Kính chuyển đến quí vị bài viết nầy đọc để suy nghĩ coi những món ăn bài thuốc mà quí vị chuyền tay từ người nầy qua người khác có đáng tin tưởng hay không ?. Thời gian qua tôi nhận rất nhiêù bài nói về các bài thuốc từ các rau quả như: xoài, đu đu, mảng câù xiêm, v.v… và bài mới nhất là bài măng tây trị ung thư nhưng không có trải qua một cuộc thực nghiệm khoa học nào. Theo tôi biết thì măng tây ăn nhiêù cũng rất độc hại cho thận qua các bài nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp mà tôi đã có dịp đọc cách nay khá lâu. Thử nghĩ nếu măng tây trị được bệnh ung thư sao các ngành y tế thuộc diện tìm kiếm không nghiên cứu để tạo ra thuốc với liều lượng thích hợp để cứu người, sao các nhà bác học cứ để người ta hàng ngày không biết bao nhiêu người chết vì bệnh ung thư như thế ? Thuô'c tây tuy có phản ứng phụ nhưng có nghiên cứu lâm sàng kỹ lưỡng trước khi phổ biến ra thị trường tiêu thụ và có ghi rõ ràng cách dùng thế nào để tránh bớt phản ứng phụ ...Trên mạng lưới internet ai cũng có thể đặt chuyện viết một bài để gửi lên phổ biến cho nên rất là nguy hiểm cho những ai nhẹ dạ tin theo ...
Kính thưa quý vị, một hôm, có một bệnh nhân đến phòng mạch, yêu cầu chúng tôi thử máu tổng quát. Là bác sĩ, trước khi thử máu thì cần phải biết tại sao bệnh nhân có yêu cầu này, vì nhiều khi bệnh nhân có những căn bệnh mà cuộc thử nghiệm tổng quát không phải là thử nghiệm thích hợp nhất. Sau khi được hỏi bệnh cẩn thận, bệnh nhân dứt khoát là không bị bệnh gì cả, chỉ muốn khám nghiệm tổng quát. Thấy bệnh nhân trong độ tuổi giữa 45 và 49, cũng là tuổi mà bộ y tế muốn các BS làm một cuộc khám nghiệm tổng quát, chúng tôi đồng ý cho bệnh nhân thử máu.
Thật tình cờ, khi kết quả trở về thì cho thấy bệnh nhân bị suy gan khá trầm trọng. Tất nhiên tiếp theo đó những thử nghiệm khác được tiến hành, để tìm hiểu thêm nguyên nhân của sự suy gan, mà người Việt mình thường gọi là nóng gan, như thử các bệnh viêm gan do siêu vi khuẩn gây ra, siêu âm gan, và hỏi lại thật cặn kẻ việc ăn uống cùng thuốc men của bệnh nhân. Nên biết, rượu hay thuốc làm giảm mỡ (cholesterol) cũng thường là nguyên nhân làm cho "nóng gan".
Kết quả là không một nguyên nhân nào được tìm thấy, nhưng chính trong lần khám nghiệm thứ ba này, bệnh nhân tiết lộ đang dùng thuốc Bắc, mặc dù trong những lần khám nghiệm trước, đã được hỏi về những thuốc men mà bệnh nhân sử dụng. Sau một thời gian ngưng uống liều thuốc Bắc này, gan bệnh nhân trở lại bình thường.
Kính thưa quý vị, chúng tôi lớn lên ở VN, tuy không học qua Ðông y, nhưng cũng nghe lõm bõm về khái niệm âm dương ngũ hành, thổ sinh kim, thủy khắc hỏa ..
Khi ở VN thì chúng tôi học 4 năm đại học ngành hóa học, thấy người Tây phương chia vạn vật ra làm hàng tỉ tỉ hợp chất khác nhau, mà thành phần đơn chất căn bản để cấu tạo nên những hợp chất này là nguyên tố, như oxygen, carbon, sắt, đồng, nitrogen vân vân. Té ra đời không thể nhìn đơn giản với kim mộc thủy hỏa thổ mà đủ (quan niệm của Hy Lạp cách đây mấy ngàn năm cũng tương tự như vậy, nhưng nay người ta đã tiến rất xa rồi).
Khi sang Úc, học ngành y, thì chúng tôi được biết thêm cách thức Tây phương nghiên cứu thuốc men.
Xin được vắn tắt về cách Tây y nghiên cứu một môn thuốc trước khi thuốc này được đưa ra thị trường cho người bệnh dùng.
Một liều thuốc Tây căn bản, thường chỉ bao gồm một hợp chất (hoặc cao lắm là vài hợp chất)trộn với chất bột không có tính thuốc. Sau khi thử trên loài vật có hệ thống sinh lý tương đối giống con người và đã xác định được hiệu quả của thuốc, người ta mới bắt đầu thử trên con người.
Ở giai đoạn thử trên con người này, hầu như luôn luôn người ta sử dụng phương pháp gọi là "double blinded study". Xin đưa một thí dụ. Các bệnh nhân có cùng một căn bệnh, sẽ được chia làm 2 nhóm. Một nhóm sẽ được cho uống thuốc thật, và một nhóm được cho uống thuốc giả (placebo), tức là viên thuốc chỉ có chất bột mà không có hợp chất thuốc.
Bác sĩ cho thuốc cũng không hề biết viên thuốc mình cho bệnh nhân uống là thực hay giả, và tất nhiên bệnh nhân cũng không biết luôn. Do đó, người ta gọi là "double blinded", cả hai, thầy lang và con bệnh, đều bị "bịt mắt". Người biết ai uống thuốc thật, ai uống thuốc giả là những nhân viên hành chánh, chưa hề gặp mặt các bệnh nhân.
Sau một thời gian dùng thuốc, bệnh nhân được kiểm tra lại. Thí dụ như trong trường hợp thử nghiệm loại thuốc giảm áp huyết, người ta sẽ đo lại áp huyết của bệnh nhân, và so sánh với áp huyết trước khi dùng thuốc. Cùng lúc, người ta hỏi bệnh nhân về các phản ứng phụ, như buồn nôn, chóng mặt ..., và đo đạc những thay đổi khách quan khác - như thử máu xem gan có bị "nóng" (bệnh) hay không, công năng thận ra sao ... Sau đó người ta đưa sang thống kê để phân tích. Nếu trường hợp 99% người uống thuốc thật khỏi bệnh, còn chỉ có 1% người uống thuốc giả khỏi bệnh, thì ta có thể kết luận là thuốc này công hiệu.
Ngược lại, nếu chỉ có 5% người uống thuốc thật hết bệnh và có 4% người uống thuốc giả cũng khỏi bệnh, thì có thể ta cũng thấy được uống thuốc hay không cũng không khác gì nhau, tức là thuốc không nhiệu nghiệm. Nhưng thông thường, kết quả không rõ rệt như vậy, mà có thể là 563 / 1000 người dùng thuốc thật sẽ khỏi bệnh, 230 / 1000 người dùng thuốc giả hết bệnh.
Như vậy thì thuốc thật có công hiệu không?
Và thuốc giả thì sao, vì cũng có người hết bệnh đó mà .
Ðến đây, vai trò của toán thống kê vô cùng quan trọng. Toán thống kê cuối cùng sẽ cho ta một kết luận, kết luận rằng có thể nào vì "rùa" (tình cờ) mà có nhiều người uống thuốc thật khỏi bệnh hơn người uống thuốc giả không. (chỉ số dùng để kết luận này được gọi là "p value", và nếu nó nhỏ hơn 0.05 thì kể như không thể nào thuốc thật "chó ngáp phải ruồi" được).
Song song đó, người ta cũng phải bảo đảm những bệnh nhân tham gia cuộc thử thuốc không có những bệnh khác, hoặc không có uống những thuốc khác. Sở dĩ người ta phải so sánh người uống thuốc thật và thuốc giả là để loại đi vai trò của tâm lý ảnh hưởng lên người bệnh(hiệu ứng tâm lý này rất quan trọng, gọi là placebo effect), vì nhiều người chỉ nhờ tin tưởng mà hết bệnh, nhất là đối với những chứng bệnh mà ta không thể đo lường một cách khách quan được, thí dụ như bệnh nhức đầu. (Nhức, đau, ngứa là những triệu chứng vô cùng chủ quan, chỉ có bản thân bệnh nhân mới định lượng được thôi).
Và, sở dĩ người ta chú ý đến những yếu tố khác của bệnh nhân là vì những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến căn bệnh. Thí dụ: một người nghĩ rằng vì nhờ uống hà thủ ô mà tóc trở nên đen, nhưng không chừng trong thời gian đó, người này ăn nhiều rau giấp cá, mà chính rau giấp cá mới có tác dụng làm đen tóc thì sao (chỉ thí dụ như vậy mà thôi).
Chắc chúng ta không biết được trong 1000 người uống hà thủ ô thì có bao nhiêu người tóc bạc trở thành đen (e rằng không có đến 1 người, nhờ vậy mà thuốc nhuộm tóc vẫn bán chay re re).
Kính thưa quý vị, đó là quá trình thử nghiệm và thực nghiệm của Tây y, mà theo chúng tôi, y học cổ truyền của chúng ta không có. Y học cổ truyền dựa trên kinh nghiệm tích lũy, nhưng không có thống kê rõ ràng.
Chúng tôi được biết có rất nhiều bệnh nhân tin rằng uống thuốc Bắc sẽ khỏi một số bệnh nan y, tốn tiền rất nhiều, nhưng cuối cùng trong một ngàn người dùng thuốc này có bao nhiêu người khỏi bệnh và bao nhều người ... quy tiên, ta cũng không biết. Một số người do nhìn thấy một vài trường hợp cá biệt rồi khái quát hóa, cho rằng liều thuốc đông y ấy có hiệu nghiệm trên mọi người. Có lẽ là vì Ðông y thiếu thực nghiệm và thống kê.
Thứ đến, rất nhiều bệnh nhân than phiền về phản ứng phụ của Tây y.
Kính thưa quý vị, trong khi một viên thuốc Tây chỉ có một hay hai hợp chất, thì một khúc rễ cây, một túi mật, có hàng chục đến hàng trăm hợp chất trong đó. Như vậy thì "phản ứng không mong muốn" (unwanted effects) ắt phải nhiều hơn rất nhiều. Một viên morphine chỉ chứa có chất morphine mà thôi, trong khi đó nếu ăn một cây á phiện thì ta cho vào cơ thể biết bao nhiêu tạp chất khác. Vấn đề nằm ở hai chữ: LIỀU LƯỢNG.
Kính thưa quý vị, chắc chắn một số thuốc Ta, thuốc Bắc, thuốc Nam cũng có hiệu lực, nên mới lưu truyền cả ngàn năm, nhưng sự nghiên cứu của những loại thuốc này thực thua kém thuốc Tây rất xa. Nói đến thuốc Bắc thuốc Nam thì chắc có lẽ vua Càn Long, Tần Thủy Hoàng, các đại quan, phú hộ của Tàu là người uống nhiều nhất, cũng được toàn các danh y, Hoa Ðà, Biển Thước chẩn trị. Nhưng kết quả các vị ấy ra sao, chết lúc bao nhiêu tuổi, có mạnh khỏe hơn tổng thống Bush hay không, ta cũng thấy rồi.
Các vị ngày xưa thường nói, nhân sinh thất thập cổ lai hy, bây giờ với Tây y thì nhân sinh thất thập mà "die", thì là ... hơi yểu mệnh đó. Ngày nay, có rất nhiều cô chú bác đã xấp xỉ thất thập, nhưng vẫn còn mạnh cuồi cuội, đi shop, đi du lịch, đi biểu tình rần rần, so với các vị quan lớn, vua chúa ngày xưa thì khỏe và thọ hơn nhiều, dù không uống sâm nhung, dù không dùng cao hổ cốt, lộc nai, sừng tê giác.
Bài tâm tình về thuốc này không nhằm việc bài bác Ðông y, mà chỉ để chúng ta thấy được sự khác biệt trong nghiên cứu giữa Ðông và Tây y. Là một người theo ngành khoa học, nhìn đời qua cặp mắt thống kê, cá nhân của chúng tôi chỉ được thuyết phục khi nào thuốc Bắc, thuốc Nam, Ðông y, Trung Y, có những nghiên cứu tinh tế, chi tiết, với sự chứng minh của thống kê mà thôi.
Nhiều bệnh nhân khi gặp bác sĩ Tây y, thường hỏi thuốc này có những phản ứng phụ gì. Hầu như lúc nào BS cũng biết, nếu không biết thì mảnh giấy hướng dẫn trong hộp thuốc cũng có ghi. Quý vị vẫn có thể dùng thuốc Bắc, thuốc Nam, nhưng khi gặp các Ðông y sĩ, hay Trung y sĩ, nên hỏi xem thuốc ấy có tạo phản ứng phụ gì không ?. Ðiều này sẽ hữu ích cho hiểu biết và sức khỏe của chúng ta.
Bác sĩ Nguyễn văn Hoàng (Hoàng Nguyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét