Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

So chiếu

...Con người ta thường rất bất công khi so chiếu. Cuộc sống con người có nhiều mặt. Theo khoa tử vi của Đông Phương thì có 12 cung trong mỗi lá số (12 cung trong một lá số tử vi là: bản mệnh, cha mẹ, phúc đức, nhà đất, quan lộc, nô bộc, thiên di, tật ách, tiền bạc, con cái, chồng vợ, anh em), tượng trưng cho 12 mặt của cuộc sống. Ta có thể kém người mặt này, nhưng có thể hơn họ mặt khác. Hoặc trong hiện tại tất cả 12 mặt, mặt nào ta cũng kém họ thì cũng không chắc gì trong tương lai họ sẽ mãi mãi hơn ta về mọi mặt như thế. Vậy mà khi so chiếu ta chỉ nhắm vào một mặt nổi cộm nào đó mà thôi, và chỉ thua kém riêng về mặt ấy ở hiện tại cũng đã đố kỵ, hờn ghen ngập tràn rồi. 

***

Tôi đang hành ĐẠO GIẢI THOÁT ngay giữa chợ, nghĩa là tôi đang chú tâm vào hiện tiền; đang an nhiên, tự tại; đang vui hưởng hạnh phúc Niết Bàn ngay trong cảnh ồn ào, náo nhiệt của chợ phiên buổi sớm. Bỗng nhiên, có một bà đến trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi và cho biết là trước đây bà là nữ thư ký quốc phòng phục vụ trong một đơn vị do tôi chỉ huy. Qua vài lời thăm hỏi thông thường, bà ghé sát miệng vào tai tôi nói nhỏ: "Hôm nọ nghe đài Hoa Kỳ (VOA), em thấy loan tin chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận về một chương trình tái định cư tại Mỹ những người sĩ quan cải tạo như bác. Em mong phía Mỹ sớm đón bác đi, chứ ở đây, em thấy bác khổ quá. Cứ mỗi lần gặp bác là em lại động lòng thương bác". Thì ra bà này cũng như tôi, cũng như mọi người khác, cũng phạm các sai lầm giống nhau. Tôi thật sự có khổ gì đâu, ngay lúc gặp bà, và thường ngày tôi cũng chẳng khổ. Chắc hẳn bà cho rằng tôi trước kia có chức, có quyền, nay sống cuộc đời dân giã, nên phải khổ thôi. Nhờ ánh sáng của ĐẠO, tôi đã dứt khoát, không nuối tiếc quá khứ, không chạy theo ảo ảnh của tương lai, tùy duyên mà sống. Vì vậy tâm tư vẫn bình ổn ngay cả trong cảnh tang thương, dâu bể ấy.
Trường hợp anh chị A cũng vậy, tôi cứ nhất mực cho rằng anh chị ấy sung sướng. Sau có dịp gặp gỡ, truyện trò với người anh ruột của anh A, tôi mới được biết rằng từ ngày anh chị A có được một nền kinh tế gia đình khởi sắc, thì cũng từ ngày đó tai họa dồn dập xô vào nhà anh, làm cho cuộc sống anh chị ấy chồng chất khổ đau. Số là sau khi đã cho bốn đứa con đầu vượt biên trót lọt, an toàn, anh chị ấy trong tay sẵn tiền do các cháu từ nước ngoài gửi về, bèn thừa thắng xông lên, ép đứa con trai còn lại vượt biên tiếp, mặc dù thằng nhỏ này rất sợ sóng nước, biển khơi. Nó đã nhiêu lần tỏ ý thoái thác nhưng vì áp lực từ phía cha mẹ, nó đành nhắm mắt ra đi, để rồi mất tích luôn. Anh chị A dấu nhẹm chuyện này không cho ai hay, trừ người anh ruột của anh A. Thế là từ đó mặc cảm giết con cứ âm thầm cắn xé anh chị ấy. Đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, thắp nhang bàn thờ thằng nhỏ thì hai anh chị lại giọt ngắn, giọt dài. Anh A thì hàng ngày lại cứ mượn chén giải sầu. Anh vốn đã bị đau bao tử nặng ngay từ lúc còn trong trại cải tạo, nay uống rượu liên miên, bệnh trở nên trầm trọng, ói ra máu phải đi giải phẫu. Chưa hết, đứa con gái út là đứa con duy nhất còn ở lại Việt Nam với anh chị ấy, thì cũng vì gia đình có tiền, có bạc dồi dào, nên đâm ra ăn diện, nay mốt này, nay mốt khác. Tuổi còn nhỏ mà đã cặp bồ, cặp bịch lung tung. Sau nó bỏ nhà theo trai. Anh chị ấy lại thêm một nỗi rầu đứt ruột.
Đấy, trong lúc tôi thật sự không biết anh chị A sướng, khổ thế nào, nhưng tôi lại cứ khăng khăng một mực cho rằng anh chị ấy sung sướng. Đúng là lấy vọng làm chân! Trừ những bậc đạt "tha tâm thông" thì không biết thế nào, chứ như chúng ta thì không thế nào suy đoán được chính xác cái sướng, cái khổ của người khác. Ngay cả trường hợp sự suy đoán có tương đối chính xác đi nữa, nghĩa là ta cho rằng người nào đó là sướng hay khổ thì người đó quả có sướng, có khổ thật, hoặc ta lại được chính người đó nói lên nỗi khổ, cái sướng của họ cho ta nghe, thì ta cũng chẳng thể biết được nỗi khổ và cái sướng của người đó ra sao và thế nào, bất quá ta cũng chỉ lấy kinh nghiệm sướng, khổ của bản thân ta để hiểu biết cái sướng, khổ của người đó mà thôi. Nhưng trên thực tế làm gì lại có cái sướng, cái khổ của người này giống cái sướng cái khổ của người kia như một. Sướng hay khổ là chân kiện, nên sướng, khổ của người nào thì chỉ người ấy mới cảm nhận được chính xác mà thôi.
2. Cuộc sống của mỗi người chỉ là nghiệp báo. Tất cả những hành động, những nói năng, những suy nghĩ của ta trong quá khứ có thể là hiện kiếp hay ở các kiếp trước, mà có tác ý (có tư tưởng xen vào) đều là nghiệp. Nghiệp thì có ác nghiệp, có thiện nghiệp. Nghiệp ta đã thế, duyên ta đã thế, thì cuộc sống của ta phải thế, chứ không thể khác được. Ta bị sống, chứ không thể sống theo ý ta mong muốn. Trong quá khứ có bao giờ lại có hai người có nghiệp nhân giống hệt như nhau, để đến nay có nghiệp quả giống hệt như nhau và do đó cuộc sống của hai người in tuồng như một. Không bao giờ lại có chuyện ấy. Đòi một chuyện như thế xảy ra thật là điều không tưởng. Thế mà tôi cứ đòi chuyện gì xảy ra cho anh A cũng phải xảy ra cho tôi. Nếu không được thế thì sinh tủi phận, hờn ghen.
Trong cuộc sống của hai chúng tôi trước đây tưởng như có nhiều điểm tương đồng, nhưng thật ra nó chẳng giống nhau chút nào. Cuộc sống của anh là của anh. Cuộc sống của tôi là của tôi. Hai cuộc sống hoàn toàn khác biệt nhau. Đem hai cái hoàn toàn khác biệt mà so chiếu với nhau thì còn gì phi lý cho bằng, vả lại tôi chỉ đòi những gì mà tôi cho là tốt đẹp đến với anh A cũng phải đến với tôi, chứ tôi chẳng bao giờ lại đòi những gì mà tôi cho là xấu xa, bất hạnh đến với anh A phải đến với tôi đâu.
Hơn thế, con người ta thường rất bất công khi so chiếu. Cuộc sống con người có nhiều mặt. Theo khoa tử vi của Đông Phương thì có 12 cung trong mỗi lá số (12 cung trong một lá số tử vi là: bản mệnh, cha mẹ, phúc đức, nhà đất, quan lộc, nô bộc, thiên di, tật ách, tiền bạc, con cái, chồng vợ, anh em), tượng trưng cho 12 mặt của cuộc sống. Ta có thể kém người mặt này, nhưng có thể hơn họ mặt khác. Hoặc trong hiện tại tất cả 12 mặt, mặt nào ta cũng kém họ thì cũng không chắc gì trong tương lai họ sẽ mãi mãi hơn ta về mọi mặt như thế. Vậy mà khi so chiếu ta chỉ nhắm vào một mặt nổi cộm nào đó mà thôi, và chỉ thua kém riêng về mặt ấy ở hiện tại cũng đã đố kỵ, hờn ghen ngập tràn rồi. Lại nữa, ta nhất mực cho rằng cái hơn kia là phước, cái kém này là họa. Nhưng phước họa nào có mãi mãi phân minh. Phước nay mà họa mai và họa nay mà phước mai. Trong phước đã có mầm họa và trong họa đã có nhân phước. Vả lại phước họa, rủi may, cái trò nhị nguyên đối đãi này, chỉ là chuyện đặt bầy của tư tưởng mà thôi. Nhân đã vậy thì quả phải thế, chứ nào có phước họa, rủi may gì đâu.
3. Phàm đã so chiếu thì thế nào cũng đưa đến hơn thua. Hơn thì sinh khinh thị. Thua thì sinh đố kỵ. Khinh thị thì tổn đức, là gieo một nhân xấu. Chẳng thế mà có những vị tu hành chỉ giữ có một pháp là pháp-bất-khinh mà đắc quả Bồ Tát (Thường Bất Khinh Bồ Tát).
Đố kỵ thì còn nguy hiểm hơn thế nhiều, vì đố kỵ thường đưa tới những suy nghĩ xấu, những nói năng xấu, những hành động xấu nhằm làm giảm thiểu, triệt tiêu cái ưu thắng của đối tượng. Như vậy thì nghiệp nhân xấu gieo trồng không biết bao nhiêu mà kể và cái quả trực tiếp, nhãn tiền là cái dằn vật, cái day dứt mà ta phải thọ lãnh tức thì khi có đố kỵ. Nếu người ta có hơn mình thì cũng là chuyện của người ta. Phước ai nấy hưởng. Nếu ta muốn bằng người hay hơn người thì chẳng có cách nào khác là ta hãy làm tốt, nói tốt, nghĩ tốt, phóng sinh, bố thí, trì giới, niệm Phật, ăn chay , v.v... rồi phước báo sẽ đến với ta. Ta đố kỵ một, chứ đố kỵ mười thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phước báo của kẻ khác, mà chắc chắn chỉ ảnh hưởng xấu đến phước báo của chính ta thôi.
Phật tại Tâm hay đúng hơn tâm chính là Phật, một quyền năng siêu việt và công bình tuyệt đối. Không cứ gì những hành động to lớn nổi bật thiện hay ác mà ngay từ một cái ngoéo tay, một cái liếc mắt, một ý nghĩ thầm kín tốt hay xấu nhen nhúm trong ta đều được tâm ta ghi chép đầy đủ, không thiếu, không sót. Thế rồi một hệ thống cân, đong, đo, đếm, bù qua, sớt lại được thực hiện mà phàm trí của chúng ta không thể nghĩ bàn, để định nên cuộc sống của ta ở hiện kiếp và các kiếp sau. Thế nghĩa là chính ta tạo nên số phần của ta, và dĩ nhiên ta có toàn quyền, cũng như có khả năng sửa đổi số phần ấy. Ngoài ta ra không có một thế lực nào định đặt nên cuộc sống của ta hiện tại hay tương lai. Vui vẻ, sung sướng thì chẳng nói làm gì, nhưng có gặp cảnh éo le, cùng khốn thì ta chẳng nên oán trời, trách người, mà chỉ nên ý thức rằng vạn sự do ta. Ta làm, ta hưởng. Làm lành, hưởng lành, làm ác, hưởng ác, một quy luật công bình tuyệt đối mà không một ai, không một tổ chức nào lại có thể can thiệp vào được, ngoài ta ra.
4. Đức Phật dạy tứ vô lượng tâm tức Từ, Bi, Hỉ, Xả. Ở đây chỉ nói đến tâm Hỉ. Hỉ là vui mừng trước cái vui mừng, cái hạnh phúc, cái may mắn, cái thành công của người khác. Ba tâm kia (Từ, Bi, Xả) không nói đến trong bài viết này, nhưng tâm thứ tư còn lại là tâm Hỉ thì hoàn toàn không có nơi tôi. Nếu như tôi có tâm Hỉ thì lòng đố kỵ, tính ghen tỵ làm gì còn có cơ nhen nhúm và phát triển để đẩy tôi vào phiền não, khổ đau, và khiến tôi tự nhiên, vô cớ đang tâm cắt đứt tình bằng hữu thâm viễn, mặn nồng.
Danh nghĩa là một người Phật tử (buddhist follower), tôi đã chẳng học tập được gì từ những lời truyền dạy quý báu của Phật.

* * *

So chiếu kích thích tham dục, và tham dục lúc nào cũng là cội gốc của phiền não, khổ đau và sợ hãi. Vì vậy có người chủ trương hãy dứt đi mọi so sánh, hãy tuyệt đi mọi đối chiếu. Chuyện người thì mặc người. Ta ôm chuyện người làm chi cho khổ tâm, cực thân.
Người khác lại chủ trương rằng hãy trông xuống, chứ đừng trông lên, nghĩa là nếu không dứt tuyệt được mọi so chiếu, thì ta chỉ nên so chiếu với những ai, về một mặt nào đó, mà ta biết chắc là họ thua kém.
Nhưng tư tưởng của ta vốn vô cùng bén nhậy, chỉ trong chớp mắt là việc so chiếu đã hoàn tất. Ta có muốn ngăn chặn cũng không kịp. Ta cũng không thể nào giới hạn mọi so chiếu vào một hướng và chỉ một hướng mà thôi.
Là một người bình thường, đứng trước mọi khác biệt chắc chắn ta phải biết, chứ không thể không biết. Ta cưỡi một chiếc xe đạp cà rịch, cà tàng, chợt thấy bạn ta đi xe hơi đời mới là lập tức ta đã thấy bạn sang giầu hơn ta. Nếu không thấy biết như vậy, thì ta chẳng còn là người bình thường nữa.
Trang Tử, trong một buổi di hành, gặp một vị Vương hầu. Vương hầu thấy Trang Tử quần áo rách rưới, chân đi giầy bằng giây gai bện, bèn hỏi:
- Sao tiên sinh khổ não quá vậy?
Trang Tử đáp:
- Tâu bệ hạ, hạ thần nghèo thì có nghèo, nhưng khổ thì không khổ.
Trước hai cảnh đời trái nghịch: Vương hầu thì mũ cao, áo dài, kẻ hầu, người hạ, ngựa trước, xe sau. Còn bản thân thì quần áo, giầy dép tiều tụy, xác xơ, chẳng lẽ Trang Tử lại không biết vị vương hầu kia giầu sang hơn mình sao, mà hễ đã biết là có so chiếu rồi. Nhưng dù có so chiếu Trang Tử không hề vướng mắc vào sự so chiếu ấy. Vương hầu giầu sang là chuyện của Vương hầu. Trang Tử vẫn an vui, tùy duyên mà sống. Cái sang giầu của vị vương hầu chẳng ảnh hưởng được đến nếp sống khiêm nhường, thường lạc, tự tại của Trang Tử.
Vậy thì tuyệt đi mọi so chiếu là điều bất khả thi. Còn chủ trương chỉ trông xuống, chứ đừng trông lên, cũng là điều không thể thực hiện được. Đúng vậy, so chiếu là một vấn đề khó tránh, hay đúng hơn là không thể tránh được. Vậy làm thế nào để so chiếu dù có xẩy ra nhưng ta vẫn không vướng mắc vào những sự so chiếu ấy cho đời bớt phiền não và khổ đau?
- Đường lối duy nhất để vô hiệu hóa mọi sự so chiếu là sống phi thời gian. Sống phi thời gian là sống trọn vẹn với hiện tiền. Không sống phi thời gian tức không sống trọn vẹn với hiện tiền thì mãi mãi ta vẫn còn là nạn nhân của so chiếu, và phiền não, khổ đau muôn thuở vẫn cứ bám chặt lấy ta để tha hồ xâu xé, dằn vật và hành hạ ta.


Nhi Bất Nhược

Audio: So chiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét