi tuổi hai bên xem bản mạng có hạp nhau không. Các thầy tướng số căn cứ vào can chi năm sinh của đôi bên và dựa vào thuyết ngũ hành sinh khắc, chế hóa để xem xét và đưa ra lời khuyến cáo nên hay không nên tiến tới hôn nhân.
Nhưng trong lập luận thứ ba này thì hạnh phúc của hai vợ chồng có chân mạng hạp nhau cũng chỉ có nghĩa là hai người sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, sinh con đẻ cái, ăn ra làm nên, không có cảnh giữa đường đứt gánh, duyên tình dang dở, gia đình đổ vỡ, thế thôi, chứ không có nghĩa là hễ hạp mạng thì hai vợ chồng sẽ ăn ở với nhau trong hạnh phúc tròn đầy.
Lập luận thứ hai và thứ ba đã đồng hóa sự sống chung với hạnh phúc gia đình, Nhưng ở đời thiếu gì cảnh sống chung dẫy đầy mâu thuẫn, xung khắc. Còn với lập luận thứ nhất thì hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào mức độ gặp gỡ của những điều kiện trong khế ước hôn nhân, nghĩa là nếu những điều kiện ấy biến đổi, thăng trầm, còn mất thì hạnh phúc gia đình cũng theo đó mà sa sút, đầy vơi, mất còn.
Bài viết này không thiên trọng về một lập luận nào vì lập luận nào cũng có phần ưu, phần khuyết của nó, và không lập luận nào có thể giúp cho con người tìm được hạnh phúc gia đình đích thật, vững bền. Bài viết lại cũng không chú trọng đến giai đoạn tiền hôn thú. Chuyện tìm hiểu, dò xét, cân nhắc, dĩ nhiên phải có, là chuyện riêng của đôi bên và của hai gia đình. Ở đây chỉ đề cập đến giai đoạn sống chung. Làm thế nào để vợ chồng luôn luôn chung sống trong yêu thương tròn đầy. Dù ở hoàn cảnh nào, điều kiện nào, khi trẻ đẹp cũng như lúc già xấu, khi hưng phấn cũng như lúc suy vong, hạnh phúc gia đình không vì một lý do nào mà bị xói mòn, suy giảm, tan biến. Cuộc sống chung luôn luôn yêu thương, hài hòa, an vui, nồng thắm. Ở đây cũng không đề cập đến những cặp vợ chồng bất bình thường, nghĩa là một bên hoặc cả hai ở vào một trạng thái quá quắt không thể chấp nhận được, như một bên có khuyết tật sinh lý (trường hợp anh bạn nói trên), hay một bên ăn chả, một bên ăn nem, hay một bên đam mê các thú vui ích kỷ (rượu chè, trăng hoa), hay chạy theo lý tưởng, danh lợi một cách thái quá, đưa đến chỗ bỏ bê gia đình, thiếu sót nghĩa vụ đối với người phối ngẫu.
Tôi đã từng thấy một ông chồng tuy không bê tha chè rượu , không ong bướm lăng nhăng, nhưng lại quá ham mê khoa bảng, một ham mê chẳng thể gọi là tội lỗi, xấu xa, nhưng chết nỗi ông chồng này đã dành toàn bộ sức lực, thời gian cho sách đèn, chẳng lưu tâm đến gia đình. Rốt cuộc người vợ đành phải bỏ ông, bước đi bước nữa, để mặc cho ông đeo đuổi công danh.
Ở đây chỉ đề cập đến những cặp vợ chồng bình thường, bình thường về mọi mặt, không có mặt nào thái quá cũng không có mặt nào bất cập. Với những cặp vợ chồng bình thường này thì làm thế nào để có được hạnh phúc gia đình?
Cho dù đôi bên có những điều kiện lý tưởng để hấp dẫn nhau, cho dù cuộc hôn nhân có được các bậc tướng số uyên bác mách bảo, thì cũng không vì thế mà gia đình có được hạnh phúc tròn đầy. Lý do là trên thế gian này chẳng bao giờ lại có trường hợp hai người sống chung, dù là vợ chồng, lại hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi vấn đề to nhỏ trong cuộc sống. Thôi thì ăn uống, may mặc, phục sức, giải trí, nuôi dạy con cái, v.v... nói chung là trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, thường thường mỗi người đều có nhu cầu riêng, kinh nghiệm riêng, ý thích riêng, quan niệm riêng, đường lối hành động riêng, do đó ít hay nhiều thường phát sinh những va chạm ý kiến. Trong những va chạm ấy chỉ cần một bên lỡ lời, nặng tiếng và bên kia khởi niềm tự ái là dẫn đến xô xát, căng thẳng.
Và mỗi lần có va chạm, xô xát thì bên nào cũng đưa sự kiện ấy vào tồn trử trong ký ức, y như một chuyên viên điện toán đưa một dữ kiện vào bộ nhớ của máy. Cứ như thế, các dữ kiện về người phối ngẫu dần dần tích lũy, mỗi ngày mỗi nhiều, nơi tâm tư của cả hai bên. Mỗi lần thấy nhau là những dữ kiện xấu về nhau lại nhanh như chớp, xuất hiện, xen vào làm cho mối tương giao giữa hai tâm hồn mất hẳn tính trực tiếp, vẻ hồn nhiên. Các dữ kiện xấu kia bóp méo, xuyên tạc, bôi vẽ, để người này không thể thấy được người kia như họ đang là. Vợ gặp chồng, chẳng thấy được chồng thật sự ra sao vào thời điểm ấy, mà lại chỉ thấy chồng qua hình ảnh xấu xa đã lưu giữ trong ký ức, nghĩa là chỉ thấy một gã đàn ông cố chấp, độc đoán, ích kỷ, trịch thượng, tàn nhẫn, v.v... và chồng gặp vợ cũng vậy, cũng nhìn vợ qua những hình ảnh xấu xa nào đó mà anh đã tồn trữ suốt trong quá trình sống chung.
Những dữ kiện xấu về nhau cứ tiếp tục tích lũy theo thời gian, lâu dần tâm lý hai người như hai ly nước đầy, chỉ cần thêm một giọt nữa là ly nước tràn trào, hoặc như một con lạc đà chở nặng, chỉ cần thêm một cọng rơm là con vật gẫy lưng, sụm gối.
Nếu quan sát một cuộc cãi vã giữa một cặp vợ chồng đang có chuyện bất hòa, ta thường thấy lúc đầu cuộc cãi vã chỉ tập trung vào một nguyên nhân trực tiếp, đơn giản nào đó, nhưng rồi nó dần dần lan rộng sang các vấn đề khác. Đáng lẽ cuộc cãi vã ngắn gọn, thu gom vào một điểm, nhưng vì những mâu thuẫn, xung đột trong quá khứ tồn trữ trong ký ức mỗi bên xô đến, tham gia vào, đóng góp vào, làm cho cuộc cãi vã vượt khỏi giới hạn ban đầu, và trở nên mỗi lúc mỗi trầm trọng, mỗi phức tạp. Bên nào cũng truy tìm quá khứ, moi ra những dữ kiện cất dấu thuở nào để được thể oán trách, than van hoặc để chứng minh phần phải về mình và phần trái về người, làm cho không khí, ngày càng căng thẳng.
Những dữ kiện, những hình ảnh tồn trữ, lưu chấp trong ký ức chính là tư tưởng. Tư tưởng thường không đi đôi với hạnh phúc. Có tư tưởng xen vào là hạnh phúc sứt mẻ, suy giảm, tiêu vong. Đúng vậy, nếu bạn không ôm ấp bất cứ một hình ảnh trẻ đẹp nào khác, hay không lưu chấp chính cái hình ảnh trẻ đẹp của người phối ngẫu lúc đầu còn xanh, tuổi còn ít, thì làm sao bạn thấy người bạn đời ấy già xấu, để từ đó khởi lên niềm chán chường rẻ rúng. Nếu bạn không cất giữ trong tâm bạn những dữ kiện về sự giầu có, sang trọng thuở nào của người phối ngẫu như tiền bạc rủng rỉnh, quyền chức đầy người, cửa cao nhà rộng, thì làm sao bây giờ bạn biết người ấy đang ở trong hoàn cảnh suy vong, thất thế, để mà buồn rầu về lẽ hưng phế đưa đến khinh khi, miệt thị người bạn đời chẳng may gặp cảnh hẩm hiu. Nếu bạn không tồn trữ tất cả những hình ảnh xấu xa về người phối ngẫu trong những lần va chạm, xung đột mà cuộc sống chung thông thường không mấy ai tránh khỏi, thì làm gì bạn lại có những thành kiến, thiên kiến về người phối ngẫu, để rồi mỗi khi thấy nhau thì những thành kiến, thiên kiến ấy lại xô đến, chụp lên và che khuất thực tướng của người phối ngẫu, riết rồi chẳng nhìn thấy nhau mà chỉ còn nhìn thấy cái giả tướng do thiên kiến, thành kiến tạo nên, khiến hai tâm hồn cứ bị cách ngăn, ảnh hưởng nặng nề đến hạnh phúc gia đình.
Cái căn bệnh mất hạnh phúc gia đình của chúng ta là ở chỗ đó. Biết được bệnh căn rồi thì việc chữa trị coi như đã đạt được 50% như ngạn ngữ của người Anh nói: "To know the disease is half the cure". 50% còn lại là vấn đề ý chí, có tinh tấn chữa trị hay không, thế thôi.
Nếu hai vợ chồng ăn ở với nhau mà ai cũng có tâm vô trụ, nghĩa là "Sự lai nhi tâm tùy hiện, sự khứ nhi tâm tùy không", việc đến thì tâm có, việc đi thì tâm lại không, thì vấn đề hạnh phúc gia đình đâu có còn phải đặt ra.
Những gì thuộc quá khứ hãy trả lại cho quá khứ hết. Những hành động nghịch lý, thiếu nghĩa, thiếu tình của người phối ngẫu bữa nào đã đi vào quá khứ rồi không bao giờ trở lại nữa, nó còn, là chỉ tại ta níu kéo, gìn giữ nó thôi. Những lời nói xấu xa, xúc phạm của người phối ngẫu vừa nói ra khỏi miệng là đã đi mất dạng rồi, đố ai kéo giữ lại nổi, chỉ tại ta cứ "miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời".
Nói khác đi, nếu ta còn bị quá khứ chi phối, tức thời gian tâm lý chí phối thì tư tưởng vẫn còn cơ hội xen vào cuộc sống lứa đôi làm cho hạnh phúc gia đình bị xói mòn, phai lạt.
Một bài báo của biên tập viên Jim Dickey đăng trong nhật báo San Jose Mercury News phát hành ngày 14 tháng 2, 1995 nói về hạnh phúc gia đình của cặp vợ chồng trại chủ trong quận hạt Santa Clara (tiểu bang California). Cụ ông Tony 90 tuổi gốc Phi. Cụ bà Lily Siquiz 75 tuổi gốc Mễ. Hai cụ đã ăn ở với nhau 55 năm, có tám mặt con, 12 cháu và 3 chắt. Suốt thời gian dài chung sống này, gia đình hai cụ lúc nào cũng hòa thuận, yêu thương. Được hỏi về bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình, thì cả hai cụ đều nói: "Chúng tôi không tranh cải" (we didn't argue). "Và khi người này nổi giận thì người kia nín nhịn". (When one of us get mad, the other would keep quiet). Đây đúng là một lề lối hành xử khôn khéo để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Người Việt Nam chúng ta cũng thường nhắc nhở: "một điều nhịn, chín điều lành". Vì tranh cải tạo điều kiện thuận lợi cho tư tưởng xô đến, xen vào, đẩy hạnh phúc gia đình mỗi lúc mỗi xa, để đến một ngày nào đó dứt khoát vượt khỏi tầm tay của cả đôi bên.
Thế nhưng có lẽ hai cụ Tony và Lily chưa nói hết lời. Đành rằng nín nhịn là tốt, nhưng nín nhịn nếu không đi đôi với nếp sống phi thời gian, phi không gian thì cũng không bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Vì nín nhịn hàm chứa một thái độ nhẫn nhục, một sự dồn nén. Để những nhẫn nhục, dồn nén ấy không có cơ hội tích góp, chồng chất, dẫn đến một bùng nổ khó tránh trong tương lai, đem lại hậu quả tai hại cho hạnh phúc gia đình thì cả hai bên phải biết nín nhịn mà như không nín nhịn vậy. Điều này chỉ có được nhờ ở lối sống phi thời gian, phi không gian tức phi tư tưởng của hai người phối ngẫu mà thôi.
Đúng vậy, nếu hai bên phu phụ đều biết chủ động sống phi thời gian phi không gian, nghĩa là sống trọn vẹn với hiện tiền, thì những hình ảnh xấu xa về những việc làm không đẹp, về những thái độ thất thố, về những cử chỉ thất thường, và những lời nói chói tai, xúc phạm của người phối ngẫu ngày nào, đâu có thể trở lại, chen vào mối tương quan chồng vợ để đôi bên không thấy được cái thực tướng hoàn toàn mới mẻ của nhau. Sáng đi làm, chiều trở về tổ ấm gia đình, vợ chồng gặp lại nhau, thấy nhau hoàn toàn mới mẻ như hai người xa lạ chưa từng gặp nhau bao giờ thì chắc chắn gia đình chúng ta sẽ ngập tràn hạnh phúc, một loại hạnh phúc chân thật, tròn đầy, bền vững, một loại hạnh phúc mà thế gian này ít người có được, kể cả những người giầu sang nhất, quyền lực nhất và tài năng nhất, nếu họ vẫn còn lẩn quẩn trong vòng chi phối của thời gian, không gian tức của tư tưởng.
Nhi Bất Nhược
Audio: Hạnh Phúc Gia Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét