Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

NHÂN QUẢ - NGHIỆP BÁO



"Đã mang lấy nghiệp vào thân"
"Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"
Nguyễn Du

Nói đến Phật Giáo thì không thể không nói tới Nghiệp Báo và Luân Hồi, những nét đặc thù của tôn giáo này. Đành rằng Nghiệp Báo và Luân Hồi có liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng trong bài này chỉ nói về Nghiệp Báo.

Nói đến Nghiệp tức nói đến Nhân Quả, nên Nhân còn được gọi là Nghiệp Nhân và Quả là Nghiệp Quả. Nghiệp Quả còn được gọi là Quả Báo hay Nghiệp Báo. Báo tức là trả lại. Những điều mình đã làm qua suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá khứ và trong hiện tại, tùy theo thiện ác mà lần lần chẳng sớm thì muộn, chẳng ở kiếp này cũng ở những kiếp sau, đều được trả lại tương xứng.
Luận về Nghiệp Báo, tôi lại nhớ đến câu chuyện do một vị học giả Phật Giáo kể cho nghe khi còn ở Sài Gòn vào đầu năm 1988. Nội dung câu chuyện vô cùng súc tích, hàm chứa một triết thuyết cao sâu, nên nghe rồi, tôi nhớ mãi không quên. Câu chuyện đại khái thế này:
Có một lần Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hành cước quang lâm đến một địa phương nọ để thuyết pháp. Tháp tùng Ngài bữa ấy môn đệ kể có hàng trăm. Trên đường đi, một cảnh tượng vô cùng xúc động đã tình cờ diễn ra. Một chủ nô đánh đập một nô lệ đến tàn nhẫn. Người nô lệ quằn quại, đau đớn, khóc lóc, van lạy xin buông tha, nhưng người chủ nô vẫn thịnh nộ xung thiên không ngừng giáng những ngón đòn độc ác lên người nô lệ.
Các môn đệ theo hầu Đức Phật bữa ấy, ai cũng nghĩ rằng thế nào Đấng Từ Phụ cũng dừng chân cứu vớt người nô lệ khốn khổ kia. Nhưng không, Đức Phật cứ bình thản tiếp tục hành trình, như thể không có chuyện gì xẩy ra. Tới nơi, nhân lúc nghỉ ngơi một môn đệ mới long trọng hỏi Phật.
- Bạch Đức Thế Tồn, bữa nay trên đường đi có cảnh người chủ nô đánh đập người nô lệ đến thậm tệ, nhưng chúng con không thấy Đức Thế Tôn dừng chân can thiệp, để người nô lệ khổ đau ấy thoát một nhục hình. Kính xin Đấng Thế Tôn dạy cho.
Đức Phật mỉm cười đáp:
- Cũng như các đạo hữu, ta có thấy cảnh thương tâm bên đường, nhưng người đáng thương trong cảnh này là người chủ nô, chứ không phải là người nô lệ. Người chủ nô ấy không phải không biết lý Nhân Quả, nhưng vì sân giận, đương sự tự ý gieo cấy Nghiệp Nhân thì mai hậu phải gặt hái lấy Nghiệp Quả. Vì tham sân, si, chúng sinh thường chẳng biết sợ Nhân, thật đáng thương thay! Còn người nô lệ kia thì kiếp trước đã gieo Nhân, nay dù có khổ đau đến mấy cũng phải hái cho trọn Quả, âu cũng là lẽ thường. Người có nợ nay gặp duyên trả được nợ thì cũng là điều tốt thôi.
Qua câu chuyện này cũng như qua giáo lý thậm thâm vi diệu của Đức Phật, người đời đã rút ra được những điều sau đây:

1/. Lý Nhân Quả

Trong quá khứ hay trong hiện tại, ai gieo Nhân tốt, Nhân lành thì trước sau chắc chắn sẽ được sung sướng, vui vẻ mà hái Quả tốt, Quả lành. Trái lại ai gieo Nhân xấu, Nhân ác thì sớm muộn phải hái Quả xấu, Quả ác, không trốn tránh đâu cho thoát được. Đã có Nhân thì phải có Quả. Hẳn là trong chúng ta không ít người đã nghe câu: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì" nghĩa là làm lành hay làm dữ rốt cuộc đều có quả báo, chẳng qua sớm muộn mà thôi.
Người nô lệ gieo Nhân ác kiếp nào, nay phải hái lấy Quả ác. Người chủ nô đang gieo một Nhân xấu. Trong tương lai xa gần nào đó, đương sự cũng sẽ phải hái lấy Quả xấu.

2/. Sự chặt chẽ của tương quan Nhân Quả


Có Nhân thì phải có Quả. Không bao giờ có Nhân mà lại không có Quả và cũng chẳng bao giờ có Quả mà lại không có Nhân. Và Nhân nào thì quả nấy. Nhân tốt thì Quả tốt, Nhân xấu thì Quả xấu. Không hề có chuyện Nhân tốt lại có Quả xấu hay Nhân xấu mà lại có Quả tốt bao giờ.
Ai gieo Nhân thì đích thân người ấy phải hái Quả. Hiện tượng kẻ gieo, người hái không bao giờ xẩy ra. Phước ai nấy hưởng, họa ai nấy mang. Không ai có tài gì mà đem họa, phước của mình san sẻ cho người khác được, ngay cả đến liên hệ huyết thống chí thiết nhất như giữa cha mẹ với con cái cũng vậy. Những câu như "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" hay "cha mẹ hiền lành để đức cho con" chỉ là những nhận định vội vàng, hời hợt mà thôi. Nghiệp Báo không giống như tài sản, không thể đem chia ra và truyền lại cho con cháu được. Nghiệp Báo hoàn toàn có tính cách cá nhân và bất khả chuyển nhượng.
Người tây phương cũng nói: "Everyone must carry his own cross" nghĩa là con người ai cũng phải mang lấy cây thánh giá của chính mình.
Ai gieo Nhân tốt sẽ được hái trọn Quả tốt tức hằng được đến những nơi vui vẻ, sung sướng, cao sang. Ai gieo Nhân xấu sẽ phải hái trọn Quả xấu, tức thường phải lui tới những chốn đau khổ, cơ cực, hèn kém.
Nhân và Quả luôn luôn tương xứng. Quả chỉ chấm dứt khi đã tương xứng với Nhân. Nói khác đi tương quan Nhân Quả không những chặt chẽ mà còn thể hiện lẽ công bình tuyệt đối nữa.
Trong câu chuyện trên, Đức Phật đại từ, đại bi không thể không thông cảm sâu sắc nỗi đau đớn ê chề của người nô lệ, nhưng Ngài cũng không thể can thiệp để thay đổi tương quan Nhân Quả được, đành làm thinh để đương sự hái trọn Quả xấu đã gieo trồng.
Nếu không muốn hái Quả xấu, Quả ác thì chỉ có một điều là đừng gieo Nhân xấu, Nhân ác, thế thôi. Còn đã lỡ gieo rồi thì "không phải bay lên trời cao, lặn xuống biển sâu hay chui vào hang núi mà ta có thể tìm đặng một nơi nào trên thế gian này giúp ta lẩn tránh Quả dữ của Nghiệp xấu" (Kinh Pháp Cú) được.
Nhưng người đời dù đã ý thức được mối tương quan vô cùng chặt chẽ giữa Nhân và Quả như trường hợp người chủ nô nói trên, vẫn tự ý gieo trồng Nhân xấu bừa bãi, đến khi duyên tới phải thọ lãnh Quả xấu mới sợ hãi, kêu than, đúng là "Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả". Các vị Bồ Tát sợ gốc, chúng sinh chỉ sợ ngọn. Thật vậy, vì tham, sân, si, chúng sinh đam mê, mù quáng gieo trồng không biết bao nhiêu Nhân xấu, bất kể những lời can gián, cản ngăn, dạy dỗ. Đến khi Quả xấu xô đến, đổ vào mới kinh hoàng, hoảng sợ, thống thiết van lạy chư Phật mười phương, cầu xin giảm khinh, tha thứ. Dù có may mắn gặp được vị Phật bằng xương, bằng thịt như trường hợp người nô lệ kia thì Ngài cũng chẳng cứu giúp được.
Đức Phật dĩ nhiên không mang họa đến cho ai, nhưng Ngài cũng không ban phước cho ai. Phước họa là do ta. Chính ta mới là tác nhân tạo nên phước họa. Đức Phật chỉ phát hiện con đường hạnh phúc rồi trong một tình thương bao la, cùng khắp, Ngài chỉ cho chúng sinh biết con đường ấy mà đi. Biết rồi, đi hay không, đi nhanh hay đi chậm thì tùy mỗi người. Đi thì chắc chắn an vui, hạnh phúc. Còn không đi mà gặp phiền não, khổ đau, sợ hãi có cầu xin Ngài cứu giúp, thì Ngài cũng không thể xót thương người này ít mà giảm khinh cho, và kẻ kia nhiều mà xóa sổ dùm.
Đã có Nhân thì chắc chắn sẽ có Quả, và thời gian từ Nhân đến Quả dài ngắn không chừng.
Có khi vừa gieo Nhân đã có Quả liền. Nhân đấy mà Quả cũng đấy. Đó là Nhân Quả Tức Thì. Như trường hợp một người vừa khởi sự thực hành Chánh Niệm, tức sống trọn vẹn với hiện tiền, đã lập tức giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Có khi gieo Nhân rồi thì chẳng mấy chốc đã có Quả. Từ Nhân đến Quả chỉ là một thời gian ngắn. Đó là Nhân Quả Nhãn Tiền (Nhân Quả trước mắt).
Trong Phật học có chuyện người thợ săn kia một hôm vào rừng săn thú, nhưng đi cả buổi mà chẳng săn được con thú nào. Y cho rằng ban sáng ra đi gặp phải vị tỳ khưu bên đường, nên mới xui xẻo vậy. Chiều đến, y trở về tay không, tình cờ gặp lại vị tỳ khưu ban sáng. Y đùng đùng nổi giận xua bầy chó săn cắn xé vị tỳ khưu cho bõ ghét. Vị Tỳ khưu liền trèo lên một cây cao để tránh bầy chó dữ. Nhưng người thợ săn chưa hả giận còn chạy lại gốc cây, dương cung bắn lên vị tỳ khưu. Trong lúc đau đớn, sợ hãi vị tỳ khưu lúng túng đánh rớt áo cà sa vàng xuống. Áo cà sa chụp lên người thợ săn. Bầy chó dữ thấy có người cựa quậy trong áo cà sa, ngỡ là vị tỳ khưu, nên xô nhau lại cắn xé chính chủ chúng. Người thợ săn vừa mới xua chó cắn người, đã bị chó cắn lại. Từ Nhân tới Quả chỉ trong khoảnh khắc.
Có khi Nhân gieo rồi một thời gian tương đối dài sau mới có Quả, nhưng Nhân và Quả cùng trong một kiếp. Đó là Nhân Quả Đồng Kiếp. Như trường hợp một người ăn ở bất kính với cha mẹ, sau sinh con bội bạc, bất nghĩa. Dĩ nhiên loại Nhân Quả Tức Thì và Nhân Quả Nhãn Tiền cũng nằm trong loại Nhân Quả Đồng Kiếp này. Nhưng vì Nhân và Quả cùng trong một kiếp, khiến chúng sinh có thể liên tưởng và thấy rõ mối tương quan Nhân Quả, nên loại Nhân Quả Đồng Kiếp này đôi khi cũng được gọi là Nhân Quả Nhãn Tiền để nhấn mạnh đến mối tương quan chặt chẽ giữa Nhân và Quả.
Có khi gieo Nhân từ kiếp nảo, kiếp nào nay mới có Quả. Đấy là Nhân Quả dị kiếp. Với loại này thì chỉ có các bậc đại giác với Phật nhãn mới thấy biết được mối tương quan giữa Quả kiếp này và Nhân từ tiền kiếp xa lắc nào đó.
Người nô lệ nói trên đã gieo Nhân từ kiếp trước, đương sự không biết. Các vị môn đệ tháp tùng Đức Phật bữa ấy cũng không biết. Nhưng Đức Phật thì thấy rõ đương sự kiếp trước đã gieo Nhân, nay phải hái Quả, kiếp trước có nợ, nay phải trả nợ, nên Ngài mới làm thinh bước đi vì Ngài có can thiệp thì bất quá cũng chỉ hoãn một phần nợ cho đương sự mà thôi.
Chắc hẳn có người không đồng ý với thái độ này của Đức Phật và cho rằng nếu Ngài can thiệp và hoãn một phần nợ cho người nô lệ thì vẫn hơn là lặng lẽ làm ngơ. Và can thiệp, Đức Phật còn tỏ lộ được lòng thương xót vô biên của Ngài đối với chúng sinh. Đành rằng có nợ thì trước sau cũng phải trả nợ, nhưng món nợ lớn mà trả một lần thì khổ đau chất ngất, còn nếu được trả làm nhiều lần thì khổ đau được chia ra, giảm nhẹ. Con nợ cũng trả hết nợ, nhưng được trả dần thì đỡ khổ đau hơn nhiều.
Vì có sẵn tâm Từ, tâm Bi nên chúng ta nghĩ vậy. Thấy người khổ đau ta vội vàng đem lòng cứu giúp là rất nên, rất tốt, rất đúng. Có thể hành động cứu giúp của chúng ta chẳng mang lại hiệu quả gì trực tiếp, rõ rệt, nhưng ít ra ta cũng đã gieo được một Nhân lành. Thấy người khổ đau mà không mau lẹ tìm phương cứu giúp là đã bỏ lỡ một dịp may bằng vàng để gieo Nhân tạo phước.
Nhưng Đức Phật là bậc đại từ, đại bi. Có thể Ngài muốn cho chúng sinh thấy biết và ý thức được sâu sắc cái cường độ ghê gớm của Ác Quả, để từ đó mới giác ngộ mà học tập các vị Bồ Tát biết sợ gieo Nhân, chứ không phải đợi đến lúc thọ Quả rồi mới biết sợ. Phiền não tức Bồ Đề là thế. Khổ đau vẫn thường là ông thầy hữu hiệu nhất xưa nay. Chúng ta giúp người ở giai đoạn hái Quả. Đức Phật giúp chúng sinh ở giai đoạn gieo Nhân. Chúng ta nhắm trị cái ngọn. Đức Phật nhắm trị cái gốc. Trị ngọn thì khổ đau vẫn còn. Trị gốc thì khổ đau dứt tuyệt.
Cũng lại có thể Đức Phật bữa ấy cố tình chọn một thái độ như vậy vì Ngài muốn lợi dụng biến cố bên đường để dạy cho môn đệ và chúng sinh một bài học về Nghiệp Báo.
Trong bốn loại Nhân Quả nói trên thì chỉ duy trong Nhân Quả Tức Thì, Nhân và Quả như 2 mặt của một đồng tiền. Có mặt này là lập tức có mặt kia. Còn với ba loại kia thì Nhân còn phải chờ duyên. Bao giờ hội đủ thuận duyên thì Nhân mới trổ sanh Quả được. Nếu gặp nghịch duyên thì quá trình trổ Quả sẽ trì hoãn, kéo dài và có thể triệt tiêu luôn, nghĩa là Quả không trổ sanh nữa. Hạt lúa kia chẳng hạn được gieo xuống đất sẽ chỉ trổ thành cây lúa khi có đủ thuận duyên như khí trời, ánh sáng, nhiệt độ, và ẩm độ thích hợp v.v... Nếu gặp nghịch duyên như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp hay không có ẩm độ vừa phải, hay thiếu ánh sáng, khí trời v.v... thì cây lúa không trổ sanh được trong một thời gian bình thường, hoặc hạt lúa có thể bị hư thối, thui chột và vĩnh viễn không mọc thành cây lúa được nữa.
Nếu gieo toàn Nhân tốt thì Quả tốt sẽ mau chóng nở rộ còn nếu gieo toàn Nhân xấu thì Quả xấu cũng mau chóng trổ sanh. Những cái Nhân cùng tên (Nhân tốt gặp Nhân tốt hay Nhân xấu gặp Nhân xấu) hợp tác, phụ họa, đun đẩy nhau và thuận duyên trong những trường hợp này cũng mau chóng xuất hiện để gia tốc quá trình Nhân Quả. Những cái Nhân không cùng tên (Nhân tốt gặp Nhân xấu hay Nhân xấu gặp Nhân tốt) cản trở, níu giữ nhau và thuận duyên lại như chậm trễ để trì hoãn quá trình. Hơn thế, Nhân lại còn tùy tương quan tốt xấu mà triệt tiêu nhau nữa. Một Nhân tốt lại gặp phải nhiều Nhân xấu, hoặc một Nhân xấu lại gặp được nhiều Nhân tốt thì có thể trở nên thui chột và không trổ Quả nữa.
Nói cách khác thì nếu chỉ có một Nhân duy nhất, tốt hoặc xấu, thì chắc chắn sẽ có quả, tốt hoặc xấu, tương xứng với Nhân. Nhưng thông thường thì có cả một tập hợp Nghiệp Nhân tốt, xấu, lành, ác, lẫn lộn. Chúng tác động qua lại để hoặc gia tốc hay trì hoãn quá trình Nhân đến Quả hoặc giảm thiểu hay triệt tiêu luôn Nghiệp Quả.
Con người trong cuộc sống thường đã gieo trồng Hằng hà sa số là Nhân, tốt có, xấu có, lành có, ác có. Có người Nhân tốt, Nhân lành nhiều. Có người Nhân xấu, Nhân ác nhiều. Tốt, xấu, lành, ác trộn lẫn vào nhau thành một tập hợp vô cùng phức tạp. Lại thêm, trong quá trình từ Nhân đến Quả thì chính Nhân và Quả cũng biến thành duyên vừa thuận, vừa nghịch để tạo điều kiện thích hợp gia tốc hay trì hoãn quá trình. Cái phức tạp này phàm trí ta không thể nghĩ bàn.
Tuy phức tạp là thế nhưng có một bộ máy lưu trữ, lựa chọn, sàng lọc, cân đo, bù trừ, theo dõi đâu vào đấy, không sai, không lẫn, tuyệt đối vô tư, tuyệt đối công bình để định nên phước, họa của một người. Bộ máy ấy có nhiều tên gọi như Thượng Đế, Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng, Đấng Cao Xanh v.v... Trong Phật Giáo thì gọi là Tâm. Việc làm này của Tâm thì đúng là ngoài sức tưởng tượng của thế nhân. Đúng vậy, đây là một việc làm vô cùng phức tạp vô cùng huyền diệu, phức tạp và huyền diệu đến chỗ chẳng biết gọi là gì, nên gọi là Định Mệnh.
Trong cõi Ta Bà này, nơi nào cũng có cảnh ấm no, sung túc, cao sang, hạnh phúc xen lẫn với cảnh đói rét, thiếu thốn, hạ tiện, khổ đau. Cảnh trên dành cho những người đã giác ngộ lý Nhân Quả và ra sức gieo trồng nhiều Nhân tốt, còn cảnh dưới dành cho những người vì quá tham, sân, si đã gieo cấy nhiều Nhân xấu. Dĩ nhiên hai cảnh ấy biến hóa khôn lường và có vô số mức độ khác nhau vì số Nhân tốt, xấu gieo trồng chẳng ai giống ai. Nhân đã thế, duyên đã thế thì cuộc sống phải thế chứ. không thể khác được, trừ trường hợp ta đã ra sức nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt, để tự mình chủ động đổi thay cuộc sống của bản thân.
Người viết đã hốt nhiên thực chứng điều này vào năm 1980 khi còn là 1 tù nhân trong trại Ba Sao (Nam Hà). Trong một căn phòng giam nhốt 60 người tù, nhưng chẳng ai giống ai. Tuy cùng là thân phận tù đày, tuy được Cộng Sản gọi chung một tên là Ngụy Quân, cùng chịu chung một chế độ lao tù khắc nghiệt, nhưng mỗi người mỗi khác. Ngoại hình khác nhau, gia cảnh khác nhau, sức khỏe khác nhau, việc làm khác nhau (người phải làm việc nặng, kẻ được làm việc nhẹ), no đói khác nhau (Người có vợ con thăm nuôi, no nê quanh năm, kẻ chẳng có thân nhân nào ngó tới, đói rụng, đói rời). Người được tương đối bình an trong khám, kẻ thì bệnh hoạn rê rề, lại còn vướng vào chuyện nọ, chuyện kia, bị lôi ra, kéo vào, cùm kẹp, biệt giam, đánh đập, bỏ đói v.v... Thời gian ở tù cũng kẻ dài, người ngắn. Tóm lại chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh, tựu trung chỉ tùy vào tương quan Nhân Quả nơi mỗi cá nhân, nghĩa là tùy vào số Nhân tốt, xấu mà một người đã tự ý gieo trồng. Cái gọi là định mệnh thiên sai vạn biệt của nhân sinh chính là tập hợp những Quả đa dạng của số Nhân này. Đức Phật cũng dạy: "Chính vì cái Nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác, nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sinh".

3/. Nhân không tự hoại

Nhân một khi đã gieo thì cứ nằm đó. Nhân không tự hoại. Nếu không bị hoại thì Nhân cứ mãi mãi nằm đó để chờ duyên. Khi nào hội đủ thuận duyên thì Nhân liền trổ Quả. Trong kinh nói: "Dã sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ". Nghĩa là người tạo ra một nghiệp gì dầu trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất. Khi Nhân duyên đến rồi, Quả Báo này phải lãnh.
Người nô lệ gieo Nhân xấu kiếp nào nay Duyên đến phải hái Quả xấu. Người chủ nô đang gieo Nhân xấu, đến một thời điểm nào đó sau này khi hội đủ thuận duyên cũng sẽ phải hái Quả xấu, nếu như đương sự sau đó không sám hối hay không gieo trồng nhiều Nhân tốt để vô hiệu hóa hay triệt tiêu Nhân xấu này.
Tất cả Nhân mà một người đã gieo trồng đều được lưu giữ. Lưu giữ ở chỗ nào thì không ai biết, nhưng y như có một cái kho tồn trữ vô hình tuyệt đối an toàn dung chứa tất cả số Nhân của một người. Cái kho ấy Phật Giáo gọi là A-Lại-Da-Thức hay Đệ Bát Thức. A-Lai-Da-Thức theo sát người chủ nó từ kiếp này sang kiếp khác như bóng vói hình, "như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe", theo mãi cho đến lúc không còn Nghiệp Nhân, nghĩa là cho tới khi đoạn tận Nghiệp Quả, tức thoát vòng luân hồi sinh tử mới thôi.

4/. Một vài đặc tính của Nghiệp Báo.

Tuy bị chủ nô đánh đập tàn nhẫn, nhưng người nô lệ không có nợ với người chủ nô. Nếu có, thì sao Đức Phật lại nói là người chủ nô vì sân giận đang gieo một Nhân xấu và trong tương lai sẽ phải hái một Quả xấu. Vậy thì rõ ràng người chủ nô không phải là chủ nợ đang lấy nợ. Y chỉ là một loại thuận duyên để ngưòi nô lệ trả nợ mà thôi. Nợ Nghiệp Báo khác xa nợ thế gian. Nợ Nghiệp báo không đặt vấn đề không gian, thời gian và cũng không nhất thiết là phải trả cho chủ nợ. Cứ khi nào hội đủ thuận duyên là con nợ phải trả, trả bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và trả cho bất cứ ai cũng được. Trả rồi thì nợ xóa, thế thôi. Như thể có một siêu tổ chức đảm nhiệm ghi nợ, theo dõi và lấy nợ. Còn nợ thế gian thì tuy hầu hết không đặt vấn đề không gian, nhưng vấn đề thời gian thì phải được tôn trọng, nghĩa là nợ phải được trả vào một ngày tháng rõ rệt mà hai bên chủ nợ và con nợ đã thuận tình và sau là nợ phải được trả cho chính chủ nợ. Nợ thế gian có thể quỵt, có thể trốn, nhưng nợ Nghiệp Báo thì không. Lại nữa, nợ thế gian thì vay ít trả nhiều vì phải trả lãi, nhưng nợ Nghiệp Báo thì còn tùy vào cá nhân con nợ. Không nhất thiết là vay trả phải tương xứng. Nếu con nợ biết hối cải, dốc lòng làm điều thiện, luôn lấy tâm Từ, tâm Bi đối xử với chúng sinh, nghĩa là đã gieo vô số Nhân tốt thì có thể nợ mười chỉ phải trả năm, sáu, hoặt ít hơn nữa, hoặc được xóa luôn. Thành ra 2 con nợ cùng có một món nợ tương tự, nhưng trả ít, trả nhiều thì còn tùy mỗi người. Đức Phật dạy một muỗng muối mà cho vào một chén nước thì mặn, nhưng đem đổ xuống sông Hằng (Ganges) thì nước sông đâu có chút mặn nào là vậy.
Trong Phật học có chuyện Đề Bà Đạt Đa lăn đá từ trên núi cao xuống, toan giết Đức Phật, nhưng tảng đá chỉ làm trầy chân Ngài mà thôi. Trong một tiền kiếp Đức Phật có lỡ tay đánh chết một người em khác mẹ trong một vụ tranh chấp tài sản, nên kiếp này Ngài phải chịu Nghiệp Báo. Nhưng vì đạo đức của Ngài cao cả vô song, nên Ngài vay nhiều mà chỉ phải trả chút đỉnh. Cái Nhân Ngài gieo là giết chết một mạng người, mà cái Quả Ngài thọ chỉ là một sự trầy da qua quéo mà thôi.
Chư Phật, chư Bồ Tát cũng không tránh khỏi Nghiệp Báo. Dù chỉ còn chút đỉnh, các Ngài cũng phải trả cho xong rồi khi viên tịch mới nhập Vô Dư Niết Bàn và vĩnh viễn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật có xác nhận rằng đây là kiếp sống cuối cùng của Ngài ở thế gian này.

5/. Tự do ý chí

Qua pháp Nghiệp Báo, Phật Giáo đề cao tự do ý chí. Con người được tự do lựa chọn chiều hướng trong suy nghĩ, nói năng, hành động và chịu trách nhiệm về mọi sự lựa chọn ấy. Tạo phước thì hưởng, gây họa thì gánh, không thể đổ thừa, trách cứ thế lực ngoại lai nào. Chẳng có Đấng Toàn Năng nào ban phước, giáng họa cho mình cả.
Đức Phật dạy: "Làm ác do nơi ta. Làm cho ta dơ bẩn do nơi ta. Không làm ác do nơi ta. Làm cho ta trong sạch cũng do nơi ta. Cả hai: dơ bẩn và trong sạch chỉ tùy thuộc nơi ta. Không ai có thể làm cho ta trong sạch”.
Người nô lệ đang phải chịu cái họa do chính y gây ra và người chủ nô trong tương lai cũng sẽ như vậy nếu y không có những Nhân lành để bù trừ, bạch hóa. Con người chủ động tạo ra số phận của mình và dĩ nhiên cũng chủ động cải tạo số phận ấy.
Nghiệp báo như trên đã nói là một trong những điểm đặc thù của Phật Giáo. Nghiệp báo không giống thuyết Định Mệnh, vì thuyết này cho rằng con người hoàn toàn thụ động, nghĩa là không có một vai trò nào đối với cuộc sống của chính mình. Mọi điều phước, họa, cát, hung đều do một Đấng Tối Cao định đoạt. Con người chỉ biết cúi đầu chấp nhận, phước thì may mà họa thì đành, chứ không thể tự mình chủ động sửa đổi được số phận Trời ban, Trời bắt ấy.
Với thuyết Định Mệnh này xem ra khó lý giải được những khác biệt vô cùng phong phú trong cõi nhân sinh và lại như hàm chứa một sự bất công. Người ta không hiếu tại sao lại có cảnh người ăn không hết, kẻ lần không ra; người tiền chôn bạc cất, kẻ nghèo túng xác xơ; người phương phi đĩnh ngộ, kẻ kỳ tướng dị hình; người thông minh tuấn tú, kẻ ngu si đần độn; người thọ, kẻ yểu; người cao sang quyền lực, kẻ hạ tiện thế cô v.v...
Ai may mắn được ban phước thì hẳn là vui sướng và hết lòng xưng tán Đấng Tối Cao, còn ai kém may mắn phải lãnh họa chắc cũng thắc mắc, băn khoăn, oán trách.
Nhưng có ngưòi lại cho rằng pháp Nghiệp Báo cũng chẳng khác gì thuyết Định Mệnh. Con người cũng phải chấp nhận cuộc sống hiện tại vì sống là thọ nghiệp Quả của vô số nghiệp Nhân đã gieo trồng từ những kiếp trước rồi.
Đúng là cuộc sống của mỗi người chỉ là Nghiệp Báo, nhưng theo Phật Giáo thì Nghiệp Báo không phải là cái gì tiền định, bất khả lay chuyển, bất khả di dịch mà trái lại con người có khả năng và chủ động sửa đổi Nghiệp Báo để từng bước chuyển đổi cuộc sống hiện hữu và cuộc sống tương lai từ khổ đau đến hạnh phúc, từ hạnh phúc đến hạnh phúc hơn, bằng cách gieo trồng nhiều Nhân tốt ngay tại kiếp này. Nhân Quả có loại dị kiếp nhưng cũng có loại đồng kiếp cơ mà.
Xem thế thì Nghiệp Báo và Luân Hồi trong Phật Giáo không những có thể đem lại một giải đáp suôn sẻ cho mọi thắc mắc, băn khoăn của con người về những sai biệt của cuộc sống thế gian, mà còn khuyến khích con người ra sức kiến tạo một nếp sống lương thiện và hằng cứu giúp để chủ động cải đổi số phận mình ngày thêm tốt đẹp và từ đó dẫn đến một xã hội an vui, hòa ái và giầu lòng tương trợ, một xã hội lý tưởng mà nhân loại đã và đang mỏi mắt kiếm tìm.
Là Phật tử đã liễu ngộ được đệ nhất đế trong Tứ Diệu Đế hẳn ai cũng muốn thoát vòng sinh tử luân hồi. Nhưng Luân Hồi do đâu mà có?
- Theo Phật học thì Nghiệp Báo chính là cội nguồn, gốc gác của Luân Hồi. Còn Nghiệp Báo thì còn nghiệp lực đẩy xô khiến con người mãi mãi sinh tử trôi lăn trong vô lượng kiếp. Nghiệp ác thì trôi lăn trong khổ đau. Nghiệp thiện thì trôi lăn trong hạnh phúc. Chắc có người cho rằng cứ ra sức gieo cấy tối đa Nhân lành để được luân hồi trong hạnh phúc là được rồi, hà tất phải giải thoát khỏi sinh tử, tử sinh. Đành rằng luân hồi trong hạnh phúc thì hơn hẳn luân hồi trong khổ đau. Nhưng trong cõi Ta Bà này nào có ai, dù sống trong hạnh phúc, mà tránh được tám cái khổ vốn bám chặt lấy cõi nhân sinh là sanh, già, bệnh, chết, yêu thương xa lìa, thù ghét gặp gỡ, cầu không được ước không nên và ngũ ấm xí thạnh? Ai là người trốn được luật Vô Thường chi phối cõi đời này? Luật ấy xui khiến mọi vật ở thế gian, biến đổi từng phút, từng giây, nay thế này, mai thế khác. Những cảnh phế hưng, bĩ thái, thăng trầm, còn mất cứ theo nhau như sóng triều tiếp nối không ngừng. Cuộc tang thương dâu bể có chừa ai đâu. Và cuộc đổi thay nào cũng có mặt hay cũng tiềm ẩn phiền não, khổ đau và sợ hãi cả. Tóm lại, đã có mặt ở cõi Ta Bà này thì cứ hữu thân là hữu khổ, dù cái thân ấy có sống trong giầu sang, quyền thế đến mấy đi nữa. Hơn thế, cái hạnh phúc tương đối, phù du của thế gian làm sao so sánh được với cái hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh cữu của cõi Cực Lạc hữu thường, vô tử, vô sanh.
Nghiệp Báo đã là cội gốc của Luân Hồi. Vậy muốn thoát Luân Hồi thì phải quét sạch Nghiệp Báo. Nhưng Nghiệp Báo do đâu mà có? Phật học định nghĩa Nghiệp là những hành động có tác ý (cetanà) của thân, miệng, ý. Tuy nói là thân, miệng, ý, nhưng ý mới thật là chính danh thủ phạm gây tạo Nghiệp nhân. Vì ý có khởi suy nghĩ thì miệng mới nói năng, chân tay mới hành động. Ý có tham, sân, si thì miệng mới nói những điều gian dối; độc ác; thêu dệt (bé xé ra to, ít xít thành nhiều); dục bị, xui nguyên và thân mới chém giết, trộm cắp, tà dâm. Có tác ý nghĩa là có tư tưởng xen vào. Cứ có tư tưởng là có Nghiệp Nhân, hay nói khác đi thì tư tưởng là đầu giây, mối nhợ, gốc gác, cội nguồn của Luân Hồi, chứ không còn gì khác nữa. Cũng vì vậy Phật Giáo đề cao Sám Hối. Sám hối là sau khi làm một điều chẳng lành liền biết ăn năn, hối hận và quyết tâm không tái phạm nữa. Sám hối tùy theo mức độ thành khẩn có hiệu lực to lớn như giảm thiểu ảnh hưởng hoặc triệt tiêu Nhân xấu. Sám hối là sự chuyển hướng của tư tưởng. Tư tưởng chuyển thì Nghiệp Báo chuyển. Tư tưởng dứt thì Nghiệp Báo dứt.
Hành động của chư Phật, chư Bồ Tát không tạo Nghiệp Nhân vì các Ngài luôn sống trong Chánh Niệm, một trạng thái phi tư tưởng. Còn chúng sinh thì hành động nào cũng bị tư tưởng chi phối nên cũng đều gieo cấy Nghiệp Nhân. Còn có mặt của tư tưởng trong mọi hành động thì con người, Nghiệp Báo còn dài, và còn phải mãi mãi trôi lăn, chìm đắm, luân hồi chẳng biết đến bao giờ.
Cũng vì thế trước sau hai pháp cao tột, rốt ráo mà người Phật Tử nên tinh tấn hành trì vẫn chỉ là Chánh Niệm và Tứ Niệm Xứ. Thực hành Chánh Niệm hay Tứ Niệm Xứ là sống trọn vẹn với hiện tiền, tức phi tư tưởng vậy. Trong tức thì, phi tư tưởng giúp ta giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi, nghĩa là đưa ta vào cảnh giới giải thoát, vào Hữu Dư Niết Bàn ngay trong cuộc sống này, ở thế gian này. Một khi đã giải thoát thì tâm thái mới trở nên an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt, tình yêu thương chân chính mới ló dạng, và từ đó gia đình mới thật sự hạnh phúc, xã hội mới thật sự an lạc và thế giới mới thật sự hòa bình. Về lâu, về dài phi tư tưởng sẽ đưa ta ra khỏi luân hồi sinh tử, nhập vào cảnh giới Vô Dư Niết Bàn, một cõi hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh hằng chỉ dành cho những người đã dũ sạch Nghiệp Báo.


TRÍCH: GIẢI THOÁT TỨC THÌ
Tác giả: Nhi Bất Nhược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét