--"Là vô minh. Vô minh là nhân duyên làm hành nghiệp sinh khởi; hành nghiệp là nhân duyên làm sinh khởi thức tái sinh (*); thức làm sinh khởi danh sắc; danh sắc làm sinh khởi lục nhập; lục nhập làm sinh khởi xúc; xúc làm sinh khởi thọ; thọ làm sinh khởi ái; ái làm sinh khởi thủ; thủ làm sinh khởi hữu; hữu làm sinh khởi sanh; sanh làm sinh khởi lão, tử, thương tiếc, ân hận, đau khổ, buồn bã và thất vọng."
(*) Chú giải của người dịch: thức tái sinh hay thức nối kết là dịch theo nguyên bản tiếng Anh từ chữ "relinking consciousness". Thực ra, hành nghiệp không chỉ là nhân duyên làm sinh khởi thức tái sinh mà cũng là nhân duyên cho những thức dị thục (resultant consciousness) trong kiếp sống sau thức tái sinh - theo lời giảng của Thiền sư U Silananda.
2.
--"Ngài nói rằng sự khởi sinh đầu tiên hết của sự vật thì khó thấy được. Xin ngài cho một ví dụ."
--"Ðức Thế Tôn có nói: 'Tại vì có sáu căn và trần mà xúc sinh khởi; tại vì có xúc mà thọ sinh khởi; tại vì có thọ mà ái sinh khởi; và tại vì có ái mà nghiệp sinh khởi. Và từ nghiệp mà lục căn lại một lần nữa sinh khởi'. Bây giờ liệu sự sinh khởi dây chuyền này có thể chấm dứt được không?"
--"Thưa không."
--"Vậy thì, thưa Nhà Vua, sự sinh khởi đầu tiên của sự vật không thể thấu hiểu được."
3.
--"Phải chăng sự sinh khởi đầu tiên của mọi vật ta không thể biết được?"
--"Một phần là vậy, phần khác thì không."
--"Vậy thì cái gì biết được và cái gì không biết được?"
--"Về bất cứ điều kiện nào đi trước kiếp này mà đối với ta như là không có từ trước, thì sự sinh khởi đầu tiên hết không thể biết được. Nhưng đối với những gì trước không có mà nay hiện hữu và vừa mới sinh khởi thì lại biến mất thì sự sinh khởi đầu tiên có thể biết được."
4.
--"Phải chăng có những pháp hữu vi được tạo tác nên?"
--"Thưa Nhà Vua, chắc chắn như vậy. Nơi nào mà có mắt và cũng có hình sắc thì có nhãn thức; nơi nào có nhãn thức thì ở đó có xúc; nơi nào có xúc thì có cảm thọ; nơi nào có cảm thọ thì có tham ái; nơi có tham ái thì có thủ; nơi có thủ thì có hữu; nơi nào có hữu thì ở đó có sanh, lão, tử, thương, tiếc, ân hận, đau khổ, buồn bã và thất vọng. Nhưng nơi nào mà không có mắt và hình sắc thì không có nhãn thức, không có xúc, không có thọ, không có tham ái, không có thủ, không có hữu; và nơi nào không có hữu thì không có sanh, lão, tử, thương tiếc, đau khổ, buồn bã hay thất vọng."
5.
--"Có chăng những pháp hữu vi mà không được tạo tác nên?"
--"Thưa Nhà Vua, chẳng có pháp hữu vi nào như vậy, bởi vì pháp hữu vi được tạo tác nên chỉ do một tiến trình của hữu."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Có phải ngôi nhà mà Bệ Hạ đang ngồi đây đã được tạo nên do một tiến trình của hữu?"
--"Chẳng có một thứ gì ở đây mà không có từ trước. Gỗ này là đã từ trong rừng, đất sét này là ở đất mà ra và do công sức của người xây, đàn ông và đàn bà, mà ngôi nhà này mới hiện hữu."
--"Thưa Nhà Vua, cũng giống như vậy, chẳng có pháp hữu vi nào mà không được tạo tác nên."
6.
--"Phải chăng có một kẽ chứng ngộ (vedagu)?"
--"Ðó là cái gì theo Nhà Vua?"
--"Là một căn nguyên sống động mà bên trong có thể thấy, nghe, nếm ngửi, cảm xúc và phân biệt sự vật, như là chúng ta ngồi đây, có thể nhìn ra bất cứ cửa sổ nào mà ta muốn nhìn."
--"Thưa Nhà Vua, nếu căn nguyên bên trong đó có thể thấy nghe, nếm, ngửi, và cảm xúc như Ngài nói thì thử hỏi nó có thể thấy hình sắc qua lỗ tai được không? Và, tương tự như vậy, qua các căn khác được không?"
--"Bạch Ngài không thể được."
--"Vậy thì căn nguyên đó chẳng có thể dùng bất cứ căn nào mà nó muốn như Ngài đã nói. Thưa Nhà Vua, chính là do nơi mắt và hình sắc mà nhãn thức và các nhân duyên khác sinh khởi; cũng tương tự như vậy với xúc, thọ, tưởng, tác ý, định tâm, tĩnh thức và chánh niệm. Mỗi thứ sinh khởi cùng lúc với nguyên nhân của nó và vì vậy 'kẽ chứng ngộ' không có thể được tìm thấy đâu."
7.
--"Phải chăng ý thức sinh khởi nơi nào mà nhãn thức sinh khởi?"
--"Thưa Nhà vua, đúng vậy, nơi nào có cái này thì nơi đó có cái kia.
--"Cái nào sinh khởi trước?"
--"Nhãn thức trước rồi đến ý thức."
--"Phải chăng nhãn thức ra hiệu lệnh cho ý thức hay ngược lại?"
--"Không, chẳng có truyền thông gì cả giữa hai thứ."
--"Bạch Ngài Nagasena, vậy thì tại sao ý thức lại sinh khởi nơi nào mà nhãn thức sinh khởi?"
--"Thưa Nhà Vua, tại vì có một khuynh hướng, một cơ hội, một thói quen và một sự liên hệ."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Nếu một người muốn ra khỏi thành với tường lũy kiên cố mà chỉ có một cổng thành thì người đó sẽ đi ngã nào?"
--"Ði qua cổng thành."
--"Nếu có một người khác cũng ra khỏi thành thì theo ngã nào?"
--"Cũng đi qua cổng thành."
--"Thử xem người đi trước có bảo người kia đi theo cùng ngã với mình hoặc người đi sau có nói sẽ đi cùng ngã với người trước?"
--"Bạch Ðại Ðức, hai người đó chẳng có nói chuyện với nhau."
--"Thì cũng như vậy, ý thức khởi sinh nơi nào có nhãn thức và hai thứ chẳng có truyền thông gì với nhau."
8.
--"Bạch Ngài Nagasena, phải chăng nơi nào có ý thức thì luôn luôn có xúc và thọ?"
--"Ðúng vậy, nơi nào có ý thức thì có xúc và thọ. Và cũng có tưởng, tác ý, tầm và tứ."
9.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho xúc?"
--"Sự đụng chạm."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Như khi hai con trừu đực húc sừng vào nhau; con mắt (nhãn căn) thì giống như một trong hai con trừu và vật nhìn thấy được (nhãn trần) thì giống như con trừu kia và sự húc nhau của hai con trừu chính là xúc."
10. "Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho cảm thọ?" "Thưa Nhà Vua, đó là người có kinh nghiệm cảm xúc và được thích thú." "Xin cho một ví dụ." "Như một người phục vụ cho Nhà Vua và được phong chức vụ, sau đó cảm thấy thích thú hưởng quyền lợi của chức vụ."
11.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tưởng?"
--"Ðó là nhận biết, như sự nhận biết các màu sắc, xanh vàng hay đỏ." (Chú giải của bản tiếng Anh: Sự nhận biết có ba tầm mức - tưởng sanna, thức vinnana và tuệ panna - có thể so sánh như là sự biết của một đứa bé, một người đàn ông và một chuyên viên ngân hàng khi họ trông thấy một đồng tiền vàng. Ðứa bé thì chỉ biết đó là một vật tròn và sáng chói; người đàn ông thì biết thêm là đồng tiền có giá trị; còn nhân viên ngân hàng thì biết rõ hết về đồng tiền vàng.)
--"Xin cho một ví dụ."
--"Cũng giống như là người thủ quỹ của Nhà Vua nhận biết tài sản của Nhà Vua khi nhìn vào màu sắc và hình dáng của chúng."
12.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tác ý?"
--"Ðó là được quan niệm và được chuẩn bị."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Một người sau khi sửa soạn thuốc độc và uống vào, rồi sau đó phải chịu đau đớn thì một người sau khi nghĩ đến ác nghiệp và thực hiện ác nghiệp đó, rồi về sau phải chịu đau khổ trong địa ngục."
13.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho thức?"
--"Ðó là sự biết thưa Nhà Vua."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Một người canh gác khu phố phải biết người nào đó đang đi đến và từ hướng nào; cũng như vậy, khi một người nhìn thấy một vật, nghe một âm thanh, ngửi một mùi, nếm một vị, cảm xúc một sự đụng chạm hay có một ý kiến, thì chính bằng thức mà người đó biết được."
14.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tầm?"
--"Ðó là sự nhắm vào một mục tiêu, thưa Nhà Vua."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Như một người thợ mộc nhắm để đặt một đòn mộng đã được đẽo vừa vặn vào khuôn mộng của nó, sự nhắm vào mục tiêu là đặc điểm của tầm."
15.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tứ?"
--"Là quán xét đi quán xét lại."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Cũng như gõ chuông ví là tầm, sự ngân nga của tiếng chuông ví như là tứ."
16.
--"Phải chăng ta có thể tách rời những nhân duyên trên bằng cách nói rằng: Ðây là xúc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là tác ý, đây là thức, đây là tầm và đây là tứ?"
--"Không, thưa Nhà Vua, không thể phân tách như thế được. Nếu nồi canh được nấu với bơ sữa, muối, gừng, bột gia vị và tiêu thì ta không thể tách ra mùi vị của từng món và nói đây là mùi bơ, đây là vị muối... Tuy nhiên mỗi mùi vị riêng vẫn có trong canh bằng đặc điểm của nó."
17.
Rồi Ngài Ðại Ðức nói:
--"Thưa Nhà Vua, phải chăng muối có thể nhận biết bằng con mắt?"
--"Bạch Ngài, đúng vậy."
--"Thưa Nhà Vua, xin Ngài hãy cẩn thận trong lời nói."
--"Vậy thì muối được nhận biết bằng lưỡi."
--"Vâng đúng vậy."
--"Tuy nhiên, bạch Ðại Ðức, phải chăng mọi loại muối được nhận biết bằng lưỡi?"
--"Vâng, tất cả mọi loại."
--"Thế thì tại sao muối lại được chở từng khối?"
--"Không thể chở riêng chất muối được. Thí dụ, muối cũng có trọng khối nhưng không thể cân chất muối được, chỉ cân được trọng khối của muối."
--"Ngài quả thật là tài tình trong luận lý."
Vua Milinda Vấn Ðạo
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Do Tỳ kheo Pesala soạn
Liễu Pháp dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét