Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

5 nơi con người sống thọ nhất hành tinh


Cuộc tìm kiếm sự trường sinh bất tử đã được con người tiến hành từ lâu, và câu trả lời được giải đáp từ những cộng đồng tách biệt nhau. Vậy bí quyết sống lâu của họ là gì?
Có cái gì đó khác lạ như có sợi dây liên kết giữa đảo Okinawa xa xôi của Nhật, thành phố nhỏ Ovodda ở vùng núi Sardinian (Italia), Loma Linda của Mỹ, làng nhỏ bé Vilcabamba thuộc miền Nam Ecuador và thung lũng Hunza của miền Bắc Pakistan. Dân chúng sống tại những nơi này trường thọ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.


Đảo Okinawa có dân số khoảng 1 triệu người, trong đó có khoảng 900 người đã tới tuổi bách tuế, nhiều hơn 4 lần so với Anh và Mỹ. Đáng chú ý hơn, Ovodda là nơi duy nhất trên thế giới có số đàn ông và đàn bà sống trên 100 tuổi ngang bằng nhau.
Nhưng điều gây thắc mắc nhất là, mỗi cộng đồng trên đều có sự khác biệt để lý giải về nguyên nhân của sự sống trường thọ. Tại mỗi cộng đồng, các nhà khoa học đã tự khám phá ra những bí mật về sự sống trường thọ đó. Vậy đó là những bí mật gì?

Okinawa (Nhật)

Có một sự thật là, người dân đảo Okinawa chậm già hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên toàn cầu. Bradley Willcox, nhà khoa học về Lão khoa, Giám đốc Trung tâm Y tế, thuộc Đại học Hawaii (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng lạ thường trên cho biết: "Tính theo lịch, tuổi của họ là 70, nhưng vóc dáng họ trông như người 50. Điều gây ấn tượng nhất là, rất nhiều người trong số họ sống khỏe mạnh cho tới khi chết".


Bà cụ ở Okinawa đã trên 80 tuổi nhưng vẫn chịu khó gieo hạt.

Tìm kiếm nguyên nhân của sự sống trường thọ đặc biệt này của dân Okinawa không phải là dễ nhưng rút cục các nhà khoa học cũng đã tìm ra: đó là hoóc-môn DHEA. Chất này đựợc sản xuất bởi tuyến thượng thận (adrenal glands) và là chất tiền thân (precursor) của cả estrogen và testosterone. Thông thường, hoócmôn DHEA suy giảm theo tuổi, nhưng nó giảm chậm hơn nhiều đối với dân đảo Okinawa.
Giải thích cho điều này, các nhà khoa học đã tập trung chú ý về chế độ ăn uống. Những người Okinawa ăn nhiều đậu phụ và các sản phẩm chế biến từ đậu nành hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trong thực đơn của họ còn có rất nhiều loại rau củ và trái cây khác nhau đều giàu chất chống oxy hóa. Các nhà khoa học gọi đó là "thực đơn cầu vồng" (rainbow diet). Nhưng có thể những thứ họ không ăn mới là chìa khóa cho vấn đề trường thọ.
Truyền thống văn hóa đáng chú ý nhất của người dân đảo Okinawa theo tiếng Nhật được gọi là “hara hachi bu”, có nghĩa là chỉ được ăn no khoảng 80% dạ dày. Trong một ngày điển hình, họ chỉ tiêu thụ khoảng 1.200 calori, ít hơn 20% so với dân Anh.
Các nhà khoa học gọi đó là sự hạn chế calori (caloric restriction), nhưng cũng không hiểu rõ tại sao lại có kết quả như vậy. Bác sĩ Willcox nhận định: "Chính khả năng tự lừa gạt cơ thể về tình trạng sắp bị bỏ đói đã làm người dân Okinawa trẻ lâu như vậy về phương diện sinh lý. Đó là sự tương phản rõ nét nhất về tập quán văn hóa tiêu thụ thực phẩm đối với các nơi khác trên thế giới".

Ovodda (Sardinia, Italia)

Đối lập hoàn toàn với người Okinawa, cư dân Ovodda không chú ý đến lượng calori, thịt luôn luôn có mặt trong thực đơn của họ, và hoàn toàn không có đậu phụ với đậu nành.
Nhưng thành phố nhỏ bé này với dân số khoảng trên 1.700 người đã có tới 5 cụ già 100 tuổi và điều đáng chú ý hơn nữa là, số đàn ông và đàn bà sống tới 100 tuổi ngang bằng nhau.
Các lợi ích trong khẩu phần ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet) đã được nhiều người biết tới nhưng không đủ để giải thích sự kiện nói trên tại Ovodda và các vùng khác trên đảo Sardinia.
Giả thuyết về sự khác biệt gien:
Các nhà nghiên cứu còn nhận xét thấy, ngay cả sau khi đã di cư khỏi đảo vào tuổi 29, 30 và 40 thì các cư dân Sardinia vẫn sống được tới 100 tuổi!
Trong nhiều năm, Giáo sư về Sinh hóa học ở ĐH Sassari (Italia) Luca Deiana đã quan sát từng cụ cao niên tại Sardinia và đã đưa ra một giả thuyết về sự sống trường thọ gây nhiều ngạc nhiên. Trong nhiều thế kỷ, các gia đình tại Ovodda sống biệt lập với thế giới bên ngoài và họ cưới gả con cái cho nhau. Chính các cuộc hôn nhân như vậy đã làm cho người dân sống thọ hơn. Sự giao thoa về gien là lời giải thích duy nhất về những gien đặc biệt liên quan đến sự sống trường thọ.
Giáo sư Deiana đã tìm ra những đặc trưng di truyền khác lạ có thể liên quan đến các cụ cao niên tại Ovodda: "Một gien đặc biệt trên nhiễm sắc thể X dường như có khuyết điểm và không thể sản xuất ra enzym có tên G6PD. Gien này thường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, nhưng tại Ovodda có thể lại có tác dụng tốt".

Loma Linda (California, Mỹ)

Thế mà tại Loma Linda, California, sự trường thọ kỳ diệu của các cư dân thuộc cộng đồng này lại không liên quan gì tới di truyền!
Đối với nhiều người dân Loma Linda, sống lâu là do niềm tin (faith). Một số đáng kể cư dân thành phố theo đạo Seventh Day Adventist.
Các nhà khoa học giải thích, điều này một phần là vì những người theo đạo Adventist không uống rượu, không hút thuốc và ăn theo thực đơn không thịt của nhà thờ. Nhưng không phải tất cả các tín đồ đều làm như vậy và mặc dù thế họ vẫn sống thọ hơn người bình thường.
Tiến sĩ Gary Frase, tại Viện Tim quốc tế thuộc Đại học Loma Linda, người chuyên nghiên cứu về cộng đồng trên cho biết: "Một vấn đề được đưa ra là, phải có cái gì đó liên quan đến đời sống tâm linh đã giúp họ sống thọ hơn". Ông nói: "Cho tới nay, chúng ta chưa biết gì về điều trên nhưng có một điều thú vị đã được biết từ hơn 20 năm nay là, những ai đi lễ nhà thờ đều đặn đều sống thọ hơn dù là họ theo dòng đạo nào".
Giáo sư Kerry Morton, làm việc tại Khoa huyết học/ung thư, Bệnh viện Cấy ghép Morton ở Clearwater Florida, người thực hiện nghiên cứu lâu năm đối với sức khỏe của người theo đạo Adventist cho biết: "Tôn giáo và sự kết nối với một cái gì đó thiêng liêng hay với một cộng đồng tôn giáo bền chặt giúp chuyển biến các phản ứng và các cảm xúc vào niềm tin về một mục đích cao cả rộng lớn hơn. Và nhờ thế cơ thể mới có thể giữ được sự thăng bằng và không bị hủy diệt theo thời gian bởi những tác nhân gây căng thẳng và thương tổn".

Vilcabamba (Ecuador)

Vilcabamba là một ngôi làng nhỏ ở phía nam Ecuador, nằm trong một thung lũng, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi địa hình cao và hiểm trở. Vì thế, cư dân ở đây được bảo vệ trước những ảnh hưởng của thế giới hiện đại như thức ăn đóng gói và chất bảo quản. Họ sống rất lâu - và điều quan trọng nhất là - sống khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Các nhà khoa học tìm ra cộng đồng người Vilcabamba từ giữa thế kỷ XX, họ ít mắc bệnh kinh niên, ngay cả với người già.


Cặp vợ chồng già nhưng vẫn khỏe ở Vilcabamba.

Một hội nghị quốc tế năm 1978 kết luận, nguyên nhân của việc sống khỏe ngay khi đã già của người Vilcabamba đó là: ít cân nặng, khẩu phần ăn ít cholesterol, hoạt động nhiều.
Người dân Vilcabamba không bao giờ biết đến tập thể dục bởi vì cuộc sống của họ đầy các hoạt động. Hàng ngày, họ leo núi để thu hoạch lương thực, quét dọn, thu hoạch rau và hái lượm quả.
Thật tuyệt vời khi họ coi tuổi già là sự ban tặng của tạo hóa và con người càng được tôn trọng nhiều hơn khi họ về già. Người ta nói rằng, người Vilcabamba còn mong đợi đến tuổi già để họ trưởng thành và phát triển hơn. Cuộc sống của họ tràn ngập những tiếng cười và sự bình dị.

Thung lũng Hunza (Pakistan)

Thung lũng Hunza nằm trên vùng cao và đất tốt, người dân ở đây tự cung tự cấp và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Một số người nói rằng, thung lũng Hunza chính là Shangri La (xứ sở hạnh phúc vô tận trong quyển sách “Lost Horisons”)
Không ai biết chính xác tuổi thọ của người Hunza. Nếu không quá chú ý đến tuổi thọ, một thực tế thực sự tuyệt vời, đó là người Hunza ngay cả khi đã già, cơ thể vẫn cân đối, đầy sức sống và chưa hề mắc bệnh gì.
Trái ngược với người Vilcabamba, người Hunza không bao giờ mắc bệnh chính là nhờ tập thể dục thường xuyên. Những ngọn núi mà người Hunza sinh sống có địa thế vô cùng hiểm trở, họ phải đi trên những vách núi cheo leo và những đỉnh dốc được cho là còn nguy hiểm hơn cả khu vực nóc nhà thế giới Himalaya.
Chế độ ăn của người Hunza chủ yếu là thực vật và thực phẩm sống. Họ không có nhiên liệu để nấu chín thức ăn, cũng không có nhiều động vật để ăn, vì vậy họ trồng những gì họ có thể và thu thập những phần còn lại. Họ trồng mơ, sơ-ri, nho, mận và đào. Họ cũng ăn nhiều ngũ cốc - lúa mì, lúa mạch và kê.
Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu gọi họ là "Những người hạnh phúc nhất thế giới". Người Hunza có một niềm đam mê và sự thưởng thức cuộc sống nhất định - có được nhờ chế độ luyện tập nghiêm ngặt và lối sống đơn giản.
Như vậy, để được sống lâu, sống khỏe và hạnh phúc như người Hunza, chúng ta cần phải tuân thủ 3 điều sau: ăn hoa quả và rau tươi, tập thể dục hàng ngày và sống lạc quan

Hưng - Hoàng Cúc (theo BBC, Forbes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét