Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Thế giới đã bước sang năm mới 2014 - 10 điểm đón giao thừa tuyệt nhất trên thế giới

Thế giới đang dần bước qua thời khắc giao thừa, đón năm mới 2014 dưới bầu trời rực sáng pháo hoa, trong không khí tràn ngập niềm vui và hy vọng.
Nằm ở cực Đông Trái đất, New Zealand là địa điểm được vinh dự đón năm 2014 đầu tiên của thế giới với những màn pháo hoa vô cùng rực rỡ, đẹp mắt.
2 tiếng sau, thành phố Sydney tại Australia cũng trình diễn pháo hoa hoành tráng để chào 2014.


Tại Thành Phố Sydney ước tính, khoảng hơn 1,5 triệu người sẽ đổ ra ngoài đường phố  để tham dự một trong những chương trình ca nhạc tạp kĩ đón năm mới được đánh giá là lớn nhất thế giới, cùng màn pháo hoa ngoạn mục. 7 tấn pháo hoa sẽ được bắn lên bầu trời, tất cả tập trung quanh chủ đề "Tỏa sáng".
Trước khi pháo hoa nổ tung trên bầu trời đúng vào giờ khắc chuyển giao, nhiều màn pháo hoa cũng được trình diễn trước đó từ 9 giờ tối và 10 giờ 30 tối ngày 31/12.
Điểm đặc biệt của năm nay là pháo hoa sẽ được bắn đồng thời từ cầu cảng Sydney - giống như mọi năm - và Nhà hát lớn The Opera House - lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua.
Khoảng hơn 2.500 cảnh sát sẽ làm nhiệm vụ tuần tra khắp thành phố Sydney nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong đêm giao thừa.
Ước tính có khoảng 2 tỉ người cũng theo dõi qua truyền hình và mạng internet màn pháo hoa tại một trong những quốc gia đầu tiên đón năm mới.
Những hình ảnh pháo hoa ngoạn mục ở Sydney, Australia lúc 9h tối (giờ địa phương).




Và sau đây là hình ảnh và video pháo hoa  ở Sydney, Australia on midnight (giờ địa phương).







10 điểm đón giao thừa tuyệt nhất trên thế giới



Las Vegas: thành phố giữa sa mạc



Với hệ thống đồ sộ các khách sạn, câu lạc bộ, quán bar và các điểm vui chơi giải trí, Las Vegas dự kiến sẽ đón khoảng 300.000 người vào dịp năm mới.
Đêm giao thừa tại Las Vegas sẽ có các chương trình đặc biệt như hòa nhạc, bắn pháo hoa, thậm chí cả những màn trình diễn của ban nhạc nổi tiếng vào thập kỷ 90 như Nirvana, hay các diva như Mariah Carey, Britney Spears…

Thủ đô Berlin của Đức




Đêm giao thừa, tiếng Đức là “Silvester”. Vào đêm giao thừa ở Berlin, khoảng 2 triệu người sẽ tập trung ở cổng Brandenburg để tham gia sự kiện đón năm mới ngoài trời. Nếu không thể thích nghi được với cái lạnh châu Âu, du khách có thể đón khoảnh khắc giao mùa trong một nhà hàng, quán bar với thực đơn đặc biệt cho đêm giao thừa.

Los Angeles đầy sắc màu của Mỹ



Los Angeles có thời tiết dịu mát nhưng lại thiếu những vị trí rộng để có thể tổ chức một sự kiện quy mô lớn như ở Berlin hay Las Vegas. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Los Angeles không có chương trình đặc biệt để chào đón năm mới 2014.
Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm khoảnh khắc giao thừa đầy màu sắc của những vũ điệu đam mê tại các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ, trung tâm Hollywood hay trên Đại lộ Danh vọng...

Thành phố Quebec, Canada - rực rỡ đèn hoa





Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Bắc Mỹ, mang vẻ đẹp huyền diệu vào mùa đông lạnh.
Đêm giao thừa, Quebec hứa hẹn sẽ là một thành phố tràn ngập ánh sáng và màu sắc của lễ hội. Du khách sẽ được hòa mình vào không khí lộng lẫy của những nhà hàng, quan bar với các ca sĩ và DJs nóng bỏng. Đặc biệt, màn pháo hoa đầy ấn tượng cũng sẽ được trình diễn tại thành phố này.

Thủ đô Sydney, Úc – điểm đến không thể bỏ qua



Trong dịp năm mới 2014, thủ đô Sydney của Úc sẽ chào đón hơn 1,5 triệu du khách khắp trong và ngoài nước.
Những chương trình giải trí ngoài trời như bắn pháo hoa, khiêu vũ, diễu hành bằng thuyền…sẽ được tổ chức hoành tráng tại cầu cảng Sydney và nhà hát Opera Sydney.

Vancouver, Canada – nổi tiếng với tiệc khách sạn



Tại Vancouver không có những địa điểm để tổ chức ăn mừng năm mới ngoài trời. Người dân Canada và những du khách tới đây có thể đón năm mới tại các khách sạn cao cấp, cũng như các câu lạc bộ đêm như Khách sạn Shangri La, khách sạn Fairmont Waterfront hoặc trên các du thuyền hạng sang.

London, Anh với tiệc ngoài trời huyên náo



Dự kiến sẽ có khoảng 250.000 người tập trung tại trung tâm London vào đêm giao thừa 2014.
Du khách có thể cùng đếm ngược 12 tiếng đón khoảnh khắc năm mới cùng chuông đồng hồ Big Ben, chiêm ngưỡng thành phố rực rỡ trong ánh sáng, màu sắc của pháo hoa và ánh đèn. Những nơi như London Eye (Mắt London) hoặc sông Thames là những vị trí lý tưởng để ngắm toàn cảnh thành phố.

Thủ đô New York của Mỹ



Chen chân vào quảng trường New York Times đông đúc để xem hòa nhạc, thả bóng bay cùng khách du lịch khắp nơi trên thế giới là một trải nghiệm khá thú vị. Tại các quận của thủ đô, du khách cũng có thể đặt một bữa tối ngon miệng, xem biểu diễn hòa nhạc và cùng đếm ngược thời gian đến thời khắc năm mới.

Miami – giao thừa trên bãi biển





Miami cũng là một điểm đến tuyệt vời cho đêm giao thừa. Hàng trăm người sẽ tập trung ở bờ biển miền Nam để hòa mình vào đêm nhạc bugi sôi động. Trong đêm giao thừa, khoảng 250.000 người dân địa phương và du khách quốc tế sẽ tập trung tại khu vui chơi Big Orange để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa lớn nhất, thưởng thức âm nhạc, các hoạt động vui chơi tập thể và ẩm thực truyền thống.

Hồng Kông rực rỡ pháo hoa




Không có gì đáng ngạc nhiên khi dự đoán rằng Hong Kong sẽ là thành phố rực rỡ ánh sáng và sắc màu trong đêm giao thừa.
Nơi nổi tiếng nhất để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa khổng lồ là bến cảng Victoria. Ngoài ra là các địa điểm như Tsim Sha Tsui, Đại lộ Ngôi sao… Và tại Quảng trường thời đại ở Hong Kong, không khí cũng sôi động và tráng lệ không kém New York của Mỹ. Tại công viên Disneyland Hong Kong, trẻ em có thể vui chơi thỏa thích để chờ đón thời khắc giao thừa.

Sưu tầm





NHỮNG CÕI MÙ TRONG TA.


Khi cưu mang lòng ích kỷ
Là lúc mắt ta mù lòa
Không thấy nhu cầu, quyền lợi
Bao người.. trên dưới, gần xa..

Khi mang một hồn vô cảm
Ta mù giữa lúc bình minh,
Làm tổn thương người và vật
Thờ ơ, chắng chút giật mình.

Lúc ta ôm niềm tự phụ
Mù trước đức độ, tài ba
Ảo tưởng.. '' ta là vũ trụ ''
Người trí trông mà xót xa.

Bẩm sinh mắt lòng ta sáng
Hôm nao kiêu mạn hóa mù .
Khuyết điểm đời mình đâu thấy
Chuyện người rõ suốt thiên thu..

Ta lạc giữa rừng thành kiến
Chẳng biết đâu là lối ra
Vì con mắt mù, phiến diện
Trước Sự Thật vẫn đang là.

Đôi khi chỉ vì nông cạn
Ta hay lên án mọi người.
Từ đó không ai bầu bạn
Ta quờ quạng.. giữa đơn côi.

- Lắm khi nhịp đời hối hả
Ta mù vẻ đẹp chung quanh.
Kiếp đời xoay xoay con vụ
Cô phụ nắng vàng, biển xanh..

Xuôi dòng văn minh, vật chất
Trôi theo nhịp sống mịt mờ
Tâm linh, điều thiêng liêng thế
Ta đành bỏ trống hoang sơ.

Lũy kiếp tù trong Ngũ Ấm
Chứng mù ta đã trầm kha.
Nhờ Phật soi đèn Chánh Kiến
Họa chăng biết ngõ về nhà.

Thích Tánh Tuệ


Thiên thu đẹp mãi nụ cười

Mong nhân gian luôn gặp nhau trong nụ cười từ ái đầy tình thương yêu, tỉnh thức của Đức Thế Tôn.


Nếu một ngày Đức Phật xuống thăm thế gian này, tôi cũng như bao Phật tử tất nhiên sẽ tìm mọi cách để được diện kiến Ngài. Rất nhiều người chỉ nghe đi gặp Phật đã hạnh phúc nghẹn ngào. Đến khi gặp được Ngài, chắc chắn sẽ không nói được chi mà chỉ biết sung sướng khóc sướt mướt. Càng nín cho tiếng khóc không làm ồn Thánh chúng, càng nức nở sụt sùi. Tôi nghĩ mọi người sẽ giống tôi, không mong đợi Ngài sẽ nói điều gì thêm nữa, chỉ mong được nhìn Ngài mỉm cười thôi! Vậy là quá đủ! Vậy là quá hạnh phúc rồi.

Ôi nụ cười từ bi của Đức Phật! Nụ cười ấy trên tranh tượng đã sưởi ấm đem lại an lạc cho loài người. Được chiêm ngưỡng nụ cười thật, sẽ không thể nào dùng ngôn từ miêu tả, diễn bày.
Đức Phật có nụ cười vô cùng mầu nhiệm. Nụ cười kết tinh quá trình tu tập, giải thoát hoàn toàn. Nụ cười ấy hiện diện khắp nơi, đi đứng nằm ngồi, bất cứ lúc nào, ngay cả lúc Ngài nhập Niết-bàn giã từ thế gian. Đây là lý do nghệ nhân từ mấy ngàn năm qua cho đến ngày nay, khi tạo tranh tượng Phật bao giờ cũng có nụ cười.
Cuộc sống ai cũng trải qua thăng trầm, có lúc rất yếu đuối. Trong một lần đối diện nỗi đau khổ tận cùng, chán chường tuyệt vọng nhất, tôi không biết làm gì hơn là ngồi trước tượng Phật nhìn Ngài. Nhìn hồi lâu, tôi thấy Ngài có nụ cười đẹp chi lạ. Tôi cảm được năng lượng nụ cười ấy đang lan tỏa vỗ về xoa dịu vết thương lòng. Rồi tôi bắt chước ngồi mỉm cười, tưởng tượng mình đang có khuôn mặt thanh tịnh từ bi như Ngài. Chẳng bao lâu, đau khổ chán chường như tan biến đi, tôi thấy thân tâm an lạc. Đêm ấy, khi nằm ngủ tôi hình dung Phật mỉm cười và tôi đang cười với Phật. Những ngày sau cũng thế, tôi cố gắng an trú trong nụ cười. Một ngày, hai ngày rồi vài ngày trôi qua, tôi chợt nhận ra chung quanh biến đổi lạ kỳ. Đồng nghiệp cười nhiều hơn, đối xử tốt hơn. Bất cứ nơi nào tôi giao tiếp, hình như ai cũng nhiệt tình, vui vẻ tốt bụng đến lạ lùng. Những duyên lành, niềm vui sinh sôi nảy nở xóa tan đi nỗi buồn không biết tự khi nào.
Không phải ngẫu nhiên nhiều người trên thế giới đều thích trình bày tranh tượng Phật trong nhà dù không phải là Phật tử. Nụ cười Phật góp phần tạo nên không gian thanh tịnh tốt lành. Các bạn hãy thử đi, sẽ thấy mọi việc thay đổi đến lạ lùng. Đi làm về dừng trước cửa, hít thở ba hơi dài, nghĩ đến nụ cười Đức Phật, bước vào nhà mỉm cười từ ái: hạnh phúc trong gia đình bỗng nhiên tràn đầy. Khi chờ chồng con về, đến công sở, đi chợ, giao tiếp hàng xóm, bạn hãy cười như Phật cười, bạn sẽ thấy thế gian này đầy người dễ thương tốt bụng.
Nếu bạn là bậc cha mẹ có con thơ, mỗi đêm trước khi đi ngủ, cùng con đứng trước bàn thờ thắp nén nhang, chậm rãi ngọt ngào với con:
- Đức Phật cười hiền quá, đẹp quá. Mình cùng mỉm cười đôi phút với Phật, con nhé! Mình cùng thực tập, gặp ai cũng cười... như Phật luôn cười với mình.
Một, hai phút lặng yên, cầm tay con, bạn sẽ thấy gần gũi với Phật với con hơn bao giờ hết. Đây là món quà vô giá, hết sức đơn giản bạn có thể tặng con. Những chủng tử nụ cười, thanh tịnh, từ bi của Phật sẽ từ từ gieo vào tàng thức, chuyển hóa con thành người thánh thiện có khuôn mặt tươi vui, hiền hòa rất tự nhiên. Bạn sẽ thấy con dễ mến vô cùng và thương kính gần gũi cha mẹ hơn bao giờ hết.
Hình tượng Đức Phật có mặt khắp nơi luôn cười với chúng ta, nhắc nhở chúng ta hãy cười từ ái với nhau. Một sớm mai bước ra khỏi nhà, chung quanh ta luôn có nụ cười, một thế giới đẹp an lạc làm sao. 
Cảnh giới Tây phương Cực lạc ta chưa đến, nhưng Ta-bà thanh tịnh là đây. 
Xin được mỉm cười cùng Phật, cùng bạn. Mong nhân gian luôn gặp nhau trong nụ cười từ ái đầy tình thương yêu, tỉnh thức của Đức Thế Tôn.

Huyền Lam



Giới Thiệu Sách Mới. Đừng lỗi hẹn với thực tại – nguyễn duy nhiên

Trong quyển “Đừng lỗi hẹn với thực tại” tác giả chia sẻ “Chúng ta trở về với hiện tại không phải để đi tìm hạnh phúc, mà là để tiếp xúc lại với những gì đang có mặt.  Vì hễ ta còn tìm kiếm và mong cầu thì ta sẽ không bao giờ gặp.  Tôi nghĩ, chúng ta lỡ hẹn với giây phút hiện tại này không phải vì mình chần chờ, do dự, mà phần lớn cũng tại vì ta cố gắng và mong cầu quá đi thôi.  Ta hãy mỉm cười, tự nhiên và ngồi lại đây, để mình không phải lỗi hẹn với giây phút này.”
Trong quyển sách này, tác giả như cùng những người bạn thân quen, chia sẻ với nhau về một vài điều có thể giúp mình tiếp xúc lại với hạnh phúc chân thật.  Quyển sách nhỏ, gần 200 trang, được chia ra làm bốn phần,
§  Trong sáng - một cái thấy sáng tỏ.  Một cái thấy sáng tỏ là điều kiện đầu tiên cho hành động và việc làm có hạnh phúc của mình.  Anh chia sẻ “Vấn đề không phải là ta nên giải quyết những khó khăn như thế nào, mà quan trọng là ta có thấy rõ lại chính mình trong thực tại này không. Thấy đúng rồi thì ta mới có thể làm đúng được. Chúng ta bao giờ cũng muốn sửa đổi hoàn cảnh chung quanh, nhưng mình có thật sự thấy được những gì đang cần sự sửa đổi chăng? Một cái thấy trong sáng sẽ chuyển đổi tâm thức của ta, mà không cần phải thay đổi hoàn cảnh hay bất cứ một cái gì khác.”
§  Tĩnh lặng - trở về thực tại.   Một cái thấy trong sáng sẽ giúp ta thấy được thực tại này như nó là.  Và chánh niệm sẽ giúp ta trở về với chính thực tại ấy trong tĩnh lặng, có mặt với những gì đang xảy ra một cách tự nhiên và không thành kiến.  Tác giả chia sẻ lời dạy của ngài Trungpa Rinpoche, là trong sự thực tập chánh niệm ta đừng nên theo một lập trình sẵn có nào hết, not to have a program of awareness.  Ta chỉ cần tiếp xúc trực tiếp ngay với những gì đang xảy ra mà thôi.  Ngài Trungpa khuyên học trò của ông không nhất thiết cần phải có một phương cách hay một kỷ thuật nào đó để giữ chánh niệm, mà hãy cứ mở rộng ra và giữ cho sự trải nghiệm ấy được tự nhiên.  Vì nếu như ta thấy rõ ràng được sự việc như-nó-là, bất cứ là đang như thế nào, thì đó cũng chính là chánh niệm.
§  Tình thương - chưa bao giờ mất đi.  Một cái thấy trong sáng và chánh niệm sẽ làm phát sinh lên sự có mặt của tình thương.  Dầu cuộc đời này có nhiều những khổ đau, và đôi khi dường như rất bất công, nhưng có một điều chắc chắn là tình thương bao giờ cũng hiện hữu.  Tình thương có công năng chuyển hóa những khổ đau trong ta và cuộc đời chung quanh, bằng một thái độ buông xả và tha thứ.  Tác giả đề nghị chúng ta hãy biết tha thứ và tử tế với những muộn phiền của mình, của nhau, vì mọi sự chuyển hóa, dù to tát đến đâu, cũng đều được bắt đầu bằng một tình thương.  Tình thương và lòng biết ơn cũng chính là một hạnh phúc lớn nhất.
§  Sống trong tỉnh giác.  Sống tỉnh giác không đòi hỏi một sự công phu rèn luyện, hay ra đi tìm kiếm xa xôi nào, mà chỉ là một sự quay trở về mà thôi.  Tỉnh giác là một sự quay về, Ehipassiko.  Tác giả chia sẻ, “Có những người bước ra đi mong tìm con đường trở về, mà mỗi bước lại càng mang mình cách xa hơn thêm.  Có người tuy đi giữa cuộc đời mà lại trở về gần đến quê nhà hơn.  Có người muốn trở về là quay lại được.  Có người lại cứ lang thang tìm kiếm mà mỗi bước lại càng đi thật xa.  Nếu như ta biết rằng mình chẳng phải đi đâu và cũng chẳng cần phải về đâu.  Vì nơi nào ta đến thì cũng vẫn chỉ là nơi này và ở đây.
Muốn về lại mãi đi xa
Người đi chợt thấy quê nhà vẫn đây
Có người về, cuộc sum vầy
Người đi đi tận chân mây cuối trời
Biết ra chỉ một cuộc chơi
Không lai không khứ thảnh thơi đi về
Thong dong bờ giác bến mê
Muôn đời ảo mộng, đi về như nhiên. 
(Thơ Thầy Viên Minh – Tâm Mãn dịch)
Trong những bước chân đi nơi đâu cũng là chỗ đến, không trốn tránh khổ đau, không mong cầu bình yên hay hạnh phúc, biết đâu ta lại chợt thấy được rằng quê nhà vẫn là đây…”
Xin được giới thiệu đến các anh chị một quyển sách hay mới, “Đừng lỗi hẹn với thực tại” của Nguyễn Duy Nhiên.
o   Có bán tại Nhà sách Văn Thành
§  411 Hoàng Sa P.8 Q.3 TP. HCM Phía bờ kè gần cầu Kiệu
ĐT.3848 2028   DĐ: 0908 585 560
§  14 Đường số 8 P. Phước Bình Q.9
Gần Chùa Thiên Minh (Đỗ Xuân Hợp) - Trường TCPH Q9
ĐT. 728 0174
o  Tại Hoa Kỳ
§  Xin liên lạc về hientru@gmail.com

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

THEO BƯỚC LIÊN HOA SINH

Mùa hè năm 2011, tôi may mắn được tham gia một chuyến hành hương đến Ngân Sơn-Tây Tạng. Ngân Sơn (Kailash) là giấc mơ của tôi từ nhiều năm qua. Chuyến hành trình bắt đầu từ Kathmandu, thủ đô Nepal, vượt núi Hy Mã qua biên giới Trung Quốc, đến Tây Tạng. Đoàn đi ngược dòng sông Yarlung Tsangpo từ phía Đông về phía Tây, dọc theo sườn Bắc của dãy Hy Mã Lạp sơn; di chuyển bằng xe trên một độ cao chừng 4.600m, ngày đi đêm nghỉ; sau khi vượt khoảng 900km đường núi, chúng tôi đến Ngân Sơn.
Đến Tây Tạng chắc chắn ta không thể không tìm hiểu về Liên Hoa Sinh. Khách đến Tây Tạng đều cảm thấy Ngài hiện diện khắp nơi, trong tranh tượng, tu viện, kinh sách, công trình kiến trúc. Hơn thế nữa, người Tây Tạng tin rằng Ngài vẫn còn sống thực trên trái đất này và thực hành diệu pháp.
Liên Hoa Sinh hẳn là một nhân vật lịch sử, sống thực trên trái đất này vào thế kỷ thứ tám. Nhưng cuộc đời của Ngài được bao phủ trong một tấm màn huyền thoại. Truyền thuyết cho rằng Ngài sinh ra trong một hoa sen nằm trong một hồ thuộc vùng Gandhara, ngày nay thuộc về Pakistan và Afghanistan. Vì lý do đó Ngài mang tên Liên Hoa Sinh. Liên Hoa Sinh trở thành con nuôi của một nhà vua xứ Oddiyana (Ô-trượng-na) nhưng Ngài sớm bỏ cung đình đi học đạo.
Không bao lâu sau Liên Hoa Sinh trở thành một Tăng sĩ xuất chúng trên mọi phương diện, nhất là Mật tông. Ngài đắc pháp “Đại thành tựu” (Dzogchen) với Garab Dorje và Sri Singha. Theo lời mời của nhà vua Tùng- tán Cương-bố (Trisong Detsen 759-797), Ngài đến Tây Tạng và xây dựng tu viện Samye. Đó là thời kỳ đầu tiên của nền Phật giáo tại Tây Tạng.
Vô số truyền thuyết xung quanh Liên Hoa Sinh làm cho chúng ta không biết đâu là những dữ kiện lịch sử. Nhất là Mật tông Tây Tạng với truyền thống truyền khẩu giữa thầy và trò cũng như khuynh hướng thần bí của Kim Cương thừa làm cho người nghe không biết đâu là sự thực.

Từ tu viện Parphing tại Nepal…

Trên đường Ngài đi từ Ấn Độ qua Tây Tạng, ta có thể chắc chắn là Liên Hoa Sinh ghé vùng đất Nepal ngày nay. Tôi cố tìm tông tích của Ngài tại Nepal và Tây Tạng để thử theo dấu chân Ngài. May thay, người ta xác định một nơi gần Kathmandu có một cái động, nơi đó Liên Hoa Sinh thành tựu một diệu pháp.
Hãy nghe miêu tả thành tựu đó của Liên Hoa Sinh1: “… Thế rồi Liên Hoa Sinh nhắm hướng Parphing, nằm ở phía Tây nam của Kathmandu. Trên những ngọn núi của Parphing có một hang động có tên là Lang-Le-Sho, nơi đó Liên Hoa Sinh sống chung cùng công chúa Nepal xinh đẹp Sakyadevi. Liên Hoa Sinh và Sakyadevi cùng thực hành diệu pháp Kim Cương tát đỏa trong dạng của Samyak Vajra Heruka. Mặc dù hai vị đi rất sâu trong diệu pháp suốt nhiều tháng trời, trở ngại vẫn sinh ra; khắp thung lũng Kathmandu bị bệnh tật và hạn hán xâm chiếm. Liên Hoa Sinh hướng về đạo sư Vidyadhara Prabhahasti xin khai thị. Vị này gửi sứ giả cho chở kinh sách của Vajrakilaya đến. Thú vật chở kinh vừa qua khỏi biên giới thì trời đã mưa, chấm dứt hạn hán. Liên Hoa Sinh thấy vậy liền bảo: ‘Diệu pháp Sri Samyak Heruka có nhiều thần lực, nhưng cũng như nhà thương nhân giàu có đang gặp trở ngại, người đó cần sự hỗ trợ. Phép Vajrakilaya là tối cần thiết để bảo vệ diệu pháp Heruka, như một hiệp sĩ có vũ khí’. Sau đó Ngài nghĩ ra các diệu pháp để phối hợp hai phép tu này. Nhờ tụng niệm và hô triệu Vajrakilaya, nhờ sức gia trì của chư Phật và nhờ dựa trên Sri Samyak, Liên Hoa Sinh và Sakyadevi tiếp tục phát triển phép tu quán tưởng. Trong tình trạng an lạc cao quí nhất, hai vị chứng thực tâm Phật nguyên thủy rộng vô biên, đạt tới thành tựu cao nhất và mức Vidyadhara của Đại Thủ Ấn. Lúc đó thì có thêm hai vị đạo sư đắc đạo vừa đến động Lang-Le-Sho. Đó là Silamanju và vị Vilamamitra nổi tiếng. Hai vị thánh này cũng sống tại đó một thời gian. Liên Hoa Sinh để lại nơi cửa động Lang-Le-Sho dấu tay của mình trên đá, ngày nay vẫn còn”.
Chúng tôi tìm đến động Lang-Le-Sho tại Parphing. Parphing là một địa danh nằm cách Kathmandu chừng 20km về phía Tây nam. Động Lang-Le-Sho ngày nay có tên là động Asura và dấu tay Liên Hoa Sinh nằm ở cửa động vẫn còn rất rõ.
Chúng tôi thay nhau vào động, cúng đèn vì đèn tượng trưng cho trí tuệ, nhớ đến năng lực và hạnh nguyện của Ngài: “… Trong nhiều thời kỳ và qua vô số hiện thân, Ngài phụng sự cho hữu tình, khai thị Pháp đúng như khả năng của họ. Nhưng Ngài cũng dùng thần thông bình thường để giúp hữu tình; Ngài cho nước chảy ra từ nguồn đã cạn, hướng nước ngầm qua một ngả khác, đẩy lùi các lực lượng đen tối, ngăn ngừa chiến tranh. Thật không thể kể hết hành động và hiện thân của Ngài, không thể tìm thấy biên độ của hành trạng giải thoát của Ngài. Không có một chỗ nào mà không được Ngài hướng dẫn bằng hiện thân của Ngài. Sau đó Ngài đi Tây Tạng…”.
Từ Parphing, Ngài đã đến Tây Tạng bằng con đường nào thì tôi không rõ. Liệu Ngài đi bộ như Đức Phật ngày xưa hay Ngài dùng khả năng siêu nhiên của mình để đến Tây Tạng trong nháy mắt, tôi càng không biết. Trên đường đi, truyền thuyết cho hay Ngài đã dùng sức mạnh tâm linh để hàng phục ma quỉ thánh thần trong một xứ chưa hề có Phật giáo.
Nếu thực Ngài đi bộ thì hẳn Ngài đã đi trên con đường từ Kathmandu tới Kodari, một con đường đã có từ thời xưa mà ngày nay được mệnh danh là đường Arniko Highway. Arniko là một kiến trúc sư tài danh của Nepal vào thế kỷ thứ 13, ông đã dùng con đường này để đến Bắc Kinh và xây dựng bảo tháp tại đó trong thời nhà Nguyên. Đây cũng chính là con đường mà đoàn hành hương chúng tôi sẽ đi.… đến tu viện Chiu Gompa tại Tây Tạng
Đường đi tham bái Ngân Sơn cho chúng tôi dừng lại ngay đúng chỗ ước mong. Đoàn nghỉ một đêm tại nhà khách sát dưới chân tu viện Chiu Gompa. Tu viện Chiu Gompa, có khi được gọi là Chiyu Gonpa hay Jiu Gonpa, có nghĩa là tu viện “chim sẻ”. Chiu Gompa nằm trên đỉnh một ngọn đồi sát với hồ thiêng Manasarovar về hướng Tây bắc.
Leo lên đến tu viện này, tôi thở dốc. Từ dưới chân đồi lên đây chỉ khoảng 150m chiều cao nhưng tất cả đã nằm tuốt trên cao nguyên với độ cao 4.600m. Độ cao này gần bằng đỉnh của Mont Blanc, đỉnh núi cao nhất châu Âu với con số 4.800m. Trên tu viện này có một cái động, nơi mà Liên Hoa Sinh thiền định vào bảy năm cuối cùng của đời mình. Tôi vào chiêm bái, trống ngực đánh thình thình, không biết vì độ cao hay vì hồi hộp được thăm Ngài.

Trong động này Liên Hoa Sinh thực hành thiền định với vị Không hành nữ Yeshe Tsogyel, một vị phối ngẫu của Ngài trong phép Kim Cương thừa. Trong ánh sáng lờ mờ của các ngọn đèn mỡ trâu, tôi thấy một tảng đá hoa cương với dấu tay sắc sảo của Ngài. Trên đỉnh động là một tấm hình của Liên Hoa Sinh, hai bên là hai vị Không hành nữ Mandarava và Yeshe Tsogyel. Hình này của Ngài được xem là giống người thật nhất. Quả thật, mắt Ngài to tròn, quyết đoán trong một khuôn mặt rất người.
Động nhỏ và khách thì đông nên tôi sớm nhường chỗ cho các người khác. Tôi tiếc không có thì giờ và tâm trí để lưu lại tại một nơi thiêng liêng. Một năng lượng ấm áp vây quanh, đầu óc tôi đột nhiên sáng sủa. Những ngày qua hầu như tôi không ngủ trên độ cao 4.600m. Xem ra năng lực của Ngài không cho tôi thêm sức mạnh cơ bắp, không làm cho tôi bớt thở dốc, không cho tôi một thứ thần thông nào cả, điều mà tôi cũng không muốn có. Chúng tôi cúng đèn. Bỗng nhiên mọi thứ xuất hiện trong tâm tôi một cách rõ nét. Dường như tâm phóng ra một thứ ánh sáng, chiếu thành một “thế giới”, trong đó có tôi và mọi sự xung quanh, chứ không phải tôi thấy thế giới đó nữa. Lần đầu tiên tôi thấy có hai cách nhìn thế giới. Cách bình thường là tôi, một thực thể riêng lẻ, đang thấy thế giới xung quanh, khác với tôi. Cách kia là một thế giới duy nhất xuất hiện, trong đó có tôi và có những cái khác. Cách thứ hai giống như giấc mơ xuất hiện trong giấc ngủ. Trong giấc mơ cũng có một thế giới hiện ra, có mình có người, có quan có quân, có voi có ngựa, có thời gian, không gian, có đau ốm, có già chết.
Khi tâm trống trải rỗng rang, không dụng tâm, không nỗ lực, thì cách nhìn thứ hai tự động xuất hiện. Thế giới sẽ tự hiện như mây soi bóng trong hồ. Đó là Đại Thủ Ấn. Tôi cảm nhận Liên Hoa Sinh đã cho tôi một lời khai thị. Nhưng tôi cũng biết rõ mình hiểu lời Ngài theo mức độ của mình, mức độ sơ cơ của mình.
Tiếc thay tôi không ở được lâu trong động. Ngài đã thiền định ở đây bảy năm, tôi dừng lại không quá bảy phút nơi đây, thực là bất xứng. Sau thời gian bảy năm ở đây, tương truyền Ngài từ bỏ ứng thân bằng cách biến thành “thân cầu vồng” và đi vào thiên giới.
Tu viện Chiu Gompa đúng là một nơi lý tưởng để Liên Hoa Sinh tu hành. Tu viện như một tổ chim gắn cheo leo trên sườn núi. Từ tầng trên của tu viện, ta có thể ngắm hồ Manasarovar và ngọn núi thiêng Ngân Sơn trong cùng một lúc.
Ra sân thượng, tôi nhìn về hướng Ngân Sơn. Tiếc thay hôm ấy là một ngày mây mù. Ngân Sơn ẩn mình trong mây. Một ngày khác, Ngân Sơn sẽ hiện ứng thân rực rỡ. Từ đây chỉ cách Ngân Sơn 30km đường chim bay. Liên Hoa Sinh lựa động này để tu thiền định cuối đời, tưởng không chỗ nào tuyệt diệu hơn. Vì từ đây ta có thể đảnh lễ Ngân Sơn, ngọn núi hầu như đứng sát một bên, đồng thời có thể đảnh lễ hồ thiêng Manasarovar bao la xanh ngắt trước mặt. Mây trời chiếu rọi làm hồ phát sinh từng mảng màu sắc, biến đổi hầu như vô tận trong một mặt hồ phẳng như tấm gương.
Đồi của tu viện Chiu Gompa cũng được xem là nguồn suối đích thực của sông Sutlej mà tôi được thấy vài ngày trước đó. Nguồn nước này đổ qua hồ dạ-xoa Rakastal cách đó chưa đầy 10km và từ đó xuất phát con sông Sutlej. Theo một truyền thuyết, khi dân Tây Tạng gặp nạn, nguồn nước Chiu Gompa sẽ khô cạn, không thêm nước cho hồ dạ-xoa nữa.
Tôi nhìn về phía hồ dạ-xoa Rakastal. Từ đây ta không thấy được hồ “ma quái” này nhưng dưới chân tôi, trong lòng núi, lẽ ra nước thiêng của hồ dương phải cung cấp cho hồ âm để giữ quân bình cho thế gian. Nguồn nước này đã khô cạn, phải chăng thế giới đang đứng trước một thảm họa? Hay “thảm họa” đã xảy ra?
Tôi lại nhìn về Ngân Sơn, lòng tha thiết. Ngày hôm sau tôi sẽ đi Ngân Sơn…

Chú thích:

1. Tham khảo: Attainment of Great Enlightenment. (Biographies: Lord Padmasambhava, Embodiment of all the Buddhas), Trang nhà của The Dharma Fellowship of His Holiness the Gyalwa Karmapa. 


Nguyễn Tường Bách

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo Xuân 144-145



Thấy như thế nào mới thực sự thấy núi là núi, sông là sông

Kính bạch Thầy,
Con là một Phật tử ở phương xa. Có lần, con được nghe thầy giảng trong Pháp Thoại:
“Có một vị thiền sư nói: Trước khi tu, ngài thấy núi sông là núi sông. Khi tu ngài thấy núi sông không phải là núi sông. Sau 30 năm tu, ngài thấy núi sông là núi sông.” (Con không thể lập lại chính xác lời thuyết giảng của Thầy).
Thưa thầy, con hiểu lời dạy này của ngài như sau:
- "Trước khi tu, ngài thấy núi sông là núi sông" nghĩa là trước khi tu ngài không thấy được sự vô thường.
- "Khi tu ngài thấy núi sông không phải là núi sông" nghĩa là ngài đã thấy được sự vô thường.
- "Sau 30 năm tu, ngài thấy núi sông là núi sông" thì con không hiểu ngài muốn nói gì?
Con kính xin Thầy giảng cho con rõ. Con thành kính tri ân thầy.

Trả lời:

Khi chưa tu tưởng (tưởng tri) núi là núi sông là sông như mình nghĩ là mình đang thấy. 
Khi tu học mới biết ra (thức tri) núi không phải là núi sông không phải là sông như hình tướng bên ngoài mà mình tưởng trước đây. Khi giác ngộ rồi thì tuy vẫn thấy núi là núi sông là sông nhưng không còn thấy qua tưởng tri và thức tri như trước nữa, mà thấy thực tánh của núi của sông (tuệ tri) nên bấy giờ mới thực sự thấy núi là núi sông là sông vậy.

Trích: Hỏi Đáp Trung Tâm Hộ Tông

Cái Mũi

Nói đến cái lỗ mũi của sư Thiền Trí cả xóm Đuôi Ao không ai là không biết. Nó dài hơn một tấc rưỡi, nằm lòng thòng từ trên môi cho đến dưới cằm, đầu đuôi đều to như nhau, chẳng khác gì một khúc xúc xích treo lủng lẳng trên mặt.Từ khi còn là sa-di để chỏm cho đến nay hơn 50 tuổi, đã thành cao tăng được chọn vào cung vua giữ việc tu hành mà trong lòng sư lúc nào cũng canh cánh một nỗi khổ tâm vì cái lỗ mũi của mình. Dĩ nhiên, ngoài mặt vẫn cố làm ra vẻ như chẳng có gì lo nghĩ. Nhưng đó chẳng phải vì mình đã là vị sư hết lòng tu hành cho kiếp sau nên lo cho cái lỗ mũi thì hóa ra không hay, mà chính vì rất sợ người ta biết tâm trạng mình cứ lo lắng cho cái lỗ mũi. Có hai nguyên do khiến sư luôn rầu rĩ về cái lỗ mũi.
Thứ nhất là nó dài quá, rất bất tiện. Ăn cơm chẳng ăn một mình được. Ăn một mình thì lỗ mũi sẽ đụng cơm trong bát mất. Cho nên mỗi khi ăn, sư cho đệ tử ngồi kế bên dùng miếng gỗ lớn, bề ngang cỡ 3 phân, dài cỡ 6 tấc để mà nâng cái lỗ mũi lên giùm. Việc này thật ra chẳng phải đơn giản đối với sư lẫn đệ tử. Mọi người ở Kyoto đều biết chuyện, có lần một người nâng lỗ mũi thay cho đệ tử nhà sư bị hắt xì một cái làm rung tay, khiến cho lỗ mũi rớt luôn vào bát cháo. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lý do chính khiến cho nhà sư khổ tâm vì cái lỗ mũi. Mà thật ra nhà sư đau khổ vì cái lỗ mũi đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình.Dân chúng xóm Đuôi Ao cho rằng với cái lỗ mũi như thế, chắc hẳn nhà sư hạnh phúc vì mình không phải là người thường. Bởi vì chẳng có cô gái nào chịu làm vợ người có lỗ mũi như vậy. Thậm chí có người còn suy luận chắc vì có lỗ mũi như vậy nên sư mới xuất gia. Tuy nhiên, nhà sư thì lại chẳng mảy may nghĩ rằng nhờ đi tu mà giảm bớt được phần nào nỗi sầu muộn do cái lỗ mũi gây nên.Nhà sư tìm đủ cách khôi phục lại lòng tự trọng bị tổn thương, tích cực lẫn tiêu cực. Trước hết, nhà sư cố làm sao để cho lỗ mũi thấy ngắn hơn thực tế. Những lúc chẳng có ai, sư nhìn vào kiếng, quay qua quay lại đủ kiểu để ngắm. Rồi có lúc cảm thấy không yên tâm lắm nếu chỉ có thay đổi vị trí khuôn mặt, nhà sư còn tìm nhiều cách khác như chống tay vào má, tỳ ngón tay vào cằm,… để ngắm nghía. Thế nhưng chưa lần nào nhà sư thoả mãn là thấy lỗ mũi mình ngắn hơn. Thậm chí vì phiền muộn quá, đôi khi ngược lại thấy lỗ mũi lại dài hơn. Những lúc đó, nhà sư cất kiếng vào hộp, lặng lẽ thở dài rồi miễn cưỡng trở lại bàn tụng kinh Quan Âm.Từ đó, nhà sư luôn để ý đến lỗ mũi người khác. Ngôi chùa ở Đuôi Ao thường xuyên có thuyết pháp. Trong chùa nhà ở san sát nhau, các vị sư luôn nấu nước hàng ngày. Do đó đủ mọi hạng người ra vào chùa từ tăng lẫn tục. Sư Thiền Trí kiên nhẫn quan sát khuôn mặt từng người, những mong sẽ gặp được ai đó có cái lỗ mũi giống mình để tự an ủi phần nào. Con mắt nhà sư chẳng thèm để tâm đến quần áo của mọi người, nhất là mũ áo của sư sãi thì đã thường quá, chẳng lọt vào mắt. Tóm lại sư không nhìn người mà chỉ nhìn lỗ mũi. Trong số người qua lại, cũng có người mũi quặp như mũi két, thế nhưng tuyệt nhiên không ai có mũi giống như của mình. Cứ thế, ngày qua ngày, sư lại càng buồn thêm. Chính nỗi buồn miên man đó đã khiến cho lúc nói chuyện với người khác sư cứ vô tình rờ vào đầu lỗ mũi mà đỏ mặt thẹn thùng thấy chẳng xứng với cái tuổi đã ngoại ngũ tuần.Cuối cùng, sư cố tìm trong kinh điển và cả sách vở ngoài đời xem có ai có lỗ mũi giống mình không để gọi là đỡ buồn đôi chút. Nhưng không thấy kinh điển nào ghi Mục Kiền Liên hay Xá Lợi Phất có lỗ mũi dài cả. Long Thọ, Mã Minh cũng là bồ tát có lỗ mũi bình thường. Khi nghe chuyện Lưu Huyền Đức của nhà Thục Hán có lỗ tai dài, sư thầm nghĩ phải chi đó không phải là lỗ tai mà là lỗ mũi thì đỡ khổ cho mình biết bao nhiêu.Không cần phải nói cũng biết rằng ngoài các biện pháp tiêu cực như vừa kể, sư còn tích cực tìm cách làm cho mũi ngắn đi. Về mặt này, sư cũng đã làm hết cách. Từ nấu trái bình bát để uống cho đến lấy nước đái chuột quẹt lên mũi. Nhưng dù làm cách nào đi nữa, cái lỗ mũi vẫn nằm dài lủng lẳng trên mặt hơn một tấc rưỡi.Thế rồi vào mùa thu năm nọ, có một đệ tử đi lên kinh đô làm công việc cho nhà sư đã được một y sĩ quen biết chỉ cách làm cho lỗ mũi ngắn đi. Y sĩ đó nguyên là người từ Trung Quốc đến tu ở chùa Trường Lạc. Tuy nhiên, sư Thiền Trí cố tình không thử ngay phương pháp đó, giả bộ như mọi khi là làm như chẳng quan tâm đến cái lỗ mũi của mình. Mặt khác, mỗi khi ăn cơm, sư đều nhẹ nhàng nói rằng thật khổ tâm vì đã làm phiền đệ tử quá. Đương nhiên trong lòng thì vẫn chờ đệ tử thuyết phục mình dùng thử phương pháp đó. Phía đệ tử cũng chẳng phải không biết tâm trạng của sư. Thế nhưng đệ tử không ghét mà còn thương tình khi thấy sư phải cố tình làm như thế. Đệ tử bèn đem ba tấc lưỡi ra khuyên sư hãy thử phương pháp vừa học được. Thế là cuối cùng sư đã nghe theo lời khuyên nhiệt tình của đệ tử. Phương pháp này thật ra vô cùng đơn giản: dùng nước nóng trần lỗ mũi rồi cho người đạp lên. Nước nóng thì đã có sẵn, hàng ngày vẫn được đun trong bếp. Vị đệ tử bèn đi vào bếp lấy chậu nước nóng mang ra. Nước nóng đến nổi không thể cho ngón tay vào được. Do đó, nếu cho lỗ mũi thẳng vào trong nước này thì không khéo hơi nóng bốc lên sẽ làm phỏng mặt. Vị đệ tử bèn lấy nắp đục lỗ đậy lên chậu rồi đút lỗ mũi sư vào chậu qua cái lỗ đó. Chỉ cho lỗ mũi vào chậu nước nóng như thế thì sẽ chẳng thấy nóng. Được một lúc vị đệ tử lên tiếng:- Chắc là đã trần xong rồi?Sư cười đau khổ nghĩ rằng nếu ai có nghe hỏi như thế thì cũng chẳng làm sao biết được đó là câu chuyện cái lỗ mũi. Lỗ mũi hấp trong nước nóng cảm giác rất nhột nhạt giống như bị rận cắn. Sư nhấc lỗ mũi còn ngút khói ra khỏi chậu nước nóng để lên sàn cho đệ tử co hai chân đạp lên. Sư nằm nhìn cặp chân đệ tử co lên đạp xuống ngay trước mắt mình. Vị đệ tử nhìn xuống cái đầu hói của nhà sư, thỉnh thoảng thoáng vẻ tội nghiệp hỏi:- Thầy có đau lắm không? Y sĩ bảo là đạp cho mạnh. Chắc là đau lắm phải không?Sư định lắc đầu ra dấu không đau. Thế nhưng lỗ mũi bị đạp nên cái cổ chẳng nhút nhích được. Sư bèn nhướng mắt lên nhìn cái chân nứt nẻ của đệ tử vừa trả lời như giận dữ:- Chẳng có đau.Thật ra lỗ mũi ngứa mà được đạp như thế thì thay vì đau, nó lại có cảm giác dễ chịu hơn. Đạp một lúc thì xung quanh lỗ mũi xuất hiện những đốm như hạt kê, trông giống như con chim bị vặt lông mà quay. Thấy thế, đệ tử thôi đạp, lẩm bẩm như thầm nói với mình:- Y sĩ biểu dùng cây nhíp để vặt bỏ.Sư bèn phùng má lên như có vẻ không bằng lòng, để mặc cho đệ tử muốn làm gì thì làm. Không phải là không biết đệ tử tử tế với mình nhưng sư không vui khi thấy lỗ mũi mình bị xem như một thứ đồ vật. Gương mặt sư giống như bịnh nhân không tin tưởng bác sĩ mà phải chịu giải phẫu, bất đắc dĩ ngắm nhìn đệ tử dùng chiếc nhíp vặt lấy các mụt mỡ ở lỗ chân lông trên mũi. Mụt mỡ vặt ra dài hơn một phân, giống như cộng lông chim.Một lúc xong, đệ tử nói như thở phào nhẹ nhõm:- Trần thêm một lần nữa mới được.Gương mặt sư vẫn lộ vẻ bất mãn, mặc cho đệ tử muốn làm gì thì làm. Trần xong lần nữa lấy ra thì thấy lỗ mũi đã ngắn lại hơn mọi khi. Thế này thì chẳng khác gì lỗ mũi quặp vẫn thấy. Sư Thiền Trí vừa vuốt mũi vừa đưa mắt bẽn lẽn nhìn vào kính do đệ tử mang tới với vẻ ngượng ngùng. Lỗ mũi, cái lỗ mũi dài tận dưới cằm trước kia giờ đây đã rút ngắn lại như chuyện không tưởng, chỉ còn hơi cao hơn môi trên một chút. Những đốm đỏ rải rác trên mũi có lẽ là dấu vết do bị đạp mà ra. Thế này thì chắc chắn không còn ai cười nữa. Gương mặt trong kính của sư nhìn gương mặt bên ngoài kính mà nháy mắt cười như mãn nguyện. Tuy nhiên, đó mới là hôm đầu tiên thôi, sư vẫn còn lo âu không biết lỗ mũi có dài ra lại không. Cho nên dù tụng kinh hay ăn uống, mỗi khi có chút rảnh rổi là sư đưa tay lên rờ lỗ mũi thăm chừng. Nhưng lỗ mũi vẫn ngoan ngoãn nằm phía trên môi, hoàn toàn không có vẻ gì dài ra. Từ đó, mỗi lần ngủ dậy, điều đầu tiên là sư đưa tay lên rờ lỗ mũi. Nó vẫn ngắn. Thế là lòng sư thanh thản như đã tạo được công đức chép kinh Pháp Hoa.Tuy nhiên, chỉ hai ba hôm thôi, nhà sư lại phát hiện một điều lạ lùng. Đó là những võ sĩ thường đến chùa Đuôi Ao lại không nói năng gì cả, chỉ lom lom nhìn lỗ mũi của sư với vẻ mặt càng lạ lùng hơn trước. Chẳng những thế, chú tiểu từng làm rớt lỗ mũi của sư vào trong chén cháo, lúc gặp mặt sư ngoài giảng đường đầu tiên còn cúi mặt xuống rán nhịn cười, nhưng rồi kiềm chế không được phải bật ra thành tiếng. Các chú tiểu lúc nhận chỉ thị trước mặt còn nghiêm túc nghe, nhưng hễ sư vừa quay lưng đi là cứ cười lên khúc khích. Lúc đầu, nhà sư nghĩ rằng đó là do mặt mình thay đổi. Nhưng dần dần thấy rằng giải thích như thế không không đủ. Đúng là các chú tiểu hay sa di cười là vì thế. Nhưng cũng một cái cười mà nó có gì đó khác với lúc lỗ mũi còn dài. Có thể bảo vì lỗ mũi ngắn trông lạ lùng hơn so với lỗ mũi dài mà họ đã quen thấy. Nhưng mà nó còn cái gì nữa ấy.- Trước kia mọi người đâu có cười ra mặt như vậy đâu.Thỉnh thoảng sư ngừng tụng kinh, nghiêng nghiêng cái đầu hói mà nói lầm bầm. Mỗi lần như thế, nhà sư dễ mến lại đưa mắt lơ đễnh nhìn tấm hình bồ tát Phổ Hiền treo kề bên, nhớ lại lúc mũi còn dài vào bốn năm hôm trước mà âu sầu, giống như cảnh người lâm vào bước túng cùng, tưởng nhớ lại thuở giàu sang sung sướng trước kia. Rất tiếc là sư Thiền Trí không đủ trí tuệ để trả lời được câu hỏi này.Tâm hồn con người luôn luôn có hai thứ tình cảm mâu thuẫn nhau. Dĩ nhiên không ai lại không cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Nhưng khi người đó thoát ra khỏi cảnh bất hạnh thì tự nhiên trong lòng lại cảm thấy có cái gì đó không muốn như thế. Nói cường điệu hơn là thậm chí còn muốn cho người đó bị lâm vào cảnh bất hạnh tương tự thêm một lần nữa. Rồi đến lúc nào đó trở nên thù ghét họ, dù không phải cố ý. Mặc dù không hiểu rõ nguyên nhân, nhưng sư lại buồn vì cảm thấy thái độ bàng quan, ích kỷ của những người tăng lẫn tục trong xóm Đuôi Ao này.Thế là càng ngày sư càng gắt gỏng, khó chịu. Gặp ai cũng la rầy. Làm cho đến nỗi đệ tử đã giúp chữa lỗ mũi cho sư cũng nói xấu rằng:- Sư Thiền Trí thế nào cũng bị mang tội.Đặc biệt chú tiểu nghịch ngợm kể trên đã làm cho sư vô cùng giận dữ. Một hôm nọ nghe tiếng chó sủa vang rân, sư bước ra ngoài xem thì thấy chú tiểu đang cầm tấm gỗ dài khoảng 6 tấc đuổi theo con chó xù ốm nhom. Không những chỉ đuổi thôi, chú tiểu còn vừa đuổi vừa la lên: “Đừng để bị đập lỗ mũi nghen. Nè, đừng để bị đập lỗ mũi”. Sư bèn giựt lấy tấm gỗ trên tay chú tiểu, đập thẳng tay vào mặt chàng ta. Thì ra đó là tấm gỗ đã được dùng để nâng lỗ mũi của sư lúc trước.Thế là sư lại lấy làm hận vì cái lỗ mũi ngắn lại. Rồi một hôm nọ, khi màn đêm buông xuống, gió từ đâu đột nhiên thổi đến làm cho các chuông nhỏ trên tháp reo vang vọng đến bên gối nghe nhức óc. Thêm cái lạnh cắt da nên người già như sư Thiền Trí muốn ngủ cũng không thể nào chợp giấc được. Sư nằm trằn trọc trên giường một hồi thì bỗng thấy cái mũi trở nên nhột nhạt khác thường. Đưa tay rờ thì thấy nó hơi sưng lên như ngậm nước, và dường như chỉ riêng có chỗ đó nóng lên thôi.
- Chắc là mình đã bị bịnh vì cố quá sức làm cho mũi ngắn lại.Sư vừa lẩm bẩm vừa đưa tay lên đè mũi với vẻ kính cẩn như dâng hoa cúng Phật.Sáng hôm sau sư thức dậy sớm như mọi khi thì thấy cây bạch quả và những cây khác trong sân chùa đã rụng sạch lá trong một đêm. Sân vườn sáng chói như lát vàng. Những giọt sương đêm đọng lại trên hiên tháp làm cho vầng cửu luân trên nóc càng toả sáng chói lọi dưới ánh nắng ban mai yếu ớt. Sư mở cửa ra đứng ngoài hiên hít một hơi thật sâu. Đúng lúc đó, có một cái cảm giác gần như sắp sửa bị quên bẵng đi lại trở về với sư. Sư lật đật đưa tay lên mũi. Đó không còn là cái mũi ngắn đêm hôm trước nữa, mà là cái lỗ mũi dài hơn một tấc rưỡi nằm lòng thòng xuống đến tận cằm như trước kia. Lúc này sư mới hiểu ra rằng lỗ mũi đã dài ra như xưa trong vòng một đêm thôi. Đồng thời cái cảm giác phơi phới giống như khi làm cho lỗ mũi ngắn lại được lại trở về trong lòng nhà sư.- Như thế này thì chắc không còn ai cười nữa.Sư tự nhủ thầm trong lòng, vừa để cái lỗ mũi dài đong đưa theo gió thu ban mai. 

Việt Châu 

dịch từ nguyên tác tiếng Nhật Hana
Tokyo tháng 4/2004


Lời người dịch: Là một nhà văn nổi tiếng nhưng Akutagawa Ryunosuke không bao giờ viết truyện dài. Tuy vậy, hầu hết tác phẩm của ông rất độc đáo, đưa ông lên vị trí cao trong văn đàn Nhật Bản. Văn ông giàu điển tích chỉ thấy được trong những tác phẩm nổi danh của Nhật Bản thời cổ. Ngòi bút ông phân tích chi ly tình cảm, niềm vui nỗi buồn, những lo âu, dằn vặt hay ham muốn, những khía cạnh tế nhị của tâm hồn con người. Khi đọc tác phẩm Cái mũi, văn hào Natsume Soseki, một bậc đàn anh trong giới văn học Nhật Bản đã đưa ngay ra nhận xét: “Cứ viết cho được vài chục bài như vậy đi, tên tuổi con người này sẽ lẫy lừng ngay trong giới văn học”.Tâm lý con người thật phức tạp! Cứ muốn tìm cách thay đổi hoàn cảnh cho thuận lợi hơn. Nhưng chẳng ngờ kết quả ngược lại. Cuối cùng cái gì đã có tự nhiên vẫn quý. Biết thế mà mấy ai chịu như vậy ! Ít người yên vui được trước mọi hoàn cảnh.

Sưu tầm

10 Phụ Nữ Nổi Bật Nhất Thế Giới Năm 2013

WASHINGTON - Các nhân vật của phái yếu giúp chúng ta khôi phục kinh tế, chống chuyên chế, tranh đấu vì công bằng, công lý và quyền giáo dục.
Nhìn chung, họ giúp chúng ta mở mắt để nhận biết bao nhiêu còn lại cần làm.

CNN lập 1 danh sách 10 phụ nữ xuất sắc năm 2013, gồm nữ sinh Malala Yousafzai của Pakistan, Thủ Tướng Angela Merkel của Đức, nghệ sĩ Tolokonnikova của ban nhạc Pussy Riot …. Chúng ta nghe biết về nữ sinh Malala 14 tuổi năm 2012, và qua năm sau, chúng ta biết không ai có thể dập tắt tiếng nói của em về quyền đuợc giáo dục của phụ nữ. Taleban bắn Malala trên xe đưa đón học sinh vào Tháng 10-2012, nhưng Malala đã trở thành ác mộng của họ - em đã đuợc vinh danh tại LHQ, lên tiếng tại đại hội đồng LHQ và là ứng viên của giải Nobel Hoà Bình. Phong trào của Malala đã bắt đầu năm 2013.
Thủ Tướng Merkel đuợc tạp chí Forbes mô tả là phụ nữ quyền lực nhất thế giới - bà đã đuợc tái cử nhiệm kỳ thứ 3, nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.
CNN cũng nói tới cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và bà Michelle Bachelet đuợc cử tri Chí-Lợi tái cử chức TT. Bà Bachelet đắc cử TT nhiệm kỳ trước năm 2006. Trong thời gian giữa 2 nhiệm kỳ TT, bà Bachelet chỉ huy cơ quan phụ nữ của LHQ, vận động vì quyền bình đẳng giới tính khắp thế giới. Bà Hillary Clinton vẫn là nhân vật sáng nhất trong các khảo sát về ứng viên TT 2016 của đảng DC, tuy cho tới nay bà chưa quyết định.
Nhìn sang thế giới Hồi Giáo, CNN ghi nhận nỗ lực tranh đấu quyền lái xe của phụ nữ Saudi Arabia như là 1 cuộc cách mạng thầm lặng tại vuơng quốc bảo thủ.


000-ARP3701569-4663-1382672900.gif
Thủ Tướng Angela Merkel của Đức
Nadezhda Tolokonnikova trong nhóm Pussy Riot

Nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai bị Taliban bắn khi đang đi xe buýt năm 2012.
 Nữ sinh Pakistan Malala Yousafzai đoạt giải Nhân quyền Sakharov

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Haiku của Basho

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng nước


Đây là một trong những bài cú nổi tiếng nhất của Matsuo Basho. Nó có hương vị đặc biệt mà chỉ người thức tỉnh mới nhận biết tới. Cái hay của nó không chỉ ở thẩm mĩ mà ở tính tồn tại. Hương thơm của nó là hương của phật tính.
Đạo đơn giản nghĩa là cái đang đó, không tính ngữ, không tính từ. Đạo nghĩa là: chỉ vậy.

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng nước

Bài cú không phải là thơ thường. Thơ thường là của tưởng tượng. Thơ thường là sáng tạo của tâm trí. Bài cú đơn giản phản xạ cái đang đó. Tâm thức trở thành tấm gương và phản xạ cái đang đương đầu với nó. Tấm gương vẫn còn không bị động tới bởi cái nó phản xạ.
Một người xấu đi qua trước một tấm gương - gương không trở thành xấu, gương vẫn còn trong tính y nguyên của nó. Một người đẹp đi qua, gương không trở nên đẹp. Và khi không có ai để phản xạ, gương vẫn như vậy. Phản xạ, không phản xạ, phản xạ tốt, phản xạ xấu, gương vẫn còn trinh nguyên. Tâm thức của người đã thức tỉnh cũng vậy.
Basho là đệ tử của Thiền sư, Buko. Thời gian mà bài cú hay đáng kinh ngạc này được sinh ra, ông ấy sống trong một chiếc lều nhỏ bên cạnh một ao xưa. Một hôm, sau cơn mưa ngắn, Thầy Buko tới thăm Basho và hỏi, “Hiểu của ông thế nào trong những ngày này?”
Nhớ lấy, Thầy đã không hỏi, “Tri thức của ông thế nào?” Thầy đã hỏi, “Hiểu của ông thế nào?”
Hiểu là khác toàn bộ với tri thức. Tri thức là được vay mượn, hiểu là của riêng người ta. Tri thức tới từ bên ngoài, hiểu trào lên từ bên trong. Tri thức là xấu, vì nó là gián tiếp. Và tri thức không bao giờ có thể trở thành một phần của bản thể bạn. Nó sẽ vẫn còn xa lạ, nó sẽ vẫn còn ngoại lai, nó không thể bắt rễ trong bạn được. Hiểu trưởng thành từ bạn, nó là việc nở hoa riêng của bạn. Nó là của bạn đích thực, do đó nó có cái đẹp, và nó giải thoát.
Chân lí không bao giờ có thể được vay mượn từ bất kì ai, và chân lí vay mượn không còn là chân lí. Chân lí vay mượn đã là dối trá. Khoảnh khắc chân lí được nói ra, nó trở thành dối trá. Chân lí phải được kinh nghiệm, không được nghe, không được đọc. Chân lí không chỉ là một phần của việc tích luỹ của bạn, một phần của kí ức của bạn. Chân lí phải có tính tồn tại: từng lỗ chân lông của con người bạn phải cảm thấy nó. Vâng, nó phải được cảm thấy: từng hơi thở nên tràn đầy nó. Nó phải rung động trong bạn, nó phải luân chuyển trong bạn như máu của bạn. Khi chân lí được hiểu, bạn trở thành nó.
Do đó Thầy Buko đã hỏi đệ tử của mình, “Basho, hiểu của ông là thế nào trong những ngày này?” Và đừng quên hai từ hay, ‘những ngày này’.
Chân lí bao giờ cũng phát triển. Chân lí là chuyển động. Nó không tĩnh, nó động. Nó là điệu vũ. Nó giống như cây đang lớn lên và sông đang chảy và sao đang dời. Chân lí không bao giờ đứng bất kì điểm nào, hiện tượng tĩnh tại. Nó không phải là ngưng trệ; nó là động hoàn toàn, nó là chuyển động. Để sống động nó phải chuyển động.
Chỉ chết mới là tĩnh tại, chỉ chết mới tù đọng. Do đó những người là chết có thể có vẻ sống trên bề mặt, nhưng nếu chân lí của họ không còn tăng trưởng thì họ chết - linh hồn của họ không còn tăng trưởng nữa. Chân lí không phải là ý tưởng mà là chính hiện hữu của bạn, chính linh hồn của bạn.
Do đó thầy đã hỏi, “Hiểu của ông là thế nào trong những ngày này?” Ông ấy không hỏi về quá khứ. Tri thức bao giờ cũng là về quá khứ, tưởng tượng bao giờ cũng là về tương lai. Ông ấy đang hỏi về hiện tại, ông ấy đang hỏi về cái tức khắc.

Basho đáp ứng,

Mưa đã tạnh
Rêu xanh ẩm.


Mới vài khoảnh khắc trước trời đã mưa: mưa đã tạnh, rêu xanh còn ẩm. Nó là tốt, nhưng không rất tốt. Nó đã là quá khứ. Nó không còn là tức khắc. Nó đã là kí ức, nó không còn là việc kinh nghiệm. Buko không bằng lòng - câu trả lời là tốt nhưng không tuyệt. Và Thầy không bao giờ bằng lòng chừng nào câu trả lời chưa là tuyệt đối, chừng nào câu trả lời còn chưa thực sự là như nó phải vậy - và chắc chắn không bằng lòng với tiềm năng của một người như Basho.
Bây giờ chẳng ai biết về Buko, Thầy của ông ấy. Ông ấy chỉ được biết tới bởi vì Basho. Đệ tử có tiềm năng vô hạn, Thầy không thể bằng lòng dễ dàng thế. Nhớ điều đó đi! - bạn càng có tiềm năng, bạn sẽ càng được đặt vào các nhiệm vụ khó khăn hơn. Thầy sẽ nghiêm khắc hơn với bạn. Thầy sẽ rất cứng rắn với bạn.
Câu trả lời này là tốt nếu như nó đã tới từ ai đó có tiềm năng ít hơn Basho - Thầy có thể đã gật đầu trong ưng thuận - nhưng không như vậy với Basho. Ngay cả một khe hở vài phút cũng đủ là khe hở. Mưa không còn đó, mây đã tản đi, trời đã nắng, mặt trời đang chiếu sáng khắp xung quanh, trên ao xưa, trên lều....
Thầy nói, “Nói cái gì đó thêm nữa đi!”
Và khi Thầy nói, “Nói cái gì đó thêm nữa đi,” thầy không ngụ ý nói thêm chút ít về nó, thầy không ngụ ý 'nữa' theo nghĩa số lượng. Thầy ngụ ý: nói cái gì đó sâu hơn, nói cái gì đó mạnh mẽ hơn, nói cái gì đó có tính tồn tại nhiều hơn, nói cái gì đó nhiều hơn - về tính chất!
Và khoảnh khắc đó Basho nghe tiếng động của con ếch nhảy vào ao. Ông ấy nói,

Ếch nhảy
Tiếng nước


Bây giờ, đây là Đạo: tức khắc, cái đang vậy, sống động, đập rộn ràng, chính khoảnh khắc này. Đạo không biết tới quá khứ, không biết tới tương lai. Đạo chỉ biết một loại thời gian, đó là hiện tại. Đạo chỉ biết ở đây bây giờ. Để tâm trí bạn biến mất và thế thì không có quá khứ và không có tương lai. Quá khứ và tương lai là sáng tạo của tâm trí. Trong thực tại, chỉ có hiện tại. Và khi không có quá khứ, không tương lai, làm sao bạn thậm chí có thể gọi nó là hiện tại? - bởi vì hiện tại có nghĩa chỉ trong tham chiếu tới quá khứ và tương lai. Hiện tại bị kẹp giữa quá khứ và tương lai. Nếu bạn đã lấy đi quá khứ và tương lai, hiện tại cũng biến mất.
Đó là khoảnh khắc của Đạo: khi thời gian biến mất, khi người ta ở trong tính tức khắc hoàn toàn, khi người ta hoàn toàn ở đây bây giờ, không vẩn cơ trong những bóng ma của quá khứ không trong những hình ảnh chưa sinh của tương lai. Đây là khoảnh khắc của chứng ngộ: khi thời gian không có, và khi bạn hoàn toàn ở đây và không ở chỗ nào khác. Và khi không có thời gian, không có tâm trí. Tâm trí và thời gian là đồng nghĩa. Bạn càng có nhiều tâm trí, bạn càng ý thức nhiều về thời gian. Đó là lí do tại sao ở thế giới phương Tây ý thức thời gian lớn đã nảy sinh: nó là vì việc trau dồi của tâm trí.
Đi tới những người nguyên thuỷ sống ở vùng núi non hay trong rừng rậm, đi tới các bộ lạc và không có ý thức thời gian, bởi vì tâm trí còn chưa được trau dồi. Và điều đó lại xảy ra - khi qua hiểu biết người ta bỏ mọi hoài niệm về quá khứ và mọi hư tưởng về tương lai, thời gian lại biến mất. Và với việc biến mất của thời gian, đột nhiên tâm trí không còn được tìm thấy. Và khi không có tâm trí, có im lặng. Trong im lặng đó cõi bên kia xuyên thấu vào đất, trong im lặng đó cái không biết giáng xuống trong bạn. Trong im lặng đó, có gặp gỡ với Thượng đế, trong im lặng đó, có phúc lành, ân huệ. Trong im lặng đó là Vương quốc của Thượng đế.

Basho nói,

Ếch nhảy
Tiếng nước

Đây là phát biểu của Đạo. Đây là Đạo - đơn giản, thuần khiết, trần trụi.

Với đáp ứng này Thầy vui mừng khôn xiết. Thầy bao giờ cũng vui mừng bất kì khi nào đệ tử về nhà. Vui mừng của Thầy không biết tới giới hạn nào, dường như thấy trở nên chứng ngộ lần nữa! Nhiều hoàn hảo được thêm vào cho bản thể đã hoàn hảo của thầy. Thầy không cần cái gì được thêm vào cho mình, nhưng mỗi lần một đệ tử bừng sáng trong nhận biết, trở nên bắt lửa, Thầy cảm thấy dường như thầy đã lại trở nên chứng ngộ.
Thầy vui mừng khôn xiết, và chính vui mừng của Thầy trở thành cơ hội của chứng ngộ của Basho. Thấy khuôn mặt vui mừng của Thầy, thấy hào quang của niềm vui của thầy, cái gật đầu ưng thuận của thầy - hay có thể thầy chẳng nói gì - im lặng của thầy mưa rào lên đệ tử như ân huệ, Basho đã trở nên chứng ngộ! Trở nên chứng ngộ là một khoảnh khắc vĩ đại làm sao! Hàng nghìn người đã trở nên chứng ngộ trong quá khứ, nhưng cách Basho trở nên chứng ngộ đơn giản là duy nhất. Bởi vì Thầy đã vui mừng, chính vui mừng của Thầy xuyên thấu vào tim ông ấy như chiếc kiếm. Hoa mưa rào lên ông ấy, bởi vì Thầy phải đã mỉm cười.... Âm nhạc không nghe thấy đã được nghe bởi vì Thầy phải đã nhìn vào ông ấy với niềm vui, với phúc lành.
Tôi không biết, nhưng Buko phải đã nhảy múa hay làm cái gì đó điên rồ kiểu như thế. Chứng ngộ của đệ tử không phải là vấn đề nhỏ.
Về sau, Basho tiếp tục trau chuốt bài cú này như kim cương. Trong cả đời mình ông ấy tiếp tục trau chuốt nó - bởi vì đây là hiện tượng hiếm hoi, bài cú nhỏ này:

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng nước

Chính bởi vì điều này mà quá trình chứng ngộ riêng của ông ấy được lẩy cò. Ông ấy tiếp tục trau chuốt nó như kim cương. Ông ấy tiếp tục cắt tỉa nó và cho nó ngày cành nhiều chiều sâu hơn.
Ông ấy đã thêm: Ao xưa. Phát biểu đầu tiên chỉ là:

Ếch nhảy
Tiếng nước


Về sau ông ấy đã thêm vào: Ao xưa. Cảm giác của tôi là ở chỗ ao xưa phải đã khăng khăng để được đưa vào. Và ao xưa có mọi quyền để được đưa vào - không có ao xưa sẽ không có ếch, không có nhảy vào, không có tiếng nước - Basho bị nợ nhiều với ao xưa Ông ấy đã đưa nó vào.

Bây giờ bài cú trở thành:

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng nước


Và rồi về sau nữa, ông ấy đã bỏ từ ‘nước’.
Bây giờ bài cú đã không hoàn hảo như trước, nhưng đầy đủ hơn trước. Bây giờ nó là:

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng động


Nó không hoàn hảo thế như trước, nhưng nó đầy đủ hơn. Tôi ngụ ý gì khi tôi nói nó là đầy đủ hơn?
Bây giờ nó là hiện tượng tăng trưởng, nó không đặt dấu chấm hết. Trước đây đã có dấu chấm hết, nó đã là sản phẩm được hoàn thành; bạn không thể thêm được cái gì vào cho nó. Nó đã không để lại cái gì cho bạn thiền cả. Nhưng chỉ “tiếng động,” và nó mở ra cánh cửa. Không còn chấm hết thêm nữa. Nó trở thành cuộc truy tìm. Cho nên bây giờ nó đầy đủ hơn nhưng ít hoàn hảo hơn. Bây giờ nó là đầy đủ hoàn toàn, đầy đủ theo nghĩa nó đang tăng trưởng. Bây giờ nó là cây đang mọc, không thể dự đoán được. Bây giờ từng người phải thiền về nó. Và điều này trở thành một trong những việc thiền lớn lao cho người tìm kiếm, người định đi theo Basho. Bây giờ nó có cái đẹp hơn trước đây.
Bao giờ cũng nhớ, bất kì cái gì đầy đủ, bất kì cái gì tuyệt đối đầy đủ, đều mất cái gì đó từ nó - nó trở thành chết. Mọi hoạ sĩ lớn đều biết điều này. Và những bức hoạ vĩ đại nhất là những bức đã bỏ lại chút ít không đầy đủ, nét phẩy cuối cùng đã không được vẽ. Và bài thơ vĩ đại nhất là bài thơ đã bị bỏ lại không đầy đủ - để cho cánh cửa vẫn còn mở cho bạn đi vào, để cho bản thể của bạn có thể có giao cảm với thơ ca không đầy đủ, để cho bản thể bạn có thể làm đầy đủ nó, để cho nó có thể được làm đầy đủ trong sự tồn tại của bạn.

Bây giờ nó là,

Ao xưa
Ếch nhảy
Tiếng động


Rồi nữa về sau, ông ấy đã bỏ đi vài thứ nữa. Bây giờ nó trở thành,

Ao xưa
Ếch nhảy
Tõm

Bây giờ điều này lên tới cao trào: chỉ ‘Tõm!’ Điều này thực hơn - thực hơn với ếch, thực hơn với ao, thực hơn với thực tại. Thực tại biết mỗi 'tõm!' và nó đơn giản bỏ bạn ở đó - để mà tự hỏi, để truy tìm, để thiền.

Ai đó hỏi Basho, “Sao thầy đã bỏ từ ‘nước’ và chung cuộc bỏ cả từ ‘tiếng động’?”

Basho nói, “Ta muốn ông nghe nó là loại âm thanh gì. Ta không muốn nói, ta muốn ông nghe nó là loại âm thanh gì.”

Ao xưa
Ếch nhảy
Tõm!

Bạn bị bỏ lại trong một loại không gian thiền mới. Đột nhiên ao xưa trở thành một thực tại rất cận kề. Bạn có thể cảm thấy nó, nó ở đây. Và ếch nhảy vào: nó không phải là con ếch của quá khứ. Và “Tõm!” - bạn có thể nghe được nó lần nữa, nó trở thành thực tại. Đây là nghệ thuật lớn, rằng điều nghệ sĩ đã sống qua, ông ấy có thể tạo lại trong ai đó, người có tính cảm nhận, người sẵn có, người sẵn sàng đi trên cuộc hành trình thám hiểm.
Đây là con đường của mọi chư phật. Phát biểu của họ không là gì ngoài các điểm lẩy cò cho một quá trình nào đó trong bạn được gọi là thiền. Đây là cách thức của Đạo: đem bạn tới cái đang hiện hữu. Đây là cách thức của tôi nữa: để giúp bạn rơi hoàn toàn vào trong khoảnh khắc này. Khoảnh khắc này! Đây là nó!
Đạo không phải là học thuyết. Nó là con đường đặc biệt của việc trở nên nhận biết. Nó là con đường của thức tỉnh, con đường của chứng ngộ, con đường của quay về nhà. Đạo đơn giản nghĩa là ‘Con đường’. Và nhớ lấy, nó không có nghĩa đó theo nghĩa bình thường của từ này. Bất kì khi nào bạn nghe thấy từ "con đường" bạn bắt đầu nghĩ tới mục đích ở đâu đó xa xôi, về chỗ con đường dẫn bạn tới. Không. Đạo nghĩa là ‘Con đường’, nhưng không trong tham chiếu tới mục đích. Thế thì nó ngụ ý gì? Nó ngụ ý ‘cách thức mọi thứ đang vậy’. Nó đơn giản ngụ ý cách thức mọi sự là vậy, đã vậy, chỉ như thế: không cái gì phải được đạt tới, mọi thứ đều đang mưa rào lên bạn. Chỉ ở đây bây giờ và mở hội.

Trích từ "Bí mật của các bí mật"

Muốn sống lâu, nên ăn các loại hạt dẻ(nuts)

NUTS012411Boston: Theo bản khảo cứu vừa được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine, cho thấy là ăn những loạt hạt dẻ (nuts) giúp cho người ta sống lâu hơn.
Các khảo cứu gia đã dựa vào những dữ kiện của 120 ngàn người trong vòng 30 năm.Nếu những người ăn các loại hạt mỗi tuần một lần, thì nguy cơ bị chết sớm giảm 11 phần trăm, so với những người không ăn hạt dẻ hàng tuần.
Theo giáo sư Charles Fuchs, của viện ung thư Dana Farber ở Brigham, Anh quốc thì việc ăn nuts thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch 29 phần trăm, và làm giảm nguy cơ chết vì các bệnh ung thư 11 phần trăm.
Ngoài việc ăn các loại hạt dẻ, muốn sống lâu, người ta cũng nên ăn uống cẩn thận, tập thể dục, bỏ thuốc lá và tìm cách làm giảm những suy thoái tâm thần.
Bản khảo cứu cũng cho thấy việc ăn các loại hạt, giúp làm giảm cholesterol ,giảm nguy cơ bị viêm.
Những hạt dẻ có chứa các chất béo bão hòa, có nhiều protein, các sinh tố, khoáng chất ..
Có rất nhiều các loại hạt dẻ như almond, beech, peanut, cashew, chestnut, hazelnut, pecan..v.v.v

Sưu tầm

Những thiên tài không bằng cấp

Họ là những nhà khoa học, nhà văn, nhà chính trị lỗi lạc trong lịch sử nhân loại. Dù không có điều kiện để theo học bất cứ chương trình đào tạo chính quy nào, nhưng bằng niềm đam mê, sự ham học, và ý chí nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, họ đã vươn lên và toả sáng như những vì tinh tú trên bầu trời lịch sử của nhân loại…



Một trong những tấm gương tự học nổi tiếng trong lịch sử là Frederick Douglass. Ông sinh năm 1818 trong một gia đình nô lệ ở Maryland. Khi còn là một đứa trẻ ông đã tự mày mò học chữ khi gia đình ông đang sống ở Baltimore, kể từ đó ông luôn tự tìm cơ hội trau dồi thêm kiến thức bằng cách đọc thật nhiều.
Vào năm 20 tuổi, ông thoát khỏi chế độ nô lệ và định cư ở Massachusetts. Tại đây ông vẫn tiếp tục con đường tự học, tự đào tạo và sau đó ông trở thành một trong những nhà văn, một người theo chủ nghĩa bãi nô có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.



Ando Tada là một kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật dù ông chưa hề qua một trường lớp đào tạo về kiến trúc nào. Ông đã từng kiếm sống bằng nghề tài xế, làm một võ sĩ quyền Anh, và là một thợ mộc trước khi tự học để trở thành một kiến trúc sư. Ông đã từng một mình thực hiện một chuyến đi từ Đông sang Tây để tự quan sát và học hỏi về nghệ thuật kiến trúc bằng cách đến thăm những công trình nổi bật trên thế giới. Năm 1969, ông thành lập hãng kiến trúc Ando Tadao.
Công trình nhà lô ở Sumiyoshi (Azuma House), hoàn thành năm 1972 là công trình đầu tiên bộc lộ những đặc điểm kiến trúc của ông. Năm 1995, Ando được nhận giải thưởng Pritzker và 100.000 đô la Mỹ. Ông đã tặng số tiền đó cho những trẻ em mồ côi trong cuộc động đất Hanshin.



Tiến sĩ Janes Goodall, một trong những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng thế giới, đồng thời là sứ giả hoà bình của Liên hiệp quốc, là một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Anh trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã. Năm 1960, khi ngoài 20 tuổi, bà đã đến Kenya, châu Phi để nghiên cứu về tập tính và đời sống của loài tinh tinh. Bà đã có 40 năm sống và làm việc ở châu Phi và những nghiên cứu của bà được nhiều người đánh giá là “đã ảnh hưởng đến toàn thế giới nói chung và thế giới động vật nói riêng”. Điều thú vị về bà là phần lớn những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng của bà được thực hiện khi bà chưa qua một trường lớp đào tạo nào.
TS Janes Goodall đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý và giải thưởng về bảo tồn động vật hoang dã; Đại sứ hoà bình của Liên hợp quốc năm 2002; Huy chương Benjamin Franklin vì sự nghiệp khoa học năm 2003. Bà còn được biết đến với tên gọi“người phụ nữ của tinh tinh”.



Michael Faraday là một nhà Hóa Học và Vật Lý người Anh đã có công đóng góp cho lĩnh vực Điện từ học và Điện hóa. Là con thứ ba trong một gia đình nghèo có bốn người con, cậu bé Faraday chỉ có được những kiến thức cơ bản nhất từ nhà trường, nhưng bù lại cậu là một đứa trẻ ham học và đã nổ lực tự học không mệt mỏi.
Năm 14 tuổi Faraday học việc ở một cửa hiệu sách, và trong suốt 7 năm học việc, ông đã đọc được rất nhiều sách, trong đó có sách của Isaac Watts, quyển mở mang trí tuệ, ông say mê tiến hành các nguyên lý và quan điểm trong quyển sách. Từ đó ông đã biểu lộ niềm đam mê khoa học, nhất là trong lĩnh vực điện năng.
Mặc dù Faraday được đào tạo ở trường rất ít và biết ít về toán cao cấp, nhưng ông là một trong những nhà khoa học có uy tín trong lịch sử khoa học. Ông là vị giáo sư hóa học đầu tiên và lỗi lạc nhất của Viện Hoàng Gia Anh Quốc, và đã giữ vị trí này trong suốt cuộc đời.



Hai anh em nhà Wright, Orville và Wilbur Wright, là những người đầu tiên thử nghiệm thành công làm cho máy bay bay được. Chuyến bay đấu tiên trong lịch sử nhân loại được thực hiện vào ngày 17/12/1903 tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina, Mỹ. Mỗi anh em thực hiện hai chuyến bay vào ngày hôm đó. Lần bay đầu tiên, do Orville thực hiện kéo dài 12 giây và bay được khoảng 36.5mét (120 ft).
Lần bay cuối cùng, do Wilbur thực hiện kéo dài 59 giây và đi được 296 mét. Chiếc máy bay lúc đó được gọi là Flyer I. Nó có sải cánh khoảng 12 mét và nặng khoảng hơn 300kg, với động cơ xăng 12 mã lực. Hiện nay nó đang được đặt tại Viện bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ tại Washington, D. C..
Điều đặc biệt là cả hai người đều chưa từng học qua trường đào tạo kỹ sư hay nhận được bất cứ bằng cấp chuyên môn nào. Thành công của họ đến từ niềm đam mê khoa học kỹ thuật cộng với nỗ lực tìm tòi học hỏi không ngừng. Thiên tài của hai anh em nhà Wright đã biến giấc mơ từ ngàn xưa của loài người thành sự thật.



Srinivasa Ramanujan là nhà toán học huyền thoại người Ấn Độ, nổi tiếng là người dù không được đào tạo bài bản về toán học lý thuyết nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nhiều ngành toán học như giải tích, lý thuyết số, dãy vô hạn. Ông sinh ra và lớn lên tại Erode, Tamil Nadu, Ấn Độ và làm quen với toán học từ năm lên 10 tuổi.
Ông bộc lộ năng khiếu đặc biệt về toán khi được tặng một quyển sách lượng giác cao cấp của S L Loney. Năm 13 tuổi ông đã thành thục quyển sách này và bắt đầu tìm cách tự phát minh ra các định lý toán học. Năm 17 tuổi ông tự nghiên cứu về số Bernoulli và hằng số Euler-Mascheroni.
Trong quãng đời ngắn ngủi của mình (1887-1920), Ramanujan đã độc lập công bố gần 3.900 kết quả nghiên cứu phần lớn thuộc lĩnh vực phương trình và đồng nhất thức, mà ngày nay hầu hết đã được công nhận là chính xác. Tạp chí Ramanujan ra đời để công bố các nghiên cứu toán học có ảnh hưởng từ các công trình của ông.



Mark Twain, một tên tuổi lớn trong nền văn học Mỹ, tên thật là Samuel Langhorne Clemens. Gia cảnh của ông khá chật vật và túng thiếu; năm 12 tuổi, sau khi cha qua đời vì căn bệnh viêm phổi, Mark Twain phải kiếm sống bằng nghề sắp chữ. Có thời gian ông phải bỏ học, theo nghề lái tàu để kiếm sống.
Sau đó, ông tiếp tục tự học ở các thư viện công cộng tại những thành phố mà ông sinh sống và bắt đầu dấn thân vào công việc của một nhà báo. Những cuộc hành trình lênh đênh trên miền sông nước trước đó đã trở thành cảm hứng thôi thúc ông viết nên những kiệt tác như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Cuộc sống trên sông Mississippi…



Steven Paul Jobs là một tỷ phú, là ông trùm kinh doanh và sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên, chủ tịch, và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính Apple; ông cũng từng là tổng giám đốc điều hành của xưởng phim hoạt hình Pixar (hãng sở hữu nhiều giải oscar cho phim hoạt hình hay nhất như Đi tìm Nemo, Gia đình siêu nhân, Chú chuột đầu bếp, WALL-E, Up và Câu chuyện đồ chơi 3; sau đó ông trở thành thành viên trong ban giám đốc của công ty Walt Disney sau khi Disney mua lại Pixar.
Jobs sinh ra tại thành phố San Francisco, bang California, là con nuôi của Paul và Clara Jobs. Ông theo học trường trung học Cupertino và Homestead tại thành phố Cupertino, bang California. Năm 1972, Jobs tốt nghiệp trung học và đăng kí vào học tại cao đẳng Reed College ở Portland, bang Oregon, nhưng bị đuổi chỉ sau 1 học kỳ.
Mặc dù vậy ông vẫn tiếp tục dự thính các lớp học tại Reed, trong đó có một lớp học viết chữ đẹp. Trong thời gian “học ké” đó, ông phải ngủ dưới sàn nhà của những người bạn, đổi lon nước ngọt để lấy tiền ăn và nhận các suất ăn miễn phí mỗi tuần tại đền Hare Krishna. Sau này Jobs bày tỏ rằng: “Nếu tôi chưa từng tham dự những khoá học lẻ đó tại trường, Mac sẽ không bao giờ có có nhiều kiểu chữ hay phông chữ cách nhau tỉ lệ cân xứng như vậy”.



Abraham Lincoln là vị Tổng thống thứ 16 trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cha mẹ ông là những nông dân mù chữ. Ông không có điều kiện đi học chính thức. Thời gian theo học thực sự của ông có lẽ chỉ kéo dài 18 tháng do các giáo viên không chuyên nghiệp dạy. Kiến thức của ông chủ yếu có được từ việc tự học qua việc đọc mọi cuốn sách có thể mượn được, từ Kinh Thánh, đến các sách tiếu sử, và sách văn chương.
Ông thông thạo Kinh thánh, các tác phẩm của William Shakespeare, lịch sử Anh và lịch sử Mỹ, ngoài ra ông còn học được phong cách trình bày giản dị trước thính giả. Ông dành nhiều thời gian đọc sách đến nỗi những người hàng xóm cho rằng ông cố tình làm vậy để khỏi phải làm những công việc chân tay nặng nhọc.
Lincoln nổi tiếng nhất với vai trò gìn giữ Hợp chủng quốc và chấm dứt chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ với bản Tuyên ngôn Giải phóng và Sửa đổi thứ mười ba của Hiến pháp Hoa Kỳ về việc bác bỏ̉ chế độ nô lệ.

Theo http://www.khoahoc.com.vn

Tác phẩm tạo hình 3D đẹp mắt trên tách cà phê

Nghệ thuật tạo hình vẽ từ bọt sữa mỏng manh trên tách cà phê hiện đã rất phổ biến trên thế giới, không ít người sử dụng nghệ thuật này để tạo ra những bức tranh vẽ đẹp mắt ngay trên tách cà phê. Tuy nhiên, với nghệ sĩ người Nhật Bản Kohei Matsuno đã nâng tầm môn nghệ thuật này lên một bước mới.
Nghệ thuật tạo hình vẽ từ bọt sữa mỏng manh trên tách cà phê hiện đã rất phổ biến trên thế giới, không ít người sử dụng nghệ thuật này để tạo ra những bức tranh vẽ đẹp mắt ngay trên tách cà phê. Tuy nhiên, với nghệ sĩ người Nhật Bản Kohei Matsuno đã nâng tầm môn nghệ thuật này lên một bước mới.Kohei Matsuno từng làm công việc pha chế đồ uống tại một nhà hàng ở Osaka, nơi anh từng sử dụng nghệ thuật vẽ hình trên cà phê để gây ấn tượng với khách hàng của mình. Tuy nhiên, sau đó Matsuno nhận ra rằng mọi người đã dần trở nên quen thuộc và không còn quá ấn tượng với những hình vẽ thông thường trên tách cà phê của họ. Do vậy, Matsuno đã sáng tạo ra một cách thức mới.


Kohei Matsuno trong quá trình tạo hình cho sản phẩm của mình

Vẫn sử dụng bọt sữa trong tách cà phê, Matsuno bắt đầu tạo ra những hình nổi 3D ngay bên trên ly cà phê, thay vì những bức tranh vẽ ở dạng chìm thông thường. Để làm điều này, Matsuno phải sử dụng một lượng lớn bọt sữa và thường sử dụng một cây tăm và một chiếc muống để tạo cho các bọt sữa này thành một hình dáng nhất định.
Matsuno cho biết môn nghệ thuật của mình như là “một cuộc đua với thời gian”. Matsuno phải thực hiện việc tạo hình từ bọt sữa một cách nhanh chóng trước khi chúng bị tan đi.
Bí quyết và khả năng khéo tay của Matsuno đã giúp anh tạo ra nhiều tác phẩm đẹp mắt, thu hút khách hàng và trở thành nghệ sĩ pha cà phê nổi tiếng hàng đầu ở Nhật Bản. hiện Matsuno vẫn tiếp tục sáng tạo để nghĩ ra những ý tưởng mới giúp tạo hình cho ly cà phê mà mình pha chế.
Nhiều khách hàng đã cảm thấy rất hứng thú với các tác phẩm do Matsuno tạo ra, không ít người còn cho rằng họ không nỡ uống tách cà phê do Matsuno pha chế vì tạo hình đáng yêu trên đó.