Vị tha là một trong những phép tắc đạo đức cao quý nhất, mà nhân loại lúc nào cũng khen ngợi và ca tụng. Người sống vị tha là người luôn đem lợi ích cho nhiều người khác, không còn sống cho riêng mình nữa.
Vị tha là vì người khác. Tha là tha nhân, là người khác. Ngược lại với tha nhân là vị kỷ, là vì mình, nên từ đó sinh ra ích kỷ làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình do đó tham đắm si mê tạo tội ác tày trời. Chính vì vậy mà thế giới con người chúng ta luôn tìm đủ mọi cách để đấu tranh giành giật chiếm đoạt, rồi dẫn đến tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc chỉ vì không có tấm lòng vị tha.
Thay vì đầu tư phát triển nền giáo dục để giúp cho mọi người ý thức được sự khổ đau do sự chiếm hữu gây ra, thì thế gian này sẽ bớt chiến tranh loạn lạc. Con người sẽ ngồi lại bên nhau tìm ra giải pháp an toàn nhất, để giúp cho nhân loại vượt qua nỗi khổ niềm đau. Tại sao thế giới này luôn đầy ắp những đau khổ và bất hạnh, vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu? Từ sự tham muốn quá đáng của con người, trong mọi bữa ăn của ta hằng ngày, hàng triệu triệu con vật bị giết chết. Ai theo truyền thống có một thần linh ban phước giáng họa, sẽ cám ơn thượng đế. Vì loài vật được sinh ra để cúng tế thần linh và phục vụ cho con người.
Ngày xưa có một vì vua mở dạ tiệc để thiết đãi trăm quan. Mọi người đang vui say yến tiệc, thì bổng dưng cơn gió mạnh thổi tới làm đèn đuốc tắt tối thui. Có một vị quan vì không làm chủ được bản thân nên đã lợi dụng đêm tối sàm sỡ với cô cung phi ái nữ của vua. Nàng ta ức quá, đích thân tấu trình lại với nhà vua để truy tìm ra thủ phạm, thiếp đã bứt được nút áo của hắn. Nghe xong, vua liền truyền lệnh hôm nay là ngày vui chung của bá quan, để tỏ lòng trung thành với ta mỗi người hãy bứt một nút áo để trao tặng cho nhau. Mọi người y lời.
Tiệc tan, nàng cung nữ đến trách móc nhà vua. Ngài chỉ mĩm cười rồi nói:
Rượu và sắc đẹp luôn làm đấng mày râu thích thú và say sưa, con người khó ai vượt qua nỗi chỗ này. Huống hồ khi uống rượu say, gần kề bên sắc đẹp cùng với bóng tối vô minh, khó ai tránh khỏi thói quen sàm sỡ.
Sau này nhà vua bị lâm nạn, trong cơn nguy khốn mọi người đều bỏ chạy hết, chỉ có vị quan trẻ trung thành hy sinh liều mình cứu nạn. Nhà vua thoát chết, tìm hiểu ra mới biết ân nhân của mình là vị quan trẻ năm xưa bị cung nữ bứt nút áo. Xưa và nay, biết bao đời vua chúa. Vua hôn quân mê muội thì nhiều, vua minh quân sáng suốt vị tha có cũng không là bao. Vậy mà ông vua này tự xét nét trong lòng khi mà cung phi ái nữ của mình muốn vạch mặt kẻ dỡ thói trăng hoa. Ông nói, ngay như trẫm cũng khó mà tự chủ. Còn như biết được tội phạm mà không trừng trị thích đáng, thì luật pháp hết nghiêm minh. Rượu và sắc đẹp, dễ làm cho đấng mày râu say đắm, hơn nữa hôm đó là ngài vui của trẫm. Trẫm chưa vượt qua lưới ái lìa buộc ràng, chưa được vô tư như các bậc hiền thánh, nên có chút cảm thông cho người phạm tội, cho nên vì cái chung mà bỏ qua lỗi lầm riêng. Ông vua đó nhờ biết cảm thông quan quân dưới quyền, ai cũng còn thói quen đam mê nữ sắc trong khi có chút hơi men nhờ vậy làm cho buổi tiệc được vui trọn vẹn. Chính vì tấm lòng độ lượng và bao dung của nhà vua mà sau này gặp cơn nguy biến, đã được vị quan trẻ ấy cứu thoát. Sống ở đời ai cũng có tấm lòng vị tha thì thế gian sẽ là thiên đường của hạnh phúc, vì ai cũng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau làm vì có thù hận và bạo lực gia đình. Thế giới này sở dĩ có chiến tranh hoài không bao giờ thôi dứt, luôn đầy ắp những khổ đau bất hạnh là do con người chỉ biết sống cho mình, từ sự chấp ngã để rồi chiếm hữu, mà chúng ta đành lòng gieo đau thương tang tóc cho nhau. Chính vì thế vị tha là một cuộc sống có ý nghĩa và cao cả, vì lúc nào cũng thương tưởng đến nhiều người mà sẵn sàng sẻ chia cho nhau bằng tất cả tấm lòng của mình. Tâm vị tha đi ngược chủ nghĩa cá nhân, tham lam và ích kỷ, nên dần dần phá được sự chấp trước của bản thân. Do đó người có tấm lòng vị tha, sẵn sàng chia vui sớt khổ cùng với tất cả mọi người, không vì lợi ích cho riêng mình. Chúng ta có thể học hiểu để ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày về cách thức làm người sống có đạo đức, cũng chỉ mong muốn thành tựu cuộc sống vị tha. Có nhiều người suốt cả cuộc đời dấn thân đi vào xã hội, là để đóng góp và phục vụ cho nhân loại, chỉ vất vả nhọc nhằn lo cho người khác mà không cần nghĩ đến mình điều chi, người này thật sự an vui hạnh phúc. Trong các loài hoa không có loài hoa nào bằng hoa đức hạnh, vì hương thơm của nó lan tỏa khắp muôn nơi mà không bị giới hạn bởi vật cản nào, bởi nó là loại hoa quý hiếm mà ta thường gọi là hoa từ bi và hoa trí tuệ. Hai loài hoa này chúng ta phải gieo trồng và chăm sóc tỉ mỉ trong từng phút giây, thì nó mới không bị héo mòn và mai một để làm hương thơm cho đời thưởng thức. Các loài hoa khác có khi sớm nở tối tàn hoặc nhiều lắm là vài ngày, vài tháng. Còn hoa từ bi và trí tuệ một khi đã nở rồi thì nở đến ngàn sau, tuy nhiên loài hoa này rất khó nở vì nó không có hình tướng cụ thể mà xuất phát từ tấm lòng của mỗi người chúng ta. Cho nên,
Hương thơm các loài hoa
Không bay ngược chiều gió
Chỉ hương người đức hạnh
Tung bay khắp muôn nơi.
Hương thơm của người đức hạnh có thể tung bay khắp cả bầu trời, là loại hương thơm duy nhất bay ngược chiều gió, còn hương thơm các loài hoa nó chỉ giới hạn theo thời gian vì không thể bay ngược chiều gió là vậy đó. Có một ông thầy nọ sau bốn mươi năm tích lũy mới có đủ tiền để xây tượng Bồ tát Quán Thế Âm cho mọi người chiêm bái và tu tập. Ông ta đã chọn ngày lành tháng tốt để chuẩn bị động thổ lễ tôn tượng Bồ tát, thì ngay lúc đó xuất hiện một bà già vừa đi vừa khóc lóc đến chỗ thầy, vì con bà bị bệnh nan y không có tiền cứu chữa. Nó sẽ chết trong vòng một tháng, nếu bà không có tiền cứu chữa kịp thời. Bà chỉ có nó là đứa con duy nhất nuôi sống bà trong lúc tuổi già. Mất nó, bà không thể sống được. Nhưng ngặt nỗi số tiền chữa trị quá lớn, ngang với số tiền thầy đang có. Nhờ có quán chiếu và tu tập nên thầy thấy Bồ tát Quán Thế Âm đang hiển hiện thật sự trong hai mẹ con đang gặp cơn nguy biến này. Thế là sau bốn chục năm dành dụm tiền cúng dường của Phật tử gần xa, thầy vui vẻ trao hết cho bà già với tinh thần rộng mở và còn cầu nguyện cho hai mẹ con bà mau được tai qua nạn khỏi. Nhờ số tiền đó mà đứa con của bà được hồi phục trở lại và tiếp tục đi làm để nuôi bà và người con gái ấy cũng cố gắng tiết kiệm dành dụm để trả từ từ cho thầy. Đúng, ta hay nghe nói giúp một người hoạn nạn còn hơn xây mười cảnh chùa, xây chùa cũng để phục vụ cho con người. Tấm lòng rộng mở của thầy đã cứu giúp hai mẹ con bà ấy thoát khỏi cơn nguy kịch cuộc đời. Từ đó thầy lại có thêm hai Phật tử, tiếng lành đồn xa mọi người cùng nhau phát tâm, thế là tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm đã được dựng lên nhanh chóng ngoài khả năng mong ước của thầy. Ước nguyện của thầy sau bốn mươi năm đã thành tựu viên mãn để mọi người chiêm bái và tu tập, thiết thực nhất là thầy đã cứu được hai mạng sống nó còn quý hơn những gì thầy muốn làm và đang làm. Kể từ đó trở đi lễ hội Bồ tát Quán Thế Âm tại tịnh thất của thầy, lúc nào cũng đông đúc những đoàn hành hương từ nơi nơi đổ về để chiêm bái và tu học. Nhờ biết cách tu học đúng pháp quay lại chính mình hướng về nội tâm thanh tịnh sáng suốt, thầy đã trở thành con người tâm linh có tấm lòng vị tha cao cả. Chúng ta tu theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng cách lắng nghe để cứu khổ tha nhân và luôn mở rộng tấm lòng để cùng nhau chia vui sớt khổ với tinh thần vô ngã vị tha.
Trích: SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Theo Thư Viện Hoa Sen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét