Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Cẩn thận khi dùng email và internet - Chính phủ Mỹ kêu gọi không dùng Internet Explorer

Kính thưa quí bạn,

Hôm nay, tôi muốn nhắc các bạn cẩn thận khi dùng email và internet. Ngày nay chuyện gian dối quá nhiều. Đã nhiều lần tôi thấy những email gởi đến kêu gọi gia nhập các trang web xã hội thí dụ như Face Book, như nhiều lắm quên mất tên… Cũng có nhiều trang web bắt ghi danh mới cho xem. Đa số bạn ta vô tình lọt bẫy. Internet là chốn giang hồ toàn là bí danh ẩn danh, người lương thiện và kẻ ác đều y nhau, các bạn nên cẩn thận lắm lắm.
1. Thí dụ ngày nào đó các bạn nhận được email của tôi gởi đến mượn các bạn chừng năm bảy trăm hay một vài ngàn đô vì lý do đi du lịch ngoại quốc bị mất hết giấy tờ và tiền bạc. Có bạn thấy thương tình bèn gởi tiền cho mượn. Té ra là đưa tiền cho kẻ gian.
2. Chuyện điển hình khác là các bạn nhận được email thông báo vừa trúng rút thăm của Google, của Microsoft …. Được 500,000 đô. Muốn nhận số tiền nầy thì các bạn phải ghi chi biết tên tuổi nghề nghiệp ngày sinh số account trong ngân hàng, địa chỉ…số phone… Vậy mà cũng có người mắc mưu kẻ gian khai hết “lý lịch” cũng như ghi danh gia nhập.
Hoặc có khi các bạn nhận được email nói rằng “tôi” là “đốc tờ” XYZ, chức vụ nầy nầy trong ngân hàng (tên và địa chỉ lạ hoắc) thấy có số tiền vô chủ. Nếu các bạn hợp tác với “tôi” thì mình chia đôi… Muốn hợp tác thì cho tôi biết tên tuổi và gia phả ba đời của bạn...
Hoặc tôi là nhân vật chức sắc ở quốc gia “Công Gô” có vài trăm triệu đô muốn chuyển ra ngoại quốc, nếu bạn hợp tác thì tôi sẽ chia cho bạn vài triệu đô đánh bài chơi. Muốn vậy thì bạn đưa gia phả của bạn cho tôi.

3. Chuyện gạt nhau khác nhẹ hơn là những webpage xin tiền phước thiện. Kế đó là loại email xin tiền để mổ tim, cắt bướu cho cháu bé mầm non Nụ Hồng nào đó. Gởi đi càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Các bạn lầm thì rán chịu, nhưng vô tình hại bạn bè khi forward chúng đi tiếp theo lời kêu gọi “càng nhanh, càng nhiều càng tốt”. Tại sao loại email nầy có hại các bạn tự tìm hiều. Viết hoài mỏi tay quá rồi.

4. Chuyện thứ tư tinh vi hơn là kêu gọi ký tên thình nguyện thư chống một chuyện gì đó. Thí dụ qua email kêu gọi hãy log vô website nầy nầy để ký tên thỉnh nguyện thư kêu gọi nhà “cầm đồ” Lào ngưng xây đập trên sông Mekong (hay đem cầm nguyên cả đất nước), hoặc ký tên kêu gọi chánh phủ đừng làm một chuyện nầy chuyện nọ. Nhiều bạn thấy hữu lý vội vã làm ngay mà không kịp suy nghĩ coi website đó là do ai làm ra, nhóm người lập ra đó là những người tin được không?
Khi mà các bạn ký tên vào “thỉnh nguyện thư” rồi thì có khi tên tuổi các bạn được thu thập gởi về… để ghi vào sổ đen.

5. Chuyện kế tiếp là có khi các bạn sẽ nhận được email xin vài chục đô gây quỹ. Nếu các bạn cho qua credit card thì eo ôi Ông Địa, người ta biết số credit card và lý lịch các bạn rồi, không biết tương lai họ có dùng credit card của các bạn để mua hàng hoá hay đi Las Vegas đánh bài không. Ngay cả các bạn gởi biếu tấm check đi nữa thì số tiền trong check đó chạy vô túi ai các bạn đâu biết dù cho trên check ghi rõ là trả cho “Qũy cứu trợ nạn lụt năm Ất Dậu”.
Ngày nay một đứa bé cũng có thể lập một webpage lớn để mọi người log vô thấy tưởng là do tổ chức nào có uy tín lắm. Có những website buôn bán hàng hoá khi log vô tưởng là của một công ty có hàng ngàn nhân viên, đâu có ngờ đó là webpage do một người duy nhất làm ra. Người nầy vừa là chủ nhân, vừa là thơ ký, vừa là nhân viên bán hàng, vừa là nhân viên giao hàng.
Nhân đây nói thêm: Nếu các bạn thường dùng credit card để mua sắm qua Internet thì nhớ dùng cái credit card có mức tiền tối thiểu chừng $1500 thôi, đừng dùng cái credit card có limit vài chục ngàn đô.
Các bạn biết có nhiều chuyện mình đâu nói “trần” ra được. Nếu các bạn quan tâm và muốn tránh cho tương lại không bị mắc bẫy thì nên đọc từ từ hay đọc lại một lần. Với mấy hàng trên các bạn nên đọc những chữ vô hình nằm giữa hai hàng chữ thật.
Cũng vì những lý do đó mà tôi gọi Internet là chốn giang hồ có nhiều chông gai cạm bẫy. Hoa thơm cỏ lạ cũng có nhưng hiếm lắm, đa số là những kiến thức chết người, là hình “Photoshop”. Kẻ ngây thơ như đa số chúng ta thì “ngàn đời” vẫn bị gạt. Muốn tránh được phần nào thì phải luôn luôn có “chánh niệm” khi đi xách keyboard và bình cà phê dấn thân vào chốn giang hồ.

Huỳnh Chiếu Đẳng


Chính phủ Mỹ kêu gọi không dùng Internet Explorer

Một lỗi bảo mật nghiêm trọng xảy ra với trình duyệt Internet Explorer (IE), nhất là với máy tính dùng Windows XP khiến chính phủ Mỹ, Anh, Úc kêu gọi tạm không sử dụng IE vì có thể bị tin tặc chiếm quyền điều khiển, thay vào đó nên dùng Google Chrome, Mozilla Firefox.



Máy tính dùng hệ điều hành Windows XP dễ bị tin tặc tấn công qua trình duyệt Internet Explorer do Microsoft đã ngưng hỗ trợ XP từ tháng 4.2014 - Ảnh: Reuters
Theo CNET, Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 28.4 đã kêu gọi công dân và doanh nghiệp tạm ngưng dùng IE đến khi Microsoft sửa được một lỗ hổng bảo mật mà tin tặc lợi dụng để tấn công.
Lỗi này xuất hiện từ thứ bảy 26.4 và đang ảnh hưởng toàn cầu.
Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, trình duyệt từ IE 6 đến IE 11 có thể bị ảnh hưởng hoàn toàn. Còn Microsoft từ ngày 26.4 cũng cảnh báo IE có thể bị hacker đột nhập tấn công máy tính.
IE từ bản 6 đến 11 đang được hơn 50% người dùng máy tính toàn cầu sử dụng, theo NetMarket Share.
Chính phủ Anh, Úc cũng khẩn cấp thông báo tương tự với công dân mình.
Trong thông báo của mình, Microsoft cho biết hacker khai thác thành công lỗ hổng này (trên IE) có thể điều khiển hoàn toàn một hệ thống bị ảnh hưởng. Sau đó kẻ tấn công có thể cài đặt các chương trình; xem, thay đổi hoặc xóa dữ liệu; hoặc tạo tài khoản mới với quyền người dùng đầy đủ.
Các lỗ hổng bảo mật sử dụng Adobe Flash để tải các mã độc hại vào máy tính của người sử dụng, cho phép tin tặc truy cập bộ nhớ trong và phá hỏng hệ thống máy tính. Các nhà nghiên cứu bảo mật ước tính có khoảng 26,25% các trình duyệt Internet bị ảnh hưởng, theo báo cáo của Inferse.
Microsoft trước tình hình này đang nghiên cứu để tạo ra các bản vá lỗ hổng tạm, dự kiến phải đến 13.5 mới có. Tuy nhiên máy tính dùng hệ điều hành Windows XP sẽ không có bản cập nhật này.
Nguyên nhân là từ đầu tháng 4.2014 Microsoft đã không còn hỗ trợ hệ điều hành XP tồn tại 13 năm nay, khuyến cáo nên dùng Windows 7, 8.
Hãng bảo mật Symantec gọi đây là đợt tấn công ngày zero đầu tiên và chưa có điểm dừng, khuyến cáo người dùng máy tính nên chuyển sang dùng trình duyệt internet khác.
Tuy vậy Windows Server bản từ 2003 đến 2012 không bị ảnh hưởng.
Do vậy trước mắt bạn nên tải trình duyệt Chrome hoặc Firefox về máy để dùng, nhất là khi hệ điều hành của bạn là Windows XP.
Theo báo Sydney Morning Herald (Úc), nếu bạn bắt buộc dùng IE, có vài cách khắc phục như sau: Vô hiệu hóa chức năng Adobe Flash, cài đặt phần mềm Enhanced Mitigation Experience Toolkit (EMET) 4.1 cho Internet Explorer, đặt chế độ an ninh (security settings) ở mức cao (high) để khóa ActiveX Controls và Active Scripting.

Tin Nóng

Lý do “vua hề Sác-lô” chia tay với... 2.000 người tình

Khi trả lời phỏng vấn trên tờ Vanity Fairnăm 1926, người ta hỏi đối với ông thế nào là một người tình lý tưởng, Chaplin trả lời: “Đó là người mà tôi không thực sự yêu nhưng cô ấy thì chết mê chết mệt tôi

Sinh thời, Charlie Chaplin là một trong những “gã đào hoa” nhất Hollywood, chính ông từng thú nhận đã qua lại với hơn 2.000 phụ nữ. Nhưng vì sao ông luôn chia tay họ?

Tuổi thơ bi kịch và “di chứng” ở tuổi trưởng thành


Khi mới ngoài 20 tuổi, Chaplin đã là một hiện tượng thành công “khủng khiếp”, là gương mặt nghệ sĩ hài nổi tiếng khắp thế giới.
Thực tế, Chaplin không phải một người đàn ông cao lớn, có thể nói là hơi thấp, đầu ông khá to so với thân người nhỏ gầy. Tuy vậy, Chaplin là một người đàn ông ưa nhìn với đôi mắt xanh sâu thẳm, mái tóc xoăn đen, hàm răng trắng bóng, đôi môi quyến rũ…



Charlie Chaplin chiếm được cảm tình của mọi cô gái bởi danh tiếng, khiếu hài hước và gương mặt ưa nhìn.
Chaplin có thể chiếm được trái tim phụ nữ một cách dễ dàng, ông cũng chia tay họ bất cứ khi nào ông muốn. Khi trả lời phỏng vấn trên tờ Vanity Fairnăm 1926, người ta hỏi đối với ông thế nào là một người tình lý tưởng, Chaplin trả lời: “Đó là người mà tôi không thực sự yêu nhưng cô ấy thì chết mê chết mệt tôi”.
Chaplin không bao giờ đặt lòng tin vào phụ nữ. Ông luôn sợ sự mất mát và phản bội, ông là một người dễ bị khiêu khích và cũng dễ bị tổn thương, thường nổi cơn ghen chỉ vì những lý do rất nhỏ.
Sự phức tạp trong tính cách của Chaplin đã được phản ánh trong những bộ phim của ông. Trong các vai diễn của mình, Chaplin thường tỏ ra bẽn lẽn, rụt rè trước những phụ nữ đứng đắn, ông tiếp cận họ rất ngập ngừng, đầy thăm dò.
Đối với những phụ nữ “dễ dãi”, nhân vật của Chaplin có cách ứng xử khiếm nhã và táo tợn, thường dùng gậy để… kéo cổ hoặc kéo chân cô gái lại gần.
Đạo diễn Mack Sennett, người từng hợp tác với Chaplin cho rằng Chaplin là “một người đàn ông bé nhỏ và nhút nhát, luôn bối rối, lúng túng vì đủ chuyện trên đời”.
Thuở mới vào nghề, không ai đặt nhiều kỳ vọng vào Chaplin, không ai nghĩ ông sẽ thành công, nhưng rồi ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa nổi tiếng, được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới.



Trên màn ảnh, Chaplin là “vua hề”. Trong tình trường, Chaplin là “vua tình ái” nhưng cách mà ông đối xử với các người tình chắc chắn từng khiến vô số cô gái cảm thấy kinh hoàng.
Charlie Chaplin sinh tháng 4/1889. Mẹ của ông vốn là một ca sĩ - bà Hannah Chaplin. Trước khi kết hôn với ông Charles Chaplin, bà đã có một cậu con trai ngoài hôn thú. Sau khi lấy chồng, bà vẫn tiếp tục những mối quan hệ ngoài luồng và sinh ra Charlie Chaplin. Dù chồng bà cho cậu bé được mang họ mình nhưng chỉ một năm sau, ông rời bỏ gia đình.
Mẹ con Charlie rơi vào cảnh cùng quẫn. Bà Hannah phải kiếm sống nuôi con bằng đủ nghề. Có những giai đoạn nghèo khó nhất, 3 mẹ con đã phải sống vất vưởng ngoài hè phố.
Nói về tuổi thơ mình, Charlie Chaplin chia sẻ: “Nếu ai muốn đong đếm hàm lượng đạo đức trong gia đình tôi bằng cách đem áp dụng những chuẩn mực thông thường, điều đó sẽ sai lầm giống như đem nhiệt kế nhúng vào nồi nước sôi”.
Tuổi thơ của Chaplin bị ông coi như đã kết thúc từ năm lên 7, khi đó, ông phải vào trại tế bần, bị mẹ bỏ rơi. Thực tế, đây là cú sốc mà không bao giờ Charlie có thể vượt qua được: “Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng”.

Đời sống tình cảm đầy sóng gió


Có lần, Charlie Chaplin đăng một mẩu quảng cáo trên báo rằng: “Cần tìm cô gái xinh đẹp nhất California tham gia một bộ phim cảm động”. Edna Purviance chính là cô gái được lựa chọn. Edna là một cô gái ít đòi hỏi, sống khiêm tốn và luôn biết cách chịu đựng sự lo lắng, bất an cùng những trạng thái cảm xúc khó đoán của Chaplin. Họ dần trở nên gần gũi, yêu nhau và thậm chí còn chuẩn bị cưới.



Charlie Chaplin và nữ diễn viên Edna Purviance trong phim “The Bond” (1918). Charlie gặp Edna năm 1915, khi đó, cô 19 còn Chaplin 25. Edna chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất. Đối với Chaplin, đó là điều tuyệt vời nhất, bởi ông sẽ có thể “nhào nặn đất sét thành bất cứ hình thù nào mong muốn”.
Nhưng rồi sự nghiệp của Charlie lên như pháo thăng thiên, ông say mê công việc và dành chọn tâm sức cho công việc. Trên phim trường, mỗi cảnh quay Charlie đều yêu cầu tập đi tập lại tới 50 lần, quay đi quay lại 20 lần và sau đó ngồi lì trong phòng biên tập. Edna bị lãng quên.



Chaplin gặp nữ diễn viên 16 tuổi Mildred Harris năm 1918 và đem lòng yêu cô.

Sau đó, Chaplin gặp nữ diễn viên 16 tuổi Mildred Harris tại một bữa tiệc năm 1918. Lúc này, Chaplin 29 tuổi, đã là nam diễn viên giàu có bậc nhất Hollywood. Ông thường gửi hoa hồng đến tặng Mildred và kiên nhẫn ngồi trong xe đợi cô hàng giờ, họ nhanh chóng trở thành một cặp.
Khi Mildred cho Chaplin biết cô đã mang thai, đó là một tin kinh hoàng đối với ông. Nhưng để tránh lùm xùm, họ đã tổ chức một lễ cưới giản dị. Hóa ra Mildred đã “bẫy” Chaplin và cô không hề mang thai. Mưu đồ này đã khiến cuộc sống hôn nhân của cô trở thành địa ngục kinh hoàng. Chaplin lúc thì buồn rầu lúc lại cáu gắt.
Mildred đã có lúc suy sụp đến phải nhập viện vì thường xuyên lo lắng. Thế rồi cô cũng mang thai khi Chaplin đã bắt đầu ngoại tình, hoàn toàn lãng quên vợ. Con trai của họ qua đời sau 3 ngày lọt lòng mẹ. Sự việc khiến cuộc hôn nhân không thể cứu vãn. Họ chia tay năm 1920.
Mildred là người đâm đơn ra tòa, cô cũng là người đầu tiên hé lộ cho công chúng biết về sự thật cuộc sống đằng sau màn ảnh của “vua hề”. Sự việc này là một vết thương lớn đối với lòng tự tôn và phong cách sống kín đáo của Chaplin.



Sau cuộc hôn nhân thất bại, Chaplin hẹn hò với vô số diễn viên Hollywood. Khi làm phim “The Pilgrim” (1923), ông qua lại với Peggy Hopkins Joyce. Chaplin ước tính trong suốt cuộc đời, ông đã có quan hệ với hơn 2.000 phụ nữ.
Mối tình với nữ diễn viên 15 tuổi Lita Grey cũng là một bi kịch. Họ gặp nhau trên phim trường “The Gold Rush” (1925). Khi phim hoàn tất, Lita nói rằng cô đã mang thai.
Chaplin đề nghị Lita phá thai, rồi lại đề nghị sẽ thuê một người đàn ông kết hôn với cô để làm cha hợp pháp cho đứa trẻ nhưng tất cả đều bị Lita gạt đi. Nếu Lita kiện Chaplin tội quan hệ với trẻ vị thành niên, ông sẽ bị phạt 30 năm tù. Về sau Chaplin kể lại rằng: “Ở thời điểm đó, tôi đã sốc và thậm chí nghĩ tới chuyện tự tử”.



Chaplin bắt đầu qua lại với Lita Grey trên phim trường “The Gold Rush” (1925).
Họ tổ chức một hôn lễ bí mật ở Mexico. Ngay sau khi kết hôn, mối quan hệ của họ coi như đã tan vỡ. Chaplin càng lúc càng trở nên khó ưa và hành xử kỳ quặc.
Năm 1927, họ ly dị, người đâm đơn là Lita. Lita tiếp tục “nối gót” Mildred đưa ra nhiều thông tin gây sốc, làm xấu trầm trọng hình ảnh Charlie Chaplin trong mắt công chúng. Lần này, Chaplin đã suýt nhảy từ tầng cao của một khách sạn ở New York nhưng may có người tài xế ngăn kịp.


Charlie Chaplin có 4 đời vợ. Lita Grey là vợ thứ 2.

Sau sự việc này, mái tóc đen của Chaplin bạc trắng. 9 năm sau, ở tuổi 47, con tim ông “vui trở lại” với nữ diễn viên Paulette Goddard, cô 22 tuổi nhưng nói dối rằng mới 17. Họ nhanh chóng chuyển về sống chung, Chaplin giao cho cô vai chính trong phim “Modern Times” (1936).


Nữ diễn viên Paulette Goddard.

Trong ngày đầu tiên bấm máy, Paulette xuất hiện với tạo hình lộng lẫy, Charlie lắc đầu và nói: “Không phải phong cách này”. Ông bảo Paulette cởi giày, thay đồ, tẩy trang, rồi dội một xô nước lạnh lên người nữ diễn viên.
Paulette Goddard là đời vợ thứ 3 của Chaplin. Trong cuộc hôn nhân này, Chaplin tiếp tục đóng vai người kiểm soát, ông cũng luôn gây áp lực cho vợ trên phim trường. Họ chia tay năm 1940 khi bộ phim “The Great Dictator” vừa ra mắt. Lúc này, Charlie 51 tuổi, ông đã trải qua một thiên tình sử đầy tai tiếng.



Paulette xuất hiện lần cuối bên Charlie tại lễ công chiếu bộ phim “The Great Dictator”.

Ở tuổi 54, ông tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình - cô gái 18 tuổi Oona O’Neill - con gái của một biên kịch. Trong hồi ký của mình, Chaplin coi việc gặp được O’Neill là “sự kiện hạnh phúc nhất đời” và nói cô chính là “tình yêu hoàn hảo” mà ông vẫn kiếm tìm. Oona tôn thờ Charlie.



Trong cuộc hôn nhân 18 năm (kéo dài cho tới tận khi Chaplin qua đời), họ có 8 người con.

Bích Ngọc
Tổng hợp

THẮP NẾN HOÀNG HÔN



Đời sắp hết, sao muộn phiền chưa hết ?
Bao lo toan.. chẳng một chuyện ra hồn!
Ngước mắt nhìn chiều tím nhuộm hoàng hôn
Nghe trời đất chứa lẽ gì sâu thẳm..


Chiều qua phố, lặng người khua bước chậm
Ta về đâu đời dạt cuối chân trời ?
Loay hoay cùng nhịp trái đất.. mù khơi
Dường hoang phí đời ta trong mờ mịt.

Ngày tắt nắng nhịp bàn chân chưa biết
Nẻo về sau rạng rỡ ánh mai hồng.
Ôi! Dã tràng một kiếp đã hoài công
Ta cô phụ chính mình bao kiếp nữa!

Đời mộng mị sao lòng hoài chan chứa,
Biển mặn đày cơn khát chẳng hề nguôi!
Ta là ai mà đắm đuối cuộc đời
Mà đánh đổi nụ cười qua nước mắt?

Một ngọn nến ngời khi tà dương sắp tắt
Còn chút này.. sực tỉnh thắp bình minh.
Xoay mặt vào trong, thôi '' bắt bóng đuổi hình ''
Cho vạn kiếp lênh đênh chừ khép lại.

Đôi mắt nhắm, thương chuỗi ngày ngây dại
Nhân gian ơi.. cõi mộng biết chăng là!

Thích Tánh Tuệ


*Ảnh của Phong Trần Khách

Lời khuyên 1

Mỗi ngày con nhớ dành lời khen tặng vài ba người.
Mỗi năm ít nhất một lần con hãy chờ xem mặt trời mọc....
Nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Nói lời "cảm ơn" càng nhiều càng tốt, cũng vậy, nói lời "làm ơn" càng nhiều càng tốt.
Hãy sống dưới mức con kiếm được. Đối xử với mọi người như con muốn được họ đối xử như thế.

Kết thêm những người bạn mới nhưng trân trọng những người bạn cũ.
Hãy giữ kỹ những điều bí mật.
Con đừng mất thì giờ học các "mánh khóe" doanh nghiệp. Hãy học làm doanh nghiệp chân chính.
Dám chịu nhận những lầm lẫn của mình.
Con hãy can đảm. Dù tự con không được can đảm lắm thì cũng phải tỏ ra can đảm. Người ta không phân biệt một người can đảm và một người tỏ ra can đảm.
Con phải dành thời giờ và tiền bạc làm việc thiện trong cộng đồng.
Đừng bao giờ lường gạt một ai.
Học cách lắng nghe. Cơ hội trong đời nhiều khi gõ cửa nhà con rất khẽ.
Đừng làm cho ai mất hy vọng.
Con đừng cầu mong của cải, mà phải cầu mong có sự khôn ngoan, hiểu biết và lòng dũng cảm.
Đừng hành động khi đang giận dữ.
Con phải giữ tư thế đàng hoàng. Muốn đến một nơinào thì luôn phải có mục đích và sự tự tin rồi hãy đến.
Đừng bao giờ trả công cho ai trước khi họ xong việc.
Hãy sẵn sàng thua một trận đánh để dẫn đến thắng một cuộc chiến.
Đừng bao giờ ngồi lê đôi mach.
Cẩn thận với kẻ nào không còn gì để mất.
Khi gặp một nhiệm vụ khó khăn, con hãy hành động như không thể nào bị thất bại.
Đừng giao du quá rộng. Phải học cách trả lời không một cách lễ phép và dứt khoát.
Đừng mong chờ cuộc đời đối xử sòng phẳng với con.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tha thứ.
Cẩn thận về đồ đạc, quần áo: Nếu định sắm thứ gì trên năm năm thì phải cố gắng sắm thứ tốt nhất có thể được.
Con hãy mạnh dạn trong cuộc sống.
Khi nhìn lại quãng đường đã qua, hãy tiếc những điều chưa làm được, chứ đừng tiếc những điều đã làm xong.
Đừng quan tâm đến bè nhóm. Những ý tưởng mới mẻ, cao thượng và có tác động đến cuộc sống luôn luôn là ý tưởng của những cá nhân biết làm việc.
Khi gặp vấn đề trầm trọng về sức khỏe, hãy nhờ ít nhất ba vị thầy thuốc khác nhau xem xét.
Đừng tập thói trì hoãn công việc. Làm ngay những gì cần làm đúng lúc phải làm.
Đừng sợ phải nói "tôi không biết".
Đừng sợ phải nói "Xin lỗi, tôi rất tiếc…"
Hãy ghi sẵn những điều con muốn nói trong đời và thường xuyên tìm cơ hội có thể được để thực hiện.

ST

Những truyện ngắn thật hay và ý nghĩa, đáng để suy gẫm!‏

Quà tặng của Thượng Đế

Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ :
- Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con.
Lần nào nghe xong, mẹ cũng mỉm cười.
Cô đã yêu, yêu bằng tất cả những gì mà cô có được.
Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh, mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống.
Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.Rồi một ngày kia. Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.
Ðêm nào, cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao....
Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài. 

Lời Con Trẻ 

Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái nhỏ hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo hỏi lôi thôi, người mẹ mua cho cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em miếng bánh, bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc ré bắt đền. Người mẹ dỗ dành:
- Anh này hư quá! Thôi con nín đi, bỏ qua cho anh một lần.
Đứa con phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu!
Người mẹ nhìn xa xăm:
- Ừ, ra mẹ cũng hư!

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN - Nguyễn San

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm, để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.

EM TÔI 

Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Vài cua dạy kèm cũng chẳng đủ trang trải, lại phải nhờ nguồn “trợ cấp” ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.

Ngày xưa - Huỳnh Văn Dân

Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn, nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa…"

Mẹ tôi 

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ cô độc dắt con lánh nạn khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm.
Năm năm sau, mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố.
Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ òa....
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.

Mẹ ghẻ

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ dằn, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà vết roi mới chồng lên dấu đòn cũ...
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi, nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói ấy, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ, còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay.
Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu.

Mẹ tôi!

Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học. Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ. Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu. Mẹ tôi không biết chữ!

Lòng Mẹ
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhứt để giúp đỡ gia đình.
Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về
cuộc sống trong mơ. Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe Mẹ nói: "Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!"

KHÓC

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh mới tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa, bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay, 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói:
- Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua, chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh…


NGHỀ CỦA MẸ

Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh...
Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.


Nói dối

Ngày đó nhà nghèo, Cha mất, Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi, con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!"
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ, con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
Về nhà, nhìn ảnh Mẹ, con thấy lòng rưng rưng…

Cãi nhau 

Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.

Ngày sinh nhật đầu tiên

Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh
nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?" Mẹ lặng thinh, mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!" Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc òa theo....
Ngày ấy, cái ngày mà tòa án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.


Hắt Hiu Bóng Mẹ

Gió quật hàng cây nghiêng ngả. Mái lá như sắp bay lên trời. Tôi khóc:
- Trời bão, nhà gần tróc nóc mà ba cũng không về!
Mẹ dỗ dành:
- Mẹ sẽ biến nơi này thành lâu đài cho ba trở lại.
Bây giờ, mưa gió không làm rung chuyển ngôi biệt thự mà mẹ dốc sức tạo nên. Nhưng ba vẫn ít khi về. Ông mê một cô gái trẻ.
Và tôi vẫn sợ bão. Gió sẽ lùa mái tóc bạc phơ của mẹ, sợ bóng mẹ hắt hiu, di động giữa gian phòng mênh mông, trống trải.


Niềm Vui Của Mẹ

Mẹ thích làm cô giáo. Nó hứa sẽ làm cô giáo. Mẹ mỉm cười.
Mẹ bị đau bao tử. Nó hứa sẽ làm bác sĩ. Mẹ mỉm cười.
Mẹ làm việc cực khổ. Nó hứa sẽ làm nhiều tiền cho mẹ đi tham quan thế giới. Mẹ mỉm cười.
Bây giờ, Nó nghe con hứa mỗi ngày. Nó tự hỏi; "Nó đã làm gì cho mẹ?"... Nó mỉm cười.


Cái Nụ

Tôi con một, cái Nụ là con nuôi. Tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thì 
đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Nụ ngoan, vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, biển cả…
Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên Pháp. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó:
- Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi… mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng.
Câu nói như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.


Mồ Côi Mẹ

Đêm đông, nằm cạnh Cha, bé Hùng co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa, ấm biết mấy! Chứ có hai cha con mình, ai cũng lạnh.
Cha bé Hùng vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm sóc con.
Bé Hùng không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người, đỡ vắng lạnh.
Mùa đông năm sau, bé Hùng co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...


Xót xa

Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi, má ơi!...

Em bé bán vé số

Mười ba tuổi, cha chết. Mẹ lấy dượng. Bé bỏ học đi bán vé số.
Mẹ bảo :
- Con liệu nuôi lấy thân, mẹ bất lực.
Bé nghĩ :
- Trong cuộc đời này, ai khổ như mình ?
Tối nọ, bán trúng độc đắc cặp mười cho một ông bằng tuổi cha. Bé vui mừng chạy tới báo tin.
Nhà vắng. Ông ấy cười cười kiểu dê cụ. Trao một tấm vé trúng thưởng rồi bảo :
- Của em.
Đêm đó bé không về nhà, đau đớn.....
Khuya tỉnh dậy nằm bên ngoài cánh cổng. Bé lần tìm tấm vé. Không còn. Cánh cửa khép chặt.....

Tìm em

Ngày đó, cùng chung xóm nhỏ, em hay rủ tôi chơi trò "bịt mắt bắt dê".
Sợ tôi ăn gian, em tự tay gấp khăn thật kỹ.
Vậy mà, chưa hết một vòng sân, tôi đã bắt được em. Em giãy nãy bắt đền, tôi lại chịu thua.
Lớn lên, theo gia đình phiêu bạt kiếm sống khắp nơi, mỗi lần nhìn lũ trẻ chơi trò năm cũ, tôi lại nhớ xóm nhỏ, nhớ em.... da diết ngậm ngùi.
Ngày xưa, chưa giáp một vòng sân... Bây giờ, có ai bịt mắt đâu, sao tôi tìm em, tìm hoài không thấy?

Vết sẹo 

Ngày bé, anh và tôi hay chơi trò cút bắt. Lần nọ tôi té ngã, máu ở đầu gối chảy rất nhiều.
Anh xuýt xoa theo từng giọt nước mắt của tôi, luôn miệng hứa sẽ che chở tôi suốt đời, không bao giờ để tôi đau nữa.
Lớn lên, anh đi du học, bỏ luôn ý định về nước.
Ngày mẹ anh mất, anh dẫn một cô gái da trắng, tóc vàng về chịu tang.
Tôi đứng nép sau bậu cữa, nhìn sang.
Bất chợt, vết sẹo ở chân nhức buốt....

Đánh đổi 

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chất. Chị xa anh cũng vì lẽ đó.
Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp lại chị, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi:
- Anh còn giữ nó?
Anh nghẹn ngào:
- Anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.

Cạm bẫy ở quê nhà

Hai người lấy nhau sau bao nhiêu bầm giập của cuộc đổi đời xa xứ.
Chị là cô Tú Xương tân-thời, tảo tần mọi việc trong ngoài, giấc mơ một mái ấm gia đình với vài đứa con ngoan. Chị đã toại-nguyện.
Những tưởng dòng đời cứ thế mà êm trôi….
Anh muốn về thăm quê hương, thăm mộ phần của thân phụ vắng người chăm sóc.
Hai tháng dài qua mau, anh về lại, người cứ ngẩn ngơ.
Một buổi nọ điện thoại cầm tay kêu, anh vừa nghe tiếng nói đã ba bước đi vào phòng đóng cửa lại.
Chị buồn lắm, nhưng không hỏi, mà có hỏi chắc gì anh đã nói.
Đúng một năm sau, anh lại khăn gói về quê, chỉ báo cho chị nghe trước có một tuần.
Chị sửng sờ:
- Về làm chi nữa? Mới về năm trước.
Anh ung dung bảo, muốn ly-dị.
Chị khóc, nước mắt tràn như sông như suối.
Giấc mơ bình yên một đời của chị phút chốc tan thành mây khói.

ST

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Khi nào gọi là bất hiếu


Bạch thầy, Thầy cho con hỏi khi nào gọi là bất hiếu. 

1) Ví dụ một người con trai yêu người con gái nhưng cha mẹ phản đối và muốn từ người con trai đó nếu không nghe lời, như vậy nếu người con không nghe lời có thể nói là bất hiếu không? 
2) Người cha chết mà đứa con không về có gọi là bất hiếu hay không (dạ người con này là người tu thưa thầy)? Con cảm ơn thầy.


Trả lời:

1) Điều này còn tùy trường hợp. Nếu cha mẹ nói đúng mà người con không nghe lời chỉ chạy theo tình yêu mù quáng của mình thì đúng là bất hiếu. Nếu người con có tình có nghĩa mà cha mẹ ép buộc chủ quan không đúng thì con không nghe lời là phải, tuy nhiên nếu người con vì vậy mà có hành động, nói năng, suy nghĩ xúc phạm hay thù ghét cha mẹ thì đó là bất hiếu.

2) Nếu cha chết nhưng người con không có điều kiện về chịu tang, tuy nhiên dù ở xa vẫn tự mình làm phước hồi hướng cho cha và lo tu hành tinh tấn để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục thì không thể gọi là bất hiếu được.
Điều này con nên tự mình suy nghĩ, quan sát, chiêm nghiệm để thấy ra chứ không nên trông đợi vào một lời giải thích khuôn mẫu nào cả.

Bài kệ Tứ Sơn

Vua Trần Thái Tông đời Trần, lúc việc nước rảnh rang, ngài đọc kinh Kim Cang, nghiền ngẫm câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Sau ngộ được lý nầy, trong bản Thiền Tông Chỉ Nam ngài có soạn pháp sám hối "Lục Thời Sám Hối", trong đó ngài sám hối mắt, sám hối tai, sám hối mũi, sám hối lưỡi, sám hối thân, sám hối ý. Mỗi thời sám hối một căn. Sám hối như vậy cốt để gỡ cái dính mắc sáu trần. Do ngộ mà ngài chế ra nghi thức sám hối ngay nơi sáu căn, đó là điều đặc biệt của riêng ngài, không bắt chước các pháp sám hối khác ở Trung Hoa. Và đây là bài kệ Tứ Sơn (bốn núi sanh, già, bệnh, chết) trong đó ngài sám hối sáu căn:


Tỷ trước chư hương, thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.


Dịch:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trường.


Là một ông vua bận rộn việc nước mà ngộ được lý đạo nhắc nhở chúng ta tu như thế, thật là chuyện hiếm có. Chúng ta là người đủ duyên phước xuất gia sống trong cửa thiền, duyên đời được cắt bỏ nhiều mà cứ dính mắc với sáu trần mãi thì biết bao giờ mới thấy đạo? Thời vua Trần Thái Tông là thời đất nước loạn ly, quân Nguyên xâm lăng. Việc nước nặng nề bận rộn mà ngài tu thấy đạo, nói được những câu như vậy. Chúng ta là những người ở trong chùa rảnh rang ít việc, không bận bịu gia đình, không lo nghĩ chuyện đói no ấm lạnh, thế mà buông sáu trần không nổi, thì chẳng biết nói sao! Thật đáng xót thương cho mình! Ðó là "khổ chúng sanh". Muốn tìm lại mình sống với chính mình, mà cứ dính với sáu trần hoài thì làm sao sống với mình đây?
Lâu nay chúng ta đang đánh mất mình, không riêng gì chúng ta mà cả nhân loại cũng đang mất mình. Như vậy người tu có ích kỷ không? Vì tìm lại mình lo cho mình, theo quan niệm người đời là ích kỷ. Chúng ta dồn hết tâm lực xoay lại tìm cho ra "cái chân thực" của mình, nhà Thiền gọi là "phản quan tự kỷ". Luôn luôn xem xét mình thấy như ích kỷ, chỉ vì mình. Song đó là việc làm lợi tha vô kể. Vì bao nhiêu tỷ người đang quên mình, đang đánh mất mình. Nếu mình tìm được "cái chân thật" của mình rồi, mình chỉ cho mọi người nhận ra "cái chân thật" của họ thì cứu giúp nhân loại biết bao!
Chúng ta đang sống mà không biết mình sống, nói mình mà không biết cái gì là mình. Như vậy là sống hay chết? Nói mình là cái nói rỗng, không có ý nghĩa. Chúng ta tu là phải xoay lại tìm cho ra "cái chân thật" đó, luôn luôn phải nỗ lực không thể chần chờ. Muốn tìm ra cái chân thật đó là phải đừng thương sáu trần. Quí vị có chấp nhận không yêu sáu trần nữa không? Dám ly dị, dám lìa bỏ chúng không? Quí vị mà lìa bỏ được sáu trần, quí vị không muốn làm thánh cũng là thánh. Còn nếu không lìa bỏ được chúng, thì chúng dẫn quí vị đi mãi trong vòng luân hồi sanh tử. Tu cốt để giải thoát sanh tử, muốn hết sanh tử phải nhận ra cái chân thật không sanh không diệt. Cái chân thật ấy có sẵn nơi mỗi chúng ta, chỉ cần không dính với sáu trần thì nó hiện tiền, còn vướng với sáu trần thì nó ẩn mất.


Trích: Mình Yêu Ai Nhất?
Tác giả:Thích Thanh Từ

Chợ đời



Chợ đời thì mặc chợ đời
Bước qua cát bụi rong chơi thử nào
Để nghe trần thế lao xao
Để nghe vọng tưởng xôn xao mấy lần…

(MĐTTA)

Gừng + dấm = Tác dụng chữa bệnh thần kỳ

Ảnh minh hoạ
Gừng ngâm dấm sẽ là bài thuốc cực hay, tốt cho sức khoẻ của bạn, giúp giảm đau dạ dày, giảm cân, ngăn rụng tóc, chữa cảm lạnh, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị viêm khớp…
Đầu tiên bạn hãy chọn những củ gừng ta còn tươi, về rửa sạch đất bùn, sau đó cắt lát mỏng, đều. Phải là gừng tươi mới có tác dụng chữa bệnh, giúp tăng tuần hoàn máu, tăng cường tiêu hoá.
Gừng ngâm dấm là bài thuốc hay chữa được nhiều bệnh. Xếp gừng vào chai thuỷ tinh, đổ dấm gạo vào. Lưu ý chai thuỷ tinh phải sạch, khô, không mùi… Bạn có thể bảo quản dấm gừng ở nơi thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh. Sang tuần sau, vào mỗi buổi sáng hãy ăn 2-4 lát gừng tươi, có tác dụng ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp.
Ăn gừng ngâm dấm hay một thìa con nước dấm còn có tác dụng tiêu mỡ, đốt sạch chất béo, lọc và đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, còn tốt cho gan, ngăn triệu chứng rụng tóc, nhất là khi thời tiết đang giao mùa.
Đặc biệt, với đấng mày râu, gừng ngâm dấm còn là liều thuốc tự nhiên tăng cường thể lực, tráng dương…
Mỗi đêm trước khi đi ngủ, cho vài lát gừng, vài thìa dấm vào chậu nước ấm, sau đó ngâm đôi bàn chân vào chừng 30 phút cho đến khi nước nguội hẳn. Thực hiện liên tục trong khoảng tháng rưỡi, làn da của bạn được cải thiện, chứng mất ngủ cũng không còn.
Hàn Giang
Theo MJ

Tài tử Richard Gere, nhập vai vô gia cư được " bố thí " pizza



Richard Gere
Nam diễn viên gạo cội Richard Gere nhập vai giỏi đến mức một nữ du khách đã nhầm lẫn anh là người vô gia cư thực sự và còn thương hại "bố thí" cho anh miếng pizza.


Một người phụ nữ Pháp thừa nhận cô ấy đã không thể nhận ra Richard Gere khi anh vào vai người đàn ông vô gia cư. Karine Gombeau, người Pháp, 42 tuổi, cùng gia đình đang đi du lịch ở Mỹ. Cô đã gặp một người đàn ông bộ dạng nhếch nhác đang lục thùng rác gần Grand Central Terminal, thành phố New York - Mỹ




Hóa thân thành người vô gia cư.
Karine Gombeau cảm thấy tội nghiệp và quyết định cho phần pizza mà cô, chồng và con trai 15 tuổi ăn không hết tại một quán ăn Ý, bỏ theo túi mang về. “Có gì trong túi vậy?”-Richard Gere hỏi. Tôi cố gắng nói tiếng Anh với anh ấy nhưng vẫn là nửa tiếng Pháp, một nửa tiếng Anh. “Tôi xin lỗi nhưng pizza đã lạnh rồi!”-tôi nói. Richard Gere nhận túi, cảm ơn” - Karine Gombeau nói.



Nữ du khách này không biết được đấy là diễn viên nổi tiếng cho đến khi một nhân viên tại khách sạn Salisbury nơi cô ở đưa bản copy của tờ báo. Karine Gombeau sửng sốt khi thấy ảnh của mình với Richard Gere trong bài báo.


“Thật kỳ diệu... Tôi chẳng tưởng tượng những chuyện như thế này lại xảy ra. Tôi nghĩ anh ấy đẹp trai ở độ tuổi của anh ấy. Pretty Woman không phải phim yêu thích của tôi, tôi thích phim Chicago” - Karine Gombeau thổ lộ.



Karine Gombeau làm việc trong ngành công nghiệp du lịch, từng đau khổ khi nhìn thấy những người vô gia cư lang thang ở New York. Cô buồn vì nghĩ đến nhiều người lãng phí thực phẩm trong khi những người vô gia cư lại không có gì. Karine Gombeau và chồng, con không nhận ra đã đi vào nơi mà Richard Gere đang quay bộ phim mới Time Out of Mind của mình.


Richard Gere là diễn viên gạo cội, từng tham gia vô số phim: Arbitrage, Hachi: A Dog's Tale, Amelia, Nights in Rodanthe, The Hunting Party, Bee Season...

M.Khuê (New York Post)



NHÂN QUẢ - NGHIỆP BÁO



"Đã mang lấy nghiệp vào thân"
"Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"
Nguyễn Du

Nói đến Phật Giáo thì không thể không nói tới Nghiệp Báo và Luân Hồi, những nét đặc thù của tôn giáo này. Đành rằng Nghiệp Báo và Luân Hồi có liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng trong bài này chỉ nói về Nghiệp Báo.

Nói đến Nghiệp tức nói đến Nhân Quả, nên Nhân còn được gọi là Nghiệp Nhân và Quả là Nghiệp Quả. Nghiệp Quả còn được gọi là Quả Báo hay Nghiệp Báo. Báo tức là trả lại. Những điều mình đã làm qua suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá khứ và trong hiện tại, tùy theo thiện ác mà lần lần chẳng sớm thì muộn, chẳng ở kiếp này cũng ở những kiếp sau, đều được trả lại tương xứng.
Luận về Nghiệp Báo, tôi lại nhớ đến câu chuyện do một vị học giả Phật Giáo kể cho nghe khi còn ở Sài Gòn vào đầu năm 1988. Nội dung câu chuyện vô cùng súc tích, hàm chứa một triết thuyết cao sâu, nên nghe rồi, tôi nhớ mãi không quên. Câu chuyện đại khái thế này:
Có một lần Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hành cước quang lâm đến một địa phương nọ để thuyết pháp. Tháp tùng Ngài bữa ấy môn đệ kể có hàng trăm. Trên đường đi, một cảnh tượng vô cùng xúc động đã tình cờ diễn ra. Một chủ nô đánh đập một nô lệ đến tàn nhẫn. Người nô lệ quằn quại, đau đớn, khóc lóc, van lạy xin buông tha, nhưng người chủ nô vẫn thịnh nộ xung thiên không ngừng giáng những ngón đòn độc ác lên người nô lệ.
Các môn đệ theo hầu Đức Phật bữa ấy, ai cũng nghĩ rằng thế nào Đấng Từ Phụ cũng dừng chân cứu vớt người nô lệ khốn khổ kia. Nhưng không, Đức Phật cứ bình thản tiếp tục hành trình, như thể không có chuyện gì xẩy ra. Tới nơi, nhân lúc nghỉ ngơi một môn đệ mới long trọng hỏi Phật.
- Bạch Đức Thế Tồn, bữa nay trên đường đi có cảnh người chủ nô đánh đập người nô lệ đến thậm tệ, nhưng chúng con không thấy Đức Thế Tôn dừng chân can thiệp, để người nô lệ khổ đau ấy thoát một nhục hình. Kính xin Đấng Thế Tôn dạy cho.
Đức Phật mỉm cười đáp:
- Cũng như các đạo hữu, ta có thấy cảnh thương tâm bên đường, nhưng người đáng thương trong cảnh này là người chủ nô, chứ không phải là người nô lệ. Người chủ nô ấy không phải không biết lý Nhân Quả, nhưng vì sân giận, đương sự tự ý gieo cấy Nghiệp Nhân thì mai hậu phải gặt hái lấy Nghiệp Quả. Vì tham sân, si, chúng sinh thường chẳng biết sợ Nhân, thật đáng thương thay! Còn người nô lệ kia thì kiếp trước đã gieo Nhân, nay dù có khổ đau đến mấy cũng phải hái cho trọn Quả, âu cũng là lẽ thường. Người có nợ nay gặp duyên trả được nợ thì cũng là điều tốt thôi.
Qua câu chuyện này cũng như qua giáo lý thậm thâm vi diệu của Đức Phật, người đời đã rút ra được những điều sau đây:

1/. Lý Nhân Quả

Trong quá khứ hay trong hiện tại, ai gieo Nhân tốt, Nhân lành thì trước sau chắc chắn sẽ được sung sướng, vui vẻ mà hái Quả tốt, Quả lành. Trái lại ai gieo Nhân xấu, Nhân ác thì sớm muộn phải hái Quả xấu, Quả ác, không trốn tránh đâu cho thoát được. Đã có Nhân thì phải có Quả. Hẳn là trong chúng ta không ít người đã nghe câu: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì" nghĩa là làm lành hay làm dữ rốt cuộc đều có quả báo, chẳng qua sớm muộn mà thôi.
Người nô lệ gieo Nhân ác kiếp nào, nay phải hái lấy Quả ác. Người chủ nô đang gieo một Nhân xấu. Trong tương lai xa gần nào đó, đương sự cũng sẽ phải hái lấy Quả xấu.

2/. Sự chặt chẽ của tương quan Nhân Quả


Có Nhân thì phải có Quả. Không bao giờ có Nhân mà lại không có Quả và cũng chẳng bao giờ có Quả mà lại không có Nhân. Và Nhân nào thì quả nấy. Nhân tốt thì Quả tốt, Nhân xấu thì Quả xấu. Không hề có chuyện Nhân tốt lại có Quả xấu hay Nhân xấu mà lại có Quả tốt bao giờ.
Ai gieo Nhân thì đích thân người ấy phải hái Quả. Hiện tượng kẻ gieo, người hái không bao giờ xẩy ra. Phước ai nấy hưởng, họa ai nấy mang. Không ai có tài gì mà đem họa, phước của mình san sẻ cho người khác được, ngay cả đến liên hệ huyết thống chí thiết nhất như giữa cha mẹ với con cái cũng vậy. Những câu như "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" hay "cha mẹ hiền lành để đức cho con" chỉ là những nhận định vội vàng, hời hợt mà thôi. Nghiệp Báo không giống như tài sản, không thể đem chia ra và truyền lại cho con cháu được. Nghiệp Báo hoàn toàn có tính cách cá nhân và bất khả chuyển nhượng.
Người tây phương cũng nói: "Everyone must carry his own cross" nghĩa là con người ai cũng phải mang lấy cây thánh giá của chính mình.
Ai gieo Nhân tốt sẽ được hái trọn Quả tốt tức hằng được đến những nơi vui vẻ, sung sướng, cao sang. Ai gieo Nhân xấu sẽ phải hái trọn Quả xấu, tức thường phải lui tới những chốn đau khổ, cơ cực, hèn kém.
Nhân và Quả luôn luôn tương xứng. Quả chỉ chấm dứt khi đã tương xứng với Nhân. Nói khác đi tương quan Nhân Quả không những chặt chẽ mà còn thể hiện lẽ công bình tuyệt đối nữa.
Trong câu chuyện trên, Đức Phật đại từ, đại bi không thể không thông cảm sâu sắc nỗi đau đớn ê chề của người nô lệ, nhưng Ngài cũng không thể can thiệp để thay đổi tương quan Nhân Quả được, đành làm thinh để đương sự hái trọn Quả xấu đã gieo trồng.
Nếu không muốn hái Quả xấu, Quả ác thì chỉ có một điều là đừng gieo Nhân xấu, Nhân ác, thế thôi. Còn đã lỡ gieo rồi thì "không phải bay lên trời cao, lặn xuống biển sâu hay chui vào hang núi mà ta có thể tìm đặng một nơi nào trên thế gian này giúp ta lẩn tránh Quả dữ của Nghiệp xấu" (Kinh Pháp Cú) được.
Nhưng người đời dù đã ý thức được mối tương quan vô cùng chặt chẽ giữa Nhân và Quả như trường hợp người chủ nô nói trên, vẫn tự ý gieo trồng Nhân xấu bừa bãi, đến khi duyên tới phải thọ lãnh Quả xấu mới sợ hãi, kêu than, đúng là "Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả". Các vị Bồ Tát sợ gốc, chúng sinh chỉ sợ ngọn. Thật vậy, vì tham, sân, si, chúng sinh đam mê, mù quáng gieo trồng không biết bao nhiêu Nhân xấu, bất kể những lời can gián, cản ngăn, dạy dỗ. Đến khi Quả xấu xô đến, đổ vào mới kinh hoàng, hoảng sợ, thống thiết van lạy chư Phật mười phương, cầu xin giảm khinh, tha thứ. Dù có may mắn gặp được vị Phật bằng xương, bằng thịt như trường hợp người nô lệ kia thì Ngài cũng chẳng cứu giúp được.
Đức Phật dĩ nhiên không mang họa đến cho ai, nhưng Ngài cũng không ban phước cho ai. Phước họa là do ta. Chính ta mới là tác nhân tạo nên phước họa. Đức Phật chỉ phát hiện con đường hạnh phúc rồi trong một tình thương bao la, cùng khắp, Ngài chỉ cho chúng sinh biết con đường ấy mà đi. Biết rồi, đi hay không, đi nhanh hay đi chậm thì tùy mỗi người. Đi thì chắc chắn an vui, hạnh phúc. Còn không đi mà gặp phiền não, khổ đau, sợ hãi có cầu xin Ngài cứu giúp, thì Ngài cũng không thể xót thương người này ít mà giảm khinh cho, và kẻ kia nhiều mà xóa sổ dùm.
Đã có Nhân thì chắc chắn sẽ có Quả, và thời gian từ Nhân đến Quả dài ngắn không chừng.
Có khi vừa gieo Nhân đã có Quả liền. Nhân đấy mà Quả cũng đấy. Đó là Nhân Quả Tức Thì. Như trường hợp một người vừa khởi sự thực hành Chánh Niệm, tức sống trọn vẹn với hiện tiền, đã lập tức giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Có khi gieo Nhân rồi thì chẳng mấy chốc đã có Quả. Từ Nhân đến Quả chỉ là một thời gian ngắn. Đó là Nhân Quả Nhãn Tiền (Nhân Quả trước mắt).
Trong Phật học có chuyện người thợ săn kia một hôm vào rừng săn thú, nhưng đi cả buổi mà chẳng săn được con thú nào. Y cho rằng ban sáng ra đi gặp phải vị tỳ khưu bên đường, nên mới xui xẻo vậy. Chiều đến, y trở về tay không, tình cờ gặp lại vị tỳ khưu ban sáng. Y đùng đùng nổi giận xua bầy chó săn cắn xé vị tỳ khưu cho bõ ghét. Vị Tỳ khưu liền trèo lên một cây cao để tránh bầy chó dữ. Nhưng người thợ săn chưa hả giận còn chạy lại gốc cây, dương cung bắn lên vị tỳ khưu. Trong lúc đau đớn, sợ hãi vị tỳ khưu lúng túng đánh rớt áo cà sa vàng xuống. Áo cà sa chụp lên người thợ săn. Bầy chó dữ thấy có người cựa quậy trong áo cà sa, ngỡ là vị tỳ khưu, nên xô nhau lại cắn xé chính chủ chúng. Người thợ săn vừa mới xua chó cắn người, đã bị chó cắn lại. Từ Nhân tới Quả chỉ trong khoảnh khắc.
Có khi Nhân gieo rồi một thời gian tương đối dài sau mới có Quả, nhưng Nhân và Quả cùng trong một kiếp. Đó là Nhân Quả Đồng Kiếp. Như trường hợp một người ăn ở bất kính với cha mẹ, sau sinh con bội bạc, bất nghĩa. Dĩ nhiên loại Nhân Quả Tức Thì và Nhân Quả Nhãn Tiền cũng nằm trong loại Nhân Quả Đồng Kiếp này. Nhưng vì Nhân và Quả cùng trong một kiếp, khiến chúng sinh có thể liên tưởng và thấy rõ mối tương quan Nhân Quả, nên loại Nhân Quả Đồng Kiếp này đôi khi cũng được gọi là Nhân Quả Nhãn Tiền để nhấn mạnh đến mối tương quan chặt chẽ giữa Nhân và Quả.
Có khi gieo Nhân từ kiếp nảo, kiếp nào nay mới có Quả. Đấy là Nhân Quả dị kiếp. Với loại này thì chỉ có các bậc đại giác với Phật nhãn mới thấy biết được mối tương quan giữa Quả kiếp này và Nhân từ tiền kiếp xa lắc nào đó.
Người nô lệ nói trên đã gieo Nhân từ kiếp trước, đương sự không biết. Các vị môn đệ tháp tùng Đức Phật bữa ấy cũng không biết. Nhưng Đức Phật thì thấy rõ đương sự kiếp trước đã gieo Nhân, nay phải hái Quả, kiếp trước có nợ, nay phải trả nợ, nên Ngài mới làm thinh bước đi vì Ngài có can thiệp thì bất quá cũng chỉ hoãn một phần nợ cho đương sự mà thôi.
Chắc hẳn có người không đồng ý với thái độ này của Đức Phật và cho rằng nếu Ngài can thiệp và hoãn một phần nợ cho người nô lệ thì vẫn hơn là lặng lẽ làm ngơ. Và can thiệp, Đức Phật còn tỏ lộ được lòng thương xót vô biên của Ngài đối với chúng sinh. Đành rằng có nợ thì trước sau cũng phải trả nợ, nhưng món nợ lớn mà trả một lần thì khổ đau chất ngất, còn nếu được trả làm nhiều lần thì khổ đau được chia ra, giảm nhẹ. Con nợ cũng trả hết nợ, nhưng được trả dần thì đỡ khổ đau hơn nhiều.
Vì có sẵn tâm Từ, tâm Bi nên chúng ta nghĩ vậy. Thấy người khổ đau ta vội vàng đem lòng cứu giúp là rất nên, rất tốt, rất đúng. Có thể hành động cứu giúp của chúng ta chẳng mang lại hiệu quả gì trực tiếp, rõ rệt, nhưng ít ra ta cũng đã gieo được một Nhân lành. Thấy người khổ đau mà không mau lẹ tìm phương cứu giúp là đã bỏ lỡ một dịp may bằng vàng để gieo Nhân tạo phước.
Nhưng Đức Phật là bậc đại từ, đại bi. Có thể Ngài muốn cho chúng sinh thấy biết và ý thức được sâu sắc cái cường độ ghê gớm của Ác Quả, để từ đó mới giác ngộ mà học tập các vị Bồ Tát biết sợ gieo Nhân, chứ không phải đợi đến lúc thọ Quả rồi mới biết sợ. Phiền não tức Bồ Đề là thế. Khổ đau vẫn thường là ông thầy hữu hiệu nhất xưa nay. Chúng ta giúp người ở giai đoạn hái Quả. Đức Phật giúp chúng sinh ở giai đoạn gieo Nhân. Chúng ta nhắm trị cái ngọn. Đức Phật nhắm trị cái gốc. Trị ngọn thì khổ đau vẫn còn. Trị gốc thì khổ đau dứt tuyệt.
Cũng lại có thể Đức Phật bữa ấy cố tình chọn một thái độ như vậy vì Ngài muốn lợi dụng biến cố bên đường để dạy cho môn đệ và chúng sinh một bài học về Nghiệp Báo.
Trong bốn loại Nhân Quả nói trên thì chỉ duy trong Nhân Quả Tức Thì, Nhân và Quả như 2 mặt của một đồng tiền. Có mặt này là lập tức có mặt kia. Còn với ba loại kia thì Nhân còn phải chờ duyên. Bao giờ hội đủ thuận duyên thì Nhân mới trổ sanh Quả được. Nếu gặp nghịch duyên thì quá trình trổ Quả sẽ trì hoãn, kéo dài và có thể triệt tiêu luôn, nghĩa là Quả không trổ sanh nữa. Hạt lúa kia chẳng hạn được gieo xuống đất sẽ chỉ trổ thành cây lúa khi có đủ thuận duyên như khí trời, ánh sáng, nhiệt độ, và ẩm độ thích hợp v.v... Nếu gặp nghịch duyên như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp hay không có ẩm độ vừa phải, hay thiếu ánh sáng, khí trời v.v... thì cây lúa không trổ sanh được trong một thời gian bình thường, hoặc hạt lúa có thể bị hư thối, thui chột và vĩnh viễn không mọc thành cây lúa được nữa.
Nếu gieo toàn Nhân tốt thì Quả tốt sẽ mau chóng nở rộ còn nếu gieo toàn Nhân xấu thì Quả xấu cũng mau chóng trổ sanh. Những cái Nhân cùng tên (Nhân tốt gặp Nhân tốt hay Nhân xấu gặp Nhân xấu) hợp tác, phụ họa, đun đẩy nhau và thuận duyên trong những trường hợp này cũng mau chóng xuất hiện để gia tốc quá trình Nhân Quả. Những cái Nhân không cùng tên (Nhân tốt gặp Nhân xấu hay Nhân xấu gặp Nhân tốt) cản trở, níu giữ nhau và thuận duyên lại như chậm trễ để trì hoãn quá trình. Hơn thế, Nhân lại còn tùy tương quan tốt xấu mà triệt tiêu nhau nữa. Một Nhân tốt lại gặp phải nhiều Nhân xấu, hoặc một Nhân xấu lại gặp được nhiều Nhân tốt thì có thể trở nên thui chột và không trổ Quả nữa.
Nói cách khác thì nếu chỉ có một Nhân duy nhất, tốt hoặc xấu, thì chắc chắn sẽ có quả, tốt hoặc xấu, tương xứng với Nhân. Nhưng thông thường thì có cả một tập hợp Nghiệp Nhân tốt, xấu, lành, ác, lẫn lộn. Chúng tác động qua lại để hoặc gia tốc hay trì hoãn quá trình Nhân đến Quả hoặc giảm thiểu hay triệt tiêu luôn Nghiệp Quả.
Con người trong cuộc sống thường đã gieo trồng Hằng hà sa số là Nhân, tốt có, xấu có, lành có, ác có. Có người Nhân tốt, Nhân lành nhiều. Có người Nhân xấu, Nhân ác nhiều. Tốt, xấu, lành, ác trộn lẫn vào nhau thành một tập hợp vô cùng phức tạp. Lại thêm, trong quá trình từ Nhân đến Quả thì chính Nhân và Quả cũng biến thành duyên vừa thuận, vừa nghịch để tạo điều kiện thích hợp gia tốc hay trì hoãn quá trình. Cái phức tạp này phàm trí ta không thể nghĩ bàn.
Tuy phức tạp là thế nhưng có một bộ máy lưu trữ, lựa chọn, sàng lọc, cân đo, bù trừ, theo dõi đâu vào đấy, không sai, không lẫn, tuyệt đối vô tư, tuyệt đối công bình để định nên phước, họa của một người. Bộ máy ấy có nhiều tên gọi như Thượng Đế, Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng, Đấng Cao Xanh v.v... Trong Phật Giáo thì gọi là Tâm. Việc làm này của Tâm thì đúng là ngoài sức tưởng tượng của thế nhân. Đúng vậy, đây là một việc làm vô cùng phức tạp vô cùng huyền diệu, phức tạp và huyền diệu đến chỗ chẳng biết gọi là gì, nên gọi là Định Mệnh.
Trong cõi Ta Bà này, nơi nào cũng có cảnh ấm no, sung túc, cao sang, hạnh phúc xen lẫn với cảnh đói rét, thiếu thốn, hạ tiện, khổ đau. Cảnh trên dành cho những người đã giác ngộ lý Nhân Quả và ra sức gieo trồng nhiều Nhân tốt, còn cảnh dưới dành cho những người vì quá tham, sân, si đã gieo cấy nhiều Nhân xấu. Dĩ nhiên hai cảnh ấy biến hóa khôn lường và có vô số mức độ khác nhau vì số Nhân tốt, xấu gieo trồng chẳng ai giống ai. Nhân đã thế, duyên đã thế thì cuộc sống phải thế chứ. không thể khác được, trừ trường hợp ta đã ra sức nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt, để tự mình chủ động đổi thay cuộc sống của bản thân.
Người viết đã hốt nhiên thực chứng điều này vào năm 1980 khi còn là 1 tù nhân trong trại Ba Sao (Nam Hà). Trong một căn phòng giam nhốt 60 người tù, nhưng chẳng ai giống ai. Tuy cùng là thân phận tù đày, tuy được Cộng Sản gọi chung một tên là Ngụy Quân, cùng chịu chung một chế độ lao tù khắc nghiệt, nhưng mỗi người mỗi khác. Ngoại hình khác nhau, gia cảnh khác nhau, sức khỏe khác nhau, việc làm khác nhau (người phải làm việc nặng, kẻ được làm việc nhẹ), no đói khác nhau (Người có vợ con thăm nuôi, no nê quanh năm, kẻ chẳng có thân nhân nào ngó tới, đói rụng, đói rời). Người được tương đối bình an trong khám, kẻ thì bệnh hoạn rê rề, lại còn vướng vào chuyện nọ, chuyện kia, bị lôi ra, kéo vào, cùm kẹp, biệt giam, đánh đập, bỏ đói v.v... Thời gian ở tù cũng kẻ dài, người ngắn. Tóm lại chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh, tựu trung chỉ tùy vào tương quan Nhân Quả nơi mỗi cá nhân, nghĩa là tùy vào số Nhân tốt, xấu mà một người đã tự ý gieo trồng. Cái gọi là định mệnh thiên sai vạn biệt của nhân sinh chính là tập hợp những Quả đa dạng của số Nhân này. Đức Phật cũng dạy: "Chính vì cái Nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác, nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sinh".

3/. Nhân không tự hoại

Nhân một khi đã gieo thì cứ nằm đó. Nhân không tự hoại. Nếu không bị hoại thì Nhân cứ mãi mãi nằm đó để chờ duyên. Khi nào hội đủ thuận duyên thì Nhân liền trổ Quả. Trong kinh nói: "Dã sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ". Nghĩa là người tạo ra một nghiệp gì dầu trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất. Khi Nhân duyên đến rồi, Quả Báo này phải lãnh.
Người nô lệ gieo Nhân xấu kiếp nào nay Duyên đến phải hái Quả xấu. Người chủ nô đang gieo Nhân xấu, đến một thời điểm nào đó sau này khi hội đủ thuận duyên cũng sẽ phải hái Quả xấu, nếu như đương sự sau đó không sám hối hay không gieo trồng nhiều Nhân tốt để vô hiệu hóa hay triệt tiêu Nhân xấu này.
Tất cả Nhân mà một người đã gieo trồng đều được lưu giữ. Lưu giữ ở chỗ nào thì không ai biết, nhưng y như có một cái kho tồn trữ vô hình tuyệt đối an toàn dung chứa tất cả số Nhân của một người. Cái kho ấy Phật Giáo gọi là A-Lại-Da-Thức hay Đệ Bát Thức. A-Lai-Da-Thức theo sát người chủ nó từ kiếp này sang kiếp khác như bóng vói hình, "như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe", theo mãi cho đến lúc không còn Nghiệp Nhân, nghĩa là cho tới khi đoạn tận Nghiệp Quả, tức thoát vòng luân hồi sinh tử mới thôi.

4/. Một vài đặc tính của Nghiệp Báo.

Tuy bị chủ nô đánh đập tàn nhẫn, nhưng người nô lệ không có nợ với người chủ nô. Nếu có, thì sao Đức Phật lại nói là người chủ nô vì sân giận đang gieo một Nhân xấu và trong tương lai sẽ phải hái một Quả xấu. Vậy thì rõ ràng người chủ nô không phải là chủ nợ đang lấy nợ. Y chỉ là một loại thuận duyên để ngưòi nô lệ trả nợ mà thôi. Nợ Nghiệp Báo khác xa nợ thế gian. Nợ Nghiệp báo không đặt vấn đề không gian, thời gian và cũng không nhất thiết là phải trả cho chủ nợ. Cứ khi nào hội đủ thuận duyên là con nợ phải trả, trả bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và trả cho bất cứ ai cũng được. Trả rồi thì nợ xóa, thế thôi. Như thể có một siêu tổ chức đảm nhiệm ghi nợ, theo dõi và lấy nợ. Còn nợ thế gian thì tuy hầu hết không đặt vấn đề không gian, nhưng vấn đề thời gian thì phải được tôn trọng, nghĩa là nợ phải được trả vào một ngày tháng rõ rệt mà hai bên chủ nợ và con nợ đã thuận tình và sau là nợ phải được trả cho chính chủ nợ. Nợ thế gian có thể quỵt, có thể trốn, nhưng nợ Nghiệp Báo thì không. Lại nữa, nợ thế gian thì vay ít trả nhiều vì phải trả lãi, nhưng nợ Nghiệp Báo thì còn tùy vào cá nhân con nợ. Không nhất thiết là vay trả phải tương xứng. Nếu con nợ biết hối cải, dốc lòng làm điều thiện, luôn lấy tâm Từ, tâm Bi đối xử với chúng sinh, nghĩa là đã gieo vô số Nhân tốt thì có thể nợ mười chỉ phải trả năm, sáu, hoặt ít hơn nữa, hoặc được xóa luôn. Thành ra 2 con nợ cùng có một món nợ tương tự, nhưng trả ít, trả nhiều thì còn tùy mỗi người. Đức Phật dạy một muỗng muối mà cho vào một chén nước thì mặn, nhưng đem đổ xuống sông Hằng (Ganges) thì nước sông đâu có chút mặn nào là vậy.
Trong Phật học có chuyện Đề Bà Đạt Đa lăn đá từ trên núi cao xuống, toan giết Đức Phật, nhưng tảng đá chỉ làm trầy chân Ngài mà thôi. Trong một tiền kiếp Đức Phật có lỡ tay đánh chết một người em khác mẹ trong một vụ tranh chấp tài sản, nên kiếp này Ngài phải chịu Nghiệp Báo. Nhưng vì đạo đức của Ngài cao cả vô song, nên Ngài vay nhiều mà chỉ phải trả chút đỉnh. Cái Nhân Ngài gieo là giết chết một mạng người, mà cái Quả Ngài thọ chỉ là một sự trầy da qua quéo mà thôi.
Chư Phật, chư Bồ Tát cũng không tránh khỏi Nghiệp Báo. Dù chỉ còn chút đỉnh, các Ngài cũng phải trả cho xong rồi khi viên tịch mới nhập Vô Dư Niết Bàn và vĩnh viễn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật có xác nhận rằng đây là kiếp sống cuối cùng của Ngài ở thế gian này.

5/. Tự do ý chí

Qua pháp Nghiệp Báo, Phật Giáo đề cao tự do ý chí. Con người được tự do lựa chọn chiều hướng trong suy nghĩ, nói năng, hành động và chịu trách nhiệm về mọi sự lựa chọn ấy. Tạo phước thì hưởng, gây họa thì gánh, không thể đổ thừa, trách cứ thế lực ngoại lai nào. Chẳng có Đấng Toàn Năng nào ban phước, giáng họa cho mình cả.
Đức Phật dạy: "Làm ác do nơi ta. Làm cho ta dơ bẩn do nơi ta. Không làm ác do nơi ta. Làm cho ta trong sạch cũng do nơi ta. Cả hai: dơ bẩn và trong sạch chỉ tùy thuộc nơi ta. Không ai có thể làm cho ta trong sạch”.
Người nô lệ đang phải chịu cái họa do chính y gây ra và người chủ nô trong tương lai cũng sẽ như vậy nếu y không có những Nhân lành để bù trừ, bạch hóa. Con người chủ động tạo ra số phận của mình và dĩ nhiên cũng chủ động cải tạo số phận ấy.
Nghiệp báo như trên đã nói là một trong những điểm đặc thù của Phật Giáo. Nghiệp báo không giống thuyết Định Mệnh, vì thuyết này cho rằng con người hoàn toàn thụ động, nghĩa là không có một vai trò nào đối với cuộc sống của chính mình. Mọi điều phước, họa, cát, hung đều do một Đấng Tối Cao định đoạt. Con người chỉ biết cúi đầu chấp nhận, phước thì may mà họa thì đành, chứ không thể tự mình chủ động sửa đổi được số phận Trời ban, Trời bắt ấy.
Với thuyết Định Mệnh này xem ra khó lý giải được những khác biệt vô cùng phong phú trong cõi nhân sinh và lại như hàm chứa một sự bất công. Người ta không hiếu tại sao lại có cảnh người ăn không hết, kẻ lần không ra; người tiền chôn bạc cất, kẻ nghèo túng xác xơ; người phương phi đĩnh ngộ, kẻ kỳ tướng dị hình; người thông minh tuấn tú, kẻ ngu si đần độn; người thọ, kẻ yểu; người cao sang quyền lực, kẻ hạ tiện thế cô v.v...
Ai may mắn được ban phước thì hẳn là vui sướng và hết lòng xưng tán Đấng Tối Cao, còn ai kém may mắn phải lãnh họa chắc cũng thắc mắc, băn khoăn, oán trách.
Nhưng có ngưòi lại cho rằng pháp Nghiệp Báo cũng chẳng khác gì thuyết Định Mệnh. Con người cũng phải chấp nhận cuộc sống hiện tại vì sống là thọ nghiệp Quả của vô số nghiệp Nhân đã gieo trồng từ những kiếp trước rồi.
Đúng là cuộc sống của mỗi người chỉ là Nghiệp Báo, nhưng theo Phật Giáo thì Nghiệp Báo không phải là cái gì tiền định, bất khả lay chuyển, bất khả di dịch mà trái lại con người có khả năng và chủ động sửa đổi Nghiệp Báo để từng bước chuyển đổi cuộc sống hiện hữu và cuộc sống tương lai từ khổ đau đến hạnh phúc, từ hạnh phúc đến hạnh phúc hơn, bằng cách gieo trồng nhiều Nhân tốt ngay tại kiếp này. Nhân Quả có loại dị kiếp nhưng cũng có loại đồng kiếp cơ mà.
Xem thế thì Nghiệp Báo và Luân Hồi trong Phật Giáo không những có thể đem lại một giải đáp suôn sẻ cho mọi thắc mắc, băn khoăn của con người về những sai biệt của cuộc sống thế gian, mà còn khuyến khích con người ra sức kiến tạo một nếp sống lương thiện và hằng cứu giúp để chủ động cải đổi số phận mình ngày thêm tốt đẹp và từ đó dẫn đến một xã hội an vui, hòa ái và giầu lòng tương trợ, một xã hội lý tưởng mà nhân loại đã và đang mỏi mắt kiếm tìm.
Là Phật tử đã liễu ngộ được đệ nhất đế trong Tứ Diệu Đế hẳn ai cũng muốn thoát vòng sinh tử luân hồi. Nhưng Luân Hồi do đâu mà có?
- Theo Phật học thì Nghiệp Báo chính là cội nguồn, gốc gác của Luân Hồi. Còn Nghiệp Báo thì còn nghiệp lực đẩy xô khiến con người mãi mãi sinh tử trôi lăn trong vô lượng kiếp. Nghiệp ác thì trôi lăn trong khổ đau. Nghiệp thiện thì trôi lăn trong hạnh phúc. Chắc có người cho rằng cứ ra sức gieo cấy tối đa Nhân lành để được luân hồi trong hạnh phúc là được rồi, hà tất phải giải thoát khỏi sinh tử, tử sinh. Đành rằng luân hồi trong hạnh phúc thì hơn hẳn luân hồi trong khổ đau. Nhưng trong cõi Ta Bà này nào có ai, dù sống trong hạnh phúc, mà tránh được tám cái khổ vốn bám chặt lấy cõi nhân sinh là sanh, già, bệnh, chết, yêu thương xa lìa, thù ghét gặp gỡ, cầu không được ước không nên và ngũ ấm xí thạnh? Ai là người trốn được luật Vô Thường chi phối cõi đời này? Luật ấy xui khiến mọi vật ở thế gian, biến đổi từng phút, từng giây, nay thế này, mai thế khác. Những cảnh phế hưng, bĩ thái, thăng trầm, còn mất cứ theo nhau như sóng triều tiếp nối không ngừng. Cuộc tang thương dâu bể có chừa ai đâu. Và cuộc đổi thay nào cũng có mặt hay cũng tiềm ẩn phiền não, khổ đau và sợ hãi cả. Tóm lại, đã có mặt ở cõi Ta Bà này thì cứ hữu thân là hữu khổ, dù cái thân ấy có sống trong giầu sang, quyền thế đến mấy đi nữa. Hơn thế, cái hạnh phúc tương đối, phù du của thế gian làm sao so sánh được với cái hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh cữu của cõi Cực Lạc hữu thường, vô tử, vô sanh.
Nghiệp Báo đã là cội gốc của Luân Hồi. Vậy muốn thoát Luân Hồi thì phải quét sạch Nghiệp Báo. Nhưng Nghiệp Báo do đâu mà có? Phật học định nghĩa Nghiệp là những hành động có tác ý (cetanà) của thân, miệng, ý. Tuy nói là thân, miệng, ý, nhưng ý mới thật là chính danh thủ phạm gây tạo Nghiệp nhân. Vì ý có khởi suy nghĩ thì miệng mới nói năng, chân tay mới hành động. Ý có tham, sân, si thì miệng mới nói những điều gian dối; độc ác; thêu dệt (bé xé ra to, ít xít thành nhiều); dục bị, xui nguyên và thân mới chém giết, trộm cắp, tà dâm. Có tác ý nghĩa là có tư tưởng xen vào. Cứ có tư tưởng là có Nghiệp Nhân, hay nói khác đi thì tư tưởng là đầu giây, mối nhợ, gốc gác, cội nguồn của Luân Hồi, chứ không còn gì khác nữa. Cũng vì vậy Phật Giáo đề cao Sám Hối. Sám hối là sau khi làm một điều chẳng lành liền biết ăn năn, hối hận và quyết tâm không tái phạm nữa. Sám hối tùy theo mức độ thành khẩn có hiệu lực to lớn như giảm thiểu ảnh hưởng hoặc triệt tiêu Nhân xấu. Sám hối là sự chuyển hướng của tư tưởng. Tư tưởng chuyển thì Nghiệp Báo chuyển. Tư tưởng dứt thì Nghiệp Báo dứt.
Hành động của chư Phật, chư Bồ Tát không tạo Nghiệp Nhân vì các Ngài luôn sống trong Chánh Niệm, một trạng thái phi tư tưởng. Còn chúng sinh thì hành động nào cũng bị tư tưởng chi phối nên cũng đều gieo cấy Nghiệp Nhân. Còn có mặt của tư tưởng trong mọi hành động thì con người, Nghiệp Báo còn dài, và còn phải mãi mãi trôi lăn, chìm đắm, luân hồi chẳng biết đến bao giờ.
Cũng vì thế trước sau hai pháp cao tột, rốt ráo mà người Phật Tử nên tinh tấn hành trì vẫn chỉ là Chánh Niệm và Tứ Niệm Xứ. Thực hành Chánh Niệm hay Tứ Niệm Xứ là sống trọn vẹn với hiện tiền, tức phi tư tưởng vậy. Trong tức thì, phi tư tưởng giúp ta giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi, nghĩa là đưa ta vào cảnh giới giải thoát, vào Hữu Dư Niết Bàn ngay trong cuộc sống này, ở thế gian này. Một khi đã giải thoát thì tâm thái mới trở nên an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt, tình yêu thương chân chính mới ló dạng, và từ đó gia đình mới thật sự hạnh phúc, xã hội mới thật sự an lạc và thế giới mới thật sự hòa bình. Về lâu, về dài phi tư tưởng sẽ đưa ta ra khỏi luân hồi sinh tử, nhập vào cảnh giới Vô Dư Niết Bàn, một cõi hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh hằng chỉ dành cho những người đã dũ sạch Nghiệp Báo.


TRÍCH: GIẢI THOÁT TỨC THÌ
Tác giả: Nhi Bất Nhược

Sống và chết

Sống và chết chẳng qua là một biến hóa, một tiểu biến hóa trong cái đại biến hóa của trời đất. Chết là chuyển từ một cảnh này sang một cảnh khác. Nếu trong sự chuyển đổi này mà ta sinh lòng sợ hãi thì chẳng khác gì nàng Lộ Cơ khi lên kiệu hoa về làm hoàng hậu nước Tấn thì khóc lóc thảm thiết, nhưng khi đến nơi, vui với cảnh cung vàng, điện ngọc, đắm say duyên mới nồng nàn thì lại hối hận giọt lệ ngày xưa và không muốn trở về quê cũ.Sống chết đã nằm trong lẽ biến hóa vô cùng của trời đất thì việc sống chết của ta chẳng khác gì một lữ khách trên đường vân du ngoạn cảnh, càng đi càng gặp cảnh mới, và cảnh mới nào cũng đẹp, cũng xinh, chớ nên để cảnh nào trói buộc mình, giữ chân mình, vì trên đường đi tới còn bao nhiêu cảnh đẹp hơn nhiều đang chờ đợi ta.
Ta chẳng nên ham sống sợ chết làm gì. Chết chưa hẳn là đáng sợ. Khi đang sống thì ta sợ chết. Nhưng khi chết rồi biết đâu ta lại chẳng sợ sống. Nếu ở cõi chết có thần linh nào đòi đưa ta về cõi sống, biết đâu ta lại chẳng sợ hãi và tìm mọi cách trốn tránh, như khi ở cõi sống ta sợ hãi và trốn tránh cõi chết vậy. Ai biết thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi thì còn làm gì có vấn đề sống chết nữa”.
Còn các tôn giáo thì lại nói về một cuộc sống ở một cõi khác, một cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối dành cho linh hồn những người có thiện tâm và có đức tin vào đấng TỐI CAO.
Phật Giáo thì đưa ra thuyết luân hồi. Thuyết này chủ trương rằng con người chết đi, lại đầu thai để sống một cuộc sống kế tiếp khác và cứ thế trôi lăn cho đến bao giờ nghiệp tận, duyên cùng mới thoát khỏi sinh tử, tử sinh. Ngoài ra, Phật Giáo cũng có nói đến cảnh giới Niết Bàn, đến Tây Phương Cực Lạc dành cho những linh hồn trong trắng, thánh thiện.
Triết học và tôn giáo đã làm giảm thiểu nỗi sợ hãi của con người trước cái chết. Nhờ triết học và tôn giáo con người mới thấy rằng chết không phải đáng sợ như người ta nghĩ. Chết cũng không phải là hết, là chấm dứt cái "tôi". Người theo Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo chẳng hạn, cứ dốc lòng hành ĐẠO, dốc lòng tin tưởng vào đấng Tối Cao thì sau khi chết sẽ lại có ngay một cuộc sống khác huy hoàng, hạnh phúc trong cảnh trời vĩnh cửu. Còn Phật tử mà cứ tinh tấn hành trì Phật pháp thì sau khi chết sẽ đầu thai và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nhờ tích phước trong khi hành ĐẠO tại kiếp này.
Con người chỉ cần nói cho biết rằng chết không phải là điểm tận cùng mà là khởi điểm của một cuộc sống khác, nghĩa là có sự liên tục của cái "tôi" là sự sợ hãi trước cái chết chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Con người đến với tôn giáo này , tôn giáo nọ, chỉ cốt tìm một lời giải đáp siêu hình cho câu hỏi: "chết sẽ đi về đâu?", và cầu xin một sự cứu rỗi, cứu độ, để khi mãn kiếp, tròn đời sẽ được đón về một cõi huy hoàng, hạnh phúc nào đó.
Sợ hãi trước cái chết giảm thì có giảm, nhưng chưa dứt. Nó vẫn còn đó, vẫn day dứt, vẫn hành hạ. Tại sao vậy? Có cách nào dứt được mối sợ hãi thường trực và cố hữu này không?
Thông thường ta không bao giờ lại sợ hãi một cái gì mà ta không hề có một chút kinh nghiệm hay một hình ảnh nào về cái đó cả.
Như trên đã nói, chúng ta chẳng ai có được kinh nghiệm về cái chết mà chúng ta vẫn sợ chết. Sở dĩ vậy, chính chỉ vì ta có lưu giữ trong ký ức một số hình ảnh về cái chết.
Đúng vậy, ta đã trông thấy những xác người chết vì tai nạn xe cộ nằm cong queo bên vệ đường, máu me nhoe nhoét. Ta đã trông thấy nhiều xác chết cứng lạnh, trẻ có, già có, thân hình teo tóp, da dẻ xám ngoẹt nằm ngay đơ trước thân nhân, họ hàng đang khóc lóc thảm thiết. Ta cũng đã từng chứng kiến những người chết vì bom đạn, chết chẳng toàn thây, mỗi nơi mỗi mảnh. Ta cũng đã thấy những xác người được đưa vào lò thiêu hay đem đi chôn sâu trong lòng đất. Ta cũng đã thấy những xác chết không được chôn cất kịp thời, vòi bọ lúc nhúc và hôi thối bốc mùi. Ta lại cũng đã thấy những thây ma sình chương trôi dạt trên biển, trên sông.
Ta sợ chết mỗi khi ta nghĩ rằng những hình ảnh khủng khiếp mà ta có trong ký ức kia sẽ đến với ta. Ta hiện đang sống ở đây và vào giờ này, nhưng những hình ảnh ấy đang chờ đợi ta ở một không gian nào đó và nhất định rồi đây ta sẽ phải gặp chúng ở một thời điểm nào đó trong tương lai xa hay gần. Chính chỉ vì thế mà sinh lòng sợ hãi đấy thôi. Chừng nào mà ta còn lưu chấp những hình ảnh về cái chết, chừng nào mà ta còn quan niệm rằng sống nay mà chết ở mai sau, thì sợ hãi vẫn còn. Nói khác đi chừng nào ta còn kẹt vào vòng lệ thuộc của không gian, thời gian thì sợ hãi nói chung, trong đó có sợ hãi về cái chết, vẫn còn đè nặng tâm tư ta, làm tiêu hao thần lực của ta.
Trên thực tế, chết là một mặt của sự sống. Sống và chết như hai mặt của một đồng tiền. Có cái này là lập tức có cái kia. Sống và chết chẳng bao giờ rời nhau. Khi ta vừa mới sinh ra là cái chết đã có mặt trong ta. Nếu không có cái chết nằm sẵn thì cái sống không có điều kiện phát triển. Đúng vậy, khi thân xác ta đang sống thì các tế bào, những thành phần cấu tạo nên thân xác, cứ lần lượt chết đi. Nếu các tế bào không chết đi thì đứa trẻ nằm nôi vẫn cứ mãi mãi nằm nôi. Nó chẳng bao giờ có thể trở thành một thanh niên, trai tráng được. Cũng trong lúc thân xác ta đang sống thì các hồng huyết cầu trong cơ thể cứ theo nhau tự hoại diệt. Đời sống một hồng huyết cầu vào khoảng 120 ngày. Nếu hồng huyết cầu không chết đi như thế thì cái sống của thân xác cũng khó mà tồn tại. Rõ ràng cái chết chẳng phải ở tương lai đâu. Nó ở ngay hiện tiền cùng với cái sống. Nó cũng tự nhiên như cái sống vậy. Sống chết quyện vào nhau, bổ túc cho nhau, chứ không phải sống và chết là hai hiện tượng cách ly về phương diện không gian và thời gian. Cái mà ta gọi là sống, thực ra chưa bao giờ rời cái chết. Cái mà ta gọi là chết chính lại là điều kiện cho cái sống phát triển.
Trang Tử trong thiên "TRI BẮC DU" phát biểu về sống chết cũng nói:
"Sinh giả tử vi đồ, Tử gia sinh vi thỉ”

"Nhược sinh tử vi đồ, Ngô hựu hà hoạn"

Nghĩa là con người mới sinh ra, cái chết đã theo liền. Chết đi chính là khởi đầu một cuộc sống mới. Nếu sống, chết đã không hề rời nhau thì ta còn lo âu trước cái chết làm gì.
Tóm lại, để thoát khỏi sợ hãi trong đó có sợ hãi về cái chết thì không có đường lối nào khác là sống phi thời gian, phi không gian, tức là sống trọn vẹn với hiện tiền. "Sinh" là vấn đề thuộc quá khứ, "Tử" là vấn đề của tương lai. Một khi đã sống trọn vẹn với hiện tiền thì làm gì còn vấn đề sinh, tử nữa. Nói khác đi phi tư tưởng tức giải thoát khỏi sinh, tử vậy.

NHI BẤT NHƯỢC

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TÌNH YÊU THƯƠNG




Tình yêu thương chân chính chẳng "vị" cái gì cả. Nó là nó. Nó hồn nhiên và trong vắt, trong veo, vì không còn bị vẩn đục bởi sự có mặt của tư tưởng. Tình yêu thương chân chính chẳng bao giờ là kết quả của một sự cân nhắc, một sự tính toán, so đo xa gần, hơn thiệt. Tình yêu thương chân chính được ban rải hồn nhiên và đồng đều, không phân biệt đối tượng, y như những loài hoa quý ban rải hương sắc của chúng.

Phải có cái mà Ngài J. Krishuamurti gọi là cuộc chuyển hóa thật sự của cơ cấu tâm lý con người hay còn gọi là cuộc cách mạng nội tâm triệt để hầu giành lại sự tự do tuyệt đối, hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối, ràng buộc của kiến thức và kinh nghiệm, tức của tư tưởng, thì bấy giờ một chân trời mới, chân trời của tình yêu thương chân chính, bao la mới mở rộng chan hòa. Cuộc chuyển hóa ấy, cuộc cách mạng ấy bắt đầu và chấm dứt bằng lối sống phi thời gian, phi không gian...




Một hôm có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, bạn thấy một người ngoại hình tiều tụy, xác xơ. Bạn muốn đóng sầm cửa lại cho bõ ghét, nhưng lại chợt nhận ra y là một người trong thân tộc. Người thân này tuy đã lâu bạn không gặp lại, nhưng có nghe nói là hồi này đương sự lâm vào cảnh khó khăn, cùng quẫn vì lỡ vận, sa cơ, đến chỗ đói cơm, rách áo. Bạn miễn cưỡng mời vào, nhưng trong tâm đã nghĩ: Anh này chắc lại đến vay mượn, xin xỏ gì đây. Thế là bạn hững hờ, lạnh nhạt, chẳng muốn trò chuyện và cũng chẳng mời khách lấy một một ly nước trà theo thông lệ nữa. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, người thân ấy cất lời vay mượn bạn một số tiền để có vốn làm ăn, đúng như bạn đã tiên đoán. Khách vừa dứt lời thì lập tức, y như một chiếc máy điện toán, mọi dữ kiện tích lũy từ thuở nào có liên hệ đến người thân kia, được lần lượt đưa ra, và nhanh như chớp, khúc phim được chiếu lại vô cùng rõ nét:
Anh này trước đây rất giầu có, thừa hưởng cả cái gia tài kếch sù do cha mẹ để lại. Nhà hai ba nếp. Tiền bạc như nước. Lên xe, xuống ngựa. Thân tộc xa gần chẳng ai sánh kịp. Cơ nghiệp như thế mà chẳng biết giữ lấy, lại đổ đốn ăn chơi đàng điếm, ném tiền qua cửa sổ để mua lấy những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, nên nay mới tán gia, bại sản. Lúc còn giầu có, anh chẳng nghĩ gì tới họ hàng, bè bạn; ngược lại còn nghênh ngang, kiêu ngạo, mục hạ vô nhân, khinh khi bằng hữu, quyến thuộc. Chính bản thân mình có lần gặp khó khăn tạm thời, tìm anh để nhờ giúp đỡ, thế mà anh đã nỡ lòng lánh mặt.

Khúc phim vừa dứt thì bạn lại nghĩ tiếp:

Trước nay mình chẳng vay mượn, nhờ vả gì anh. Nay gặp cơn đen, vận túng anh đến gõ cửa nhà mình, mình chẳng có nghĩa vụ gì phải thi hành và cũng chẳng có ơn huệ nào phải đền đáp cả. Có cho vay, cho mượn thì cũng phải "trông giỏ bỏ thóc", chứ ai dại gì mà lại đem tiền mồ hôi, nước mắt ném sông, ném biển bao giờ. Với những người biếng nhác, chây lười, ham mê khoái lạc, chẳng biết tính trước lo sau, thì cần phải để cho đương sự có một bài học thấm thía mới được. Đúng vậy, chỉ có khổ đau và nhục nhã mới là ông thầy hữu hiệu nhất thôi. Nay đương sự chưa chắc đã tỉnh ngộ mà vội vàng giúp đỡ thì cũng vô ích. Ngựa lại theo đường cũ ngựa đi. Mình nên từ chối thẳng tay để anh ta có dịp hồi tỉnh, sáng mắt, âu cũng là một việc làm tốt.
Nhưng rồi bạn lại đắn đo:
Nếu mình không giúp đỡ, đáp ứng lời khẩn cầu của đương sự, thì chắc chắn anh ta sẽ gióng trống, khua chiêng trong họ, ngoài làng và mọi người lại đua nhau lên án mình keo kiệt, chỉ biết bo bo giữ của, chẳng biết cứu giúp anh em, dòng họ. Thôi thì đương sự vay mười, ta chỉ cho một, hai, gọi là có cũng được rồi. Như vậy ta cũng tỏ cho mọi người biết là ta có lòng yêu thương quyến thuộc, và chính đương sự cũng chẳng ta thán vào chỗ nào được. Hơn thế, giúp người thì người khác lại giúp mình. Người Anh chẳng đã có những câu ngạn ngữ như:
- Một hành vi tốt chẳng bao giờ lại mất.
- Sự tử tế là một cuộc đầu tư chẳng bao giờ thất bại.
Thế là bạn quyết định như đã tính toán, tức là cho người thân này vay một chút đỉnh tiền bạc cho qua chuyện. Quyết định này xét ra hợp lý. Hợp lý ở chỗ bảo toàn được thanh danh chẳng ai có thể chê cười. Hợp lý ở chỗ nếu đương sự sau này không có khả năng hoàn trả thì dù có mất cũng chẳng bao nhiêu.
Thế rồi, sau khi người thân đó ra về, thì lại một tiếng gõ cửa thứ hai. Khác với trước, lần này mở cửa ra, bạn gặp một khách lạ cực kỳ sang trọng. Trang phục và dáng dấp rõ ra là một bậc thượng lưu. Bạn tưởng khách lầm nhà, nhưng sau được khách xác nhận là khách muốn gặp bạn, thì bạn nghĩ ngay:
Đây hẳn là một một nhân vật quan trọng trong chính giới, hay nếu không thì cũng phải là một doanh gia cỡ lớn. Khách tìm đến nhà mình, chẳng mang danh tới, cũng mang lợi vào. Sự hiện diện của khách chắc là một sự may mắn đến với gia đình mình.
Thế là bạn vồn vã, ân cần để tỏ lòng hiếu khách. Bạn trò chuyện lễ phép, chào mời đon đả, như thể đã cùng khách quen thân từ mấy kiếp rồi.
Lề lối suy nghĩ và hành xử trên này chẳng phải của riêng bạn, mà là của hầu hết mọi người có mặt trên trái đất này. Tâm lý của con người nói chung là thế. Cũng chẳng phải tâm lý này mới xuất hiện đây, mà biết bao nhiêu thiên niên kỷ rồi, nó vẫn vậy, và trước sau không đổi. Có thể nó bén nhậy hơn, sâu sắc hơn, nhưng chiều hướng và nội dung thì luôn luôn cố định, ấy là: con người lúc nào cũng tham lam, vị kỷ, cũng chạy theo danh, lợi và quyền lực như bao giờ.
Để thỏa mãn tính tham lam, vị kỷ và lòng ham chuộng lợi, danh, quyền lực ấy, con người đã không từ một điều gì không làm. Mọi mưu toan, tính toán, rồi thiết kế, bầy mưu cũng chỉ nhằm thỏa mãn tham vọng của cái "ta". Cái "ta" đây có thể là cá nhân, mà cũng có thể là tập thể, như phe ta, nhóm ta, đảng ta, nước ta, khối ta, v.v... Trước kia với nền văn minh còn thấp kém thì hậu quả không mấy quan trọng, nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, tính tham lam vị kỷ ấy nhiều lúc đã đe dọa cả sự sống còn của nhân loại trên hành tinh này.
Tuy tham lam vị kỷ là thế, nhưng con người lúc nào cũng khéo léo che đậy bản chất ấy. Có nói đến thì con người lại chối cãi, phủ nhận một cách ngoan cố. Con người cũng còn bầy ra các hình thức tu hành nói là để tiêu diệt, loại trừ tham, sân, si và nhất là tính tham, cái tính mà con người ai cũng công nhận, là đầu dây, mối nhợ của muôn vàn tội ác. Nhưng có xử dụng hình thức này, hình thức khác, có khoác mầu áo này, mầu áo khác thì tham lam, vị kỷ vẫn còn đó. Mấy thiên niên kỷ rồi con người theo tôn giáo này, tôn giáo nọ để mong tu tâm, sửa tánh, nhưng nào có hiệu quả gì đâu. Gia đình vẫn chán vạn xung khắc, đổ vỡ. Xã hội vẫn đầy rẫy tranh chấp, sát phát. Cộng đồng nhân loại vẫn rối ren, sóng gió. Đôi lúc người ta đã phải nghĩ rằng thế giới đang trên đà sa sút, suy đồi; nhân loại đang trên khuynh hướng thoái lui, băng hoại. Có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là những biện pháp "ngoài giầy gãi ngứa" hời hợt, phiến diện, vì một gia đình ấm êm, hạnh phúc; một xã hội an bình, trật tự; một thế giới hòa bình, ổn định chỉ có thể xuất hiện khi có tình yêu thương chân chính mà thôi. 
Tình yêu thương là một mỹ từ được con người đua nhau nói tới. Người ta nói đến nào là tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương đất nước, đồng bào, nào là tình yêu thương giai cấp, nào là tình yêu thương đồng nghiệp, bằng hữu, nào là tình yêu thương giữa những người trong thân tộc, trong gia đình, v.v...
Riêng đối với tôn giáo thì các vị giáo chủ trước đây và các hàng chức sắc trong đạo sau này, thường lợi dụng mọi cơ hội để kêu gọi tình yêu thương một cách rộng rãi, bao quát như yêu thương không phân biệt kẻ thù, người thân, yêu thương cả cỏ cây, muông thú.
Nhưng xét cho cùng, suy cho kỹ, vô tư, thành thật mà xét suy thì cái mà người đời gọi là tình yêu thương ấy chỉ là một nhóm từ rỗng tuếch của chót lưỡi, đầu môi. Những lời kêu gọi tình yêu thương cũng chỉ là những lời kêu gọi trong sa mạc.
Hơn thế, nhiều khi kêu gọi yêu thương, người ta lại đi đến một kết quả đảo ngược là tiêu diệt yêu thương. Chẳng hạn như lời kêu gọi yêu thương đất nước, yêu thương giai cấp, yêu thương dân tộc, v.v... Đã có cái là đất nước ta, giai cấp ta, dân tộc ta, tất phải có cái không phải là đất nước ta, không phải giai cấp ta, không phải dân tộc ta. Ta càng yêu thương cái "ta" bao nhiêu thì lại càng ghét bỏ cái "không ta" bấy nhiêu. Cái không khí hận thù bao trùm nhân loại từ bao lâu nay cũng chính do cái tình yêu thương có tính cục bộ và phân biệt này.
Khi nhận định về mối tương quan giữa các quốc gia trên thế giới một chính trị gia Pháp đã phải nói: "Nhân loại đã sống trong trạng thái xã hội, nhưng các quốc gia trên thế giới vẫn sống trong trạng thái thiên nhiên". Trạng thái thiên nhiên là trạng thái của muông thú chốn rừng xanh. Làm gì có tình yêu thương ở chốn sơn lâm ấy, nơi mà vì sự sống còn của chính mình và chủng loại mình, sinh vật này đã ăn thịt các sinh vật khác một cách dã man, tàn bạo.
Chẳng làm gì có tình yêu thương thật sự trên trái đất này, có chăng cũng chỉ là trên bình diện ngôn từ, văn tự mà thôi. Bề ngoài thì giương cao ngọn cờ tình yêu thương, nhưng bề trong thì con người lúc nào cũng mài nanh, giũa vuốt để sẵn sàng tiêu diệt đồng loại vì tham vọng cá nhân, phe, nhóm. Đúng là: "Miệng Bồ tát, bụng một bồ dao găm".
Trên bình diện toàn cầu đã vậy, còn trên bình diện nhỏ hẹp hơn như quốc gia, thậm chí đến làng, thôn, xóm, ấp thì tình trạng cũng chẳng hơn gì. Người ta cũng phân biệt, cũng kỳ thị địa phương, tôn giáo, sắc tộc, chính kiến. Người ta cũng lập đảng, lập phái, kéo cánh, kéo bè, nhân danh chuyện này, chuyện nọ, để thanh toán, đàn áp những người không cùng phe nhóm, hầu chiếm lấy quyền lực, ưu thế mà thủ lợi trên đầu, trên cổ những người khác cho thỏa lòng tham lam cố hữu.
Tóm lại, chẳng làm gì có tình thương yêu chân chính giữa con người với con người trong các cộng đồng lớn, nhỏ. Mỉa mai thay khi nói đến tình yêu thương nhân loại!
Còn với giai cấp, bàng hữu, đồng nghiệp v.v... thì nói chung cũng chỉ vì lợi ích tương đồng, tương hỗ, gần hay xa, trực-tiếp hay gián-tiếp, người ta đã phải kết-hợp với nhau. Sự kết hợp này, nhiều khi chỉ có tính giai đoạn, được gọi là tình yêu thương.
Nhưng còn với đôi lứa, với gia đình, quyến thuộc như cha mẹ, con cái, anh chị em ruột thịt thì sao? Liệu giữa những người này có tình yêu thương hay không?
Trong các loại tình yêu thương thì tình yêu thương giữa nam nữ, vợ chồng là mạnh mẽ nhất. Người ta sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì người yêu. Người ta sẵn sàng làm mọi việc, kể cả những việc phi nhân nghĩa, phi đạo lý vì người yêu, và người ta cũng có thể hy sinh vì người yêu.
Tuy thế, tình yêu thương nam nữ cũng chỉ là kết quả của tính toán, so đo. Hai bên nam nữ yêu thương nhau vì mỗi bên có hội đủ một số điều kiện mà bên kia mong đợi. Bên nữ thì nhan sắc, sự đoan trang, đoan chính. Bên nam thì tài năng, bằng cấp, sự nghiệp. Và chung cho cả hai bên thì tuổi tác, phong độ khả ái, tính tình, nết na, sở trường, của cải thụ đắc, khả năng kiếm tiền, sức khỏe, thanh danh, gia thế, v.v... Dĩ nhiên những điều kiện này có đổi thay tùy theo trường hợp. Chẳng hạn gặp bên nam ham thích của cải, tiền bạc thì bên nữ giầu có dù không hội đủ mức độ duyên dáng đòi hỏi cũng vẫn có sức lôi cuốn đối phương. Đôi khi một bên vì quá nặng về điều kiện này mà các điều kiện khác lại trở nên lu mờ. Ví dụ với người con gái mà sắc đẹp vào hàng chim sa, cá lặn lại gặp bên nam hiếu sắc thì tất cả các điều kiện như thanh danh, gia thế, của cải thụ đắc, tính nết, v.v... thậm chí đến tuổi tác cũng trở nên không đáng kể.
Dù bề nào đi nữa, dù muốn nói gì thì nói, tình yêu thương giữa nam nữ cũng vẫn là sự gặp gỡ của các điều kiện. Bạn đâu có yêu thương bất cứ người khác phái nào. Gặp trường hợp ông Adam và bà Eva thì chẳng nói làm gì, còn trường hợp một bên có hai ba đối tượng để theo đuổi, thì nhận định trên càng trở nên dễ hiểu. Bạn cân nhắc, đối chiếu, suy trước, nghĩ sau, bù qua, sớt lại, rồi mới đi đến một quyết định mà bạn gọi là yêu thương.
Có trường hợp mà người ta quen gọi là tiếng sét ái tình nghĩa là một người trai gặp một người gái là yêu liền, yêu mê mệt, yêu bất chấp, chẳng đếm xỉa đến một điều kiện nào. Ta ngỡ đây là yêu thương đích thật. Nhưng không, đây chỉ là si mê. Yêu thương mà như bị thôi miên, bùa chú, mất hẳn vẻ tự chủ, tính sáng suốt.
Càng dễ hiểu hơn nữa, khi ta thấy những đôi trai gái yêu thương nhau tha thiết, keo sơn, gắn bó, nhưng đến khi thành vợ, thành chồng thì chẳng bao lâu lại thay lòng, đổi dạ, ghét nhau như quân thù, quân hằn. Trên bình diện quan sát, dò xét để đánh giá, bạn có thể lầm lẫn, và bạn cũng không có khả năng dò xét đối tượng cho đến ngọn nguồn, lạch sông. Nên khi gần gũi, chung sống, bạn mới phát hiện ra những thiếu sót ấy nơi người bạn đời. Có những điều kiện bạn tưởng là có, thì lại hóa không. Có những điều kiện bạn ngỡ là tròn đầy thì thực tế lại khiếm khuyết. Thế là cái gọi là tình yêu thương phai lạt, tan vỡ, vì những điều kiện làm cơ sở, nền móng cho nó không còn hội đủ.
Nhưng ngay với các cặp vợ chồng có cuộc sống chung gọi là hạnh phúc thì cũng chưa chắc đã phải là họ yêu thương nhau mà là họ cần nhau, vì đôi bên đều có những nhu cầu muốn thỏa mãn và đã được thỏa mãn ở một mức cao như nhu cầu danh vọng, của cải, nhu cầu sinh hoạt trong tổ ấm gia đình, nhu cầu có con cái nối dõi, nhu cầu sinh lý, nhu cầu nương dựa vào nhau, v.v... Ấy là chưa kể đến những trường hợp bề ngoài vợ chồng vẫn cơm lành, canh ngọt tưởng như có hạnh phúc, nhưng bề trong họ phải cắn răng chung sống vì một lý do nào đó, như tương lai con cái, như danh dự cá nhân, như thanh danh gia đình, dòng họ, hay vì một thế kẹt nào đó mà chỉ họ mới biết.
Nếu tình yêu thương giữa nam nữ mạnh mẽ nhất, thì tình yêu thương giữa những người cùng huyết thống như cha mẹ với con cái, như anh chị em với nhau, lại tự nhiên nhất, tự nhiên như mây trời, sóng biển, không khiên cưỡng, không giả tạo. Vì tự nhiên nhất, cơ bản nhất và nẩy nở sớm nhất, nên còn được coi là một loại tình cảm thiêng liêng. Tuy thế nó cũng không phải là tình yêu thương đúng nghĩa, ít nhiều vẫn có mưu toan, tính toán lẻn vào.
Có những bậc cha mẹ minh thị quan niệm "dưỡng nhi đãi lão" nghĩa là nuôi con chờ lúc tuổi già, coi việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái như đem tiền bạc gởi quỹ tiết kiệm, hay như một cuộc đầu tư. Ta thấy có những bậc cha mẹ thường công khai tuyên bố là hạp với đứa con này, mà không hạp với đứa con khác. Sinh con ra, cha mẹ thường gởi gắm bao nhiêu hy vọng vào con, muốn con mình phải thế này, phải thế nọ. Hạp hay không, hạp ít hay hạp nhiều là tùy ở con nào đáp ứng được hay không, đáp ứng ít hay nhiều niềm hy vọng ấy. Vì vậy cha mẹ đâu có yêu thương tất cả những đứa con như nhau. Đứa yêu thương nhiều, đứa yêu thương ít, đứa được nâng niu, chiều chuộng, đứa bị ghét bỏ, lạnh nhạt. Chắc chắn những đứa con đĩnh ngộ nhất, thông minh nhất sẽ được cha mẹ yêu thương hơn hết vì cha mẹ nghĩ rằng những đứa con ấy sau này sẽ làm rạng rỡ gia đình, dòng họ và sẽ là trụ cột cho cha mẹ tựa nương. Tôi đã từng thấy vài trường hợp cha mẹ dồn tình cảm yêu thương vào một đứa con nhỏ nào đó. Miếng ăn ngon, quần áo đẹp, đồ chơi tốt, đều dành ưu tiên cho nó. Cha mẹ có đi đây, đi đó cũng ưu tiên cho nó đi theo. Tìm hiểu ra mới biết những bậc cha mẹ này đã được một ông thầy tướng số nào đó đoan chắc những đứa con này mai sau sẽ thành đạt và giầu sang hơn tất cả các anh chị em nó.
Đến lúc con cái đã trưởng thành, các bậc cha mẹ cũng thường có một đường lối đối xử đặc biệt với những người con nào hiện gặp thời, gặp thế, có chức, có quyền, ăn ra, làm nên, và lại thường miệt thị, khinh khi những người con kém cỏi, hay không gặp may mắn.
Vì vậy, tục ngữ Việt Nam đã có những câu:

Cũng thì mẹ, cũng thì cha
Người thì chín rưỡi, người ba mươi đồng.


Cũng thì mẹ, cũng thì cha
Cành cao vun xới, cành la bỏ liều.

Ta cũng lại thấy tình phụ tử hay mẫu tử thường biến thiên theo hoàn cảnh của con cái.
Hai người con, một được cha mẹ yêu thương vì có chức, có quyền, có tiền, có bạc, một bị cha mẹ rẻ rúng, xem thường, vì địa vị xã hội không, mà sản nghiệp cũng không. Nay bỗng dưng có cảnh biển dâu đảo ngược, biến mây ra chó, làm trúc hóa rồng, thì trường hợp này tình yêu thương của các bậc cha mẹ ít nhiều thường có đổi thay.
Còn tình yếu thương của con cái đối với cha mẹ thì hầu như lại biến thiên nghịch chiều với sự trưởng thành của con cái. Lúc còn thơ trẻ, còn sống trong vòng tay cha mẹ, thì tình yêu thương cha mẹ mạnh mẽ, khắng khít. Nhưng càng trưởng thành thì tình yêu thương ấy lại càng giảm thiểu, lơi lỏng. Và đến một lúc người con trưởng thành có gia đình riêng, có cuộc sống biệt lập, thì tình yêu thương đối với cha mẹ bị ý niệm nghĩa vụ lấn lướt. Người con trưởng thành chỉ còn nghĩ rằng cha mẹ sinh ra ta, chịu đựng bao nhiêu cực nhọc, vất vả cả thể xác lẫn tinh thần để nuôi nấng, dạy dỗ ta nên người, nay dù ở hoàn cảnh nào ta cũng có nghĩa vụ đền đáp công ơn trời biển ấy.
Sự đền đáp này cũng có nhiều hình thức tùy theo nền văn hóa và tổ chức xã hội của từng nơi. Chẳng hạn như tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thì cha mẹ già yếu được con cái đưa vào các viện dưỡng lão, cung cấp tiền bạc khi cha mẹ có nhu cầu. Thỉnh thoảng, năm thì, mười họa tới thăm viếng một lần, ngoài ra chỉ vấn an cha mẹ qua thư tín, qua điện thoại. Còn trong các xã hội Đông phương, như Việt Nam ta chẳng hạn, thì thông thường trước nay là con cái trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ khỏe mạnh thì miếng ngon, miếng ngọt bồi dưỡng, sớm tối thăm hỏi. Khi cha mẹ đau yếu thì thuốc thang chạy chữa, v.v... Nhưng dù có như vậy đi nữa, thì những hành động ấy cũng không hẳn hoàn toàn bắt nguồn từ tình yêu thương cha mẹ, mà có thể chỉ là những hành động đền đáp rập khuôn, công thức, nặng tính tập quán. Ai cũng làm vậy, nếu không làm theo thì sợ người đời chê trách, lên án và sợ danh thơm, tiếng tốt bị bôi đen, xóa nhòa.
Trừ những trường hợp hoàn cảnh tài chánh không cho phép thì đành, còn trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ nói đây cũng chỉ có nghĩa là con cái giữ cha mẹ ở nhà, rồi bỏ tiền thuê người hầu hạ cha mẹ, chứ đã có mấy ai đích thân săn sóc cha mẹ già yếu, bệnh hoạn bao giờ. Đành rằng cuộc sống của chúng ta ngoài xã hội không cho phép chúng ta làm khác. Nhưng nếu may mắn gặp được một hoàn cảnh thuận tiện nào đó khiến chúng ta có dịp đích thân phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh hoạn, thì chắc chắn chúng ta có thể trác lượng được lòng yêu thương của chúng ta đối với các đấng sinh thành. Chúng ta sẽ thấy biết được chính xác, sẽ nhận diện được đầy đủ, hai năm rõ mười, cái mà ngôn từ đầu lưỡi xưa nay vẫn gọi là lòng yêu thương cha mẹ.
Đúng vậy, chỉ có đích thân thực hiện dịch vụ thiêng liêng này đối với cha mẹ, chúng ta mới có cơ hội điều tra về chính mình, về lòng yêu thương phụ mẫu nơi mình. Cứ việc điều tra cho sâu sắc, triệt để, cho vô tư, vì có ai đòi mình phải công bố kết quả điều tra đâu mà phải e ngại, đắn đo. Sâu sắc và triệt để nghĩa là không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt nào. Vô tư nghĩa là thấy biết lòng mình thế nào thì ghi nhận như vậy, không thêm bớt, không bênh vực, biện hộ.
Bản thân tôi đã may mắn có dịp tốt để làm chuyện này. Vốn là một sĩ quan QLVNCH tôi bị tập trung cải tạo sau biến cố tháng 4-1975. Tù hơn bẩy năm được thả về, tôi sống nhờ vợ con. Tôi còn mẹ già, lúc ấy 79 tuổi. Để cho vợ con rảnh tay bươn chải kiếm sống, tôi trực tiếp hầu hạ mẹ già trong thời gian 10 năm. Những năm đầu, mẹ tôi còn khỏe thì công việc hầu hạ cũng đơn giản, dễ dàng thôi. Nhưng càng những năm về sau, sức khỏe mẹ tôi kém dần, thì công việc hầu hạ có phần phức tạp và vất vả hơn. Có vài anh bạn thân trước kia là đồng nghiệp, đồng liêu, nay là đồng cảnh, thường hay lui tới thăm hỏi, truyện trò. Thấy tôi hầu hạ mẹ, anh nào cũng khen "Anh thật là người con có lòng yêu thương cha mẹ". Tôi không dám nhận lời khen này. Tôi chỉ là người muốn đền đáp phần nào công ơn to lớn của cha mẹ thôi. Còn lòng yêu thương cha mẹ thì, như tôi đã rõ, khi có, khi không. Có, khi tôi hầu hạ mẹ với tâm hiện tiền. Không, khi có tư tưởng xen vào.
Mới đây, tôi lại thấy báo chí đăng tại Hưng Yên, một người con gái đã đánh chết mẹ già.
Tôi cũng lại thấy bên Mỹ có quy chế bảo vệ người già chống lại sự ngược đãi của con cháu gọi là "Elderly abuse statute".
Tôi tin rằng có nhiều người, qua báo chí trong và ngoài nước, hẳn đã biết và còn nhớ chuyện một người, thuộc dòng dõi, gia đình quyền quý miền Nam Việt Nam, đã vì tham lam tài sản, tiền bạc, ra tay hạ sát cả song thân để cho di chúc do các cụ làm sớm có hiệu lực.
Trong Phật học cũng có nói đến A Xà Thế hạ ngục vua cha là Tần Bà Xa La cho đến chết để cướp ngôi báu. Mẹ của A Xà Thế là Vi Đề Hy lén mang thực phẩm đến ngục thất tiếp tế cho chồng. A Xà Thế biết được, bèn hạ ngục luôn cả mẹ.
Thì ra trên thế gian này xưa nay tình yêu thương đúng nghĩa đối với cha mẹ hầu như vắng bóng.
Trong lúc sắp kết thúc đoạn văn này thì một sự việc xẩy ra ngay trong xóm, phù hợp với đề tài đang viết, nên tôi ghi lại vài dòng:
Số là trong cư xá đường Nguyễn Tri Phương, Saigon, nơi gia đình tôi đang cư ngụ, có một bà nhà nghèo, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Đến lúc bị lâm bệnh trầm kha, kéo dài, thì thuốc không đủ uống. Bà có hai con trai, người con thứ hầu như chẳng nghĩ đến đáp đền nghĩa mẹ, chẳng chu cấp tiền bạc để mẹ ăn uống, thuốc thang, thậm chí cũng chẳng tới lui thăm viếng. Nhưng lúc mẹ chết thì chính anh ta lại chủ trương làm ma cho lớn. Thế là anh ta bán đi các vật dụng trong nhà, mượn thêm tiền của bà con, quyến thuộc, tổ chức tang lễ thật trọng thể để được, như anh ta nói, mát mặt với thiên hạ, hãnh diện với bà con khu phố. Rõ ràng là anh nầy chẳng vì yêu thương mẹ mà hành động như vậy. Anh chỉ muốn mượn cơ hội để mưu cầu danh thơm, tiếng tốt cho bản thân mà thôi.
Từ ngày sang định cư ở Hoa Kỳ này, tôi lại thấy nhan nhản những "thằng con trời đánh" bảo lãnh cha mẹ già yếu sang đây, một vùng đất lạ, rồi đối xử lạnh lùng, thậm chí bỏ rơi, chẳng nuôi dưỡng, chẳng chu cấp. Không những thế, còn luôn luôn tỏ thái độ dè bỉu, khinh khi lề lối sinh hoạt "Việt Nam" của các cụ nữa. Tôi cũng thường nghe bạn bè, quyến thuộc sang Mỹ trước tôi, than phiền về những người con có lối sống Mỹ hóa, cư xử với cha mẹ lạt lẽo, hờ hững như người dưng.
Còn tình huynh đệ cũng vậy. Cổ kim, Đông Tây, người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh huynh đệ tương tàn do tranh chấp danh, lợi, quyền ở quy mô lớn cũng như nhỏ, giữa những người anh em ruột thịt.
Trong lịch sử chẳng thiếu gì cảnh "Bì oa chử nhục". Anh em trong hoàng tộc chém giết nhau để tranh giành tước vị. Học Phật chắc chúng ta cũng thường được nghe nói tới A Dục Vương (Asoka 274-236 trước tây lịch) vì Ngài là người có công lớn trong việc hoằng dương Phật pháp. Ngài đã giết 99 trong số 101 ngưòi anh em của Ngài trong cuộc tranh giành quyền lực chốn hoàng cung.
Trên thế gian này, những người kém may mắn, gặp cảnh bần hàn, cơ cực, năng lui tới anh chị em để nhờ vả, thì sớm muộn cũng bị anh chị em chán ghét, xa lánh. Và trong anh em, người giầu sang cũng thường đưa ra lập thuyết "kiến giả nhất phận", để từ chối, hoặc tối thiểu hóa sự giúp đỡ đối với những thân nhân ruột thịt hẩm hiu.
Thảng hoặc có sự giúp đỡ nào đó giữa những người cùng trong huyết thống thì cũng không phải là một sự giúp đỡ mà Phật học gọi là ba la mật, nghĩa là giúp đỡ mà như không giúp đỡ, một sự giúp đỡ hoàn toàn vô tư bắt nguồn từ lòng yêu thương chân chính mà ra.
Tóm lại tình yêu thương không thể đi đôi với tư tưởng. Chúng vốn bất khả tương dung. Có mặt của tư tưởng là tình yêu thương ra đi, hay nói khác đi tình yêu thương chỉ xuất hiện khi tư tưởng ngưng dứt. Tình yêu thương nằm ở ngoài phạm vi của tư tưởng vì bản chất của tư tưởng là vị kỷ, vị ngã. Như hai ví dụ nói ở phần trên, bạn nào có yêu thương người thân đang gặp khó khăn kia, mà bạn yêu thương bạn. Bạn cũng chẳng yêu thương người khách lạ sang trọng kia mà bạn yêu thương chính mình. Khi còn tư tưởng thì tình yêu thương chân chính không thể ló dạng. Cái mà người đời gọi là tình yêu thương chẳng qua cũng chỉ là một loại bình phong, một loại chiêu bài để che dấu, để ngụy trang những theo đuổi vị ngã mà thôi.
Nói như vậy ta lại có cảm tưởng rằng tình yêu thương chân chính đồng nghĩa với lòng vị tha. Tinh yêu thương chân chính dĩ nhiên đối nghịch với những toan tính vị kỷ, hay những theo đuổi vị ngã, nhưng nó cũng không đồng nghĩa với lòng vị tha. Tinh yêu thương chân chính chẳng "vị" cái gì cả. Nó là nó. Nó hồn nhiên và trong vắt, trong veo, vì không còn bị vẩn đục bởi sự có mặt của tư tưởng. Tình yêu thương chân chính chẳng bao giờ là kết quả của một sự cân nhắc, một sự tính toán, so đo xa gần, hơn thiệt. Tình yêu thương chân chính được ban rải hồn nhiên và đồng đều, không phân biệt đối tượng, y như những loài hoa quý ban rải hương sắc của chúng.
Phải có cái mà Ngài J. Krishuamurti gọi là cuộc chuyển hóa thật sự của cơ cấu tâm lý con người hay còn gọi là cuộc cách mạng nội tâm triệt để hầu giành lại sự tự do tuyệt đối, hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối, ràng buộc của kiến thức và kinh nghiệm, tức của tư tưởng, thì bấy giờ một chân trời mới, chân trời của tình yêu thương chân chính, bao la mới mở rộng chan hòa. Cuộc chuyển hóa ấy, cuộc cách mạng ấy bắt đầu và chấm dứt bằng lối sống phi thời gian, phi không gian. Ngoài ra, chẳng làm gì có tình yêu thương. Có đề cập đến tình yêu thương thì cũng chỉ làm hoen ố tình yêu thương mà thôi. Đúng vậy, khi có mặt của tư tưởng thì yêu thương chỉ là một thủ đoạn, một mánh khóe để che lấp lòng tham lam, vị kỷ, thâm-căn, cố-đế nơi con người trên thế gian này.

TRÍCH: GIẢI THOÁT TỨC THÌ
Tác giả: Nhi Bất Nhược