Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Nguyên lý TAM GIẢI THOÁT MÔN




...Người tu hành không nên mong cầu sở đắc trạng thái an lạc lý tưởng mà nỗ lực tạo tác để trở thành - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu nguyện hệ lụy chứ không phải là Vô nguyện giải thoát...


Hỏi:
Kính thưa Sư,
Xin Sư hoan hỷ giải thích cho con tại sao KHÔNG - VÔ TƯỚNG - VÔ TÁC được đức Phật dạy là TAM GIẢI THOÁT MÔN, người tu học sử dụng nguyên lý TAM GIẢI THOÁT MÔN này như thế nào để có lợi ích thiết thực trong đời sống?
Con thành kính tri ân Sư.

T.S Viên Minh: 


KHÔNG (suññatā) là vì tất cả các pháp đều vô ngã, nên người quan sát thấy bản chất vô ngã của pháp thì chứng được không giải thoát tức không còn chấp thủ vào ngã kiến "Ta" và "của Ta". VÔ TƯỚNG (animitta) là vì tất cả pháp có sinh thành, có hình tướng đều vô thường nên người quan sát thấy bản chất vô thường của pháp tướng thì chứng được vô tướng giải thoát tức không còn chấp thủ vào bất kỳ một tướng hữu vi nào. VÔ NGUYỆN (appanihita) còn gọi là vô cầu hoặc vô tác, vì tất cả pháp do mong cầu do tạo tác mà có đều là khổ nên người quan sát thấy bản chất khổ của pháp tác thành thì chứng được vô nguyện giải thoát tức không mong cầu bất kỳ một sở đắc nào nữa. Đó là ý nghĩa của TAM GIẢI THOÁT MÔN đúng hướng Đạo đế, Diệt đế.
Điều này rất quan trọng vì nhắc nhở người tu hành không nên mong cầu sở đắc trạng thái an lạc lý tưởng mà nỗ lực tạo tác để trở thành - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu nguyện hệ lụy chứ không phải là Vô nguyện giải thoát. Khi một người nỗ lực tu hành vì nghĩ rằng sẽ đạt được một cảnh giới, một sở đắc, một trạng thái thường hằng lý tưởng - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu tướng hệ lụy chứ không phải là Vô tướng giải thoát. Và khi một người nỗ lực tu hành để cho mình trở thành ngày càng hoàn hảo hơn theo một mẫu lý tưởng nào đó - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu ngã hệ lụy chứ không phải là Không giải thoát. Tu như vậy chỉ đạt đến TAM HỆ LỤY MÔN theo hướng Khổ đế, Tập đế mà thôi.

Ảnh chụp tại : Hội Phật Giáo Triple Gems Buddhist Inc. Melbourne

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét