Màu sắc là tri giác chủ quan thấy bằng mắt mà một sinh vật có được từ một hay nhiều tần số sóng ánh sáng, với một hay nhiều biên độ nào đó. Định nghĩa này rút từ Wikipedia. Màu sắc của sự vật là do sự phản chiếu ánh sáng từ vật ấy. Nếu không có ánh sáng chúng ta hoàn toàn không thấy gì. Ánh sáng mặt trời đã được khí quyển lọc rồi đi đến sự vật. Vật ấy hấp thu một số ánh sáng màu. Chẳng hạn chúng ta thấy lá màu lục, vì lá đã hấp thu các sóng ánh sáng màu đỏ và màu xanh. Bông hoa đỏ vì đã hấp thu các sóng ánh sáng màu xanh và màu lục. Vật màu đen thì hấp thu ánh sáng nhiều hơn, nên nóng hơn vật màu trắng.
Màu đỏ của hoa chỉ là màu bị hắt ra, phản chiếu ra, trong khi những màu khác được hoa hấp thu rồi. Màu đỏ không phải là màu thực sự của hoa.
Vẫn lấy thí dụ hoa đỏ. Các sóng ánh sáng màu đỏ này đến mắt, vào các tế bào hình nón và hình que trong mắt. Chính các tế bào hình nón làm cho chúng ta thấy được màu sắc của thế giới chúng ta. Tế bào hình nón có ba loại tạo ra ba màu căn bản của chúng ta là xanh, đỏ và lục. Số lượng và khả năng tiếp nhận quang tử (photon) của tế bào hình nón là có giới hạn, vì thế có những trường hợp mắt ta không thấy được, như tia hồng ngoại, tia tử ngoại. Loài chó chỉ thấy hai màu đen trắng, ong thì có thể nhìn ra tia cực tím (tử ngoại).
Đến đây mới chỉ là sự tiếp xúc giữa sóng ánh sáng với các tế bào của mắt, phải có những quang sắc tố tiếp nhận kích thích của ánh sáng để sinh ra các biến đổi hóa học. Biến đổi hóa học phải đến một lượng nào đó đủ lớn để tạo thành sự dẫn truyền qua dây thần kinh đưa về não. Chính ở đây màu đỏ mới hiện ra với chúng ta. Nói cách khác, các giác quan và não đã diễn dịch thông tin được tạo bằng các phản ứng sinh hóa, điện từ này thành màu đỏ.
Bông hoa làm bằng những nguyên tử, và nguyên tử thì không có màu sắc nào cả. Cũng vậy, mùi hương chỉ là những nguyên tử, mà những nguyên tử thì không có mùi nào cả. Mùi hương chỉ là kết quả của sự xúc chạm của các nguyên tử với mũi và hệ thần kinh của chúng ta diễn dịch ra thành mùi hương, chứ các nguyên tử làm gì có mùi hương.
Một ví dụ khác, cái bàn tôi đang ngồi viết. Với một kính hiển vi điện tử thì cái bàn hầu như trống không, vì khoảng không giữa nhân nguyên tử và các hạt bao quanh thì quá lớn, và khoảng cách giữa các nguyên tử cũng quá lớn so với các hạt ‘vật chất’ tạo thành nguyên tử. Cái bàn tiện dụng cho cuộc sống chúng ta như một con người. Chúng ta có thể để sách, đèn, ly nước trên đó. Nhưng với những hạt nhẹ, như neutrino, thì chúng xuyên qua dễ dàng. Nghĩa là cái bàn là trống không với chúng.
Nói chung màu sắc, âm thanh, hương, vị, cảm giác xúc chạm… đều là những quá trình tri giác do hệ thống giác quan và ý thức tạo thành từ những quá trình lượng tử. Chúng chỉ có thực với hệ thống của chúng ta, chúng chỉ có ý nghĩa từ sự diễn dịch của hệ thống chúng ta. Thế giới như chúng ta thấy là một quá trình diễn dịch, hay là một quá trình tưởng tượng (tưởng tượng, imaginer, có nghĩa là tạo ra hình ảnh).
Thế giới ấy hiện hữu một cách tương đối, quy ước đối với chúng ta. Chúng có giá trị một cách tương đối, quy ước để chúng ta sống thuận tiện trong cuộc đời cũng tương đối và quy ước của mình. Để sống cuộc đời làm người, chúng ta sử dụng những chân lý tương đối và quy ước này. Nhưng là sai lầm và sai lầm cứ tiếp diễn khi chúng ta cho rằng chúng là chân lý tuyệt đối và tối hậu. Chính sự sai lầm này sẽ đưa chúng ta càng lúc càng sâu vào một thế giới giả tạo, tương đối và quy ước mà đạo Phật gọi là thế giới sanh tử.
Quá trình tri giác là một quá trình duyên sanh giữa sự vật (trần), hệ thống giác quan (căn) và thức của các giác quan và ý thức (thức). Duyên sanh hay nhân duyên sanh là sanh ra do những nguyên nhân (nhân) và những điều kiện, hoàn cảnh (duyên). Thiếu một nguyên nhân hay một điều kiện, kết quả tri giác được sẽ khác đi. Vì duyên sanh nên chúng hiện hữu một cách tương đối và quy ước. Chúng là chân lý tương đối, quy ước.
Chân lý tương đối và quy ước tiện lợi cho cuộc sống chúng ta. Đi trên đường mà các xe có màu sắc thì dễ thấy, dễ tránh. Nhưng cho chúng là có thật một cách tuyệt đối thì đây là vô minh hay sự không biết của chúng ta.
Ý thức gắn liền với thân thể và giác quan nên những giới hạn của giác quan cũng là những giới hạn của ý thức.
Chúng ta diễn dịch thế giới bằng một loại ngôn ngữ lấy thân thể làm điểm quy chiếu: trên dưới, trước sau, cao thấp, phải trái, ngọt bùi, cay đắng… Ngôn ngữ lại làm mạnh thêm cảm nhận.
Ý thức không thể nghĩ đến hai ba cái cùng một lúc: không thể nghĩ đến một đường phố Hà Nội cùng một lúc với một đường phố Sài Gòn. Không thể suy nghĩ một phương trình toán học cùng một lúc với một câu thơ. Như vậy ý thức không bao giờ có thể suy nghĩ được cái toàn thể, nghĩa là cùng lúc suy nghĩ tất cả mọi phương diện của một sự vật hay sự việc.
Chính vì không thể suy nghĩ cùng một lúc Hà Nội và Sài Gòn cho nên chính trong ý thức đã có khoảng hở giữa Hà Nội và Sài Gòn. Có khoảng cách nghĩa là có không gian giữa hai cái đó. Và như vậy ý thức đã tạo ra thời gian và không gian trong chính mình và cho chính mình.
Ý thức phải là sự phân biệt và tạo ra sự phân biệt.
Đã thế, ý thức còn bị in dấu, bị nhuộm màu bởi đủ thứ ký ức, thương ghét, ám ảnh, đố kỵ, hy vọng, hôn trầm, loạn động… Hầu hết ý thức người bình thường chúng ta là những phản xạ của những thứ ấy. Chúng ta phóng chiếu và diễn dịch thế giới và người khác theo những gì chúng ta có trong ý thức.
Một cuốn tiểu thuyết là những chữ, những câu. Ý thức chúng ta xâu nối lại những sự kiện để tạo thành một câu chuyện. Không có sự tưởng tượng của chúng ta sẽ không có câu chuyện. Đã thế, chúng ta còn đọc nó theo ý riêng của mình, đồng hóa với nhân vật nào đó hoặc những tính cách nhân vật nào đó. Thế giới là một cuốn sách để mở mà mỗi người tự đọc theo sự tưởng tượng và ý nghĩa riêng của mình chăng?
Ký ức là sự tưởng tượng trở lại những hình ảnh, âm thanh, mùi hương về một sự vật hay sự việc hiện giờ không hiện hữu nữa. Khi chúng ta nhớ lại thì tất cả đã không còn như cũ, tất cả đã đổi thay. Nhớ lại là sự tưởng tượng về cái không hiện hữu. Đó là một giấc mơ giữa ban ngày. Kinh Kim Cương nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc…”.
Ngôn ngữ là cái cần phải có để sống với người khác. Nhưng nếu không tỉnh giác tính cách tương đối và quy ước của nó thì ngôn ngữ là một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự mê lầm. Thương ai hay ghét ai, chúng ta đặt tên, dán nhãn cho những tính cách của người đó. Rồi chúng ta chỉ thấy, chỉ hiểu người đó qua cái nhãn hiệu ấy mà thôi. Dần dần chính tên của người ấy trở thành một ám ảnh, một tác động lên toàn bộ thân tâm của ta. Chúng ta vẫn thường nghe người ta nói, “mới nhắc tên nó đã thấy sôi máu rồi”.
Ngay cả cái tôi của mình. Cái tôi là một ký ức về tôi, nghĩa là một sự tưởng tượng trở lại một cái tôi với thân tâm không còn hiện hữu nữa. Thân thể con người trong một tháng thì các tế bào đều thay mới, đều đã “tái sanh”, lấy đâu có thân thể tôi tháng trước? Tâm thức con người được tạo bằng những ý tưởng vụt đến vụt đi, thay đổi từng ngày. Dòng sông hôm nay vẫn còn đó, nhưng nước sông hôm qua đã không còn. Ký ức về cái tôi còn được duy trì, làm cho sống động bằng ngôn ngữ, “tôi đã như thế này, tôi đã như thế kia”. Ngoài trí nhớ và ngôn ngữ về một cái tôi không còn hiện hữu, một cái tôi thường còn thì không bao giờ có.
Descartes nói: “Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu”. Đây là một kinh nghiệm bình thường chúng ta đều nhận thấy. Nhưng như thế thì khi tôi không tư duy vậy tôi không hiện hữu. Cái tôi mà đứt khúc, khi có khi không, cái tôi mà chết đi sống lại liên tục như vậy có thật là một cái tôi không? Hơn nữa, người thường chúng ta thường nghĩ lung tung, đó một chiến trường hỗn loạn của ý tưởng, cảm xúc, muốn và không muốn…, cái tôi như vậy chỉ là một sự xâu xé, phân tán, hỗn loạn, khổ đau.
Ý nghĩ cũng là một tưởng tượng về sự vật và sự việc chứ không phải chính là sự vật hay sự việc ấy. Nếu tưởng tượng gần đúng thì chúng ta xử lý vấn đề gần đúng, còn nếu tưởng tượng sai thì chúng ta sai lầm hoàn toàn. Ngay trong khoa học, trước khi làm thí nghiệm, chúng ta phải tưởng tượng ra điều mà chúng ta tìm kiếm trong thí nghiệm ấy. Đi mua một cuốn sách, chúng ta phải tưởng tượng cuốn sách ấy có ở nhà sách nào rồi mới đi. Cuộc sống của chúng ta sống là bằng tưởng tượng, dĩ nhiên tưởng tượng dựa trên lý luận của chúng ta, và tưởng tượng thì có thể gần đúng hoặc hoàn toàn là ảo tưởng.
Trong cuộc đời này, tôi là một person, một người, một nhân cách, một nhân vật, một ngôi vị. Chữ person này có nguồn từ chữ persona của Hy Lạp, La -tinh, có nghĩa là cái mặt nạ. Ở đời này tôi đóng nhiều vai, trong gia đình tôi có thể là cha mẹ, là vợ chồng, là con cháu. Đến chỗ làm, nói với người cấp dưới tôi có cách nói khác, với người cấp trên tôi có cách nói khác. Vào siêu thị tôi đóng vai làm khách hàng, vào đại học tôi đóng vai một học trò. Ở cuộc đời này chúng ta có nhiều vai diễn, nhiều nhân vật, nghĩa là khoác nhiều mặt nạ.
Những mặt nạ ấy có tính chất quy ước, tạm thời. Nhưng tiếc thay ít khi chúng ta thấy ra điều đó và chúng ta cứ đồng hóa với những nhân vật đó, những mặt nạ đó. Chúng ta khôngđóng nữa, không diễn nữa. Chúng ta là những nhân vật đó, những mặt nạ đó. Trước sau đạo Phật vẫn nói chúng ta vốn giải thoát, chẳng có gì để ràng buộc chúng ta cả. Vậy mà do không biết, vô minh, chúng ta cứ tự ràng buộc với những nhân vật, những mặt nạ để rồi sung sướng, khổ sở, để rồi vênh vang tự đắc hay buồn rầu tuyệt vọng. Chúng ta là những chiếc mặt nạ đó cho nên chúng ta phải vui buồn theo chúng, sống và chết theo chúng.
Chúng ta còn có thể nói nhiều về nhiều thứ khác nữa. Những thứ chúng ta đã phác lược qua, tri giác giác quan, ý nghĩ, sự tưởng tượng, ký ức, sự đồng hóa với vai trò trong vở kịch đời, cái tôi và cái của tôi… cho chúng ta thấy một điều là chúng không thật một cách rốt ráo, chúng chỉ tạm thời để tiện dụng cho cuộc sống hàng ngày, chúng là những chân lý quy ước, tương đối, mà đạo Phật gọi là thế đế, tục đế. Điều sai lầm chí tử của chúng ta là cho rằng chúng có thật một cách tuyệt đối, chúng là những chân lý tuyệt đối và tối hậu. Với sự lầm lẫn căn bản này, chúng ta bắt đầu bước vào một thế giới của thất vọng và khổ đau.
Cái tôi và cái của tôi là một chân lý quy ước, tương đối, nghĩa là chúng do rất nhiều nguyên nhân (nhân) và điều kiện (duyên) sanh ra. Thiếu một nguyên nhân, thiếu một điều kiện, có thêm một nguyên nhân, thêm một điều kiện, cái tôi sẽ là một cái tôi khác. Thiếu không khí trong vòng vài phút hay dư nước trong vòng vài phút thân tâm này sẽ chết. Thân tâm tôi là do duyên sanh, không lúc nào mà không là duyên sanh, nên nó không thường còn (vô thường), nó không có bản chất của tự nó (vô tự tánh, giả hợp), và không phải là một cái tôi thật (vô ngã). Bám chấp vào nó thì chỉ có bất toại nguyện, khổ đau (khổ).
Sự thật về mọi sự là vô thường, khổ, vô tự tánh, vô ngã, giả hợp, như mộng, như huyễn được đạo Phật gọi là chân lý tuyệt đối, tối hậu (chân đế). Chân lý tuyệt đối tối hậu vì không thể nào khác đi được dù trong bất kỳ điều kiện nào, hoàn cảnh nào. Đại thừa tóm tắt tất cả những chân lý tuyệt đối ấy vào một từ tánh Không. Dĩ nhiên tánh Không không chỉ gồm những ý nghĩa tiêu cực ‘không có’ (vô) mà còn là những ý nghĩa tích cực, thậm chí tích cực tuyệt đối, bởi vì tánh Không là tánh Như.
Sống bằng ý nghĩ, mà ý nghĩ có bản chất là tưởng tượng và phân biệt hư vọng, điều đó Duy thức tông gọi là thức biến. Những nhận xét về cái tôi và cái của tôi là giả, là như huyễn ở trên là một phần của điều Duy thức gọi là thức biến. Vì là thức biến cho nên là giả, là như huyễn.
Ở đây chúng ta cũng cần có một chánh kiến về giả và như huyễn. Khi nói giả, không thật, mộng huyễn thì không có nghĩa là không có gì hết, chẳng có gì giá trị hết. Không thật là không thật đối với cái giả, chứ không phải không thật đối với cái thật. Nếu không thấy mặt tích cực của giả và như huyễn, người ta rất dễ lọt vào hư vô chủ nghĩa (đoạn kiến), cho tất cả là hư vô trong khi vẫn bám chặt vào cuộc đời.
2. Những dẫn chứng ở trên, tuy vắn tắt, nhưng đưa chúng ta đến một sự thật: “Ba cõi duy chỉ là tâm, muôn sự duy chỉ là thức”. Chúng ta cũng dễ suy ra một hệ luận là nếu tâm và thức thanh tịnh, thì ba cõi và muôn sự đều thanh tịnh. Đó là con đường Phật giáo tịnh hóa những mê lầm của tâm thức.
Chúng ta cần phân tích, quan sát để biết giả, như huyễn, như mộng. Chúng ta cần biết cuộc sống mà chúng ta đang sống đây chỉ là chân lý tương đối mà không gia công vào đó những phiền não tham sân si để sống đúng hơn, mà sống đúng hơn thì đỡ khổ hơn. Đạo Phật chỉ là thế: đưa người ta từ cái thấy nghĩ sai lầm để gây ra khổ đau không dứt đến cái thấy nghĩ không sai lầm để chấm dứt khổ đau vô cớ.
Thế giới, con người và cái tôi vì những nhân duyên tạm thời hòa hợp mà có, rồi được gán tên định danh mà trở thành có thật một cách kiên cố, chấp chặt vào đó để khởi tham, giận, ghét, oán… đó là thế giới khổ đau mà chúng ta gọi là sanh tử. Để thoát khỏi cái thế giới phân mảnh, không thể hài hòa, đối nghịch và chiến tranh nhưng bản chất là không thật này, chúng ta phải nhìn ra thật tướng của nó là giả hợp, là do chúng ta tưởng tượng sai lầm (vọng tưởng) mà có ra, là do “mộng tưởng điên đảo” của chúng ta mà tạo thành. Để thoát khỏi sự việc cho rằng chân lý tương đối là chân lý tuyệt đối, là sự thật rốt ráo, chúng ta phải nhìn thấy thế giới và cái tôi của chúng ta đúng như chúng là, nghĩa là vô tự tánh và như huyễn.
Kinh Viên Giác nói: “Ví như ngọc báu Ma-ni thanh tịnh, tùy mỗi phương mà ứng hiện ra năm màu. Những người vô minh không biết thì khi nhìn ngọc Ma-ni kia, cho là ngọc Ma-ni có thật năm màu”.
Thấy vô tự tánh và như huyễn như vậy là để gỡ bỏ những kiến chấp cho là có thật mà chúng ta gắn chặt vào sự vật. Vô tự tánh, giả, như huyễn là để đối trị với nhận thức có tự tánh, có thật mà chúng ta vẫn khoác lên thế giới và chính chúng ta từng phút từng giây.
Quán sát giả, như huyễn là lột ra những lớp vọng tưởng của thức ô nhiễm phóng chiếu như lột một củ hành, một cây chuối, hết lớp này đến lớp nọ, để tận cùng chứng nghiệm thấy rõ ở trung tâm không có cái gì cả. Đó là vô ngã, là tánh Không, là Bổn lai diện mục. Từ đó tiếp tục sống đời sống của chân lý quy ước, tương đối, giả, như huyễn để giúp đỡ những người đang chìm đắm trong thế giới mộng tưởng này. Muốn giúp đỡ người khác thì phải sống với họ, cùng họ, sống trong vở kịch đời nhưng tự biết đang đóng kịch. Muốn thức tỉnh những người đang mộng thì phải đi vào giấc mộng mà mọi người đang sống. Đó là điều người xưa gọi là “người huyễn làm việc huyễn trong đạo tràng như huyễn”.
Trí là chân lý tuyệt đối, tối hậu đối lại với thức là chân lý tương đối, quy ước. Niết-bàn là trí không ô nhiễm, là sự tắt mất những ảo tưởng sai lầm. Còn sanh tử là thức bị ô nhiễm và nuôi dưỡng, trưởng dưỡng những ảo tưởng sai lầm.
Cuối cùng của con đường giả và huyễn chúng ta thấy có hai thái độ, hai cách hành động. Một thái độ và cách hành động là thấy mọi sự quả là giả, huyễn, mộng thì vứt bỏ hẳn cái giả, huyễn, mộng ấy đi. Thái độ và cách hành động thứ hai thì ngay từ đầu con đường đã lấy đại bi làm bổn nguyện, nên mặc dầu biết là giả, huyễn, mộng vẫn tiếp tục sống trong sanh tử giả, huyễn, mộng như vậy để giúp đỡ chúng sanh huyễn mộng. Chính vì như vậy mà với vị này có thêm chữ như: như huyễn, như mộng. Một trong những chánh định của vị ấy là như huyễn tam muội.
Nói cách khác, vị trước chỉ sống chân lý tuyệt đối, tối hậu. Còn vị sau thì sống đồng thời cả chân lý tuyệt đối, tối hậu và chân lý quy ước, tương đối như huyễn. Đến độ của hai chân lý ấy là một: “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, “sanh tử tức Niết-bàn”.
Đây là một nghĩa của danh từ Trung đạo, là phái do Bồ-tát Long Thọ lập, dựa trên hệ thống các bộ kinh Bát-nhã. Đây là sự tự do của Trung đạo, tự do đối với cả sanh tử lẫn Niết-bàn.
Nguyễn Thế Đăng
(Văn Hoá Phật Giáo số 164)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét