Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

CẢ ĐỜI TÔI TÌM CHÚA

Tôi vốn không thích viết về tôi, một cái tôi đáng ghét. Đã có nhiều độc giả từng đặt ra những câu hỏi, thắc mắc, đúng hơn là những ức đoán có mục đích dèm pha về đời sống cá nhân, gia đình, và nội tâm của con người tôi. Nhưng tôi vẫn giữ im lặng, chẳng cần phải thanh minh hay biện giải. Bởi lẽ, những dèm pha đó không liên quan đến những gì tôi đã viết. Nhưng nay nghĩ lại, có lẽ mình cũng nên chia sẻ với các độc giả về lý do tại sao tôi không còn tin về sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng.
Đã có nhiều tác giả ngoại quốc viết về đề tài này, bao gồm Bertrand Russell với bài Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Ki-tô Giáo; [1] hoặc Robert Ingersoll, Tại Sao Tôi Là Người Không Tin. [2] Do vậy, ở bài viết này, tôi sẽ không đề cập chi tiết về các luận chứng của họ để dành chỗ cho những điều riêng tư, những điều mà tôi đã từng trải nghiệm, kinh qua, để rồi mãi tới ngày hôm nay mới dám khẳng định công khai điều mình đang cảm nhận. Đây là kết quả của một cuộc tìm kiếm suốt cả đời người.


Sau đây, tôi sẽ lần lượt trình bày lý do tại sao tôi không còn tin có Chúa qua các tiểu mục sau:


· Tất cả chỉ tại một chữ duyên
· Thượng đế nào?
· Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
· Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
· Kết luận

Tất cả chỉ tại một chữ duyên
Tôi đã dành trọn cả cuộc đời tôi để đi tìm bằng chứng và dấu vết về sự tồn tại của một thượng đế mà người Công Giáo gọi là Thiên Chúa. Mới chừng 11 tuổi đầu (hè 1965), tôi gia nhập Tiểu Chủng Viện Sao Biển thuộc giáo phận Nha Trang để học làm linh mục, theo gót chân của anh tôi. Sau sáu năm, tôi dời bỏ đời sống tu trì, hăng say nhập vào cuộc đời khi gần 17 tuổi (cuối năm 1970). Mặc dù vậy, thắc mắc về sự tồn tại của Thiên Chúa luôn luôn cứ theo bám, luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Đến khi đã trưởng thành, học xong bậc đại học, tôi vẫn còn hăng say tích cực hoạt động tông đồ ở một xứ đạo VN bên Hoa Kỳ. Tôi đã là thành viên của hội Cursillo, thư ký của nhóm Linh Thao, sáng lập viên tờ Đồng Hành, và là giảng viên Giáo Lý lớp 12 cho các em học sinh VN của cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo VN, New Orleans, Louisiana. Ở tuổi gần 40, sau khi đã có gia đình và bốn thằng con trai, tôi còn là giáo viên dạy Việt Ngữ, ủy viên Công Giáo Tiến Hành, và thừa tác viên Thánh Thể cùng với các linh mục cho giáo dân rước mình thánh Chúa trong những ngày lễ cuối tuần ở cộng đoàn Chúa Cứu Thế, Long Beach, California.
Tôi cũng đã từng trải nghiệm những giây phút sảng khoái, xúc động khi cầu nguyện với Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, tưởng như được Chúa và Mẹ yêu thương cách riêng đến nỗi nhiều khi rơi rớt đôi dòng lệ. Nhưng tôi cũng đã có những giây phút yếu đuối, ngã lòng, nghi ngờ, tự hỏi không biết có Chúa thực, hay tất cả đơn thuần chỉ là một thứ cảm xúc tự nhiên do trí óc tưởng tượng của con người. Và tôi cũng đã cầu xin Chúa cho tôi một dấu chỉ, một tín hiệu để tôi biết Ngài đang hiện diện. Nhưng tất cả chỉ là sự im lặng tuyệt đối, trống vắng, từ tháng này qua tháng khác, từ năm kia sang năm nọ, suốt cả cuộc đời này.
Nếu cuộc đời cứ trôi nổi mãi như vậy thì tôi đã không phải là tôi như ngày hôm nay, nghĩa là tôi vẫn cứ vô tư, thoải mái tin và làm những gì đã được nhồi sọ ngay từ khi mới chào đời.
Cái cơ duyên bất ngờ đã đến khi tôi có dịp đọc cuốn Hành Hương Đất Phật của tác giả Phan Thiết, tức cựu Thẩm Phán Nguyễn Kim Khánh. Đây là một cuốn sách viết về Phật Giáo bởi một tín đồ Thiên Chúa Giáo, có mục đích xuyên tạc và dèm pha Phật Giáo. Nhưng chính cuốn sách đó là cuốn tôi đã đọc say mê lần đầu tiên trong đời về Phật ở cái tuổi ngoài 40

Bởi lẽ, là một người Công Giáo theo đạo dòng, được rửa tội từ khi mới vài tuần tuổi, tôi luôn luôn xem Bụt và tất cả các thần linh của các tôn giáo khác là ma quỷ, mê tín dị đoan. Tôi cầu nguyện đêm ngày, xin Chúa giữ gìn, tránh xa mọi dịp cám dỗ để khỏi bị sa ngã. Khi mới qua Hoa Kỳ, có lần hai ông mục sư Mỹ gõ cửa nhà tôi để dụ đạo. Tôi đã mời họ vào để nghe họ giảng đạo và xin một ít sách báo để tìm hiểu thêm về Tin Lành, nhưng đã bị cha mẹ tôi la rầy, không muốn tôi tiếp xúc với họ nữa. Và tôi đã vâng lời cha mẹ tôi một cách miễn cưỡng.

Nhưng ngày nay, vì công ăn việc làm, tôi phải sống lẻ loi nơi một thành phố xa lạ, hoàn toàn tách biệt khỏi cha mẹ, anh em, họ hàng, bà con lối xóm, và các bạn bè đồng đạo. Bằng tư duy và nhận thức độc lập, chính bài Vô Tự Chân Kinh đã giúp tôi quyết định tự tìm hiểu thêm về các tôn giáo khác khi đã ở cái tuổi quá nửa đời người. Lời kệ của Đức Thế Tôn được ghi lại trong kinh Tăng Nhất Tập chứa đựng một chân lý mà cho đến nay không một ai có thể phản bác ở bất cứ điểm nào:
Đừng tin điều gì do kinh sách.
Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền.
Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại.
Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhân.
Đừng tin điều gì do người ta tưởng tượng ra rồi gán cho thần phật nói.
Đừng tin điều gì vì uy tín của thày dạy.
Nhưng hãy tin vào điều các con đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho các con và kẻ khác.
Lòng tin ấy sẽ thăng hoa đời con, và các con hãy lấy đó làm tiêu chuẩn.” [3]

Tôi tự hỏi, nếu ý tưởng của bài kinh kệ đó đích thực là chân lý thì tại sao ở ngoài cái tuổi tri thiên mệnh này tôi vẫn không thể tự tạo cho mình một hướng đi? Cứ nhắm mắt tin và làm theo những gì được dạy dỗ chỉ vì đức vâng lời thì rõ ràng đó là một thái độ hành xử vong thân, vong bản vì đối nghịch với bản chất đích thực của con người vốn có lý trí và ý chí tự do. Tôi phải là tôi, chứ không cần phải là một người nào khác mà tôi muốn bắt chước. Tôi muốn mình là một con người có đầy đủ nhân vị, không phải một con chiên, càng không phải một ông thánh. Và nếu có muốn bắt chước thì cũng phải từ một quyết định tự do cá nhân, chẳng phải quyết định áp đặt của bất cứ ai. Tôi sống cuộc đời của tôi với tinh thần trách nhiệm, an nhiên tự tại, không phải cuộc đời của thiên hạ.
Chỉ một câu kinh Phật đã làm thay đổi toàn vẹn cách lối tư duy và nhận thức của một tín đồ Công Giáo đạo dòng. Thay vì cứ “nhắm mắt tin” vì đó là lời Chúa thì bây giờ tôi chỉ“tin vào điều đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho mình và cho kẻ khác”. Tất cả hoàn toàn đều do một chữ duyên.

Thượng đế nào?
Có một lỗi lầm rất căn bản mà chúng ta thường vấp phạm là không xác định được thượng đế nào khi bàn về thượng đế, bởi vì có đủ thứ hầm bà lằng thượng đế. Từ khi có con người, mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những ông thượng đế khác nhau. Tôn giáo nào cũng khẳng định chỉ có thượng đế mình đang tôn thờ là chân thật nhất. Ngoài ra, tất cả các thượng đế khác hay thần linh của các tôn giáo khác đều là ma quỷ, mê tín dị đoan, sản phẩm của tưởng tượng. Mỗi tôn giáo đều có những niềm tin đặc thù, nhiều khi còn mâu thuẫn, đối nghịch với nhau, không thể tất cả cùng đúng. Vẽ người mới khó, chứ vẽ ma quỷ thì dễ vẽ vô cùng!
Vậy thượng đế mà tôi đã bỏ cả cuộc đời để tìm kiếm là ông thượng đế nào? Có phải Ngài là một hữu thể sáng tạo, luôn luôn quan tâm và lo lắng cho đời sống của con người trần gian như Thiên Chúa của Độc Thần Giáo; hay đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người đã một thời được dân gian thờ cúng như các thần linh trong Phiếm Thần; hay Ngài chỉ là cái nguyên nhân đầu tiên khởi động vũ trụ, rồi sau đó hoàn toàn lãnh đạm, không còn màng đến nó nữa, như một số khoa học gia một thời tin theo Tự Nhiên Thần Giáo, trước khi có sự khẳng định của nhà vật lý thắng giải Nobel, Stephen Hawking, về việc vũ trụ có thể tự sinh do chính các định luật của thiên nhiên?
Bởi vì tôi đã từng là một người Công Giáo nên chỉ muốn bàn về một thượng đế hữu ngã, có nhân tính (personal God) của Độc Thần Giáo, một thượng đế có đầy đủ hỉ nộ ái ố, đối nghịch với thượng đế vô ngã (impersonal god) được hiểu bàng bạc và mơ hồ trong Tự Nhiên Thần Giáo, Ấn Độ Giáo, và ngay cả trong Phật Giáo. Người Thiên Chúa Giáo gọi thượng đế là Thiên Chúa, và chỉ có một Chúa duy nhất, chủ ý bao gồm tất cả các thượng đế hay thần linh của các tôn giáo khác, kể cả ông trời trong dân gian VN còn được gọi là Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Giê-su của Thiên Chúa Giáo là Thiên Chúa, nhưng Gia-vê của Do Thái Giáo và Allah của Hồi Giáo cũng vẫn là Thiên Chúa, mặc dù người Do Thái Giáo và Hồi Giáo không phải là người Thiên Chúa Giáo vì họ không tin Giê-su.
Như vậy, đối với người Thiên Chúa Giáo, nhân vật Giê-su, một người đàn ông sinh ra ở Do Thái cách nay hơn 2.000 năm, chính là Đức Ki-tô, cũng là Thiên Chúa, cũng là thượng đế, cũng là đấng sáng tạo trời đất và muôn loài, có những thuộc tính toàn năng, toàn hảo, toàn trí, toàn thiện, ở khắp mọi nơi, thường hay chăm lo và can thiệp tới những công việc của loài người qua các phép lạ như đã có bàn đầy dẫy trong hai cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước.
Người Công Giáo tin vào Thiên Chúa quan phòng bằng câu răn dạy rằng “một sợi tóc trên đầu rụng xuống không ngoài thánh ý của Thiên Chúa”. Khi tôi khôn lớn hơn và có thể suy nghĩ độc lập thì mới nhận ra tất cả chỉ là “thánh ý” của Vatican, một quốc gia ngoại tộc, có cơ cấu và tổ chức độc tài toàn trị nhất trong thế giới, và là thành viên của Liên Hiệp Quốc như bao các quốc gia độc lập khác.
Khi đọc các luận chứng mà các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo đã trưng ra, tất cả đều không thuyết phục đối với những người có đầu óc tìm hiểu theo phương pháp của khoa học. Các triết gia và khoa học gia đã trưng ra cho chúng ta thấy những ngụy biện nội tại, nằm ngay trong các luận chứng. Và đó chính là lý do tại sao Công Giáo muốn người tín hữu phải có niềm tin, được thăng hoa thành một đức hạnh lớn nhất trong mọi đức hạnh: ĐỨC TIN. Đó là một cái bẩy xập mà những người tín hữu đã tự nguyện nhắm mắt ngay từ khi mới chào đời thì không dễ gì còn có thể nhìn thấy.
Không có khoa học nào khuyến khích chúng ta tin những điều đối nghịch với lý lẽ, với những quan sát thông thường, và với các bằng chứng hiển nhiên trước mắt. Tính nghi ngờ, sự suy xét chín chắn, tìm hiểu có phê phán là phẩm hạnh cần thiết, được đòi hỏi trong tất cả các bộ môn khoa học, đối nghịch với đức tin của Công Giáo. Nếu không phải để cổ vũ cho những điều vô lý thì chẳng cần bịa ra đức tin. [4] Chỉ với mục đích bảo vệ và phát triển đạo Công Giáo, con người đã bị nhồi sọ bằng việc tự lừa dối chính mình, cứ nhắm mắt trước tất cả mọi bằng chứng hiển nhiên, đối nghịch, và chỉ tin vào một thẩm quyền của Hội “Thánh” hơn là khả năng phán đoán của chính họ, tất cả nằm ở lời Chúa dạy: “Phúc cho những ai không thấy mà tin!”
Thực ra, sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ là một giả định hoang tưởng mà chưa ai có thể chứng minh, một giả định có từ thời tiền sử, đối nghịch với các khám phá của khoa học.
Ngay ý niệm thượng đế đơn thuần như là nguyên nhân đầu tiên để khởi động vụ nỗ lớn (big bang) cũng đã bị khoa học loại bỏ; bởi vì vũ trụ này thì vô tận, đã có từ vô thủy vô chung, nghĩa là không có khởi đầu và chấm dứt nên không cần phải có nguyên nhân đầu tiên. Mang thượng đế để gán cho một nguyên nhân đầu tiên làm tác động vụ nỗ lớn đã trở nên dư thừa, không còn cần thiết nữa. Chỉ cần đơn giản đặt một câu hỏi “vậy ai sinh ra thượng đế” thì cũng đủ đánh đổ mọi luận chứng biện minh cho sự tồn tại của một thượng đế như là nguyên nhân đầu tiên.
Nhưng thượng đế của Thiên Chúa Giáo lại còn là một sinh vật rất yêu thương và chăm lo cho phúc lợi của con người. Nếu chúng ta dùng lý luận thuần lý của Parmenides, một triết gia cổ Hy lạp, thì cũng đủ đánh đổ sự tồn tại của Thiên Chúa, một thượng đế hữu ngã có đầy đủ nhân tính; bởi vì không thể có sự hiện hữu của bất cứ thứ gì có những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau. Bởi vậy, khi nhìn thấy thế giới này tràn đầy mọi sự dữ, và sự dữ vẫn cứ xảy đến cho đủ mọi hạng người, kể cả những người đã bỏ cả cuộc đời để theo Chúa, Epicurus lý luận như sau từ mấy ngàn năm trước:
- Có phải Thiên Chúa rất muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không thể ?Vậy Thiên Chúa đâu phải là toàn năng.


- Có phải Thiên Chúa có thể ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không muốn? Vậy Thiên Chúa đâu có nhân từ và thương yêu con người.

- Có phải Thiên Chúa có thể và rất muốn ngăn ngừa sự dữ ? Vậy tại sao lại có sự dữ đầy dẫy ở trong thế gian này?
- Phải chăng Thiên Chúa không thể và cũng không muốn ngăn ngừa sự dữ? Thế thì tại sao cần phải tôn thờ Thiên Chúa?
Trong bài Không Thể Có Thượng Đế, tác giả Richard Dawkins cũng lập luận như sau:
“Có một sự thôi thúc để lập luận rằng mặc dù không cần thượng đế để giải thích sự tiến hóa của một trật tự phức tạp một khi vũ trụ đã khởi động với những định luật vật lý căn bản của nó, chúng ta vẫn cần đến một thượng đế để giải thích nguồn gốc của mọi sự vật. Ý tưởng này không có dành cho thượng đế làm nhiều điều: chỉ việc tạo ra vụ nổ lớn rồi ngồi đó và chờ đợi mọi sự sẽ xảy ra. Nhà vật lý và hóa học Peter Atkins, trong cuốn sách viết rất tuyệt của ông, Sự Sáng Tạo, quy định một thượng đế lười biếng đã làm việc ít nhất có thể để khởi sự đủ mọi thứ. Atkins giải thích từng bước của lịch sử vũ trụ tiếp nối nhau bằng định luật vật lý đơn giản. Như vậy, ông đã xén dần số lượng việc làm mà một thượng đế lười biếng cần làm và cuối cùng kết luận rằng, thực vậy, thượng đế chẳng cần để làm bất cứ một điều gì.” [5]
Bởi vì Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo thuộc nhóm Độc Thần Giáo đều đã được xây dựng trên nền tảng của một giả định hoang tưởng nên những cố gắng chứng minh của họ đã hoàn toàn thất bại đối với dòng tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Bởi đó, họ mới phải viện dẫn đến đức tin như một cái bẩy xập để nô lệ hóa tâm linh con người. Và cái bẩy xập này hiện đang được họ bảo vệ rất chặt chẽ, có hệ thống. Ai dám đụng chạm, phỉ báng niềm tin của họ thì chỉ có tội chết. Những bạo động của họ được tôn giáo phong thánh. Cây gậy và củ cà rốt - hình phạt hỏa ngục hay phần thưởng thiên đàng - luôn luôn là nỗi ám ảnh và động cơ khích lệ cho những điều gian ác, nhân danh việc bảo vệ tôn giáo. Chỉ cần gọi tên đúng hoặc sai cái ông thượng đế tưởng tượng kia là Ki-tô, hay Allah, hay Gia-vê, hay Giê-su, cũng đủ đưa đến kết quả hoặc thiên đường hay địa ngục, làm phân chia ranh giới giữa con người, làm động cơ cho những đối xử tàn ác, không khoan nhượng với những kẻ không cùng niềm tin như họ, những kẻ mà họ vẫn hằng ngày khinh thường gọi là quân man di, mọi rợ, dị giáo, vô đạo, kẻ thù, sa-tan, hoặc quân vô thần.
Trong tất cả mọi lĩnh vực, ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề là chuyện bình thường hằng ngày ở huyện. Nhưng riêng ở trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ cần khác nhau một niềm tin thì cũng đủ có thể biến bạn thành thù. Và tôi cũng đã từng trải nghiệm những người bạn một thời rất thân thương hiện đang xem tôi như một kẻ tử thù. Tất cả chỉ tại vì chúng tôi không còn có cùng một niềm tin tôn giáo.

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
Tôi là một kỹ sư cơ khí, chuyên về ngành kỹ nghệ không gian, hiện đang còn làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ. Một trong các công việc chính yếu nhất của tôi là làm những cuộc điều tra để xác định nguyên nhân một bộ phận của máy bay bị hư hại trước thời hạn để từ đó đưa ra những đề nghị: hoặc có nên tiếp tục sửa chữa bộ phận theo cách thức đang có sẳn, hoặc công ty đang cung cấp có nên thay đổi thiết kế của bộ phận, hoặc có nên thay thế toàn bộ phận đó bằng một bộ phận khác của một công ty khác, hoặc có nên làm một thiết kế hoàn toàn mới khác. Tôi đã từng viết cả trăm bản tường trình đúc kết các cuộc điều tra (final engineering investigation report). Dĩ nhiên, một bản tường trình đúc kết như vậy luôn luôn là kết quả cộng tác của nhiều chuyên viên khác trong các ngành chuyên biệt, và còn từ cả nhiều công ty có liên hệ. Và tôi cũng đã từng đọc hằng trăm bản tường trình đúc kết khác của các đồng nghiệp. Có những cuộc điều tra rất đơn giản, chỉ liên quan đến một bộ phận không quan trọng, cho dù hư cũng chẳng gây hệ quả gì nghiêm trọng khi máy bay đang bay. Nhưng cũng đã có nhiều cuộc điều tra liên quan đến các bộ phận tối quan trọng (critical safety item), làm rớt máy bay, gây tử vong cho nhiều người, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Khi làm công việc khoa học kỹ thuật này từ mấy chục năm nay, tôi đã nhận ra một điều rất đáng để suy nghĩ, là chưa bao giờ tôi thấy một kỹ sư đồng nghiệp nào đã khẳng định, hoặc cho dù chỉ suy đoán, rằng nguyên nhân chính yếu (root cause) làm rớt máy bay có nguồn gốc siêu tự nhiên. Nếu có một vị kỹ sư nào viết như vậy thì rõ ràng đó là một sự điên khùng có một không hai, một trò hề ngoài sức tưởng tượng.
Trong tất cả các phương trình khoa học, tuyệt đối không có yếu tố siêu nhiên để giải thích các hiện tượng. Tất cả mọi sự xảy ra trong vũ trụ này đều có nguyên nhân tự nhiên. Bởi thế, Einstein, một nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, đã phát biểu rằng:
"Nếu bạn làm cùng một việc và theo cùng một cách thức thì bạn sẽ luôn luôn có kết quả như nhau. Nếu bạn có kết quả khác, có nghĩa là bạn đã làm việc khác hoặc theo cách thức khác.”
Thí dụ về chiếc máy bay dân sự Boeing 777-200ER của hãng hàng không Mã Lai, chuyến bay MH370, đã mất tích vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 mà cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Nếu chúng ta đem vào bất cứ một hữu thể thiêng liêng nào để giải thích một biến cố mà hiện nay khoa học chưa giải thích được, như là ý Chúa nhiệm mầu để giết chết tất cả 239 hành khách, thì rất ư là khôi hài, tàn nhẫn, độc ác, vô tâm, vô cảm, vô đạo, chắc chắn chẳng một ai tin. Có phải vì đó là ý Chúa thì chúng ta nên ngừng ngay mọi cố gắng tìm kiếm? Và những thiên tai, thảm họa không phải do con người như các trận động đất, núi lửa, sóng thần, mưa bão, lụt lội, và các bệnh dịch Si-đa, Ebola… thì sao? Có phải đó cũng là ý Chúa? Nếu “mọi sự đều do thánh ý Chúa, kể cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống”, nghĩa là Thiên Chúa toàn năng có ý định muốn các biến cố đó phải xảy ra, thì chúng ta, những loài thụ tạo, làm sao có thể cưỡng chống? Và những cố gắng của con người để giải cứu các nạn nhân có phải rõ rệt là đang chống lại ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa toàn năng?
Chúng ta vẫn thường được dạy “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người thế gian” (Cv 5, 29) cho dù cả cuộc đời chúng ta chưa từng nghe Chúa nói, ngoài những lời nói của Vatican tự phong cho mình quyền đại diện Thiên Chúa để có thể cầm buộc dưới đất cũng như trên trời. Những lời tuyên bố, răn dạy như “chiên ta thì phải nghe tiếng ta”, “bỏ Ngài thì con theo với ai?”, hoặc “thà mất nước chẳng thà mất Chúa”… thì cũng chỉ để “vâng lời trong tuân phục”một thế lực tôn giáo hoàn vũ đã từng phải xưng thú bảy núi tội lỗi đối với đồng loại. Khi bảo rằng "của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” thì có khác gì đem cả linh hồn và trí khôn giao nạp cho quốc gia ngoại tộc Vatican?
Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
Tôi đã cố gắng dành trọn cả cuộc đời này để đi tìm bằng chứng và dấu vết của Thiên Chúa, nhưng kết quả chỉ là một con số không to tướng, ngoài sự trống vắng, im lặng tuyệt đối. Từ đó, chỉ cần động não một chút, những câu hỏi và thắc mắc sau đây tự động tuôn ra trong đầu óc, nên xin được trình bày ở đây theo cách thức nghiêm túc của học thuật trí thức:

1. Tại sao Thiên Chúa cứ phải che giấu thân phận mình? Chẳng phải chính Thiên Chúa đã xuống thế làm người để tỏ mình bằng xương bằng thịt cho thiên hạ thấy hay sao? Rồi có vô số phép lạ Chúa làm để tỏ mình đã được ghi chép trong các kinh sách Công Giáo. Không lẽ đó chẳng phải là ý Chúa muốn mọi người nhận biết Chúa là đấng thực hữu?
2. Nếu Chúa đã từng tỏ mình ở trong quá khứ thì tại sao không còn tỏ mình ở trong hiện tại, cái thời hậu hiện đại mà khoa học có thể nghiên cứu, điều tra tường tận để vạch trần được mọi sự gian dối?
3. Nhưng Thiên Chúa thì toàn năng, ở khắp mọi nơi, có thể làm được hết mọi sự, vậy tại sao ý muốn tỏ mình của một đấng Toàn Năng lại không thể thực hiện, cũng chẳng hiệu quả hơn gì ý muốn của các phàm nhân có rất nhiều giới hạn?
4. Còn nếu Thiên Chúa đã thay đổi ý định, không muốn con người nhận biết Ngài nên không còn tỏ mình nữa, thì tại sao Giáo Hội Công Giáo cứ làm trái ý của Thiên Chúa trong suốt hơn 2.000 năm qua bằng cách phí công sức và tiền của để rao giảng về Thiên Chúa, núp dưới mỹ từ là “đem tin mừng cứu rỗi muôn dân”?
5. Tại sao một đấng toàn năng, toàn trí như Thiên Chúa lại cần phải thay đổi ý định? Các phép lạ trong Công Giáo đang chứng minh bất khả phủ bác rằng Thiên Chúa đã phải thay đổi ý định nhiều lần chỉ vì lời van xin hay hối lộ của con người hèn mọn. Điều này thì hoàn toàn đối nghịch với tính toàn năng và toàn trí của Thiên Chúa.
6. Tất cả những điều vô lý đó không phải đã chứng minh rõ ràng Giáo Hội Công Giáo đã và đang làm công việc buôn thần bán thánh, những thứ giả mạo, không có thực, từ hơn 2.000 năm nay sao?

Tôi đã được dạy rằng Thiên Chúa thì phải như thế này, phải như thế nọ; nhưng khi đã khôn lớn, những điều đó tự động trở nên hiển nhiên phi lý, ngớ ngẫn, hoàn toàn không còn thuyết phục. Những gì các ông thần học chí chóe bàn về Thiên Chúa thì cũng giống y chang như những gì thiên hạ vẽ hưu vẽ vượn trong các chuyện tiểu thuyết hư cấu hay thần thoại hoang đường. Khi còn là một đứa con nít, tôi tin hoàn toàn những chuyện nhảm nhí đó, không bao giờ có một chút thắc mắc. Bây giờ đã trưởng thành với đầy đủ trí khôn rồi, tôi không còn tin chúng nữa.
Như vậy, có sự khác biệt gì giữa một đức tin tôn giáo và niềm tin mê tín dị đoan, ngoài việc đức tin tôn giáo thì được cổ vũ, hỗ trợ, tuyên truyền, nhồi sọ, và rao bán bởi một tổ chức tôn giáo có thế lực nhất hoàn vũ; trong khi niềm tin bị cho là mê tín thì không, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao? Vậy đức tin trong bản chất đích thực thì hoàn toàn đồng nghĩa với các niềm tin mê tín dị đoan khác trong dân gian.

Kết luận.
Kết quả tìm kiếm suốt cả cuộc đời tôi về sự tồn tại của Thiên Chúa là một sự im lặng tuyệt đối, trống không. Đó chẳng phải là một điều lạ lùng gì! Những thắc mắc ở trên đã minh xác rằng Thiên Chúa chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người, cũng giống như các nhân vật trong các chuyện tiểu thuyết hay thần thoại hoang đường, không hơn không kém. Sự việc Chúa phải im lặng, che giấu thân phận, là chuyện đương nhiên, tất yếu, không thể khác được. Có sinh vật tưởng tượng nào mà chẳng phải tuyệt đối giữ im lặng?
Do đó, tôi có thể bảo đảm rằng nếu chúng ta tôn thờ và cầu nguyện với bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào bằng một đức tin không lay chuyển như chúng ta đang tôn thờ và cầu nguyện nơi Thiên Chúa thì chúng ta cũng sẽ nhận được những điều từ họ như những điều chúng ta nhận được từ Thiên Chúa.
Những luận chứng của các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đều hoàn toàn có thể áp dụng để chứng minh cho sự hiện hữu của bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào. Mặc dù vậy, trên đời này chẳng có ai đã trưởng thành còn tin vào sự hiện hữu của các sinh vật tưởng tượng trong tiểu thuyết thần thoại hoang đường, nhưng lại có vô số người tin có Thiên Chúa. Vậy đó chính là kết quả của một nền giáo dục và tuyên truyền nhồi sọ, không phải một tặng phẩm hay hồng ân do Chúa ban.
Các phép lạ, những biến cố vi phạm các định luật của khoa học, thì ở trong tôn giáo hay thần thoại nào cũng có. Đức tin trong thực chất không thể đi đôi với khoa học. Thiên Chúa cũng giống như đôi nạng gỗ. Nếu ai phải cần cặp nạng đó để có thể đi đứng vững vàng thì xin cứ việc tự do, thoải mái sử dụng, nhưng đừng bao giờ mong muốn người khác cũng phải đi bằng đôi nạng gỗ như mình. Đối với những người còn dám sử dụng lý trí, họ vẫn cứ đi đứng thoải mái, vững vàng bằng chính đôi chân của họ mà chẳng cần cặp nạng gỗ. Và tôi tin chắc rằng chúng ta cũng có thể đi đứng như họ, nếu muốn.
Con người chúng ta đích thực là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hoặc những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn chuyện trên trời. Có một điều lạ lùng, vô lý và rất khôi hài là khi các nhà khoa học bàn chuyện trên trời thì chúng ta gọi họ là những thằng mù hay con ếch; nhưng khi những con ếch hay thằng mù ngồi ở đáy giếng tận bên Vatican bàn chuyện trên trời thì chúng ta lại gọi “đó là lời Chúa”.
Đứng trước những sự kiện bất khả phủ bác, các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo không thể phản biện được bất cứ điều gì, ngoài việc tiếp tục dèm pha, tấn công tư cách cá nhân của các tác giả. Họ thường kết án thiên hạ cái tội đánh phá tôn giáo. Nhưng thưa bạn, việc bảo vệ và phục vụ chân lý, hay bảo vệ và phục vụ tôn giáo, việc nào thì quan trọng, nên làm hơn? Hỏi tức là đã trả lời, bởi vì “chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”. Tôn giáo chỉ là một trong muôn vàn con đường dẫn ta đến các chân lý, không phải tự nó đang là chân lý. Nó chỉ là phương tiện, không phải cùng đích của cuộc đời chúng ta mong tìm kiếm. Chắc chắn không có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật, kể cả Công Giáo.
Riêng cá nhân tôi còn bị kết án thêm cái tội ăn cháo đá bát. Vậy tôi xin trích dẫn quan điểm của tác giả Robert Ingersollđể trả lời cho lời cáo buộc này. Ông được người đời tôn vinh là Người Không Tin Vĩ Đại (The Great Agnostic) vì đã khước từ những niềm tin của gia đình và tổ tiên sau khi ông đã trưởng thành. Trong bài Tại Sao Tôi Là Người Không Tin, ông biện giải như sau:
"Nếu chúng ta phải theo tôn giáo của cha mẹ chúng ta thì cha mẹ chúng ta cũng phải theo tôn giáo của họ. Như vậy thì đã không thể có sự tiến bộ trong lĩnh vực tư tưởng. Tôn giáo đầu tiên có lẽ đã là tôn giáo cuối cùng, và người con có lẽ đã chết trong sự ngu dốt như người mẹ. Sự tiến bộ có lẽ đã không có, và sự thông minh của nhân loại có lẽ đã bị hy sinh ở tại những ngôi mộ của các tổ tiên.” [2]
Vậy thưa bạn, cái tội đánh phá tôn giáo, hay cái tội đánh phá chân lý để làm cản trở sự tiến bộ tri thức của con người, tội nào là tội nặng hơn cả? Nếu tôi viết sai, xin bạn hãy chỉ ra cái sai nằm ở chỗ nào; còn nếu tôi viết đúng, tại sao lại kết án tôi?

Trần Tiên Long
Mùa lễ nghỉ Noel 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét