Mẹ tôi có cách dạy con không giống như những người mẹ khác trong làng, không roi vọt, không những lời quở trách, mắng nhiếc hay dọa dẫm. Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu chuyện có hậu, những câu chuyện đời thường có kết cục gần giống như những cái kết trong truyện cổ tích, hay những tấm gương về người tốt trong cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện của mẹ không có bà tiên, ông Bụt nhưng lại có đủ sức mạnh, để cảm hóa những tâm hồn non nớt ngày ấy của chúng tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ của miền Trung. Bố tôi mất sớm. Nhà tôi có ba chị em gái, mình mẹ phải vất vả nuôi chúng tôi ăn học nên người.
Hiện tại, chị em chúng tôi đều thành đạt và đã có gia đình. Nhiều lúc, vì áp lực công việc tôi đã dạy con bằng những lời nặng nề, những câu dọa dẫm. Tất cả chỉ mong chúng nên người, nhưng ngược lại chúng lại buồn bã và đôi lúc lại tỏ ra... bất mãn với tôi. Bất chợt tôi nhớ về mẹ, nhớ về từng lời dạy dỗ ngày xưa. Những lời dịu dàng của mẹ như một sự nhắc nhở cho tôi về tình yêu thương, sự quan tâm đến con cái nhiều hơn. Và chính tình yêu thương xuất phát từ trái tim để đi đến trái tim, nó đã có sức mạnh hơn những roi đòn, mắng nhiếc.
Mẹ tôi đã dạy chị em tôi rất nhiều, nhưng điều làm tôi nhớ và biết ơn mẹ nhiều nhất đó là mẹ dạy con bằng chữ “nghiệp”. Lạ thay, chỉ với một chữ giản dị ấy đã theo tôi suốt một đời. “Không làm điều ác, không chửi bới người khác, phải luôn giúp đỡ những người yếu hơn mình. Nếu không sẽ gieo nghiệp”. Mà ai gieo nghiệp, thì sau này sẽ gánh cái nghiệp mà mình đã gieo, và tất nhiên sẽ khổ suốt đời. Nếu không bị báo ứng ngay trong kiếp này thì khi chết xuống.... âm phủ sẽ bị đày đọa. Hiểu một cách nôm na theo ý mẹ, đó là ở ác sẽ gặp quả báo ác.
Câu chuyện về chữ nghiệp của mẹ làm tôi nhớ mãi: Ngày ấy, nhà tôi có nuôi một con gà trống để dành giỗ cha, nhưng gần đến ngày giỗ thì bất thình lình bị hàng xóm bắt mất. Chị em tôi định qua chửi cho lão hàng xóm hay ăn cắp vặt biết tay. Nhưng mẹ tôi ngăn lại với lý lẽ: “Người ta ăn thì mình khỏi ăn, có gì đâu mà các con tức tối, bận tâm. Nếu sang chửi thì con gà cũng không sống lại, mà các con sẽ mang... nghiệp vào thân đấy. Các con thấy bà Gạo ở đầu làng không, vì kiếp trước ăn nói xấc xược, thích gây gổ, chửi nhau nên kiếp này miệng bị lệch qua một bên đó, các con thấy chưa?”.
Hình ảnh bà cụ miệng lệch sang một bên, thường hay thất thểu đầu làng cuối xóm để lượm ve chai, thoáng thấy chúng tôi đã sợ xanh mặt. Nên thôi, chúng tôi quyết định không cãi vã gì nữa. Và cho dù sau này lớn lên, lập nghiệp nơi khác, trong cách ứng xử với đồng nghiệp, hay bạn bè, ít có khi nào tôi gây gổ hay nói nặng lời một ai đó đã làm tổn thương mình.
Không những dạy con cách đối đãi hàng xóm, mẹ còn dạy chúng tôi biết yêu thương nhau bằng những cụm từ “nếu không...”. Nếu không làm việc đức, thì con cháu của chúng ta sẽ khổ. Nếu không biết nỗ lực vươn lên, thì suốt đời ta sẽ như một đám lửa tàn. Nếu không biết thương yêu, nhường nhịn thì chúng ta sẽ gặp rắc rối, và cuộc sống sẽ chẳng có lúc nào bình yên.
Bởi vậy, dù trong một gia đình toàn con gái nhưng ba chị em tôi không bao giờ đánh nhau hoặc ganh tỵ điều gì. Bởi chúng tôi thương và tin vào những lời mẹ dạy. Mặc dầu, những cụm từ đằng sau chữ “nếu không...” luôn xa vời với chúng tôi về một thế giới khác, ở cái... kiếp nào đó.
Nhiều lúc tôi ngẫm lại thấy cách dạy của mẹ hay biết bao nhiêu. Mẹ vừa dạy cho chúng tôi tình yêu, lòng tin vào những điều tốt đẹp, vừa dạy cách đối nhân xử thế. Ngày xưa, mẹ ít học lắm. Mẹ không học đến cao học như chúng tôi bây giờ. Nhưng những bài học về làm người chỉ ở mẹ mới có, những câu nói không có trong sách vở nhưng đã làm cho chúng tôi biết sợ, biết tin, biết yêu vào cuộc đời.
Với tôi, mẹ là người tuyệt vời nhất, là người đã vẽ nên những cái kết có hậu trong cuộc sống. Mà ở đó con người không biết làm điều ác, chỉ biết yêu thương và san sẻ. Bởi khi ta cho đi những gì, thì ta sẽ nhận lại những thứ ấy. Cảm ơn tình yêu, cảm ơn những lời dạy dỗ của mẹ, để cho chúng con trưởng thành, biết sống hơn trong cuộc đời đầy những lo âu và muộn phiền này.
Thanh Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét