Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Chưa hề có '' Tôi ''




Cái Tôi là cái chi chi
Mà hoài quanh quẩn chưa khi nào rời
Thuở còn bé dại nằm nôi
Đã cao giọng khóc cho đời biết tên.
Điều gì cũng dễ lãng quên
Cái tôi, sâu đậm nhớ bền chẳng phai.
- Sớm ra đã ngắm hình hài
Thế gian kia hỏi mấy ai hơn mình.
Điểm tô, trau chuốt dáng hình
Thèm thuồng thiên hạ cái nhìn, xuýt xoa..

Cái tôi theo tháng ngày qua
Măng non thành cụm tre già dặn hơn.
Trong nhà, cuối xóm, đầu thôn
Tôi là số một, tôi '' ngon '' hơn người.
Tôi khóc, không muốn ai cười
Ai thành đạt thấy tôi thời chẳng vui,
Tôi nói ngược, chớ nói xuôi
Một khi tôi muốn có trời mới can!

Tôi thành cái rốn không gian
Bên ngoài nảy nở, bất an trong lòng.
Truy tìm hai chữ thành công
Nên đường Danh, Lợi cõi hồng ngược xuôi.
Chiều cao chỉ một mét thôi
Nhưng muốn đời phải ngước đôi mắt nhìn,
Muốn nhân tâm hướng về mình
Dành bao thiện cảm, tâm tình cho tôi.
Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi
Là trung tâm điểm cho người ước mơ...

- Chiều nay, bỗng thật tình cờ
Vào chùa Sư cụ ngó lơ, tôi buồn!
Sư rằng: '' Vạn sự vô thường,
Thân, tâm chiếc bóng trên tường, huyễn hư!
Con người khổ bởi khư khư
Ôm cái giả ngã, Chân như đoạn lìa..''

Ôi! thanh âm chốn Bồ Đề
Nghe như tan vỡ u mê nghìn đời.
- Còn ''tôi'', còn nặng luân hồi
Buông tôi, nghe nhẹ đất trời thênh thang.
- Từ tôi, trăm mối lo toan
Vắng ''tôi'', đời sống bình an mọi bề.

Lời Sư, trăng rọi lối về
Xưa nay nằm mộng, chưa hề có tôi!
- Ngước hư không, bẽn lẽn cười
Thương '' cái tôi '' của một thời trẻ con..

Thích Tánh Tuệ

__(())__

KHAI TÂM CHO MÙA XUÂN MỚI

Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.I
Tất cả những ước vọng nói trên, có thể được biểu tượng hóa trong một chữ: XUÂN.
Xuân ấy tất nhiên không phải là xuân của mùa màng, thời tiết. Nhưng một biểu tượng nếu không được cụ thể hóa, tức là thực hiện bằng hành động và lời nói cụ thể, thì mãi mãi nó chỉ là một ước vọng, không bao giờ nắm bắt được.
Và để đạt được một cái gì đó trong tương lai, ai cũng biết là người ta phải bắt đầu từ hiện tại. Không khởi sự từ bây giờ, từ hôm nay, thì ước vọng, thành quả, mục tiêu… của ngày mai, của tương lai, sẽ không bao giờ có được. Thế nhưng, nhân loại trong mấy ngàn năm qua cứ loay hoay, lẩn quẩn mãi ở chỗ khởi đầu, chứ không tiến về hướng mục tiêu để đạt ước vọng như mong đợi. Nghĩa là cứ mơ ước một cái gì tốt đẹp ở tương lai, mà lại cất bước một cách sai lệch, thiên kiến, mù quáng nơi hiện tại. Quả đẹp thì muốn nhưng nhân tốt lại không gieo, hoặc chỉ biết gieo nhân xấu. Muốn hòa bình mà cứ khai binh, khai hỏa bằng những đạo quân nhân danh lý tưởng (hay ảo tưởng? hoang tưởng?) của lãnh tụ nọ, của thần linh kia; muốn hòa hợp mà cứ khai khẩu, khai ngữ bằng lời châm chọc, chửi bới đối phương; muốn tự do dân chủ mà cứ tước đoạt tự do dân chủ của kẻ khác; muốn hòa đồng (các tôn giáo) mà cứ luôn cho đạo của mình là tốt nhất, đạo kia là tệ nhất… Ai cũng cho lý tưởng, mục tiêu, tôn giáo, đoàn thể, đảng phái… của mình là trên hết, sẵn sàng bịt miệng, thậm chí giết hại kẻ khác chỉ vì họ không giống mình, hoặc đã có lời lẽ xúc phạm cá nhân hay tập thể của mình. Như vậy thì làm sao có được mùa xuân thực sự an vui, hòa bình, thịnh vượng cho cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước, hay cho toàn thế giới!
Không cần phải chờ đến ngày đầu năm mới khai bút, khai thị, khai giảng, khai trương… để có một mùa xuân an vui và một năm đầy hứa hẹn. Mỗi người chúng ta hãy ngồi xuống trong phút giây này, lặng yên, dừng hết mọi xung động của ý nghĩ, lời nói, hành động; tâm thật lắng đọng, không còn lăng xăng tính toán, sợ hãi, âu lo; không còn những tham lam, thù hận, ganh ghét, nghi kỵ…; không còn những phân biệt, đối đãi thiên vị thân/sơ; không còn biên giới quốc gia, không còn ngăn cách màu da, chủng tộc, ý thức hệ, tôn giáo… Trong giây phút ấy, một nỗi gì, như là niềm thương, mở ra, lan tỏa đến vô cùng. Dù trên thế gian này có xuất hiện hay không các bậc thần linh, các bậc giáo chủ, các vị lãnh đạo các tôn giáo, chính quyền, đảng phái (minh triết hay phàm phu), thì tấm lòng ấy, niềm thương ấy, vẫn hiện hữu, vẫn luôn ở đây, nơi này.
Tâm như hoa, nở ra cho thơm đẹp cuộc đời. Tâm như hư không, mở ra để dung chứa tất cả, để ôm lấy tất cả những phiền muộn, khổ đau của thế gian—tất cả cùng lúc tan biến vào cõi lòng vô tận này.
Mỗi người khai tâm như thế, ở từng giây phút hiện tại, thì ước vọng của chúng ta, mùa xuân của chúng ta, hiển hiện miên trường.

Vĩnh Hảo

CẢ ĐỜI TÔI TÌM CHÚA

Tôi vốn không thích viết về tôi, một cái tôi đáng ghét. Đã có nhiều độc giả từng đặt ra những câu hỏi, thắc mắc, đúng hơn là những ức đoán có mục đích dèm pha về đời sống cá nhân, gia đình, và nội tâm của con người tôi. Nhưng tôi vẫn giữ im lặng, chẳng cần phải thanh minh hay biện giải. Bởi lẽ, những dèm pha đó không liên quan đến những gì tôi đã viết. Nhưng nay nghĩ lại, có lẽ mình cũng nên chia sẻ với các độc giả về lý do tại sao tôi không còn tin về sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng.
Đã có nhiều tác giả ngoại quốc viết về đề tài này, bao gồm Bertrand Russell với bài Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Ki-tô Giáo; [1] hoặc Robert Ingersoll, Tại Sao Tôi Là Người Không Tin. [2] Do vậy, ở bài viết này, tôi sẽ không đề cập chi tiết về các luận chứng của họ để dành chỗ cho những điều riêng tư, những điều mà tôi đã từng trải nghiệm, kinh qua, để rồi mãi tới ngày hôm nay mới dám khẳng định công khai điều mình đang cảm nhận. Đây là kết quả của một cuộc tìm kiếm suốt cả đời người.


Sau đây, tôi sẽ lần lượt trình bày lý do tại sao tôi không còn tin có Chúa qua các tiểu mục sau:


· Tất cả chỉ tại một chữ duyên
· Thượng đế nào?
· Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
· Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
· Kết luận

Tất cả chỉ tại một chữ duyên
Tôi đã dành trọn cả cuộc đời tôi để đi tìm bằng chứng và dấu vết về sự tồn tại của một thượng đế mà người Công Giáo gọi là Thiên Chúa. Mới chừng 11 tuổi đầu (hè 1965), tôi gia nhập Tiểu Chủng Viện Sao Biển thuộc giáo phận Nha Trang để học làm linh mục, theo gót chân của anh tôi. Sau sáu năm, tôi dời bỏ đời sống tu trì, hăng say nhập vào cuộc đời khi gần 17 tuổi (cuối năm 1970). Mặc dù vậy, thắc mắc về sự tồn tại của Thiên Chúa luôn luôn cứ theo bám, luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Đến khi đã trưởng thành, học xong bậc đại học, tôi vẫn còn hăng say tích cực hoạt động tông đồ ở một xứ đạo VN bên Hoa Kỳ. Tôi đã là thành viên của hội Cursillo, thư ký của nhóm Linh Thao, sáng lập viên tờ Đồng Hành, và là giảng viên Giáo Lý lớp 12 cho các em học sinh VN của cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo VN, New Orleans, Louisiana. Ở tuổi gần 40, sau khi đã có gia đình và bốn thằng con trai, tôi còn là giáo viên dạy Việt Ngữ, ủy viên Công Giáo Tiến Hành, và thừa tác viên Thánh Thể cùng với các linh mục cho giáo dân rước mình thánh Chúa trong những ngày lễ cuối tuần ở cộng đoàn Chúa Cứu Thế, Long Beach, California.
Tôi cũng đã từng trải nghiệm những giây phút sảng khoái, xúc động khi cầu nguyện với Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, tưởng như được Chúa và Mẹ yêu thương cách riêng đến nỗi nhiều khi rơi rớt đôi dòng lệ. Nhưng tôi cũng đã có những giây phút yếu đuối, ngã lòng, nghi ngờ, tự hỏi không biết có Chúa thực, hay tất cả đơn thuần chỉ là một thứ cảm xúc tự nhiên do trí óc tưởng tượng của con người. Và tôi cũng đã cầu xin Chúa cho tôi một dấu chỉ, một tín hiệu để tôi biết Ngài đang hiện diện. Nhưng tất cả chỉ là sự im lặng tuyệt đối, trống vắng, từ tháng này qua tháng khác, từ năm kia sang năm nọ, suốt cả cuộc đời này.
Nếu cuộc đời cứ trôi nổi mãi như vậy thì tôi đã không phải là tôi như ngày hôm nay, nghĩa là tôi vẫn cứ vô tư, thoải mái tin và làm những gì đã được nhồi sọ ngay từ khi mới chào đời.
Cái cơ duyên bất ngờ đã đến khi tôi có dịp đọc cuốn Hành Hương Đất Phật của tác giả Phan Thiết, tức cựu Thẩm Phán Nguyễn Kim Khánh. Đây là một cuốn sách viết về Phật Giáo bởi một tín đồ Thiên Chúa Giáo, có mục đích xuyên tạc và dèm pha Phật Giáo. Nhưng chính cuốn sách đó là cuốn tôi đã đọc say mê lần đầu tiên trong đời về Phật ở cái tuổi ngoài 40

Bởi lẽ, là một người Công Giáo theo đạo dòng, được rửa tội từ khi mới vài tuần tuổi, tôi luôn luôn xem Bụt và tất cả các thần linh của các tôn giáo khác là ma quỷ, mê tín dị đoan. Tôi cầu nguyện đêm ngày, xin Chúa giữ gìn, tránh xa mọi dịp cám dỗ để khỏi bị sa ngã. Khi mới qua Hoa Kỳ, có lần hai ông mục sư Mỹ gõ cửa nhà tôi để dụ đạo. Tôi đã mời họ vào để nghe họ giảng đạo và xin một ít sách báo để tìm hiểu thêm về Tin Lành, nhưng đã bị cha mẹ tôi la rầy, không muốn tôi tiếp xúc với họ nữa. Và tôi đã vâng lời cha mẹ tôi một cách miễn cưỡng.

Nhưng ngày nay, vì công ăn việc làm, tôi phải sống lẻ loi nơi một thành phố xa lạ, hoàn toàn tách biệt khỏi cha mẹ, anh em, họ hàng, bà con lối xóm, và các bạn bè đồng đạo. Bằng tư duy và nhận thức độc lập, chính bài Vô Tự Chân Kinh đã giúp tôi quyết định tự tìm hiểu thêm về các tôn giáo khác khi đã ở cái tuổi quá nửa đời người. Lời kệ của Đức Thế Tôn được ghi lại trong kinh Tăng Nhất Tập chứa đựng một chân lý mà cho đến nay không một ai có thể phản bác ở bất cứ điểm nào:
Đừng tin điều gì do kinh sách.
Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền.
Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại.
Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhân.
Đừng tin điều gì do người ta tưởng tượng ra rồi gán cho thần phật nói.
Đừng tin điều gì vì uy tín của thày dạy.
Nhưng hãy tin vào điều các con đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho các con và kẻ khác.
Lòng tin ấy sẽ thăng hoa đời con, và các con hãy lấy đó làm tiêu chuẩn.” [3]

Tôi tự hỏi, nếu ý tưởng của bài kinh kệ đó đích thực là chân lý thì tại sao ở ngoài cái tuổi tri thiên mệnh này tôi vẫn không thể tự tạo cho mình một hướng đi? Cứ nhắm mắt tin và làm theo những gì được dạy dỗ chỉ vì đức vâng lời thì rõ ràng đó là một thái độ hành xử vong thân, vong bản vì đối nghịch với bản chất đích thực của con người vốn có lý trí và ý chí tự do. Tôi phải là tôi, chứ không cần phải là một người nào khác mà tôi muốn bắt chước. Tôi muốn mình là một con người có đầy đủ nhân vị, không phải một con chiên, càng không phải một ông thánh. Và nếu có muốn bắt chước thì cũng phải từ một quyết định tự do cá nhân, chẳng phải quyết định áp đặt của bất cứ ai. Tôi sống cuộc đời của tôi với tinh thần trách nhiệm, an nhiên tự tại, không phải cuộc đời của thiên hạ.
Chỉ một câu kinh Phật đã làm thay đổi toàn vẹn cách lối tư duy và nhận thức của một tín đồ Công Giáo đạo dòng. Thay vì cứ “nhắm mắt tin” vì đó là lời Chúa thì bây giờ tôi chỉ“tin vào điều đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho mình và cho kẻ khác”. Tất cả hoàn toàn đều do một chữ duyên.

Thượng đế nào?
Có một lỗi lầm rất căn bản mà chúng ta thường vấp phạm là không xác định được thượng đế nào khi bàn về thượng đế, bởi vì có đủ thứ hầm bà lằng thượng đế. Từ khi có con người, mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những ông thượng đế khác nhau. Tôn giáo nào cũng khẳng định chỉ có thượng đế mình đang tôn thờ là chân thật nhất. Ngoài ra, tất cả các thượng đế khác hay thần linh của các tôn giáo khác đều là ma quỷ, mê tín dị đoan, sản phẩm của tưởng tượng. Mỗi tôn giáo đều có những niềm tin đặc thù, nhiều khi còn mâu thuẫn, đối nghịch với nhau, không thể tất cả cùng đúng. Vẽ người mới khó, chứ vẽ ma quỷ thì dễ vẽ vô cùng!
Vậy thượng đế mà tôi đã bỏ cả cuộc đời để tìm kiếm là ông thượng đế nào? Có phải Ngài là một hữu thể sáng tạo, luôn luôn quan tâm và lo lắng cho đời sống của con người trần gian như Thiên Chúa của Độc Thần Giáo; hay đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người đã một thời được dân gian thờ cúng như các thần linh trong Phiếm Thần; hay Ngài chỉ là cái nguyên nhân đầu tiên khởi động vũ trụ, rồi sau đó hoàn toàn lãnh đạm, không còn màng đến nó nữa, như một số khoa học gia một thời tin theo Tự Nhiên Thần Giáo, trước khi có sự khẳng định của nhà vật lý thắng giải Nobel, Stephen Hawking, về việc vũ trụ có thể tự sinh do chính các định luật của thiên nhiên?
Bởi vì tôi đã từng là một người Công Giáo nên chỉ muốn bàn về một thượng đế hữu ngã, có nhân tính (personal God) của Độc Thần Giáo, một thượng đế có đầy đủ hỉ nộ ái ố, đối nghịch với thượng đế vô ngã (impersonal god) được hiểu bàng bạc và mơ hồ trong Tự Nhiên Thần Giáo, Ấn Độ Giáo, và ngay cả trong Phật Giáo. Người Thiên Chúa Giáo gọi thượng đế là Thiên Chúa, và chỉ có một Chúa duy nhất, chủ ý bao gồm tất cả các thượng đế hay thần linh của các tôn giáo khác, kể cả ông trời trong dân gian VN còn được gọi là Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Giê-su của Thiên Chúa Giáo là Thiên Chúa, nhưng Gia-vê của Do Thái Giáo và Allah của Hồi Giáo cũng vẫn là Thiên Chúa, mặc dù người Do Thái Giáo và Hồi Giáo không phải là người Thiên Chúa Giáo vì họ không tin Giê-su.
Như vậy, đối với người Thiên Chúa Giáo, nhân vật Giê-su, một người đàn ông sinh ra ở Do Thái cách nay hơn 2.000 năm, chính là Đức Ki-tô, cũng là Thiên Chúa, cũng là thượng đế, cũng là đấng sáng tạo trời đất và muôn loài, có những thuộc tính toàn năng, toàn hảo, toàn trí, toàn thiện, ở khắp mọi nơi, thường hay chăm lo và can thiệp tới những công việc của loài người qua các phép lạ như đã có bàn đầy dẫy trong hai cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước.
Người Công Giáo tin vào Thiên Chúa quan phòng bằng câu răn dạy rằng “một sợi tóc trên đầu rụng xuống không ngoài thánh ý của Thiên Chúa”. Khi tôi khôn lớn hơn và có thể suy nghĩ độc lập thì mới nhận ra tất cả chỉ là “thánh ý” của Vatican, một quốc gia ngoại tộc, có cơ cấu và tổ chức độc tài toàn trị nhất trong thế giới, và là thành viên của Liên Hiệp Quốc như bao các quốc gia độc lập khác.
Khi đọc các luận chứng mà các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo đã trưng ra, tất cả đều không thuyết phục đối với những người có đầu óc tìm hiểu theo phương pháp của khoa học. Các triết gia và khoa học gia đã trưng ra cho chúng ta thấy những ngụy biện nội tại, nằm ngay trong các luận chứng. Và đó chính là lý do tại sao Công Giáo muốn người tín hữu phải có niềm tin, được thăng hoa thành một đức hạnh lớn nhất trong mọi đức hạnh: ĐỨC TIN. Đó là một cái bẩy xập mà những người tín hữu đã tự nguyện nhắm mắt ngay từ khi mới chào đời thì không dễ gì còn có thể nhìn thấy.
Không có khoa học nào khuyến khích chúng ta tin những điều đối nghịch với lý lẽ, với những quan sát thông thường, và với các bằng chứng hiển nhiên trước mắt. Tính nghi ngờ, sự suy xét chín chắn, tìm hiểu có phê phán là phẩm hạnh cần thiết, được đòi hỏi trong tất cả các bộ môn khoa học, đối nghịch với đức tin của Công Giáo. Nếu không phải để cổ vũ cho những điều vô lý thì chẳng cần bịa ra đức tin. [4] Chỉ với mục đích bảo vệ và phát triển đạo Công Giáo, con người đã bị nhồi sọ bằng việc tự lừa dối chính mình, cứ nhắm mắt trước tất cả mọi bằng chứng hiển nhiên, đối nghịch, và chỉ tin vào một thẩm quyền của Hội “Thánh” hơn là khả năng phán đoán của chính họ, tất cả nằm ở lời Chúa dạy: “Phúc cho những ai không thấy mà tin!”
Thực ra, sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ là một giả định hoang tưởng mà chưa ai có thể chứng minh, một giả định có từ thời tiền sử, đối nghịch với các khám phá của khoa học.
Ngay ý niệm thượng đế đơn thuần như là nguyên nhân đầu tiên để khởi động vụ nỗ lớn (big bang) cũng đã bị khoa học loại bỏ; bởi vì vũ trụ này thì vô tận, đã có từ vô thủy vô chung, nghĩa là không có khởi đầu và chấm dứt nên không cần phải có nguyên nhân đầu tiên. Mang thượng đế để gán cho một nguyên nhân đầu tiên làm tác động vụ nỗ lớn đã trở nên dư thừa, không còn cần thiết nữa. Chỉ cần đơn giản đặt một câu hỏi “vậy ai sinh ra thượng đế” thì cũng đủ đánh đổ mọi luận chứng biện minh cho sự tồn tại của một thượng đế như là nguyên nhân đầu tiên.
Nhưng thượng đế của Thiên Chúa Giáo lại còn là một sinh vật rất yêu thương và chăm lo cho phúc lợi của con người. Nếu chúng ta dùng lý luận thuần lý của Parmenides, một triết gia cổ Hy lạp, thì cũng đủ đánh đổ sự tồn tại của Thiên Chúa, một thượng đế hữu ngã có đầy đủ nhân tính; bởi vì không thể có sự hiện hữu của bất cứ thứ gì có những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau. Bởi vậy, khi nhìn thấy thế giới này tràn đầy mọi sự dữ, và sự dữ vẫn cứ xảy đến cho đủ mọi hạng người, kể cả những người đã bỏ cả cuộc đời để theo Chúa, Epicurus lý luận như sau từ mấy ngàn năm trước:
- Có phải Thiên Chúa rất muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không thể ?Vậy Thiên Chúa đâu phải là toàn năng.


- Có phải Thiên Chúa có thể ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không muốn? Vậy Thiên Chúa đâu có nhân từ và thương yêu con người.

- Có phải Thiên Chúa có thể và rất muốn ngăn ngừa sự dữ ? Vậy tại sao lại có sự dữ đầy dẫy ở trong thế gian này?
- Phải chăng Thiên Chúa không thể và cũng không muốn ngăn ngừa sự dữ? Thế thì tại sao cần phải tôn thờ Thiên Chúa?
Trong bài Không Thể Có Thượng Đế, tác giả Richard Dawkins cũng lập luận như sau:
“Có một sự thôi thúc để lập luận rằng mặc dù không cần thượng đế để giải thích sự tiến hóa của một trật tự phức tạp một khi vũ trụ đã khởi động với những định luật vật lý căn bản của nó, chúng ta vẫn cần đến một thượng đế để giải thích nguồn gốc của mọi sự vật. Ý tưởng này không có dành cho thượng đế làm nhiều điều: chỉ việc tạo ra vụ nổ lớn rồi ngồi đó và chờ đợi mọi sự sẽ xảy ra. Nhà vật lý và hóa học Peter Atkins, trong cuốn sách viết rất tuyệt của ông, Sự Sáng Tạo, quy định một thượng đế lười biếng đã làm việc ít nhất có thể để khởi sự đủ mọi thứ. Atkins giải thích từng bước của lịch sử vũ trụ tiếp nối nhau bằng định luật vật lý đơn giản. Như vậy, ông đã xén dần số lượng việc làm mà một thượng đế lười biếng cần làm và cuối cùng kết luận rằng, thực vậy, thượng đế chẳng cần để làm bất cứ một điều gì.” [5]
Bởi vì Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo thuộc nhóm Độc Thần Giáo đều đã được xây dựng trên nền tảng của một giả định hoang tưởng nên những cố gắng chứng minh của họ đã hoàn toàn thất bại đối với dòng tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Bởi đó, họ mới phải viện dẫn đến đức tin như một cái bẩy xập để nô lệ hóa tâm linh con người. Và cái bẩy xập này hiện đang được họ bảo vệ rất chặt chẽ, có hệ thống. Ai dám đụng chạm, phỉ báng niềm tin của họ thì chỉ có tội chết. Những bạo động của họ được tôn giáo phong thánh. Cây gậy và củ cà rốt - hình phạt hỏa ngục hay phần thưởng thiên đàng - luôn luôn là nỗi ám ảnh và động cơ khích lệ cho những điều gian ác, nhân danh việc bảo vệ tôn giáo. Chỉ cần gọi tên đúng hoặc sai cái ông thượng đế tưởng tượng kia là Ki-tô, hay Allah, hay Gia-vê, hay Giê-su, cũng đủ đưa đến kết quả hoặc thiên đường hay địa ngục, làm phân chia ranh giới giữa con người, làm động cơ cho những đối xử tàn ác, không khoan nhượng với những kẻ không cùng niềm tin như họ, những kẻ mà họ vẫn hằng ngày khinh thường gọi là quân man di, mọi rợ, dị giáo, vô đạo, kẻ thù, sa-tan, hoặc quân vô thần.
Trong tất cả mọi lĩnh vực, ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề là chuyện bình thường hằng ngày ở huyện. Nhưng riêng ở trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ cần khác nhau một niềm tin thì cũng đủ có thể biến bạn thành thù. Và tôi cũng đã từng trải nghiệm những người bạn một thời rất thân thương hiện đang xem tôi như một kẻ tử thù. Tất cả chỉ tại vì chúng tôi không còn có cùng một niềm tin tôn giáo.

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
Tôi là một kỹ sư cơ khí, chuyên về ngành kỹ nghệ không gian, hiện đang còn làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ. Một trong các công việc chính yếu nhất của tôi là làm những cuộc điều tra để xác định nguyên nhân một bộ phận của máy bay bị hư hại trước thời hạn để từ đó đưa ra những đề nghị: hoặc có nên tiếp tục sửa chữa bộ phận theo cách thức đang có sẳn, hoặc công ty đang cung cấp có nên thay đổi thiết kế của bộ phận, hoặc có nên thay thế toàn bộ phận đó bằng một bộ phận khác của một công ty khác, hoặc có nên làm một thiết kế hoàn toàn mới khác. Tôi đã từng viết cả trăm bản tường trình đúc kết các cuộc điều tra (final engineering investigation report). Dĩ nhiên, một bản tường trình đúc kết như vậy luôn luôn là kết quả cộng tác của nhiều chuyên viên khác trong các ngành chuyên biệt, và còn từ cả nhiều công ty có liên hệ. Và tôi cũng đã từng đọc hằng trăm bản tường trình đúc kết khác của các đồng nghiệp. Có những cuộc điều tra rất đơn giản, chỉ liên quan đến một bộ phận không quan trọng, cho dù hư cũng chẳng gây hệ quả gì nghiêm trọng khi máy bay đang bay. Nhưng cũng đã có nhiều cuộc điều tra liên quan đến các bộ phận tối quan trọng (critical safety item), làm rớt máy bay, gây tử vong cho nhiều người, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Khi làm công việc khoa học kỹ thuật này từ mấy chục năm nay, tôi đã nhận ra một điều rất đáng để suy nghĩ, là chưa bao giờ tôi thấy một kỹ sư đồng nghiệp nào đã khẳng định, hoặc cho dù chỉ suy đoán, rằng nguyên nhân chính yếu (root cause) làm rớt máy bay có nguồn gốc siêu tự nhiên. Nếu có một vị kỹ sư nào viết như vậy thì rõ ràng đó là một sự điên khùng có một không hai, một trò hề ngoài sức tưởng tượng.
Trong tất cả các phương trình khoa học, tuyệt đối không có yếu tố siêu nhiên để giải thích các hiện tượng. Tất cả mọi sự xảy ra trong vũ trụ này đều có nguyên nhân tự nhiên. Bởi thế, Einstein, một nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, đã phát biểu rằng:
"Nếu bạn làm cùng một việc và theo cùng một cách thức thì bạn sẽ luôn luôn có kết quả như nhau. Nếu bạn có kết quả khác, có nghĩa là bạn đã làm việc khác hoặc theo cách thức khác.”
Thí dụ về chiếc máy bay dân sự Boeing 777-200ER của hãng hàng không Mã Lai, chuyến bay MH370, đã mất tích vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 mà cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Nếu chúng ta đem vào bất cứ một hữu thể thiêng liêng nào để giải thích một biến cố mà hiện nay khoa học chưa giải thích được, như là ý Chúa nhiệm mầu để giết chết tất cả 239 hành khách, thì rất ư là khôi hài, tàn nhẫn, độc ác, vô tâm, vô cảm, vô đạo, chắc chắn chẳng một ai tin. Có phải vì đó là ý Chúa thì chúng ta nên ngừng ngay mọi cố gắng tìm kiếm? Và những thiên tai, thảm họa không phải do con người như các trận động đất, núi lửa, sóng thần, mưa bão, lụt lội, và các bệnh dịch Si-đa, Ebola… thì sao? Có phải đó cũng là ý Chúa? Nếu “mọi sự đều do thánh ý Chúa, kể cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống”, nghĩa là Thiên Chúa toàn năng có ý định muốn các biến cố đó phải xảy ra, thì chúng ta, những loài thụ tạo, làm sao có thể cưỡng chống? Và những cố gắng của con người để giải cứu các nạn nhân có phải rõ rệt là đang chống lại ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa toàn năng?
Chúng ta vẫn thường được dạy “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người thế gian” (Cv 5, 29) cho dù cả cuộc đời chúng ta chưa từng nghe Chúa nói, ngoài những lời nói của Vatican tự phong cho mình quyền đại diện Thiên Chúa để có thể cầm buộc dưới đất cũng như trên trời. Những lời tuyên bố, răn dạy như “chiên ta thì phải nghe tiếng ta”, “bỏ Ngài thì con theo với ai?”, hoặc “thà mất nước chẳng thà mất Chúa”… thì cũng chỉ để “vâng lời trong tuân phục”một thế lực tôn giáo hoàn vũ đã từng phải xưng thú bảy núi tội lỗi đối với đồng loại. Khi bảo rằng "của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” thì có khác gì đem cả linh hồn và trí khôn giao nạp cho quốc gia ngoại tộc Vatican?
Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
Tôi đã cố gắng dành trọn cả cuộc đời này để đi tìm bằng chứng và dấu vết của Thiên Chúa, nhưng kết quả chỉ là một con số không to tướng, ngoài sự trống vắng, im lặng tuyệt đối. Từ đó, chỉ cần động não một chút, những câu hỏi và thắc mắc sau đây tự động tuôn ra trong đầu óc, nên xin được trình bày ở đây theo cách thức nghiêm túc của học thuật trí thức:

1. Tại sao Thiên Chúa cứ phải che giấu thân phận mình? Chẳng phải chính Thiên Chúa đã xuống thế làm người để tỏ mình bằng xương bằng thịt cho thiên hạ thấy hay sao? Rồi có vô số phép lạ Chúa làm để tỏ mình đã được ghi chép trong các kinh sách Công Giáo. Không lẽ đó chẳng phải là ý Chúa muốn mọi người nhận biết Chúa là đấng thực hữu?
2. Nếu Chúa đã từng tỏ mình ở trong quá khứ thì tại sao không còn tỏ mình ở trong hiện tại, cái thời hậu hiện đại mà khoa học có thể nghiên cứu, điều tra tường tận để vạch trần được mọi sự gian dối?
3. Nhưng Thiên Chúa thì toàn năng, ở khắp mọi nơi, có thể làm được hết mọi sự, vậy tại sao ý muốn tỏ mình của một đấng Toàn Năng lại không thể thực hiện, cũng chẳng hiệu quả hơn gì ý muốn của các phàm nhân có rất nhiều giới hạn?
4. Còn nếu Thiên Chúa đã thay đổi ý định, không muốn con người nhận biết Ngài nên không còn tỏ mình nữa, thì tại sao Giáo Hội Công Giáo cứ làm trái ý của Thiên Chúa trong suốt hơn 2.000 năm qua bằng cách phí công sức và tiền của để rao giảng về Thiên Chúa, núp dưới mỹ từ là “đem tin mừng cứu rỗi muôn dân”?
5. Tại sao một đấng toàn năng, toàn trí như Thiên Chúa lại cần phải thay đổi ý định? Các phép lạ trong Công Giáo đang chứng minh bất khả phủ bác rằng Thiên Chúa đã phải thay đổi ý định nhiều lần chỉ vì lời van xin hay hối lộ của con người hèn mọn. Điều này thì hoàn toàn đối nghịch với tính toàn năng và toàn trí của Thiên Chúa.
6. Tất cả những điều vô lý đó không phải đã chứng minh rõ ràng Giáo Hội Công Giáo đã và đang làm công việc buôn thần bán thánh, những thứ giả mạo, không có thực, từ hơn 2.000 năm nay sao?

Tôi đã được dạy rằng Thiên Chúa thì phải như thế này, phải như thế nọ; nhưng khi đã khôn lớn, những điều đó tự động trở nên hiển nhiên phi lý, ngớ ngẫn, hoàn toàn không còn thuyết phục. Những gì các ông thần học chí chóe bàn về Thiên Chúa thì cũng giống y chang như những gì thiên hạ vẽ hưu vẽ vượn trong các chuyện tiểu thuyết hư cấu hay thần thoại hoang đường. Khi còn là một đứa con nít, tôi tin hoàn toàn những chuyện nhảm nhí đó, không bao giờ có một chút thắc mắc. Bây giờ đã trưởng thành với đầy đủ trí khôn rồi, tôi không còn tin chúng nữa.
Như vậy, có sự khác biệt gì giữa một đức tin tôn giáo và niềm tin mê tín dị đoan, ngoài việc đức tin tôn giáo thì được cổ vũ, hỗ trợ, tuyên truyền, nhồi sọ, và rao bán bởi một tổ chức tôn giáo có thế lực nhất hoàn vũ; trong khi niềm tin bị cho là mê tín thì không, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao? Vậy đức tin trong bản chất đích thực thì hoàn toàn đồng nghĩa với các niềm tin mê tín dị đoan khác trong dân gian.

Kết luận.
Kết quả tìm kiếm suốt cả cuộc đời tôi về sự tồn tại của Thiên Chúa là một sự im lặng tuyệt đối, trống không. Đó chẳng phải là một điều lạ lùng gì! Những thắc mắc ở trên đã minh xác rằng Thiên Chúa chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người, cũng giống như các nhân vật trong các chuyện tiểu thuyết hay thần thoại hoang đường, không hơn không kém. Sự việc Chúa phải im lặng, che giấu thân phận, là chuyện đương nhiên, tất yếu, không thể khác được. Có sinh vật tưởng tượng nào mà chẳng phải tuyệt đối giữ im lặng?
Do đó, tôi có thể bảo đảm rằng nếu chúng ta tôn thờ và cầu nguyện với bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào bằng một đức tin không lay chuyển như chúng ta đang tôn thờ và cầu nguyện nơi Thiên Chúa thì chúng ta cũng sẽ nhận được những điều từ họ như những điều chúng ta nhận được từ Thiên Chúa.
Những luận chứng của các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đều hoàn toàn có thể áp dụng để chứng minh cho sự hiện hữu của bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào. Mặc dù vậy, trên đời này chẳng có ai đã trưởng thành còn tin vào sự hiện hữu của các sinh vật tưởng tượng trong tiểu thuyết thần thoại hoang đường, nhưng lại có vô số người tin có Thiên Chúa. Vậy đó chính là kết quả của một nền giáo dục và tuyên truyền nhồi sọ, không phải một tặng phẩm hay hồng ân do Chúa ban.
Các phép lạ, những biến cố vi phạm các định luật của khoa học, thì ở trong tôn giáo hay thần thoại nào cũng có. Đức tin trong thực chất không thể đi đôi với khoa học. Thiên Chúa cũng giống như đôi nạng gỗ. Nếu ai phải cần cặp nạng đó để có thể đi đứng vững vàng thì xin cứ việc tự do, thoải mái sử dụng, nhưng đừng bao giờ mong muốn người khác cũng phải đi bằng đôi nạng gỗ như mình. Đối với những người còn dám sử dụng lý trí, họ vẫn cứ đi đứng thoải mái, vững vàng bằng chính đôi chân của họ mà chẳng cần cặp nạng gỗ. Và tôi tin chắc rằng chúng ta cũng có thể đi đứng như họ, nếu muốn.
Con người chúng ta đích thực là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hoặc những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn chuyện trên trời. Có một điều lạ lùng, vô lý và rất khôi hài là khi các nhà khoa học bàn chuyện trên trời thì chúng ta gọi họ là những thằng mù hay con ếch; nhưng khi những con ếch hay thằng mù ngồi ở đáy giếng tận bên Vatican bàn chuyện trên trời thì chúng ta lại gọi “đó là lời Chúa”.
Đứng trước những sự kiện bất khả phủ bác, các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo không thể phản biện được bất cứ điều gì, ngoài việc tiếp tục dèm pha, tấn công tư cách cá nhân của các tác giả. Họ thường kết án thiên hạ cái tội đánh phá tôn giáo. Nhưng thưa bạn, việc bảo vệ và phục vụ chân lý, hay bảo vệ và phục vụ tôn giáo, việc nào thì quan trọng, nên làm hơn? Hỏi tức là đã trả lời, bởi vì “chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”. Tôn giáo chỉ là một trong muôn vàn con đường dẫn ta đến các chân lý, không phải tự nó đang là chân lý. Nó chỉ là phương tiện, không phải cùng đích của cuộc đời chúng ta mong tìm kiếm. Chắc chắn không có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật, kể cả Công Giáo.
Riêng cá nhân tôi còn bị kết án thêm cái tội ăn cháo đá bát. Vậy tôi xin trích dẫn quan điểm của tác giả Robert Ingersollđể trả lời cho lời cáo buộc này. Ông được người đời tôn vinh là Người Không Tin Vĩ Đại (The Great Agnostic) vì đã khước từ những niềm tin của gia đình và tổ tiên sau khi ông đã trưởng thành. Trong bài Tại Sao Tôi Là Người Không Tin, ông biện giải như sau:
"Nếu chúng ta phải theo tôn giáo của cha mẹ chúng ta thì cha mẹ chúng ta cũng phải theo tôn giáo của họ. Như vậy thì đã không thể có sự tiến bộ trong lĩnh vực tư tưởng. Tôn giáo đầu tiên có lẽ đã là tôn giáo cuối cùng, và người con có lẽ đã chết trong sự ngu dốt như người mẹ. Sự tiến bộ có lẽ đã không có, và sự thông minh của nhân loại có lẽ đã bị hy sinh ở tại những ngôi mộ của các tổ tiên.” [2]
Vậy thưa bạn, cái tội đánh phá tôn giáo, hay cái tội đánh phá chân lý để làm cản trở sự tiến bộ tri thức của con người, tội nào là tội nặng hơn cả? Nếu tôi viết sai, xin bạn hãy chỉ ra cái sai nằm ở chỗ nào; còn nếu tôi viết đúng, tại sao lại kết án tôi?

Trần Tiên Long
Mùa lễ nghỉ Noel 2014

Biết tự tha thứ

Sự sống lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và kẻ khác hơn.

Nhà thơ Rumi viết, “Một cái nhìn sâu thẳm vào nội tâm sẽ làm phát khởi lên một nỗi đau lớn, nhưng nỗi đa u ấy sẽ giúp ta bước ra được phía sau tấm màn che”. Mỗi khi chúng ta nhớ lại những việc nào mình đã làm mà gây khổ cho kẻ khác, ngay trong giây phút ấy, ta sẽ kinh nghiệm một nỗi đau. Và nỗi đau đó có thể trở thành một phương tiện giúp ta chuyển hóa. Khi ta có thể “bước ra được phía sau tấm màn che” của vọng tưởng, ta sẽ không còn cho mình là “xấu xa” nữa, và ta biết cởi mở đối với tự tánh khổ đau của mọi kinh nghiệm.
Mỗi khi tưởng nhớ lại những lần mình đã làm khổ kẻ khác, chắc chắn sẽ gây cho ta nhiều khổ tâm. Tôi đã từng ngồi thiền chung với một người chồng đánh đập vợ mình tàn nhẫn mỗi khi nổi giận, với một người đàn ông chờ án tử hình vì đã vi phạm tội sát nhân trong một lần ăn cướp, hơn hai mươi năm về trước. Và tôi cũng đã từng ngồi với những ký ức buồn đau của chính mình về những nỗi khổ tôi đã gây cho người khác. Không cần biết việc lớn hay nhỏ, hễ khi ta làm cho người khác khổ là ta cũng sẽ chịu một sự đớn đau.
Có thể ta nghĩ rằng, mỗi khi ta nhớ lại những lỗi lầm của mình rồi tự hành hạ và dày vò, thì đó cũng là một hình thức chuộc tội. Nhưng thật ra, chính tâm từ mới là một sự hối tội chân chính. Khi ta bị một mặc cảm tội lỗi chiếm ngự, nó sẽ làm cái tôi của mình trở nên vô cùng giới hạn và nhỏ bé, “Ðây mới là con người của tôi, một người đã có những hành động xấu xa này…”. Và một khi cái tôi đã bị giới hạn, ta sẽ càng cảm thấy bị tự trừng phạt bởi những sự khổ đau, xa cách, cô đơn và vô vọng của mình. Ta cho là mình xứng đáng bị như vậy. Và khi nghe đức Phật dạy, mọi chúng sinh đều muốn sống hạnh phúc và đều có khả năng sống hạnh phúc, ta lại càng cảm thấy cô độc hơn.
Nhiều năm trước đây, trong một giờ ngồi thiền của một khóa tu, tôi thấy mình nhìn lại một quãng đời khó khăn trong cuộc sống của mình. Nhớ lại những việc làm xưa chẳng làm tôi vui sướng gì. Nhưng khi hiểu rằng hành động của tôi chỉ là một phần của những biến cố nối liền, liên tiếp theo nhau, tôi có thể nhìn lại mình với một ánh mắt hiểu biết hơn và tha thứ hơn. Tôi có thể thấy rõ rằng khi một việc này khởi lên, nó sẽ làm nền tảng cho một việc kế tiếp phát sinh theo.
Kinh Phật có dùng một ví dụ để diễn tả tính cách nối liền, nhân quả của những sự kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương theo thủy triều dâng lên cao, nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo; khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kinh rạch cũng sẽ dâng lên. Khi nước trong đại dương theo thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước trong hồ, kinh, rạch cũng thế. Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng nước trên quả đất, trừ những trường hợp rất hiếm, khiến chúng chuyển động rất tương hợp với nhau. Khi một cái này phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng thế, tất cả mọi yếu tố có liên hệ đến sự hiện hữu của ta – thân này, tâm này, thế giới bên trong, thế giới chung quanh ta – đều có một kết cấu rất mật thiết với nhau.
Trong khóa tu, tôi thấy được những sự kiện của đời mình, giống như sông và biển, chúng xảy ra theo một thứ tự rõ rệt. Tôi thấy mình đã cố gắng làm hết sức mình trong hoàn cảnh đang có mặt. Trong tình trạng ấy, với những điều kiện ấy, có lẽ tôi đã không thể nào làm gì khác hơn thế được. Vì một thái độ khác sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết khác dựa trên những sự kiện và kinh nghiệm khác.
Chúng ta không thể nào hốt lại nước đã đổ và chúng ta cũng không thể nào trốn tránh được hậu quả về hành động của mình. Nhưng thay vì tự oán trách hoặc là cứ ôm một mặc cảm hổ thẹn mãi, ta có thể thay đổi nó bằng cách tưới tẩm hạt giống xấu ấy bằng chánh niệm và tâm từ. Ðó chính là nền tảng của sự tu tập.
Theo luật nhân quả, karma, thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định cho sự tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong mỗi giây phút. Một hạt giống, khi đủ điều kiện, đủ nhân duyên, nó sẽ nở hoa kết trái. Nhưng luật nhân quả không bao giờ vận chuyển một cách máy móc và cứng nhắc hết. Vì nếu thế thì chắc ta sẽ không bao giờ có thể làm gì để thay đổi được cuộc đời mình hết. Sẽ không có cách nào để ta chuyển hóa được khổ đau, cũng như sự tu tập sẽ chẳng đem lại cho ta một lợi ích gì.
Như thiên nhiên đã cho phép rất nhiều điều kiện khác nhau đóng góp vào sự chín mùi của một hạt giống, cũng thế, hạt giống chủ ý của ta không bao giờ hiện hữu cô lập. Quả trái của một hành động không phải chỉ tùy thuộc vào hạt giống của nó mà thôi, mà còn lệ thuộc vào tất cả những đặc điểm của miếng đất trong đó nó được gieo trồng. Vì chúng ta luôn thay đổi để ảnh hưởng sự sống của mình, nên miếng đất mà hạt giống ấy đang cắm rễ cũng sẽ biến đổi luôn. Và cũng vì thế, mục tiêu giải thoát và cơ hội chấm dứt khổ đau của ta là chuyện có thể thực hiện được.
Giả sử chúng ta đã lỡ có một hành động bất thiện hoặc gây hại cho ai, nhưng nếu biết trở lại sống trong chánh niệm và từ bi, ta sẽ có thể ảnh hưởng chuyển hóa được thửa vườn mà hạt giống xấu ấy được gieo trồng, và rồi tất cả sẽ được thay đổi. Ðó cũng chính là một sự chuyển hóa mà ta có thể bắt đầu ngay trong giờ phút này.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách dùng chánh niệm và tâm từ nhìn sâu vào những khổ đau ta đã gây cho kẻ khác, cũng như nỗi đau của chính mình. Chúng ta hãy nhìn sâu vào những mặc cảm tội lỗi, những hổ thẹn, sợ hãi bằng một tâm hiểu biết và bao dung. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc cho rằng, “Tôi là một người xấu xa” với lại “Tôi đã làm một việc xấu và tôi rất hối tiếc về hành động đó”. Khi ta có thể kinh nghiệm được dòng sông cảm xúc của mình với sự tĩnh lặng, sáng tỏ, và thương yêu – không phán xét và hẹp hòi – tâm ta sẽ trở thành một tấm gương trong vắt, phản chiếu được hết những gì đang có mặt. Trong tiến trình ấy, tấm gương tâm của ta cũng sẽ phản chiếu luôn được cả tự tánh của chính nó: tỏa chiếu, thanh tịnh và ngời sáng. Như đức Phật dạy, “Chân tâm của ta bao giờ cũng trong sáng”.
Chúng ta sẽ tìm lại được cái khả năng tỉnh thức, biết yêu thương và bắt đầu lại của mình. Mặc dầu trong quá khứ có thể ta đã có những hành động bất thiện, nhưng ta vẫn biết rằng sự trong sáng, tĩnh lặng mới chính là bản chất thật sự của mình, chứ không phải là những tâm tham sân thường xúi dục ta đi gây hại cho kẻ khác. Thật ra, ta không cần phải làm gì mới có thể xứng đáng có được bản chất thanh tịnh ấy – vì nó là bản tánh tự nhiên của ta. Dẫu trong quá khứ ta có thể sống mà không hề biết đến nó, nhưng chân tánh ấy vẫn không bao giờ bị mất đi hay lu mờ một chút nào hết. Chúng ta có thể xem thường nó, chà đạp nó, nhưng bản tính thanh tịnh ấy không bao giờ thay đổi và vẫn chờ đợi ta một ngày khám phá lại.
Khi khổ đau giúp ta bước ra được “phía sau tấm màn che” của một ảo tưởng về sự chia cách, ta sẽ tiếp tục được sự sống trọn vẹn, trong đó có chính ta. Sự sống lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và kẻ khác hơn.

Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Danh ngôn Rumi




“Có một tiếng nói không phát ra âm thanh. Hãy lắng nghe nó.




“Đừng cảm thấy cô đơn. Cả trời đất đang ngụ trong lòng bạn.”



“Tôi biết bạn đang mệt mỏi nhưng xin hãy đến, đây là con đường.”



“Bạn không phải là một giọt nước trong đại dương. Bạn là cả đại dương trong một giọt nước.”



“Điều bạn tìm cũng đang tìm bạn.”


“Hôm qua tôi thông minh, tôi muốn thay đổi thế giới. Hôm nay tôi trí tuệ, tôi đang thay đổi chính tôi.”


“Đừng thấy mình lẻ loi, cả vũ trụ đang ở trong bạn.”




“Tĩnh lặng là ngôn ngữ của Trời, mọi thứ khác đều là một sự phiên
dịch yếu kém.”

 

“Vết thương là nơi vệt sáng soi vào bạn.”


“Mọi thứ trong vũ trụ có ở trong bạn. Hãy tự hỏi mình tất cả.”







“Những hành động xuất phát từ tâm hồn bạn sẽ có cảm giác như có một dòng sông hạnh phúc tuôn chảy bên trong.”







“Lý trí bất lực trước sự biểu lộ của tình yêu.”

"Suffering is a gift – in it is hidden mercy."

“Khổ đau là một món quà. Ẩn trong nó là một ân huệ.”














“Không có ai trưởng thành ngoại trừ những người đã thoát khỏi ham muốn.”








“Trong nước mắt, thấy ẩn tiếng cười. Tìm châu báu giữa nơi điêu tàn, bạn thân yêu.”

Rumi: They say there is a doorway from heart to heart, but what is the use of a door when there are no walls? heart. Meetville Quotes


They say there is a doorway from heart to heart, but what is the use of a door when there are no walls? Rumi
“Họ nói có một cánh cửa giữa những trái tim, nhưng cần gì cửa nữa khi không có những bức tường?”

Rumi Heart Quote

Only from the heart can you touch the sky.- Rumi
Chỉ có từ trái tim bạn mới có thể chạm đến bầu trời.”

Rumi Quotes

“Bạn được sinh ra có một đôi cánh, sao lại thích lê bước trong đời?”

Post image for QUOTE & POSTER: Raise your words, not voice. It is rain that grows flowers, not thunder. –rumi

“Cao lời, chớ cao giọng. Là cơn mưa mọc những bông hoa, chớ phải sấm sét.”

☆☆☆

- Love is the cure, for your pain will keep givingbirth to more pain until your eyes constantly exhale love as effortlessly as your body yields its scent.- Rumi
“Tình yêu là liều thuốc, vì cơn đau này sẽ mãi tiếp tục sinh ra cơn đau khác cho tới khi đôi mắt bạn liên tục thở ra tình yêu thuần thục như cơ thể bạn mang hương thơm của nó.”

Rumi Quote: The Cure For Pain Is In The Pain


“Liều thuốc cho nỗi đau nằm trong nỗi đau.”


Love is a river. Drink from it. ~ Rumi
“Tình yêu là một dòng sông. Uống nó đi.”








“Hãy biết ơn tất cả những người ta gặp, vì họ đã được mang đến như một sự dẫn dắt từ trời cao.”



Be certain in the religion of love, there are no believers or nonbelievers. Love embraces all. - Rumi
“Hãy yên tâm rằng trong tôn giáo tình yêu không có tín hữu cũng không có phi tín hữu. Tình Yêu bao bọc tất cả.”









“Gõ, và Người sẽ mở. Tan biến, và Người sẽ làm bạn sáng hơn sao. Ngã, và Người sẽ nâng bạn lên thiên đàng. Bỏ tất cả, và Người sẽ cho bạn tất cả.”




“Nhiệm vụ của bạn không phải là tìm kiếm tình yêu, nhưng đơn thuần là tìm kiếm tất cả những bức tường nội tâm bạn đã dựng lên ngăn nó lại.”

***
Lovers don't finally meet somewhere, they're in each other all along.
“Những người yêu nhau không phải cuối cùng cũng gặp được nhau. Họ đã ở trong lòng nhau ngay từ đầu.”

If you are irritated by every rub, how will your mirror be polished

“Nếu bạn khó chịu bởi từng vết chà, làm sao tấm gương có thể được đánh bóng?”


Sell your cleverness and buy bewilderment.
“Bán cái khôn lanh đi và hãy mua lấy hoang mang.”

"A thousand half-loves must be forsaken to take one whole heart home.
“Một ngàn tình yêu nửa vời phải bị bỏ lại để đem một tình yêu trọn vẹn về nhà.”

Let yourself be silently drawn by the stronger pull of what you really love
“Hãy thả trôi theo lực kéo mãnh liệt từ những gì bạn thật sự yêu.”

Words are a pretext. It is the inner bond that draws one person to another not words

“Từ ngữ là một cái cớ. Chính cái gắn kết nội hàm đã kéo những con người xích lại gần nhau, không phải từ ngữ.”

As you start to walk out on the way, the way appears.
“Xuất hiện như bạn thật là. Thật là như bạn xuất hiện”

"Ignore those that make you fearful and sad, that degrade you back towards disease and death."
“Hãy lờ đi những kẻ làm bạn sợ hãi, buồn bả, nó chỉ kéo bạn xuống tới bệnh tật và chết chóc.”

When you do things from your soul,You feel a river moving in you,
A joy…
“Khi bạn hành động từ chính linh hồn mình, bạn cảm thấy một con sông đang chảy bên trong, một niềm hỷ lạc.”

"Don't grieve. Anthing you lose comes around in another form.

“Đừng sầu. Những gì bạn mất sẽ quay trở lại dưới một hình thức mới.”

[NHH chuyển dịch]
























Rumi, thi hào bất tử của Ba-tư


Jalal Uddin Rumi.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một "ensaaneh kaamel", nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta.
Jalal Uddin Rumi (1207-1273) là nhà thơ thần bí Ba tư thế kỷ 13. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo nhằm tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng đế. Trong suốt 25 năm ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mạc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.

Tác phẩm chính của Rumi là Diwan-i Shams-i Tabriz-i (Tác phẩm về Shams người xứ Tabriz) gồm khoảng 40.000 câu thơ, đề tặng Shams ad-Din, người bạn lớn, người thầy tinh thần và nguồn cảm hứng của ông, vàMathnawigồm khoảng 25.000 câu thơ. Ngoài ra còn các cuộc trò chuyện và thư từ của ông gồm ba tập vẫn giữ được đến ngày nay.
Tầm quan trọng của Rumi nằm ở chỗ ông vượt qua các ranh giới quốc gia và dân tộc. Tuy làm thơ chủ yếu bằng tiếng Ba-tư, ông còn viết một số bài thơ bằng tiếng Ả rập, tiếng Hy Lạp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (cổ). Trong suốt nhiều thế kỷ, thơ ông có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn chương Ba-tư cũng như văn chương Urdu (Ấn Độ) Và Thổ Nhĩ Kỳ. Thơ ông được rất nhiều người đọc ở các nước nói tiếng Ba-tư ngày trước như Iran, Afghanistan, Tajikistan và ngày nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Jalal Uddin Rumi sinh năm 1207 ở thành phố Balkh thời đó nằm ở tỉnh Khorasan của đế quốc Ba-tư nhưng ngày nay thuộc Afghanistan. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống phụng sự các cơ quan luật pháp và tôn giáo. Ngay từ nhỏ Jalal Uddin đã tỏ ra tư chất khác thường. Có giai thoại kể rằng có một lần, Attar, một nhà thơ và nhà hiền triết lớn đương thời, khi gặp hai cha con Jalal Uddin, người cha đi trước còn người con theo sau, đã nói một câu có tính tiên tri: “Một biển đang bước đi, theo sau là một đại dương”.
Vào khoảng năm 1218, để tránh họa xâm lăng của người Mông Cổ, ông cùng gia đình di chuyển qua nhiều nơi, từ Balkh đến Baghdad, Mecca, Damascus và cuối cùng định cư ở Karaman gần Konya (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) thời đó là thủ đô của người Turk Seljuk. Ở đây cha của cậu thiếu niên Jalal Uddin hành nghề đạo sư và hoạt động như một nhà thần học. Jalal Uddin theo gương cha, và sau khi người cha qua đời vào năm 1231, chàng thanh niên cũng trở thành một đạo sư lỗi lạc. Thời đó vùng này được người dân gọi là Rum, một cái tên có nguồn gốc từ thời đế quốc Byzantine. Biệt danh Rumi của nhà thơ bắt nguồn từ cái tên này.
Vào khoảng năm 1244 C.E. Rumi gặp Shams ad-Din, một giáo sĩ hay một tín đồ Sufi mà trước kia ở Tabriz, và cuộc tao ngộ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Shams ad-Din trở thành bạn và người thầy tinh thần của Rumi. Trong khoảng hai năm Rumi cùng Shams ad-Din sống cùng một nhà và gắn bó thân thiết với nhau trong một tình bạn mang tính thuần khiết và lý tưởng. Sufi vốn có truyền thống những tình bạn thuần khiết và lý tưởng như vậy, dựa trên sự chung nhau nỗ lực tâm linh.
Trước đó Rumi vốn là đạo sư và lãnh tụ của một đoàn tăng lữ Mevlevi. Các môn đồ của ông hết sức bức xúc bởi sư phụ quá quấn quýt với Shams mà quên mất họ, thế là họ đe dọa dùng vũ lực để chia lìa đôi bạn. Shams ad-Din biến mất một cách khó hiểu vào năm 1247, có thể là bị các môn đồ của Rumi giết chết. Sau đó Rumi viết 40.000 câu thơ lấy tên là Diwan-i Shams-i Tabriz-I để bày tỏ nỗi đau mất người bạn tri kỷ.
Chủ đề chung của tư tưởng ông, cũng như của các nhà thơ thần bí và Sufi khác trong văn học Ba-tư, là về khái niệm Tawheed (nhất thể) và sự hợp nhất với người yêu (cái cội rễ uyên nguyên) mà ông đã bị cắt rời khỏi nó, cũng như nỗi khao khát được tái hợp với người yêu hay cái cội rễ kia và trở thành nhất thể.
Tác phẩm Masnavi kết hợp nhiều truyện ngụ ngôn và cảnh đời thường, những thiên khải lấy từ kinh Qu’ran, cùng những suy tư siêu hình thành để dệt thành một bức tranh chung rộng lớn và phức tạp. Rumi được coi là hình mẫu của “ensaaneh kamel”, con người hoàn hảo hay con người toàn diện. Rumi nhiệt thành tin ở việc dùng âm nhạc, thơ ca và nhảy múa làm con đường đến với Thượng đế. Với Rumi, âm nhạc giúp các tín đồ tập trung toàn bộ bản thể mình vào cái thánh thiêng, làm việc đó một cách tập chú đến nỗi linh hồn họ vừa bị hủy diệt vừa được phục sinh.
Trên thực tế, ông là người thành lập giáo phái Mevlevi của các “giáo sĩ xoay tròn” và sáng tạo nên “sema”, điệu nhảy xoay tròn có tính chất thánh thiêng của các vị này. Theo truyền thống Mevlevi, sema tiêu biểu cho một cuộc hành trình thăng tiến tâm linh, thông qua trí tuệ và tình thương để đạt tới “cái Hoàn hảo”. Trong cuộc hành trình đó hành giả hướng về chân lý, trưởng thành thông qua tình thương, xả bỏ cái tôi, tìm thấy chân lý và đến được “cái Hoàn hảo”, sau đó, khi từ cuộc hành trình này trở về, họ hoàn thiện hơn, có khả năng yêu thương và phụng sự toàn bộ các tạo vật trên thế giới không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia.
Theo lời Shahram Shiva, một nhà thơ Mỹ gốc Iran nổi tiếng với những buổi đọc thơ Rumi, một trong những lý do khiến Rumi đến được với nhiều người như vậy là bởi “Rumi có khả năng chuyển thành ngôn từ một cách thẳng thắn và trực tiếp cái thế giới mang tính cá nhân cao độ và thường rất phức tạp của sự trưởng thành về tinh thần và cái huyền nhiệm. Ông không xúc phạm bất cứ ai, ông gồm thâu tất cả mọi người.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một ensaaneh kaamel, nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta. Ngày nay ta có thể nghe người ta đọc thơ Rumi trong nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, tu viện Thiền tông, cũng như trong các cuộc trình diễn âm nhạc trên phố phường New York”.
Chỉ mới cách đây khoảng 20 năm Rumi hãy còn hầu như chưa được biết tới ở phương Tây, nhưng hiện nay ông là một trong những nhà thơ được đọc nhiều nhất tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm của Rumi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, v.v. và ngày càng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như hòa nhạc, hội thảo, đọc thơ, múa và nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa.


Các giáo sĩ Mevlevi đang thực hiện điệu múa thiêng liêng sema.
Năm nay, 2007, được UNESCO chọn là “Năm Quốc tế Rumi” nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của nhà thơ. Ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan dự kiến tổ chức một số chương trình đặc biệt để tưởng niệm Rumi. Riêng Iran sẽ mở một hội nghị tương tự vào mùa thu năm 2007. Nhiều chương trình đặc biệt sẽ được tổ chức tại nơi ra đời của nhà thơ (nay thuộc Iran) và nơi ông qua đời (nay tại Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong các chương trình dự kiến được thực hiện trong năm nay nhân dịp Năm Quốc tế Rumi, Bộ Văn hóa Iran sẽ ấn hành tập thơ Masnavi của Rumi in song ngữ - bằng tiếng Ba-tư và bản dịch sang tiếng Thổ, tổ chức buổi lễ tưởng niệm Forouzanfar và Golpinarli, hai chuyên gia có uy tín người Iran và Thổ trong lĩnh vực nghiên cứu về Rumi, xuất bản một cuốn tự điển thành ngữ Thổ-Ba-tư, cũng như tổ chức một số buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một sự kiện mà tầm quan trọng của nó vượt xa ngoài khuôn khổ một nền văn hóa: bởi thông qua Rumi, nhân loại nhận thức được trở lại một phần tinh hoa của nền văn minh Hồi giáo mà những cuộc xung đột cũng như sự kiện khủng bố có tính tôn giáo trong những năm gần đây không thể xóa mờ.


Chùm thơ Rumi


Trong ánh sáng em, anh học yêu,
Trong vẻ đẹp em, anh học làm thơ.
Em nhảy múa trong ngực anh,
nơi không ai thấy em,
nhưng đôi khi anh thấy,
và điều anh thấy trở thành thơ.

***
Điều tôi mong muốn nhất
là nhảy vọt ra ngoài tính cách này,
rồi lánh xa khỏi cú nhảy đó.
Tôi đã sống quá lâu nơi người ta có thể với tới tôi.

***

Việc của tôi là mang tình yêu này
làm niềm an ủi cho những ai ngóng đợi Người;
đi bất cứ nơi đâu Người qua
và ngắm nhìn bụi đất mà chân Người dẫm xuống.

***
... Với một tiếng cười im lặng
em làm lệch đêm
và vườn tuôn rào rạt những vì sao.

***
Choáng váng mùa xuân

Hôm nay, cũng như mọi ngày, ta thức dậy trống rỗng
và sợ hãi. Đừng mở cửa sang phòng làm việc
ngồi đọc sách. Hãy lấy nhạc cụ trên tường xuống.
Hãy để cái đẹp ta yêu là cái ta làm.
Có hàng trăm cách để quỳ hôn mặt đất.

***
Anh muốn hôn em.
Cái giá của hôn là cuộc đời em.
Giờ đây tình yêu anh đang chạy về phía đời anh kêu chói lói.
Giá đâu hời quá, mua đi.

***

Ánh ngày, đầy những hạt li ti nhảy múa
và cái phần tử lớn đang quay, linh hồn ta
đang nhảy múa cùng bạn, không chân, chúng nhảy.
Bạn có nhìn thấy chúng khi tôi thì thầm trong tai bạn?

***
Ai nói bản thể vĩnh hằng không tồn tại?
Ai nói mặt trời đã tắt?
Kẻ nào đó trèo lên mái nhà,
nhắm tịt mắt mà bảo
Rằng tôi chẳng thấy gì.

***

Chợ hạt giống

Bạn có thấy chợ nào như chợ này không?
Nơi
chỉ với một đóa hồng
bạn có thể mua hàng trăm vườn hồng?

***
Nơi


với một hạt giống
bạn mua được cả một vùng cây cối um tùm?
với hơi thở yếu ớt
bạn có ngọn gió thiêng?
Bạn đã từng sợ
bị hút vào trong đất
hoặc bứt lên theo gió.
Giờ đây giọt nước của bạn lăn
rơi vào đại dương,
nơi nó đã từ đó đến.
Nó không còn hình dáng xưa từng có,
nhưng nó vẫn là nước.
Bản chất vẫn là một.
Sự buông xả này chẳng phải là một sự ăn năn.
Nó là một niềm kính trọng sâu xa đối với chính bạn.

Khi đại dương đến với bạn như một người yêu,
Hãy kết hôn ngay lập tức, nhanh lên,
Vì Thượng đế!
Đừng trì hoãn!
Tồn tại chẳng có món quà nào hơn thế.
Dù kiếm tìm cách mấy
cũng chẳng thể nào có được.
Một con chim ưng hoàn hảo, chẳng vì lý do gì,
đã đậu lên vai bạn,
và trở thành của bạn.

***

Tình yêu đã tước đi những giờ hành đạo của tôi...

Tình yêu đã tước đi những giờ hành đạo của tôi
và làm tôi đầy ắp thơ ca.
Tôi cố thầm lặp đi lặp lại,
Không có sức mạnh nào ngoài sức mạnh của Người,
mà không thể.
Tôi đã phải vỗ tay và hát.
Tôi từng quen với cái đáng trọng, cái trong trắng, cái vững bền
nhưng ai có thể đứng trong cơn gió mạnh này
mà nhớ những điều đó?
Núi kìm giữ tiếng vang sâu trong lòng nó.
Bằng cách đó tôi nắm giữ Giọng của người.
Tôi là gỗ tạp ném vào trong ngọn Lửa của người,
và nhanh chóng tiêu tan thành khói.
Tôi thấy Người và thành rỗng không.
Sự Rỗng không này, đẹp hơn hiện hữu,
nó xóa mờ hiện hữu, thế mà khi Nó đến,
hiện hữu lớn nhanh và tạo thêm nhiều hiện hữu!
Bầu trời xanh. Thế giới là một người mù
ngồi xổm trên đường.
Nhưng ai đã nhìn thấy Đấng Hư không
Là nhìn thấy xa hơn màu xanh và xa hơn người mù ấy.
Một linh hồn lớn ẩn mặt như Muhammed, hay Jesus,
đi qua đám đông trong thành phố
nơi chẳng ai biết Người.

Ca ngợi là ca ngợi
làm cách nào người ta
dâng mình cho Cái Rỗng không.
Ca ngợi mặt trời là ca ngợi chính đôi mắt bạn.
Ca ngợi đi, hỡi Đại dương. Ta nói gì, một con tàu nhỏ
Vậy cuộc hải hành tiếp diễn, và ai biết ở đâu!
Được nắm giữ bởi Đại dương là vận may tốt nhất ta có.
Đó là một sự thức tỉnh vẹn toàn!
Tại sao ta phải đau buồn rằng ta đang ngủ?
Nào có quan trọng gì ta đã vô ý thức bao lâu.
Chúng ta lảo đảo, nhưng cứ để điều sai trái diễn ra.
Hãy cảm thấy những chuyển động của sự dịu dàng,
sự sôi nổi xung quanh bạn.

***

Vườn Tình
xanh tươi vô hạn
và cho nhiều trái quả khác
chứ không chỉ buồn vui.
Tình yêu nằm ngoài cả điều kiện này
lẫn điều kiện nọ:
không mùa xuân,
chẳng mùa thu,
nó luôn luôn tươi mới.
***

Gần xiết bao

Gần xiết bao
hồn em với hồn anh
anh biết chắc
mọi điều em nghĩ
đều đi qua tâm trí anh
anh cùng em
phút này và trong ngày tận thế
không như vị chủ nhà
chỉ chăm sóc em
trong một bữa tiệc thôi
với em anh hạnh phúc
bất cứ lúc nào
lúc anh cho đời anh
hay khi
em tặng anh tình em.
cho đi cuộc đời anh
là một cuộc kinh doanh có lãi
mỗi cuộc đời anh cho
là một trăm cuộc đời
em trả lại anh
trong căn nhà này
có một ngàn
người chết và từng ấy linh hồn
làm cho em ở lại
bởi đây sẽ là nhà em
một nhúm đất
kêu to
tôi vốn là tóc hay
tôi vốn là xương
và ngay khoảnh khắc
khi em hoàn toàn bối rối
bật ra một giọng nói
hãy ôm chặt anh
anh là tình yêu và
anh mãi mãi của em.


***

Tình yêu không tựa trên một cái nền nào.
Nó là một đại dương vô tận,
không đầu không cuối.
Hãy hình dung
một đại dương treo
cưỡi trên cái đệm những điều bí ẩn xa xưa.
Mọi linh hồn đã chết đuối ở đây,
và giờ đây sống ở đây, trong đại dương này.
Một giọt của đại dương đó là hy vọng,
còn lại là sợ hãi.

***

Đầu tôi tràn đầy
niềm vui bởi điều chưa biết.
Tim tôi mở rộng ngàn lần.
Mỗi tế bào
cất cánh
bay lượn bên trên thế giới.
Tất cả, riêng ai nấy tìm
nhiều khuôn mặt Kẻ tôi yêu.

***

Tình yêu đến
và trở thành như máu trong thân thể tôi.
Nó tuôn trào qua mạch máu tôi và
bao quanh trái tim tôi.
Mọi thứ tôi nhìn,
tôi chỉ thấy một điều.
Tên của Người yêu được viết
trên chân tay tôi,
trên lòng bàn tay trái của tôi,
trên trán tôi,
phía sau cổ tôi,
trên ngón cái bàn chân phải của tôi…
Ôi, bạn tôi ơi,
tất cả những gì bạn thấy ở tôi
chỉ là cái vỏ,
những gì còn lại thảy đều thuộc Người yêu.

***

Tình em nâng linh hồn anh từ thể xác lên tới tận bầu trời
Và em nâng anh ra khỏi hai thế giới.
Anh muốn mặt trời em chạm đến những giọt mưa anh,
Để cái nóng em đưa hồn anh lên như một đám mây.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh

TheoViệt Báo