Albert Camus (1913-1960) sinh tại Algéri, mẹ là người Tây Ban Nha, cha là người Alsace (trước kia thuộc Đức). Sau khi cha bị giết trong thế chiến thứ I, gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm. Camus phải vừa đi làm, vừa đi học và tốt nghiệp Đại học Alger 1936 về ngành triết.
Thuở còn đi học, có một dạo ông là đảng viên Cộng sản 1935-1938, ông làm bầu một gánh hát tại thủ đô Alger. Nghiệp văn của Camus khởi đầu bằng 2 tác phẩm khảo luận: l’Envers et l’Endroit (Lá Mặt, Lá Trái 1937) và Noces (Hôn lễ 1938). Năm 1939, ông xoay ra viết báo. Khi chiến tranh bùng nổ, ông được miễn quân dịch vì bệnh phổi. Năm 1942, ông xuất bản 2 cuốn l’Entranger và Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe).
Khi nước Pháp bị chiếm đóng, ông trở về Âu Châu tham dự phong trào kháng chiến dùng ngòi bút làm khí giới, viết cho tờ báo bí mật Combat.
Quan niệm của ông về cuộc đời trong cuốn l’Entranger khiến người ta xếp chung ông với Y. P. Satre, André Cide và những nhà văn theo thuyết hiện sinh khác. Tuy nhiên cuốn La Peste (Dịch hạch 1947) cho thấy ông dang tiến tới chỗ vững tin hơn. Niềm tin này không thể gọi là “Tín ngưỡng” nhưng có thể định danh là sự “trỗi dậy của lòng can đảm” tiềm tàng trong nhân loại để chống lại vũ trụ vô nghĩa. Năm 1957, Camus được trao giải thưởng Nobel về văn chương và ngày 4/1/1960 ông chết vì tai nạn xe hơi khi mới có 46 tuổi.
KẺ XA LẠ (L’ETRANGER)
Vai chính trong l’Etranger là Mersault, một thanh niên sống tại Alger. Cha mất, mẹ sống với gia đình người giúp việc cũ. Vì 2 mẹ con không có gì để nói với nhau, chàng ít khi đến thăm mẹ. Chàng giữ một chân thư ký hạng bét nhưng chẳng mấy hăng hái trong việc tiến xa hơn nữa. Thật ra chàng đã từ chối thăng chức vì nhiệm vụ mới đòi hỏi chàng phải đi Paris. Chàng sống một mình, chơi với 3 người bạn ăn nhậu và cuối tuần đi viếng cô nhân tình để giải trí. Chàng chẳng yêu cô nhưng cô lại thích chàng. Khi mẹ qua đời, chàng xin nghỉ ở sở để đi đưa đám nhưng chẳng cảm thấy chút gì đau đớn, chỉ dự tang lễ một cách chiếu lệ. Trong khi đó, chàng để ý thấy một người khác tỏ ra bi lụy trước linh cữu mẹ chàng. Y tên là Peres, một người cùng ở trọ với bà cụ. Tang lễ chấm dứt, Mersault trở lại Alger và hưởng mấy ngày cuối tuần với cô nhân tình Maria.
Trong số những người hàng xóm cùng ở dãy nhà trọ tồi tàn với chàng, có một gã tên Raymond Sintès mà chàng nghi là ma cô. Khi hắn lân la đến làm quen, chàng không phản đối. Thật ra gã cần chàng giúp. Gã vừa cãi nhau với tình nhân và rêu rao nàng đã phản bội nhưng người biết chuyện đều ngờ rằng gã đã ép nàng làm điếm. Dù sao, gã cũng muốn cho nàng một bài học. Gã tìm đến Mersault là để nhờ viết dùm bức thư lừa nàng trở về, và khi đó gã sẽ ra tay. Chàng nhận lời vì theo chàng giải thích, không có lý do gì để từ chối.
Cuối tuần lễ kế tiếp, trong phòng Raymond vọng ra tiếng cãi vã dữ dội. Gã thẳng tay đánh đập tình nhân, một cô gái Arập. Cảnh sát đến mở cuộc điều tra, Raymond bị thẩm vấn, gã nhờ Mersault làm chứng, chàng bằng lòng và khai rằng gã đã hành động vì nổi giận. Trong khi đó, người anh của cô gái Arập quyết trả thù cho em.
Một tuần lễ sau, Raymond mời Mersault và Maria đi bãi biển chơi. Raymond biết có 2 tên Arập đang theo dõi, gã định ra tay trước và một cuộc loạn đả xảy ra. Mersault và Raymond đánh đuổi được 2 tên Arập nhưng Raymond bị lãnh một dao khá nặng. Một lát sau, 2 tên Arập lại xuất hiện. Raymond đề nghị bắn bỏ hay ít ra cũng khiêu khích để chúng ra tay và gã có dịp dùng đến súng nhưng Mersault không chịu. Chàng khuyên gã nên trao súng cho chàng. Raymond nghe lời và 2 tên Arập bỏ chạy.
Tưởng đã xong chuyện, Mersault một mình thả bước trên bãi biển. Chàng đang tìm một bóng mát để nghỉ thì chợt trông thấy 1 trong 2 tên Arập. Chàng tiến về phía y không phải để tấn công mà để tránh nắng nhưng y tưởng lầm và rút dao ra thủ thế. Con dao sáng loáng làm chóa mắt chàng khiến chàng nổi giận. Chàng móc súng bắn 1 phát, ngừng lại giây lát, rồi không hiểu sao bồi thêm 4 phát nữa vào cái xác không hồn.
Mersault bị bắt và 1 trạng sư được chỉ định biện hộ cho chàng. Nhưng cả vị Dự thẩm lẫn Trạng sư đều sửng sốt trước vẻ lãnh đạm, thiếu ăn năn và thờ ơ trước số phận của chính chàng. Vị Dự thẩm kêu gọi chàng hãy sám hối như 1 con chiên của Chúa. Trạng sư của chàng cũng khuyên chàng nói càng ít càng tốt để khỏi làm phật lòng các vị bồi thẩm.
Khi ra trước Tòa, người ta đã nhắc lại sự thản nhiên của chàng khi đưa đám mẹ và cho đây là dấu hiệu của tội vô luân hung bạo. Chàng bị Tòa tuyên án tử hình.
Trong khi chờ ngày lên máy chém, chàng được gặp 1 vị giáo sĩ. Ông này tìm đến chàng để thuyết giảng nhưng chàng vốn làkẻ vô tôn giáo, từ chối mọi hình thức an ủi và sám hối. Có một lúc chàng gào lên mọi người đều phải chất, mọi cuộc sống đều vô nghĩa như nhau, và ai ai cũng có tài hoặc vô tài ngang nhau. Vậy thì chàng chết cách này hay cách khác, chàng giết người này hay người khác, cũng thế thôi.
Câu trả lời của chàng với vị Giáo sĩ giúp chàng cảm thấy nhẹ nhõm và ngủ thiếp đi. Khi chàng tỉnh dậy, trời đã về đêm và cuối cùng, chàng tìm thấy sự thanh thản của tâm hồn.
Tóm tắt
L’Etranger là câu chuyện của 1 chàng tên là Mersault không tìm ra cái gì xứng đáng để mà sống. Vì vậy chàng sống không ham muốn, không hào hứng, chỉ nghe theo sự đòi hỏi của thể xác.
Vì đời sống đã là vô nghĩa rồi thì chẳng có cái gì còn giá trị. Kẻ đạo đức cũng như kẻ lưu manh, người hiền cũng như kẻ dữ, nói tóm lại ai cũng như ai, không ai hơn ai, không ai đáng khen mà cũng không ai đáng chê.
DỊCH HẠCH (LA PESTE)- 1947
Tả thành phố Oran bị dịch chuột. Các bác sĩ, trước sự bành trướng mau lẹ của bệnh, đành bó tay.
Nhà cầm quyền tại Oran đành phải hy sinh thành phố, nghĩa là cắt đứt mọi liên lạc của thành phố với bên ngoài. Trong cảnh tuyệt vọng ấy, đời sống vẫn tiếp tục nhưng một cách liều lĩnh:
- Kẻ sợ bệnh dịch sống trong hãi hùng.
- Kẻ khác, vì tuyệt vọng, tìm những thú vui để quên nỗi lo âu.
- Những kẻ khác thản nhiên lợi dụng cảnh khốn đốn chung để làm giàu.
- Một số người can đảm hơn, không tuyệt vọng, với những phương tiện ít ỏi, tìm cách chống lại sự hoành hành của bệnh.
Bệnh lần lần đẩy lui. Trong khi đó, dân chúng reo mừng. Bệnh dịch đây là bệnh dịch trong tâm hồn của loài người: dịch láo, dịch kiêu ngạo, dịch ghen ghét mà trong chúng ta không ai là không có, mà chúng chỉ trông có cơ hội để xuất hiện.
Tác phẩm được xem là hay nhất của tiên sinh và đã liệt tiên sinh vào bậc Thầy cho những thế hệ sau 1947. Cuốn La Peste rất được hoan nghênh.
NGỘ NHẬN (LE MALENTENDU)-1944
Là một bi kịch. Hai mẹ con cô Martha, chủ một lữ quán ở một miền quê xa vắng. Một hôm có một hành khách sang trọng ghé lại đó. Hai mẹ con cho ông này uống 1 chất thuốc ngủ, lấy hết của rồi liệng ông xuống sông. Sau đó một thời gian ngắn, Yan,con bà chủ quán, về gõ cửa. Vì mẹ con xa cách đã lâu, trên 20 năm nên mẹ không nhận lại được mặt con. Và cũng vì một lý do riêng, Yan chưa tiện nói thật tên tuổi mình cho mẹ nghe. Thế rồi Yan cũng bị một liều thuốc ngủ, rồi xác cũng rớt xuống sông như bao nhiêu người trước y.
Ngộ nhận, hiểu lầm đây là chỗ mà người đi đường sau những hành trình mệt mỏi, đói lả, tưởng đến đó mà nghỉ cho khỏe, ăn uống cho lại sức thì lại là cái chỗ chết.
Mẹ giết con mà tưởng là giết khách hàng. Cái lữ quán sát nhân kia là cái thế giới vô nghĩa hiện chúng ta đang sống. Chúng ta cũng chỉ là những hành khách xa lạ ghé lại đây rồi chết.
Kết luận
Chính Camus nhìn nhận rằng tiên sinh chịu ảnh hưởng của André Gide, của các tiểu thuyết gia Nga, nhất là Tolstoi và Dostoievsky, của Jean Grenier (thầy cũ). Tất cả những ảnh hưởng này đã hun đúc cho tiên sinh một Triết học gọi là Triết học của Vô Nghĩa (Philosophie de l’Absurde). Tiên sinh tìm cách chứng minh sự vô nghĩa của con người, vì loài người lệ thuộc vào sự chết nên phải chiến đấu với vũ trụ mà vũ trụ thì không chết, không bị tiêu diệt, vĩnh cửu.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét