Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Tản Mạn Chuyện Võ Lâm "Tâm sự Nghi Lâm - Giọt lệ giữa trang kinh"

Thật là cảm thấy bâng khuâng và ngại ngùng bao xiết khi cầm bút bàn đến Nghi Lâm, mặc dầu đã có lần nhắc đến cô tiểu ni xinh đẹp này trong một bài bàn đến tình yêu trong tác phẩm Kim Dung.
Viết về Tiêu Phong hay viết về Tạ Tốn, dẫu thấy đắng cay nhưng cũng không khó. Cuộc đời của các nhân vật anh hùng đó, dẫu là những bi kịch đẫm máu và nước mắt, nhưng ta vẫn còn chịu đựng được và thấy chưa hẳn là quá xa lạ với con người.Ta không anh hùng như họ, nhưng ta vẫn có thể theo họ lặn sâu vào tận đáy của cuộc đời, để cùng nắm tay nhau, tìm chút hơi ấm cảm thông, an ủi trong tấn tuồng bi thảm của nhân sinh cũng như cái thê thiết của kiếp người. Nhưng bàn đến Nghi Lâm, ta thấy như có chút gì e ngại. Ngòi bút ta như sắp chạm đến một cái gì tột cùng cao khiết, ta sợ nó sẽ làm vỡ mảnh linh hồn quá đỗi mong manh.
Mà dường như Kim Dung cũng dành cho cô tiểu ni này rất nhiều ưu ái. Với một chút lòng thiên ái, dám khẳng định rằng không có nhân vật nữ nào của Kim Dung lại được độc giả dành cho nhiều cảm tình như Nghi Lâm. Kể cả hai nhân vật đáng yêu và gây được nhiều ấn tượng khác, là A Châu và Vương Ngữ Yên.
Những đoạn văn bàn đến cô, hay để người khác nghĩ đến cô, đều long lánh như pha lê, tỏa ngời ánh sáng của tình thương yêu thanh khiết. Tâm hồn cô như một viên ngọc toàn bích, không tì vết. Mà oái oăm thay, cô tiểu ni rực rỡ như thiên thần đó lại là kết quả của một mối tình quái gỡ của một gã đồ tể thô lỗ và một ni cô dở hơi!
Tấm lòng Nghi Lâm sáng ngời như thánh nữ, và ta hiểu vì sao Kim Dung lại cố tình hư cấu nên cái xuất thân gần như hạ tiện và kì quặc của cô. Có lẽ Kim Dung cũng sợ cái luật “Tạo hóa đố toàn”, nên ông cố đem bụi bặm trần gian phủ lên viên ngọc đó, để tự trấn an lấy chính mình.
Nếu để cô tiểu ni đó xuất thân từ một dòng dõi quí phái thanh cao, hoặc từ một nguồn gốc vương quyền, thì có thể ông e ngại cô không còn thuộc về cõi trần tục nữa, mà hình ảnh cô sẽ trở nên bềnh bồng hư ảo, quá xa lạ với con người. Ông đã để cô xuất gia ngay từ tấm bé, vì tâm hồn đôn hậu đó hướng về cõi Đạo Thiện Chân là hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với thiên tính của cô. Nhưng rồi dường như ông lại lo sợ cửa Không mầu nhiệm sẽ dành mất cô tiểu ni thánh thiện đó ra khỏi chốn bụi hồng, nên ông cố tình sắp đặt bố cục câu truyện, để cô phải vướng lụy trần gian.
Có lẽ ông muốn cô vẫn mang hình ảnh gần gũi của một con người. Bởi vì cái vưu vật của Tạo hóa đó, với dung nhan diễm kiều và tâm hồn thuần nhiên thanh khiết ngần ấy, nếu không nhuốm bụi trần thì nó chỉ có thể là chân dung của Bồ Tát Quan Âm! Nó sẽ theo mây trắng trôi qua vùng Nam Hải mà đi mất. Âu đó cũng là một cách điều hòa trong sáng tạo.
Nhiều người cho rằng truyện tiểu thuyết võ hiệp, rốt cuộc cũng chỉ là những sáng tạo hoang đường không mang tính hiện thực. Họ quên rằng các truyện thần thoại Đông Tây, với các sáng tạo hoàn toàn hư đản, lại hiện thực và gần gũi tâm hồn con người, hơn rất nhiều so với các tác phẩm văn học hiện thực thô thiển.
Tiếng nói tâm tình của nhân gian có rất nhiều con đường tiếp cận và biểu hiện. Văn học đâu phải chỉ mô tả những gì có thực trong đời mới có thể xem là giá trị về mặt nhân sinh. Câu nói “Bất dĩ từ hại ý” (đừng để ngôn từ làm hại ý tưởng) của Mạnh Tử vẫn đồng vọng như một lời nhắc nhở, trong suốt mấy ngàn năm văn học phương Đông.
Lần đầu tiên xuất hiện trong tòa sảnh của Lưu Chính Phong, sự hồn nhiên ngây thơ của Nghi Lâm đã khiến quần hùng thay đổi cái nhìn về gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Và độc giả cũng linh cảm được rằng cô đã bắt đầu vướng vào nỗi khổ lụy của tình yêu, với gã “Lệnh Hồ đại ca” đó.

Con chim sơn ca hồn nhiên của phái Hằng Sơn đã bất ngờ bị trúng mũi tên của vị thần tình yêu Cupide. Mũi tên đã xuyên qua tim vị tiểu ni, nhưng lại quá đỗi lặng lẽ vô thanh, nên cô chẳng hề hay biết. Đến khi hay được thì cô đã sầu thương héo hắt đến tiều tuỵ cả dung nhan!

***

Kim Dung đã tỏ ra nhân đạo và sâu sắc biết bao, khi để cho cô vắng mặt trong lúc thảm cảnh xảy ra trong Lưu phủ: các cao thủ Tung sơn tàn sát toàn gia Lưu Chính Phong để nhằm thực hiện cho được tham vọng cuồng điên của Tả Lãnh Thiền. Nếu như tâm hồn cô xa lìa hẳn nhân thế, như các bậc cao nhân thế ngoại, thì thảm cảnh đó có thể là điều kiện trợ duyên để giúp cô thể hội thêm được tấn tuồng hư huyễn của nhân gian.
Nhưng có lẽ trong thâm tâm, Kim Dung muốn cô vẫn còn thuộc về cõi hồng trần, muốn cô không chỉ là khán giả mà còn là diễn viên trên sân khấu cuộc đời, nên ông đã cố tình che bớt đi những hình ảnh thê thảm khỏi đôi mắt của cô. Kim Dung không nỡ nhẫn tâm, và chúng ta phải cám ơn Kim Dung nhiều lắm, vì hiểu rằng trái tim nhân hậu và cực kì thanh khiết đó sẽ tổn thương biết mấy, một khi đối diện và nhận chân ra được những âm mưu thâm hiểm cùng những tấn bi kịch khủng khiếp của trần gian.
Kim Dung đã tạo nên một tình huống dỡ khóc dỡ cười, khi để cô tiểu ni đó phải chui vào trong chăn của một gã lãng tử, trong một kĩ viện thành Hành Sơn. Rồi vì Lệnh Hồ Xung, cô chấp nhận phải phạm giới: đi ăn trộm dưa giữa đồng vắng. Một việc làm thuờng có thể xảy ra đối với bất kì ai, nhưng với cô là chuyện tày trời. Lúc hái dưa, cô đã âm thầm khấn nguyện với Bồ Tát để tự minh oan cho hành động của mình, khiến ta vừa buồn cười vừa cảm mến cô biết bao nhiêu.
Cho dẫu có theo các đồng môn xuôi ngược giang hồ, dấn mình vào chốn thị phi đi nữa, thì trái tim nhân hậu của cô, như tâm hồn vị thánh Francis, vẫn mãi toả ngời ánh sáng, để làm cho hình ảnh cuộc đời bớt đi vẻ thê lương. Giữa cảnh kiếm đao đẫm máu chốn giang hồ, tiếng tụng kinh và niệm Bồ Tát của cô, như giọt nước cành dương, xoa dịu phần nào nỗi đau của nhân thế.
Khi cùng đồng môn theo Lệnh Hồ Xung nỗi trôi giữa giang hồ vì tai nạn của bản phái, thì những ánh mắt quan hoài thầm kín của cô dành cho gã lãng tử đó vô cùng đằm thắm và chan chứa biết bao sự thương yêu của một mối tình câm lặng. Như một hành giả Du già toạ thiền, quên đi ngoai cảnh mà chỉ chú tâm quán tưởng một đối tương duy nhất, thì tiểu sư thái Nghi Lâm dường như suốt đời chỉ “quán tưởng” mỗi một hình ảnh của Lệnh Hồ Xung!
Độc giả thông cảm xiết bao khi biết cô từng đêm vẫn âm thầm tâm sự cùng bà già, mà cô ngỡ là câm điếc, trên núi Hằng Sơn. Đó lại chính là mẹ ruột của cô. Nỗi lòng u hoài đó ắt hẵn cô không dám ngõ cùng Bồ Tát, nhưng cũng không thể chôn dấu mãi trong lòng. Một trong những bi kịch của con người là khi nằm xuống vẫn chưa thể nói được điều mơ ước trong tim, với người mà ta thầm yêu dấu.
Khi còn sống, triết gia F.Nietzsche đã yêu say đắm Lizt Cosima, vợ của nhạc sĩ Wagner, trong câm nín và tuyệt vọng đớn đau. Để rồi sau này Cosima mãi mãi là nàng Ariane thần thoại trong những giấc mơ của Nietzsche. Nhưng trước khi rơi vào tình trạng điên loạn, Nietzsche vẫn còn được hạnh phúc khi kịp nói những lời tha thiết “Ariane, je t”aime” với người thiếu phụ đó.
Kim Dung cũng thâm cảm được rằng “Nhưng cũng lạ mối tình đau khổ ấy. Để riêng tây như có chỗ không đành” (Xuân Diệu ), nên ông phải sáng tạo thêm một bà già câm điếc để cô tâm sự. Rồi ông lại bố trí cho cô được hồn nhiên tâm sự với bà già giả là Lệnh Hồ Xung hoá trang. Như một chút an ủi khi cô sắp phải chia tay vĩnh viễn với gã “Lệnh Hồ đại ca” giảo quyệt mồm năm miệng mười mà cô ngày đêm tưởng nhớ.
Nhân vật Nghi Lâm khiến ta liên tưởng đến hai nhận vật khác là Tất Đạt của Herman Hesse trong “Câu chuyện dòng sông” và Aleixei Karamazov của Dostoievski trong “Anh em nhà Karamazov”.
Dostoievsky không muốn một con người thuần nhiên huớng thiện như Aleixei vào tu viện quá sớm, dù anh ta khát khao muốn tìm đến với Chúa, mà ông muốn anh ta phải trải qua “trường đời” trước đã. Cũng như Hesse phải để Tất Đạt lăn lộn với bụi trần, xẻ chia bao nỗi nhục vinh, rồi mới có thể dứt bỏ tất cả, để lắng nghe ra được tiếng nói minh triết của dòng sông.
Chưa nhập thế mà đã xuất thế, chưa đi trọn con đường ô trọc của cuộc đời mà đã vội từ bỏ nó để đem mình vào cõi đạo, thì sự từ bỏ đó không thể nào là sự từ bỏ chân chính được. Nên trong cõi thanh tu ấy, Nghi Lâm ắt hẵn phải bao lần đem tâm hồn mình ra làm bãi chiến trường tranh chấp giữa hai tiếng gọi của Đạo và Đời. Cõi Đạo thì thanh tĩnh nhiệm màu, nhưng cõi Đời dẫu đắng cay, vẫn đằm thắm quyến rũ với bao hương sắc của tình yêu.
Trong suốt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, đã bao lần Nghi Lâm nhỏ lệ, mà chủ yếu chỉ vì Lệnh Hồ Xung. Sau này, khi cô tiếp chức chưởng môn phái Hằng Sơn, ta vẫn hiểu rằng vị tân chưởng môn đó sẽ rất nhiều phen phải tiếp tục khóc thầm. Vì chắc chắn cô chưa thể quên hẵn vị “Chưởng môn sư huynh” đang sống hạnh phúc và tiêu dao giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh, dù đó là điều mà cô nhiều phen thành tâm cầu nguyện cùng Bồ Tát. Ta tin rằng các Bồ Tát trên cao cũng sẽ chứng giám cho tấm lòng thành của cô, và sẽ nhìn vị đệ tử đang vướng luỵ trong cõi “Hồn bướm mơ tiên” kia bằng những tiếng thở dài thông cảm. Mỗi lần đọc đến những đoạn Nghi Lâm với đôi mắt long lanh lệ nhỏ, tôi thường nghĩ đến hai câu thơ của Bùi Giáng:

Anh quì xuống, hai tay bệ vệ
Để xin nâng một gịot lệ êm đềm.

Trong tất cả những sáng tạo của Kim Dung, nếu có gì xứng đáng được với hai câu thơ “bệ vệ” trên, thì đó chỉ có thể là những giọt lệ của Nghi Lâm, trong đêm vắng, âm thầm rơi trên những trang kinh!

(Tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Bài trích đăng của Hansy. Trương Thoại Hồng sưu tầm từ nguồn vnthihuu.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét