Mùa Xuân - ngày tết, trong mọi gia đình, dầu nghèo hay giàu, nhà nào cũng đều có hoa. Hoa không thể thiếu trong mọi nhà như một phong tục thiêng liêng của những ngày đầu năm mới... Mùa Xuân vắng hoa như ngày vắng ánh mặt trời. Ngày tết không hoa, như trăng thanh không có gió mát. Có một nhà văn đã nói: nơi nào có nhiều hoa, nơi ấy sẽ có cuộc sống dễ chịu. Hoa đã đi vào đời sống tinh thần của mọi người và được yêu quý trân trọng.
Suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp, đức Phật đã giảng nói rất nhiều pháp ngữ. Chúng ta cũng đã biết, hết thảy Phật pháp đều cùng bắt nguồn từ thân giáo, ngữ giáo của đức Thế Tôn. Và vạn pháp đều là Phật pháp. Hoa cũng là Phật pháp. Qua các loài hoa, hình tượng hoa, gần gũi trong cuộc sống, đức Phật đã vì đó mà nói pháp - tùy duyên làm phương tiện giảng dạy, cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh ; tiến đến bờ An Lạc. Trong 26 phẩm của kinh Pháp Cú, phẩm Hoa (Puphavaggo - Ngài Ngô Chí Khiêm còn dịch là Vương Hoa) đức Phật đã từ hoa mà có những lời dạy giản dị nhưng rất thâm thúy ; khai sáng cho mọi người giác ngộ lẽ thật, ý thức được con đường giải thoát đang tiến bước... Khởi từ một kinh nghiệm thông thường nhất của người chơi hoa, chọn hoa, là một loại hoa được gọi là "đẹp" - có giá trị toàn vẹn, phải là loại hoa có cả hương và sắc. Hoa chỉ có sắc - dù là đủ màu sặc sỡ, mà chẳng có chút mùi hương thì giá trị của nó cũng sẽ chẳng có gì - đức Phật đã dạy:
"Như hoa tươi đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm, những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành chẳng đem lại lợi ích" (PC 51).
Lý thuyết luôn luôn dễ, thực hành mới khó. Từ lời nói đến việc làm, là một khoảng cách khá xa, đòi hỏi rất nhiều thành tâm, thiện chí mới có thể áp dụng được. Trong cuộc sống, ngoài xã hội, có biết bao nhiêu người đã từng nói nhiều lời hay, ý đẹp, nhưng rút lại, thực tế đã làm được bao nhiêu phần trăm? Thậm chí có lúc đã đi ngược lại những lời đã nói. Ðó là một sự dối trá không thể tha thứ , gây nhiều tội lỗi. Dùng lời lẽ tốt đẹp để làm tấm bình phong che đậy tà tâm, "tuy có biệt tài lưu loát, tướng mạo đoan trang, cũng chẳng phải là người lương thiện" (PC - 262). Ngược lại , hoa có đủ màu sắc và hương thơm luôn là loài hoa được mọi người tôn quý: "Như thứ hoa tươi đẹp vừa có màu sắc lại có hương thơm, những người nói điều lành và làm được điều lành sẽ đem lại kết quả tốt" (PC - 52). Ví con người như loài hoa - màu sắc và hương thơm, cái bề ngoài và bên trong, thân và tâm, vọng và chơn. Ðức Phật đã khẳng định với tất cả: "Chỉ có hương đức hạnh của người chân chính tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương" (PC - 54). Và cao hơn nữa :"Hương Chiên đàn, hương Ða già la đều là thứ hương vi diệu nhưng không bằng thứ hương đức hạnh xông ngát tận chư Thiên" (PC - 56).
Con người được đức Phật ví không phải là một cánh hoa, mà là một "đống hoa"- từ đống hoa ngạt ngào hương sắc ấy, chúng ta có thể "kết thành nhiều tràng hoa" hiến dâng cho đời, cúng dường chư Phật. Cúng dường chư Phật bằng hương đức hạnh của chính mình, mới thật sự là cúng dường chân chính, cao cả, bởi vì: "... Trong tất cả các thứ hương chỉ thứ hương đức hạnh là hơn cả!" (PC - 55) - đức Phật đã dạy rõ: "như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa, như vậy, từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện" (PC - 53).
Ngày tết, trên bàn thờ Phật - Tổ, bàn thờ tổ tiên, phòng khách, trước sân... nơi nào cũng được chưng bày hoa. Hoa đã đem lại niềm vui; hoa đã an ủi, xoa dịu nỗi buồn; hoa cũng đã nuôi nấng lòng hy vọng cho mọi người trong những ngày đầu năm mới. Chúng ta nhìn hoa, ngắm hoa - cũng tưởng nhớ đến những lời đức Thế Tôn đã dạy; luôn luyện làm theo lời Phật, sống An lạc cho chính mình, và đem lại nhiều nguồn an vui cho kẻ khác.
Mang Viên Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét