Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Ý nghĩa "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn"


Hỏi: Kính thưa Thầy, con đã đọc 1 lần Thầy giảng về ý nghĩa hình tượng tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất của Đức Phật lúc đản sanh. Tuy con vẫn chưa thực sự thông suốt, nhưng con thích cách lý giải đó, vì nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì không có gì là vĩ đại cả, bấy lâu nay con cũng trăn trở điểm này mà chưa có duyên nghe giảng giải thâm ý của hình tượng này. Xin thầy giảng lại cho con một lần nữa, xin cảm ơn thầy.


T.S Viên Minh:

Trước khi đức Phật ra đời thì hầu như mọi tôn giáo đều chủ trương đi tìm cái tuyệt đối ở bên ngoài tự tánh mình. Nhưng ngay từ khi mới sinh ra, một tay chỉ đất một tay chỉ trời, Ngài đã tuyên bố:

“Aggo ahaṃ asmi lokassa,
Jeṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Seṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Ayaṃ antima jāti,
Natthi dāni punabbhavo.”

(Ta là tối thượng của thế gian
Ta là tối tôn của thế gian
Ta là tối thắng của thế gian
Đây là kiếp sống cuối cùng
Từ nay không còn sinh lại nữa.)


"Ta" ở đây là ám chỉ tự tánh bản tâm nơi mỗi người chứ không phải là bản ngã, nên câu này có ý nói rằng Ngài đã thấy được trong thế giới này chỉ có tự tánh bản tâm (nơi chính mình) mới là cao quý, là tối thượng, là ưu việt, nên từ đây chấm dứt cái ngã mong cầu, không còn sinh khởi ý đồ tìm kiếm cái tuyệt đối ở bên ngoài nữa.
Về sau khi đã đạt đến Chánh Đẳng Giác, toàn bộ lời dạy của Ngài chung quy là trở về giác ngộ thực tại thân-thọ-tâm-pháp nơi chính mình, vì ở đó mọi chân lý vốn đã hoàn hảo, chỉ vì cái ngã vô minh ái dục mà không thấy ra tự tánh bản tâm nên mới khổ công hướng ngoại tìm cầu, để rồi tạo ra biết bao vọng nghiệp trong luân hồi sinh tử, Ngài dạy:

Attā hi attano nātho
Ko hi nàtho parosiyā
Attana va su dantena
Nātho labhati dullabham.

(Mình tự nương chính mình
Không nương nhờ ai khác
Khi tự tâm thuần tịnh
Là chỗ nương khó được.)


Tóm tắt Bốn Sự Thật Vi Diệu, Ngài nói rằng: "Ngay nơi tấm thân một trượng này, thế giới tập khởi và thế giới đoạn diệt". Thế giới tập khởi là Sinh Tử tức Tập Đế và Khổ Đế, Thế giới đoạn diệt là Niết-bàn tức Diệt Đế và Đạo Đế. Như vậy, Ngài xác định rất rõ rằng không cần phải tìm kiếm đâu xa, mà chỉ cần chấm dứt ý đồ trở thành của bản ngã thì ngay đó tự tánh bản tâm là Niết-bàn, là tối thượng, tối tôn, tối thắng.
Cách dịch "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" trong chữ Hán rất dễ bị hiểu lầm là cái "Ta" hay bản ngã, nên cũng dễ bị người ngoài chê là Phật còn ngã mạn, tự cao. Nhưng bất kỳ ai giác ngộ cũng đều có thể nói Tự Tâm là tối thượng, tối tôn, tối thắng, như đức Chúa cũng nói: "Ta là con duy nhất của Thượng Đế" nhưng Chúa định nghĩa "Ta" là "Đường đi lẽ thật và sự sống" nghĩa là cũng ám chỉ phải qua tự tánh bản tâm là gốc của sự sống chân thực thì mới đến được thực tại tối hậu.


Hỏi Đáp : Trung Tâm Hộ Tông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét