Chúng ta hãy dành một chút thời gian để quán chiếu về lòng biết ơn. Tôi không xem lòng biết ơn như là một đối tượng thiền tập riêng rẽ. Chúng ta có thiền chánh niệm (Tứ Niệm Xứ), thiền tâm từ (metta), tâm bi (karuna), tâm hỷ (mudita) và tâm xả (upekkha).
Chúng ta có thiền niệm ân Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Chúng ta cũng thiền tập trên những phẩm hạnh tốt đẹp và sự rộng lượng của chúng ta, nhưng tôi không thấy có thiền về lòng biết ơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực tập những hình thức thiền kể trên thì lòng biết ơn cũng sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, quán chiếu về lòng biết ơn một cách có ý thức sẽ có ích cho thế giới này. Tôi sẽ cho các bạn một số đề nghị, ý tưởng, để giúp các bạn thực hành. Rất quan trọng để thực sự cảm nhận được lòng biết ơn và làm cho nó trở nên sống động.
Đầu tiên, chúng ta tri ân Đức Thế Tôn, dĩ nhiên là về Giáo Pháp của Ngài, về những gì Ngài đã làm cho chúng ta và cho cả nhân loại này. Ngài đã hy sinh, từ bỏ quá nhiều. Cho ai? Cho chính bản thân Ngài, cho họ hàng, bà con, cho tất cả nhân loại, cho mọi chúng sinh. Nếu các bạn biết bài Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), các bạn sẽ thấy có ba con đường tu tập (cariyam): Lokata cariyam: là tu tập để đem lại sự an vui cho đời, Natatta cariyam là tu tập để đem lại sự an vui cho thân bằng, quyến thuộc, Buddhatta cariyam là tu tập để tự mình trở thành một vị Phật.
Thân bằng, quyến thuộc rất đặc biệt, chúng ta không được quên điều đó vì họ là những người thân thiết của chúng ta. Chúng ta nên tu tập cho chính bản thân mình, cho sự tốt đẹp của chính mình, và chúng ta cũng nên tu tập cho thân bằng, quyến thuộc của chúng ta . Những gì các bạn đang làm ở đây có ảnh hưởng đến gia đình của các bạn, phải vậy không? Hãy suy nghĩ về điều này. Khi các bạn trở nên điềm tĩnh, có sự an bình nội tại, hiểu biết, bao dung và biết tha thứ, gia đình của các bạn sẽ yên ấm hơn. Những gì các bạn đang tu tập, những gì các bạn đang sống với sự hiểu biết của các bạn, chúng sẽ giúp các bạn trở thành một tấm gương sống động cho người thân của mình, và tấm gương sống đó rất quan trọng. Tôi đã từng học với nhiều vị Thầy, một số vị dạy tôi rất ít, tí chút thôi, họ không cố gắng để dạy tôi, nhưng họ dạy qua cách họ sống, và tôi chỉ đơn giản học qua việc nhìn vào chính những vị thầy của mình.
Vì vậy, chúng ta tu tập là cho chính chúng ta, cho gia đình và bạn bè của chúng ta, và trong một chừng mực nào đó, chúng ta còn tu tập cho cả nhân loại này. Chỉ cần cố gắng trở thành một con người tốt hơn có nghĩa là chúng ta đang làm cho toàn thể nhân loại này trở nên tốt hơn. Chỉ cần có thêm một người biết sống chánh niệm hơn, có trí tuệ hơn, tử tế hơn, rộng lượng hơn, hiểu biết hơn, biết yêu thương, tha thứ và bao dung hơn, một người như vậy cũng đã có khả năng cải thiện phẩm chất cuộc sống của toàn thể nhân loại rồi.
Chúng ta có thể thực hiện được điều này là nhờ vào lời dạy của Đức Phật, nhờ vào sự hướng dẫn của Ngài, nhờ vào tấm gương của Ngài. Ngài đã hy sinh quá nhiều. Các bạn chỉ cần suy ngẫm về điều đó vì làm được như Ngài không dễ dàng đâu. Nếu chỉ đọc về sự hy sinh của Ngài như một câu chuyện thì thật đơn giản: “ Một ngày nọ, Ngài từ bỏ mọi thứ và ra đi”. Một số người thậm chí còn nghĩ Ngài ích kỷ làm sao. Hãy tự mình thực hiện việc từ bỏ như Ngài và các bạn sẽ hiểu rằng việc đó thực chẳng dễ dàng chút nào.
Trong một chừng mực nào đó thì các bạn cũng đã từ bỏ cuộc đời, mặc dù sự từ bỏ còn hạn chế. Các bạn cũng đã bỏ lại đằng sau khá nhiều thứ để đến đây sống trong 16 ngày. Vì vậy, có thể nói đây là một dạng xuất gia “thu nhỏ”. Nhưng các bạn hãy hạnh phúc vì điều này. Chúng ta đang đi theo dấu chân của Đức Phật. Những gì chúng ta đang làm không nhiều như những gì Ngài đã làm, nhưng trong một chừng mực nào đó, chúng ta đang thử nếm trải mùi vị của sự xuất gia và các bạn sẽ thấy việc này không dễ dàng gì. Ngay cả chỉ trong vài ngày cũng không phải dễ. Bạn phải thực hành thiền liên tục trong nhiều giờ và, tuy vậy, bây giờ bạn đã quen dần với việc từ bỏ, bạn đã tập buông bỏ tương đối khá rồi, và tôi nghĩ rằng, giờ đây bạn cảm thấy việc này cũng không còn mấy khó khăn nữa.
Vì vậy để tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, chúng ta hãy dành một ít thời gian để quán chiếu thật sâu sắc về lòng biết ơn. Chúng ta tri ân Đức Phật sâu sắc về Giáo Pháp của Ngài, về tấm gương của Ngài để lại. Chúng ta cảm kích và trân quý cả hai điều này.
Bây giờ, chúng ta hãy dành một chút thời gian để quán chiếu về Tăng đoàn. Hãy biết ơn những gì Tăng đoàn đã làm kể từ khi có sự xuất hiện của lời dạy của Đức Phật (Sasana). Vì Giáo Pháp chỉ thực sự bắi đầu khi có một ai đó học từ Đức Phật. Trước đó không có Giáo Pháp, chỉ có Đức Phật mà thôi, và sau đó Đức Phật dạy Giáo Pháp cho năm nhà tu khổ hạnh, những người này học Giáo Pháp từ Đức Phật, và từ đó lời dạy của Đức Thế Tôn mới bắt đầu xuất hiện.
Nhờ vào sự học tập của chư Tăng - bởi vì họ học từ Đức Phật - lời dạy của Đức Phật mới xuất hiện. Nếu không có ai học với Đức Phật, sẽ không có lời dạy của Đức Phật. Họ ngay cả cũng không hề biết có một vị Phật đã xuất hiện trên thế gian này. Vì vậy, nhờ Tăng đoàn mà chúng ta biết được Đức Phật và Giáo Pháp, và trong hơn 2.500 năm qua, Tăng đoàn đã trao truyền lại cho chúng ta Giáo Pháp của Ngài. Trao truyền lại cho những thế hệ sau: Học, thực hành và sống với tấm gương tốt đẹp của chính những vị Thầy và Giáo Pháp. Nếu không có sự dạy dỗ và sự học tập , lời dạy của Đức Thế Tôn sẽ biến mất. Tăng đoàn dạy Giáo Pháp và cư sĩ học Giáo Pháp từ Tăng đoàn, và một số cư sĩ trở thành thành viên của Tăng đoàn. Đó chính là sự truyền trao Giáo Pháp.
Một khi các bạn thực hành Giáo Pháp, các bạn cũng là thành viên của Tăng đoàn. Nếu các bạn hiểu Giáo Pháp,các bạn cũng là thành viên của Tăng đoàn. Vì vậy, chúng ta là một phần của Tăng đoàn và hãy nghĩ xem chúng ta biết ơn Tăng đoàn biết mấy vì họ đã mang vác gánh nặng này, cái trọng trách lớn lao này (truyền trao Giáo Pháp), với niềm vui, để chúng ta có được những lợi lạc trong ngày hôm nay.
Bước kế tiếp là chúng ta hãy nghĩ về các vị Thầy, những cư sĩ và những quyển sách về Giáo Pháp mà chúng ta đã đọc và tất cả những bài Pháp thoại mà chúng ta đã được nghe. Chúng ta đã học những điều này từ một ai đó hoặc từ nhiều người. Nếu chúng ta không nghe Pháp, chúng ta sẽ không có một khái niệm nào - ngay cả khái niệm nhỏ nhất - về Pháp là gì. Và như vậy chúng ta không thể thực hành được.
Vì vậy chúng ta hãy suy niệm về vô lượng những vị Thầy đã viết những quyển sách cho chúng ta đọc và đã thuyết Pháp cho chúng ta nghe. Một số người đến được với Giáo Pháp là nhờ đọc một bài viết, một quyển sách, đôi khi chỉ nhờ nghe một câu kệ, chỉ vậy thôi mà đã thay đổi tâm trí của họ, thay đổi cuộc đời của họ. Vì vậy, ngay cả khi các bạn chỉ nghe một ai đó nói một từ, một từ có ý nghĩa hay một câu có ý nghĩa, bạn học nó và nó làm thay đổi cuộc đời của các bạn, các bạn phải biết ơn người đó.
Khi nghĩ đến tất cả những người này, chúng ta hãy biết ơn họ. Lòng biết ơn tự nó tạo nên một trú xứ tốt đẹp cho những người biết ơn, vì vậy, chúng ta hãy thực hành Giáo Pháp với lòng tri ân: Chúng ta học Pháp bảo, thực hành Pháp bảo và trao truyền Pháp bảo cho thế hệ mai sau.
Giờ thì chúng ta hãy nghĩ tiếp đến những người khác mà chúng ta mang ơn họ: Gia đình chúng ta. Hãy nghĩ đến gia đình chúng ta. Những người thân của chúng ta đã ủng hộ chúng ta đến đây và tu tập. Họ cho phép chúng ta tu. Họ có thể đã không cho phép chúng ta vì một số lý do nào đó, hoặc có thể họ đang phải tu tập tại gia, trong khi chúng ta lại có được cơ hội đến đây tu tập nhờ vào sự hỗ trợ của họ, và điều này thật tuyệt!
Vì vậy, các bạn hãy nghĩ đến cha mẹ, vợ chồng, con cái của các bạn. Và bây giờ hãy nghĩ đến những người mà các bạn cùng làm việc với họ, bởi vì hầu hết các bạn đều có công ăn việc làm. Nghĩ đến đồng nghiệp và những người có thâm niên cao hơn- xếp của các bạn chẳng hạn. Một số các bạn được nghỉ việc hai tuần để đến đây, các bạn có được thời gian này là nhờ đồng nghiệp của các bạn đã cho phép các bạn đến đây. Đôi lúc chúng ta thường cho cơ hội này như là một điều mặc nhiên: “ Ồ, đây là quyền lợi của tôi! Và bổn phận của họ phải làm như vậy.”
Khi chúng ta cho một điều gì đó là một sự mặc nhiên thì chúng ta sẽ quên đi lòng biết ơn. Vì vậy đừng cho bất cứ điều gì là mặc nhiên.
Hãy nhận đón mọi thứ như nhận một món quà, một món quà quý giá.
Một số các bạn là giáo viên, vì vậy các bạn đã bỏ các học sinh của mình để đến đây và chúng có thể đang nhớ các bạn. Hãy nhớ ơn chúng! Một số các bạn là bác sĩ và các bạn cũng bỏ các bệnh nhân của mình để đến đây. Hãy nghĩ đến họ với lòng biết ơn! Và tất cả chúng ta đang có mặt ở đây, điều không thể xảy ra là tất cả chúng ta đều sống một mình, đến đây và tu tập trong 16 ngày; nhưng điều có thể xảy ra là tất cả chúng ta đều được sự đồng ý, cho phép đến đây để tham dự khoá tu và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như hỗ trợ cho những người quản lý trung tâm thiền.
Xin cảm ơn tất cả các bạn.
Và đừng quên cảm ơn tiếng hót của những con chim. Bắt đầu từ sáng sớm, tôi đã nghe tiếng chim hót. Nó làm cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Hãy lắng nghe! Chúng đang ríu rít gì đấy? Vì vậy chúng ta cũng phải biết ơn những con chim vì chúng đã thể hiện sự hân hoan, niềm vui, sự yêu đời qua tiếng hót của chúng. Chúng thật yêu đời làm sao! Chúng ta cũng phải biết ơn bà mẹ Thiên nhiên về tất cả: Cây cối, núi non, bầu trời, thế giới mà chúng ta đang sống trong đó. Đừng cho bất cứ điều gì là sự mặc nhiên! Mọi thứ đều là một món quà.
Bây giờ hãy nghĩ về chính mình: Chúng ta mạnh khoẻ và đó là lý do tại sao chúng ta có thể đến đây để tu tập. Chúng ta có đôi mắt sáng để nhìn mọi vật tỏ tường, có đôi tai tốt để nghe Pháp. Chúng ta có đôi tay và đôi chân lành lặn vì vậy chúng ta có thể tự chăm sóc lấy bản thân mình. Thật tuyệt vời làm sao vì chúng ta còn mạnh khoẻ. Chúng ta có thể nói lời cảm ơn, nhưng chúng ta chẳng bao giờ tự nói lời cảm ơn với chính mình! Chúng ta coi đó là một điều mặc nhiên luôn. Chúng ta quên chính chúng ta. Chúng ta quên tự cám ơn mình.
Nhiều lần tôi nói với mọi người rằng chúng ta không có quyền tự làm hại chúng ta. Chúng ta biết chúng ta không có quyền làm hại kẻ khác, và chúng ta cũng phải biết chúng ta không có quyền làm hại chính mình. Nơi đây chúng ta đang làm những điều tốt đẹp nhất cho chính mình. Ở đây, hành thiền là việc tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể tự làm cho chính mình. Chúng ta yêu chính chúng ta.
Bất cứ khi nào các bạn nhớ đến việc quán chiếu về lòng biết ơn, hãy nghĩ đến những người mà bạn thấy mình biết ơn họ. Và hằng ngày, luôn nhớ thực hiện điều này mỗi sáng sớm khi thức dậy: Hãy nghĩ đến việc biết ơn những gì mà các bạn đang có.
Sayadaw U Jotika
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét