Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Bí ẩn về ảo ảnh


Đàn súc vật chở hàng đang lầm lũi bước đi trên sa mạc cháy bỏng, bỗng trước mặt mọi người hiện lên cả một cái hồ lớn. Nhưng vài phút trôi qua, cái hồ ma ấy bắt đầu bị lớp sương mù màu đỏ nhạt bao phủ, mờ nhạt rồi bay vút lên trời và biến mất. Đó là ảo ảnh hồ, một thứ ảo ảnh phổ biến nhất.


Những bóng ma trong không trung


Thảo nguyên bao la trải dài vô tận. Mặt trời chói lọi đang nhô cao khỏi chân trời báo trước một ngày oi bức. Người đánh xe cho tôi cứ liếm môi hoài, thỉnh thoảng lại giục con ngựa xấu xí bước gióng một...
Ở phía trước hiện ra một mặt hồ lớn. Mặt nước hồ trải dài như một dải nước rộng dọc đường chân trời và nhận chìm cả những cột điện tín rung rinh với những cây bạch dương mọc thưa thớt trên thảo nguyên. Một con chim to vẫy cánh bay lên khỏi mặt nước và tiến lại phía chúng tôi, nó trở nên nhỏ dần trông thấy. Bỗng chẳng còn thấy hồ, chẳng còn thấy chim đâu nữa...
- Ảo ảnh mất rồi, - người đánh xe thốt lên phá vỡ cảnh im lìm. - Oi quá! - đoạn ông ta vẫy ngọn roi về phía chân trời xa xa. - Anh xem thế nào đến chiều cũng có giông.

Ảo ảnh phía chân trời

Đúng, đó chính là ảo ảnh, một trong những hiện tượng mà từ thời xa xưa, con người đã gắn nó với những sức mạnh bí ẩn, vô hình của tự nhiên. “Biển quỷ” - dân cư miền Bắc Phi hiện giờ còn gọi ảo ảnh như thế.
Ở phương Đông, ai cũng biết câu chuyện cổ tích về nàng tiên Morgana. Nàng thích trêu ghẹo những khách bộ hành mỏi mệt, chỉ cho họ thấy trên sa mạc những ốc đảo nở hoa, những hồ đầy ắp nước, những đô thị trù phú có những tháp giáo đường Hồi giáo với những vườn cây treo lơ lửng trên không trung. Nàng cho họ thấy chỉ để cám dỗ họ đi chệch đường. Sau đó, khi ảo ảnh đã tan ra trong không khí, nàng sẽ cười nhạo nỗi thất vọng của đám lữ khách ấy. Câu chuyện cổ này để lại dấu ấn của nó trong ngôn ngữ. Người ta gọi bất cứ hình ảnh hư ảo nào đánh lừa nào là phata-morgana, tức là nàng tiên Morgana.
Khi nói về ảo ảnh, người ta thường nghĩ đến một sa mạc cháy bỏng và đàn súc vật trở hàng đang lầm lũi bước đi trên biển cát nhấp nhô. Phía trước, bên đường chân trời mờ nhạt bỗng xuất hiện một bề mặt to lấp loáng. Cái gì vậy? Những con lạc đà dấn thêm vài bước, và trước mặt mọi người hiện lên cả một cái hồ lớn. Làn gió nhẹ làm mặt nước gợn lăn tăn.
Hồ nom rõ ràng đến nỗi không thể nghi ngờ gì về tính chất có thực của nó. Nhưng vài phút trôi qua, và cái hồ ma ấy bắt đầu bị lớp sương mù màu đỏ nhạt của sa mạc bao phủ, nó mất đi những đường nét rồi thình lình bay vút lên trời và mất hút.
Đó là ảo ảnh hồ, một thứ ảo ảnh phổ biến nhất, thường hay xuất hiện hơn cả. Trong những ngày nóng nực, những cái hồ trên sa mạc như vậy là một hiện tượng gặp ở Bắc phi. Chiều chiều, một khu vực nào đó bị nung đốt suốt ngày liền biến thành vùng đất ngập lụt. Tất cả những gì ở khoảng cách ba bốn cây số đều bị nước vây quanh. Những thôn xóm nom tựa như những hòn đảo giữa một cái hồ rộng. Càng lại gần làng, cái bờ của vùng nước ảo kia càng lùi ra xa và cái nhánh nước ngăn cách ta với làng dần dần trở nên hẹp lại cho đến khi biến mất hoàn toàn, còn cái hồ vẫn giữ nguyên hình dạng bắt đầu lùi xa dần và luôn luôn ở một khoảng cách không bao giờ đạt tới được.
Ở Liên Xô cũ, những ảo ảnh như vậy không lạ lẫm gì với cư dân miền ven biển Caxpi, miền thảo nguyên Crưm, miền đồng bằng sông Vonga. Người ta cũng nhìn thấy ảo ảnh trên mặt đường láng nhựa: vào những ngày mặt trời thiêu đốt, có những “hố nước” trôi qua trước mũi xe như vừa mới qua cơn mưa vậy. Trên mặt hồ phản ánh những đám mây với bầu trời xanh. Ôtô chạy với vận tốc 60 kilômet một giờ, và suốt gần mười phút, ở phía trước luôn luôn nhìn thấy dải nước lừa dối kia. Và nếu những ảo ảnh tương tự không hề làm cho con người ta ngạc nhiên, thì những dạng ảo ảnh khác lại có thể không chỉ gây kinh ngạc, mà thậm chí còn dọa nạt được con người.
- Có lần tôi dừng lại bên lối vào một hẻm núi, - một người đã từng ở Angiêri kể lại, - và ngồi nghỉ trên một tảng đá. Bỗng nhiên ở bên dưới cách tôi chừng năm mươi mét, tôi nom thấy một người cũng ngồi trên một tảng đá. Khi tôi đứng dậy, người kia cũng đứng lên. Khi tôi lại gần người đó, thì anh ta cũng tiến lại phía tôi! Đến khi đến gần hơn thì vô cùng sửng sốt, tôi nhận ra chính mình trong con người đó. Sự giống nhau ấy làm tôi hoảng đến nỗi tôi chìa tay ra. Con người y hệt tôi kia cũng làm như vậy. Nhưng khi tôi quả quyết xáp lại gần hơn thì bóng ma biến mất.
Ngày xưa, thời còn sử dụng thuyền buồm, ở trên các biển, đều lan truyền một truyền thuyết về con tàu ma - “Người Hà Lan bay”. Người thuyền trưởng của con tàu đó vì tội báng bổ chúa trời nên đã phải chịu tội suốt đời lang thang trên khắp các biển và đại dương mà không được bỏ neo ở đâu cả. Các thủy thủ tin rằng, việc gặp gỡ con tàu buồm ghê sợ đó là điềm báo trước tai họa đắm tàu. Song những cuộc gặp gỡ ấy lại xảy ra thật thường xuyên! Con tàu ma bất ngờ xuất hiện trong đám sương mù, nó lẳng lặng trôi qua trước mắt đám thủy thủ, không hề đáp lại các tín hiệu, rồi sau đấy lại bất chợt biến đi như lúc xuất hiện vậy.
Năm 1878, vào thời gian xảy ra chiến tranh giữa người Mỹ với người da đỏ, một toán lính rời đồn Abraham Linhcôn đi ra. Một lúc sau những người còn lại trong đồn nhìn toán lính đó đang tiến bước ở trên trời. Người ta liền bảo rằng toán lính đó đã bị giết chết và bây giờ họ đang nhìn thấy linh hồn những người ấy. Vài ngày sau, quả nhiên toán lính bị những người da đỏ tiêu diệt. Những người mê tín nhớ rất dai sự trùng hợp ngẫu nhiên của các sự kiện. Tất cả những điều đó không phải cái gì khác hơn là những ảo ảnh. Hình như trên trời đang diễn ra một “màn kịch” viễn tưởng vậy.
Ở vùng bờ biển Xixilia, vào lúc mặt trời mọc, trên mặt biển thường thấy xuất hiện những cung điện nguy nga, những ngọn tháp và pháo đài trên không trung, những người không lồ, những cây cối và động vật khổng lồ; tất cả những cái đó quần tụ lại rồi tản ra, đuổi bắt lẫn nhau, thay hình đổi dạng, cảnh tượng này thay thế cảnh tượng khác.
Một lần, những thủy thủ thám hiểm vùng cực đã gặp “ảo ảnh” như thế. Con tàu của họ len lỏi giữa những núi băng và các tảng băng vỡ ra từ những cách đồng băng. Chúng lấp lánh và trở nên chói lọi dưới ánh mặt trời rực rỡ. Bỗng chân trời phân đôi ra, những vật thể ở xa liền bay lên không trung, treo lơ lửng trên đó và không ngừng thay đổi hình dạng. Như trong ống kính vạn hoa vậy, những hình thù, những sự vật lạ thường thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt những thủy thủ đứng ngây ra vì quá đỗi sửng sốt: khi thì xuất hiện một cái gì đó giống như ngọn tháp, khi là những hình người nào đó trông thật phi lý, khi lại là một thanh gươm, thế rồi tất cả những cái đó bỗng nhiên được thay thế bằng đường viền rõ nét của một núi băng lớn làm ta nhớ đến pháo đài cổ bất khả xâm phạm. Những cách đồng băng trông giống như những bình nguyên trên đấy có đủ cây cối, gấu, chó, chim chóc, người như thể đang nhảy múa trong không trung.
Như các bạn thấy đấy, thật là lắm hình nhiều vẻ. Nhưng bản chất của tất cả các bức tranh ma quái xảy ra trong không trung đó đều chỉ là một mà thôi.
“Có thể, - ở đây sẽ có một người nào khác nói, - bản chất của các “ảo ảnh” như vậy chỉ là một, nhưng xin hãy giải thích thật rõ ràng và dễ hiểu, làm sao lại có thể xuất hiện một bức tranh lạ lùng đến thế: những người lính hành quân trên bầu trời? ! Và xin hãy chú ý: tất cả những người lính ấy sau đó đều bị chết!”
Chúng ta sẽ còn nói tiếp về sự trùng hợp ngẫu nhiên của các sự kiện khác nhau. Còn bây giờ chúng ta cũng phân tích xem những bóng ma lạ lùng đó xuất hiện như thế nào trong bầu khí quyển trái đất.
Nên nhớ rằng vào mùa hè, những ngôi nhà, công trình, cây cối trên đường chân trời, dường như cũng run rẩy, đung đưa. Tất nhiên, không phải chính chúng, mà những hình ảnh của chúng đang run rẩy. Nhưng như thế có nghĩa gì?

Theo những quy luật quang học

Trên bờ ao có một cây liễu. Chúng ta nhìn thấy bóng phản chiếu của nó trên mặt nước lặng như trong gương vậy.
Vì sao thế? Những tia ánh sáng phản chiếu từ cái cây mọc trên bờ ao sẽ tới mắt chúng ta bằng hai con đường: một số tia đi thẳng qua lớp không khí, và chúng ta nhìn thấy hình ảnh của cây, còn những tia khác phản chiếu từ mặt gương của ao, khi đập vào mắt, chúng sẽ tạo nên một hình ảnh thứ hai - nhưng lộn ngược của cây. Vốn dĩ mắt chúng ta không thể phát hiện được sự sai lệch của tia sáng, chúng luôn luôn tiếp nhận hình ảnh của vật như thể các tia sáng đi thẳng từ các vật đó vậy. Vì thế chúng ta nhìn thấy hình ảnh cây liễu được phản chiếu bởi mặt gương của nước theo một đường thẳng đi từ mắt tới mặt nước.
Như vậy ảo ảnh là một sự phản chiếu gương như thế của các vật, cây cối, con người khác nhau. Chỉ có điều tấm gương ở đây không phải là kính, không phải là nước, mà chính là không khí.
Tấm gương khí quyển ấy xuất hiện trong những điều kiện nào?
Chúng ta thường quen cho rằng các tia sáng truyền đi theo đường thẳng trong không khí. Nhưng nếu nói thật nghiêm túc thì còn xa mới là như vậy. Vốn không khí bao quanh chúng ta là không đồng nhất, nó bao gồm các lớp có mật độ khác nhau. Và thế có nghĩa là không thể có sự truyền ánh sáng theo đường thẳng trong không khí được. Những quy luật của quang học là như vậy. Hiểu được các quy luật đó không phải là khó.
Một cái thìa được thả vào một cốc nước chè. Chiếc thìa như bị gãy ra. Nguyên nhân là ở chỗ nước và không khí có mật độ khác nhau. Khi đi qua một môi trường - không khí ít đậm đặc hơn - đến môi trường khác đậm đặc hơn là nước, các tia sáng thay đổi đường truyền thẳng của mình, vả lại theo một nguyên tắc hoàn toàn xác định là chúng bị lệch về phía môi trường đậm đặc hơn. Trong trường hợp của chúng ta thì đó là nước. Khi đi từ thủy tinh vào nước, tia sáng bị khúc xạ về phía thủy tinh có mật độ lớn hơn so với nước.
Thế còn khi ánh sáng truyền qua bầu khí quyển thì sao? Mỗi khi tia sáng đi từ lớp không khí có mật độ nhất định vào lớp không khí có mật độ hơi nước, nó liền bị khúc xạ ít nhiều, và thay đổi đường truyền thẳng của mình.
Ta nên nhớ rằng vào mùa hè, những ngôi nhà, công trình, cây cối trên đường chân trời, dường như cũng run rẩy, đung đưa. Tất nhiên, không phải chính chúng, mà những hình ảnh của chúng đang run rẩy. Nhưng như thế có nghĩa gì? Đó là, những tia sáng được các vật phản chiếu lại và đi đến mắt chúng ta đã liên tục thay đổi hướng. Nói cách khác, đường đi của chúng hoàn toàn không phải là thẳng.
Người ta gọi đó là sự khúc xạ. Sự khúc xạ nhỏ luôn xảy ra (chỉ trừ một trường hợp, khi các tia sáng từ các thiên thể đập vào mắt chúng ta theo chiều thẳng đứng). Do có sự khúc xạ đó mà ta thấy các thiên thể như nằm ở vị trí cao hơn của chúng trong thực tế. Vào buổi xế chiều, chúng ta thấy mặt trời lưu lại 5-10 phút sau khi đã khuất xuống đường chân trời. Chúng ta thấy các vật ở xa đều cao hơn và gần hơn một chút so với vị trí thực của chúng.
Sự khúc xạ ánh sáng trong bầu khí quyển của trái đất là một hiện tượng bình thường xảy ra ở khắp mọi nơi. Và chúng ta lại thường không nhận thấy hiện tượng đó: sự khúc xạ các tia sáng là rất nhỏ, chúng không làm chuyển dịch vị trí và không làm sai lệch hình ảnh của các vật nhìn thấy một cách rõ rệt.
Nhưng cũng có khi khác đi. Đôi khi các tia sáng phản chiếu từ một số lớp không khí như từ một tấm gương và như vậy chúng bị lệch đi đáng kể. Chẳng hạn, điều đó diễn ra vào mùa hè, khi mặt trời hâm nóng bầu không khí, đặc biệt là các lớp dưới. Khi đó, các lớp này trở nên ít đậm đặc hơn. Những tia sáng đi từ vật nào đó tới mặt đất sẽ phản chiếu lại từ lớp không khí như vậy như từ bề mặt nước, chúng đi lên trên và đập vào mắt người quan sát. Lúc đó chúng ta có thể nom thấy ảo ảnh “hồ” hay là ảo ảnh dưới.
Chúng ta lấy ví dụ ảo ảnh trên sa mạc. Những con tàu của sa mạc - những con lạc đà - đang chậm rãi chuyển động. Như bị thiêu đốt trong lò, cát và đá hừng hực bốc hơi nóng. Không trung tĩnh lặng. Bầu trời bị che phủ bằng một màn sương màu đỏ nhạt; mặt trời chìm nghỉm và đường chân trời mất hút. Lớp không khí cuối cùng bị đốt nóng hơn cả vì cát bỏng rẫy, và vì thế nó bị loãng đi nhiều. Lớp không khí bên trên bị nung nóng ít hơn, vì vậy nó đậm đặc hơn. Hiện tượng đó thường xảy ra vào nửa đầu của ngày, khi lớp không khí sát mặt đất đã bị nung nóng mà các lớp trên còn lạnh.
Mật độ không khí ở cả hai lớp kề sát nhau ấy trong trường hợp này không còn đồng nhất nữa. Thế là trong những điều kiện như vậy, đâu đó ở chân trời, phía trước đoàn súc vật chở hàng hiện ra một cái hồ ma, còn trên thực tế, đó là sự phản chiếu bầu trời ở tấm gương của lớp không khí bên dưới.
Tấm gương không khí có thể xuất hiện ở cả các lớp trên của bầu khí quyển - chúng ta có thể nhìn thấy trên đó sự phản chiếu của những vật ở xa bị khuất sau chân trời trong những điều kiện bình thường. Khi đó chúng ta nom thấy chúng khá cao và gần hơn là chúng tồn tại trên thực tế.
Người ta thường thấy các ảo ảnh trên hơn là các ảo ảnh ở dưới biển, cũng như ở các vùng vĩ độ ven cực, nơi các lớp không khí bên dưới hầu như lúc nào cũng lạnh hơn các lớp trên...
Trong những điều kiện nào thì xuất hiện tấm gương không khí trên?
Thường là vào sáng sớm, khi các lớp dưới của không khí còn khá lạnh vì tiếp xúc với mặt đất, còn các lớp trên thì ấm hơn, ở bên trên có thể cấu tạo nên một lớp không khí phản chiếu.
Người ta thường thấy các ảo ảnh trên hơn là các ảo ảnh ở dưới biển, cũng như ở các vùng vĩ độ ven cực, nơi các lớp không khí bên dưới hầu như lúc nào cũng lạnh hơn các lớp trên. Ở phương Bắc, hiện tượng này thường có vào mùa đông và mùa xuân, vào những ngày có gió ấm áp thổi từ phương Nam tới, trong khi những lớp dưới của bầu khí quyển vẫn còn lạnh vì tuyết phủ.
Trên biển cả, có thể nhìn thấy trong ảo ảnh trên hình ảnh những hòn đảo và con tàu ở xa khuất sau chân trời. “Tôi đã nhìn thấy qua ống nhòm những đường nét và thiết bị trên tàu rõ đến nỗi, - một nhà thám hiểm vùng cực viết - tôi đã không hề đắn đo thừa nhận đó là chiếc tàu của cha tôi. Sau này, khi so sánh các bản đồ hoa tiêu của cả hai tàu, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng chúng tôi đã ở cách nhau một khoảng cách năm mươi cây số, tức là họ đã không thể nhìn thấy nhau được
Tùy thuộc vào tính chất của sự phản chiếu do tấm gương không khí trên, đôi khi chúng ta nhìn thấy ảo ảnh thẳng ngay trên đầu ta ở cao tít trên không trung, dưới dạng hình ảnh lộn ngược. Những ảo ảnh như vậy thậm chí còn hay xảy ra nữa. Có một câu chuyện nổi tiếng của một nhà thám hiểm khi đến Italia, ở trên bờ biển đã nhìn thấy trên không trung hình ảnh lộn ngược của cả một thành phố. Vô cùng sửng sốt, ông ta liền vội vàng vẽ ngay những gì đã thấy, rồi sau đó đi tiếp để tìm kiếm nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ đó. Sau vài cây số tiếp theo ông ta đã tới chính thành phố mà trước đó ông đã nhìn thấy hình ảnh của nó trên không trung.
Thành phố Lômônôxôp nằm trên bờ vịnh Phần Lan, cách Lêningrát 40 kilômet. Từ nơi đây rất khó nhìn rõ được Lêningrát. Nhưng có những ngày mà dân cư thành phố Lômônôxôp nhìn thấy Lêningrát rõ như trên lòng bàn tay. Hình như thành phố hiện lên trên không trung. Khi đó, từ Lômônôxôp nhìn rõ hình sông Nêva, cầu cống, một số ngôi nhà cao tầng biệt lập. Vậy là chúng ta gặp được ở đây sự phản chiếu trực tiếp các vật trong tấm gương không khí lạ lùng dường như bao trùm cả mặt đất.
Cuối cùng, cũng có khi xảy ra như thế này: Cao tít trên không trung xuất hiện ảo ảnh trên kép - đồng thời cả hình ảnh trực tiếp và hình ảnh lộn ngược. Hình ảnh như vậy được quan sát thấy trong bầu khí quyển, các lớp không khí có mật độ khác nhau phân bố không đều. Còn nếu lớp không khí nóng nằm xen giữa hai lớp không khí lạnh hơn thì sẽ hình thành những điều kiện để xuất hiện ảo ảnh ba. Điều này hay xảy ra ở các biển vùng cực.
Bây giờ, việc giải đáp điều bí ẩn của “Người Hà Lan bay” và của toán lính thực dân Mỹ bước đi trên không trung không còn là điều khó khăn nữa...
Tất cả đều do tấm gương đó
Mặc cho tất cả tính chất khác thường của những “bóng ma” tương tự, bản chất của chúng là ở tự nhiên, và có thể giải thích được. Trước mắt chúng ta chính là ảo ảnh trên mà thôi, chỉ có điều bề ngoài nó nom thật khủng khiếp đối với những người mê tín.
Tôi còn nhớ một câu chuyện rất thú vị xảy ra ngay trong thời đại chúng ta. Đó là vào những năm 20 của thế kỷ này. Một chiếc tàu viễn dương theo tuyến hành trình thường lệ từ châu Âu sang châu Mỹ. Bỗng tại một nơi cách quần đảo Anh không xa, tất cả những người trên boong đều nhìn thấy con tàu “Người Hà Lan bay”. Ý nghĩ về con tàu ma ghê gớm liền hiện lên trong tâm trí các hành khách và thủy thủ. Con tàu bí ẩn đe dọa đâm vào chiếc tàu thủy. Đến giây phút căng thẳng nhất, viên thuyền trưởng bằng một giọng thất thanh ra lệnh đổi hướng chạy tàu. Nghiêng sang mạn phải, chiếc tàu buồm lướt qua.
Những hành khách hốt hoảng, sững sờ đã nhìn thấy một điều còn kỳ lạ hơn nữa: trên boong có những người mặc... các bộ quần áo cổ xưa đang nhốn nháo. Họ giơ tay lên và kêu to những gì đó.
Khi chiếc tàu thủy đến bến cảng, sự việc huyền bí ấy đã lan ra khắp nơi. Trên nhiều tờ báo Anh và Mỹ xuất hiện các bài báo dài viết về những bóng ma. Người ta viết rằng cuộc gặp gỡ với chiếc tàu buồm huyền thoại nọ là một chứng minh hùng hồn về sự tồn tại của thế giới bên kia. Trên thực tế, không thể có chuyện nhầm lẫn được một khi có hàng trăm người đã tận mắt thấy rõ con tàu ma với các thủy thủ của nó!
Song chẳng bao lâu mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Chiếc tàu khách viễn dương đúng là đã chạm trán với chiếc tàu “Người Hà Lan bay”... được đóng để quay phim. Trong khi đang tiến hành quay phim trên biển thì một trận bão nổi lên. Những người có mặt trên tàu đã không thể điều khiển các cánh buồm, và gió đã đẩy họ ra ngoài khơi. Phải vài ngay sau, những người kiệt sức vì hoảng sợ ấy mới được vớt lên khỏi tàu, còn “Người Hà Lan bay” thì được đưa về cảng.
Thế đấy, đôi khi những hoàn cảnh trùng hợp nhau lại xảy ra bất ngờ đến thế nào! Trong những trường hợp có thể thấy rõ sự mê tín đã bùng nổ ra sao. Đôi khi chứng “suy nhược thần kinh” thậm chí còn gặp ở nhà “duy vật kiên định” nữa. Sau khi đã va chạm với hiện tượng hiếm có gây kinh hoàng, con người không chỉ bắt đầu tự mình tin, mà còn đi thuyết phục người khác rằng “đúng lần này” họ đã thật sự chạm trán với các sức mạnh thuộc thế giới bên kia.
Câu chuyện xảy ra với “Người Hà Lan bay” ở thế kỷ 20 vừa được nói trên kia là một bằng chứng rõ rệt về điều này. Hàng nghìn người tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Vậy làm sao mà đòi hỏi hơn được ở những thủy thủ dốt nát của bao thế kỷ trước, khi họ đã nhìn nhận rành rành chiếc tàu buồm ghê gớm trôi ngay bên cạnh, con tàu mà theo định kiến chung của mọi nhà hàng hải báo trước một tai họa nào đó sẽ xảy đến...
Nếu sau đó trên tàu có ai đó bị chết, hay một trận giông tố ác liệt nổi lên, hoặc tồi tệ hơn nữa là xảy ra đắm tàu, các thủy thủ liền tin chắc lỗi ở đây là do cuộc chạm trán với con tàu của người chết.
Thế nhưng nếu chuyến đi biển kết thúc an toàn (tất nhiên điều này đâu phải chỉ có một lần), người ta liền quên phắt cuộc gặp gỡ “rủi ro” ấy. Đặc tính của tâm lý, của trí nhớ của chúng ta vốn là như thế.
Sau đây là một ví dụ đơn giản. Đã hàng chục, hàng trăm lần chúng ta quan sát thấy mèo đen chạy ngang đường (Người châu Âu cho rằng đó là điểm gở báo sự rủi ro). Ý nghĩ về điềm báo nực cười liền xuất hiện rồi lập tức bị quên đi. Và trên thực tế, không có điều gì khó chịu xảy ra với bạn cả. Nhưng nếu sau cuộc gặp gỡ với con vật bốn chân “mang điềm ác” đó xảy ra một điều khó chịu hoặc không may nào đó với một người thì sao đây.

Lập tức ký ức của người đó liền nhắc nhủ: trước đó mèo đen đã xuất hiện! Thế là lúc này khó mà thuyết phục cho anh ta tin rằng, sự trùng hợp ấy chẳng nói lên điều gì cả. Khó là bởi vì anh ta nhớ rõ - đến hàng năm trời - về sự việc đó và hoàn toàn quên đi mọi sự việc khác. Bởi vì nếu như trong số mười trường hợp ngẫu nhiên mà có một dấu hiện nào đó tỏ ra là đúng dẫu chỉ một lần thì chúng ta sẽ ghi nhớ điều đó nhanh hơn tất cả những sự việc không trùng hợp.
Lẽ dĩ nhiên, mọi điều như thế là hợp lý chỉ khi người đó có khuynh hướng mê tín dị đoan.
Đó cũng là điều xảy ra trong những cuộc chạm trán với “Người Hà Lan bay”: các thủy thủ nhìn thấy ở phía xa những con tàu buồm được tấm gương không khí phản chiếu, và bởi họ không biết đến những quy luật của quang học khí quyển, nên họ tin tưởng chắc chắn vào thế giới bên kia.
Còn có một biến dạng nữa của tấm gương không khí: khi tấm gương dựng đứng. Trong trường hợp này, nảy sinh cái gọi là ảo ảnh bên.
Các bạn hẳn cuộc gặp gỡ với “bóng ma” bên hẻm núi ở Angiêri chứ? Những ảo ảnh không khí lặp lại giống hệt như thế thường hay xuất hiện bên những bức tường bị đốt rất nóng. Bức tường ở đây có thể là mặt đất, còn lớp không khí sát với nó bị đốt nóng mạnh hơn cả, vì vậy trở nên loãng hơn lớp không khí kề bên. Ranh giới giữa hai lớp này trở thành tấm gương không khí.
Những hình ảnh ở các ảo ảnh bên gần như bao giờ cũng bằng với các vật được phản ánh về mọi kích thước. Đó có thể là do ảo ảnh đôi, ảo ảnh ba, thậm chí cả ảo ảnh bốn nữa.
Thường thì các ảo ảnh xuất hiện khi lặng gió; gió làm vỡ tấm gương không khí. Nhưng trong tự nhiên làm gì có tĩnh lặng hoàn toàn. Tuy vậy trong không khí thỉnh thoảng vẫn nảy sinh những điều kiện cho việc xuất hiện các ảo ảnh. Thế có nghĩa là tấm gương không khí không đến nỗi mỏng manh như thế: những dao động nhẹ của không khí không đáng sợ lắm đối với nó. Và như vậy, khi các lớp không khí có mật độ khác nhau khẽ di chuyển, chúng sẽ dao động, phá vỡ các ranh giới giữa chúng với nhau, và trong không trung liền xuất hiện những bức tranh kỳ dị nhất. Tấm gương không khí bất định, tựa như tấm gương bằng thủy tinh cong, sẽ làm sai lạc đi hiện thực đến mức không thể nhận ra nữa.
Vào thế kỷ 19, ở Angiêri đã xảy ra một chuyện liên quan đến một đội lính Pháp. Đội lính này đang đi trên sa mạc. Phía trước, cách họ chừng sáu kilômet có một đàn hồng hạc đang nối đuôi nhau đi, loại chim này ở Angiêri không thiếu gì. Khi đàn hồng hạc đi đến dải ảo ảnh, từng con một biến hình giống như một kỹ sĩ Ảrập. Lính Pháp liền quả quyết rằng ở phía chân trời có cả một đội quân Ảrập đông đảo.
Ảo giác do ảo ảnh gây ra mạnh đến nỗi viên đội chỉ huy liền phái một tên lính đi trinh sát. Khi tên lính tiến đến gần, hắn nom thấy đàn hồng hạc. Nhưng bản thân tên lính cũng đi vào dải ảo ảnh. Bốn vó con ngựa của hắn có kích thước to đến nỗi nom như hắn đang cưỡi một giống vật kỳ lạ. Chiều cao con vật dễ đến vài mét. Từ xa có cảm tưởng như con vật ấy đang đi trên bề mặt một chiếc hồ nước rộng.
Ở Liên Xô, những “bóng ma” như thế hay thấy ở gần Xivasơ, bên eo đất Pêrêkôxki. Mùa hè, hầu như vào ngày nắng nào cũng vậy, cây cối, gò đồi, nhà cửa cứ như nô rỡn trong không trung. Chúng không ngừng thay hình đổi dạng...
Ta cũng nên nhớ lại câu chuyện buồn cười đã từng xảy ra vào thế kỷ trước với những người tham gia đoàn thám hiểm của nhà nghiên cứu địa cực người Thụy Điển Nordensen. Gần trạm nghỉ của đoàn thám hiểm xuất hiện một con gấu trắng to. Mọi người vội cầm súng chạy ra. Nhưng vào lúc mọi người chuẩn bị bóp cò thì “con gấu” đã sải rộng đôi cánh bay lên trời. Khi bay nó trở nên nhỏ dần và biến thành ... chim hải âu.
Cũng có khi ảo ảnh làm người ta vỡ mộng thật sự. Chẳng hạn chúng ta biết rõ các thủy thủ Thụy Điển đã mất bao nhiêu thời gian để đi tìm hòn đảo ảo ảnh xuất hiện trên biển Bantic giữa quần đảo Alan và bờ biển Thụy Điển.
Song có lần ảo ảnh lại có ích. Năm 1902, nhà thám hiểm địa cực nổi tiếng người Anh, thuyền trưởng Xcôt đã giả định rằng, xa hơn về phía nam có một mạch núi. Điều phỏng đoán của ông sau đó đã được nhà nghiên cứu địa cực người Na Uy R. Amunđxen khẳng định, chính ông đã tìm thấy mạch núi ở nơi Xcôt dự đoán.
Bây giờ chúng ta cùng nhớ lại hình dạng của ảo ảnh mà nhiều người có thể thấy vào tiết thu ở các vùng lãnh thổ Liên Xô. Khi hạ xuống bên đường chân trời, mặt trời bỗng nhiên thay đổi hình dạng. Đĩa mặt trời bỗng nhiên biến thành hình tam giác, một giây sau chúng ta thấy nó đã có hình cây nấm, sau đó mặt trời lại có hình quả trứng, hình thang ... Đã thế, mặt trời còn nhảy múa, lúc thì nó nhô lên, lúc lại hạ xuống, còn khi áp sát đường chân trời thì nó lúc ẩn lúc hiện.
Đó là hiện tượng kỳ thú xảy ra trong khí quyển chứ không phải điều gì khác. Song những người sùng đạo cho đến tận bây giờ vẫn gắn hiện tượng đó với đức tin của mình. “Mặt trời chơi đùa, - họ bảo, - chỉ vào dịp lễ phục sinh, vì mặt trời mừng ngày lễ vĩ đại ấy!” Nhưng dễ dàng thấy rằng ảo ảnh đó có thể quan sát được cả vào những ngày bình thường cả mùa xuân lẫn đầu mùa hạ.
Những điều “kỳ dị” đó được giải thích rất đơn giản. Như trên đã nói: các tia sáng không phải là đi thẳng trong bầu khí quyển. Vì nguyên nhân đó mà chúng ta nhìn thấy các vật thể khác nhau đôi khi không phải ở chỗ nó đang tồn tại, hoặc ở hình dạng méo mó hẳn đi hay không nhận ra nổi. Mặt trời đùa rỡn chính là hiện tượng như vậy.
Khi ranh giới giữa những lớp không khí khác nhau (có mật độ khác nhau) luôn luôn thay đổi, khi không khí ở trên mặt đất thường xuyên chuyển động, chúng ta có thể thấy được trò đùa rỡn của mặt trời. Các tia mặt trời lúc này bị lệnh đi nhiều lần trong khí quyển, hành trình của chúng luôn luôn thay đổi. Và chúng ta có cảm giác mặt trời không ngừng thay đổi hình dạng của mình. Hiện tượng này xảy ra vào những ngày không khí bị đốt nóng ở sát mặt đất và luôn luôn chuyển động, đồng thời mật độ của nó liên tục thay đổi.
Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi chân trời, các tia sáng của nó bắt đầu đi qua các lớp không khí yên tĩnh và đồng nhất hơn, trò chơi chấm dứt. Ảo ảnh biến mất.


(Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn)

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét