Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Bí ẩn Ấn Độ

Có lẽ không nơi nào trên thế giới nhiều thần thánh như Ấn Độ. Người Hinđu có trên ba ngàn vị thần. Thần nào cũng có chuyện về thần ấy. Nghe chuyện thần mới biết các vị cũng bê bối không kém người trần. Nóng tính, hám chuyện trăng hoa, ghen tuông, tham quyền lực.
Tôi đã chẳng ghé thành cổ Goa, nơi từng được mệnh danh "Thành Rome của phương Đông" dưới đế chế Bồ Đào Nha. Cũng chẳng đến Delhi, chứng nhân lịch sử từ thời các vị hoàng đế Mughal, British Raj, đến những kỷ nguyên sau độc lập. Chẳng đi thăm nơi Gandhi bị ám sát nay trở thành đền thờ quốc gia. Chẳng dừng lại Mumbai xem hang động Buddhist Kanheri nơi các nhà sư ở và thiền trong suốt bốn tháng mùa mưa. Chẳng tới chỗ có tượng thần Shiva tạc bằng đá cao năm thước rưỡi. Chẳng tìm coi kiến trúc kỳ vĩ của lăng Taj Mahal đã được xếp vào di sản thế giới. Tóm lại là chẳng đi được đến những chỗ thiên hạ nhắc tên.
Suốt thời gian năm tuần ở Ấn Độ tôi hầu như chỉ quẩn quanh ở mỗi cái góc nhỏ lọt thỏm trong những dãy nhà tăm tối nghèo nàn giữa thành phố Pune ồn ào sôi động. Cái góc ấy có tên Kabir Baug, một học viện nghiên cứu, giảng dạy và thực nghiệm yoga.
Lúc đầu cái hơi hướng có vẻ tôn giáo ở đây khiến tôi thấy lạc lõng. Qui định như không cá thịt, không rượu bia, không thuốc lá, nói năng ăn mặc phải đứng đắn, vào gian chánh điện bỏ giầy dép bên ngoài, là những điều hiểu được với tôi. Trước mỗi giờ tập luyện thầy trò chắp tay ê a bài kinh tưởng niệm Patanjali - bậc hiền triết có công soạn thảo kinh pháp yoga từ 200 năm trước Công nguyên, cũng là điều chấp nhận được. Nhưng khi thấy người ta quỳ mọp xuống chân một người đàn ông họ gọi là guru, rồi dùng trán hoặc tay chạm vào bàn chân ông để tỏ lòng tôn kính trí tuệ thông thái của ngài và tin mình sẽ lãnh nhận được ân phúc, thì kẻ vốn hững hờ nguội lạnh với tôn giáo và thần thánh như tôi thật không khỏi bất ngờ.
Vị guru người Hinđu ấy là một triết gia về yoga, nguyên bác sĩ Tây y, ngoài 70 tuổi, người sáng lập học viện kiêm bệnh viện yoga tại Kabir Baug. Gần hai chục năm nay ông giảng dạy phương pháp ứng dụng động tác yoga kết hợp với y học hiện đại trong điều trị các chứng bệnh mãn tính, nhưng niềm đam mê lớn hơn của ông là chia sẻ kiến thức về triết lý yoga với mọi người. Bên cạnh những chuyến đi giảng ở các nước như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật, Nga và Hàn Quốc, ông dành thời gian huấn luyện ngay tại Kabir Baug cho học viên trong và ngoài nước.
Tôi thật ra là kẻ ngoại đạo với yoga. Đến Kabir Baug lần này cũng không phải để học hỏi nó. Chỉ muốn tận mắt nhìn thấy một đất nước với bao điều lạ lùng tôi chỉ biết chút ít qua sách vở. Tôi bảo với guru tôi ước gì đi được hết và hiểu hết cả cái xứ sở bao la này. Guru cười, nếu hiểu được hết Ấn Độ thì cũng giống như hiểu được cả thế gian. Rồi ông bảo đi hết đất nước này có lẽ là điều không thực tế, nhưng tại Kabir Baug cũng có thể thấy được nhiều.



Hôm tôi đến, học viện khai giảng khóa đào tạo mới. Học viên Hàn Quốc chiếm số lượng đông nhất. Còn lại từ Mỹ và Canada. Tôi không tham gia những lớp thực hành động tác yoga, chỉ dự thính một số giờ triết học trong gian chính điện lúc nào cũng thoảng mùi khói nhang.
Trong bộ trang phục kurta pyjamas truyền thống màu trắng, đầu cạo nhẵn thín, chừa đuôi tóc bạc thắt bím đằng sau, guru ngồi xếp bằng nghiêm nghị trên nền nhà. Những chồng sách triết lý dầy cộm bằng tiếng Sanskrit trước mặt ông. Đối diện là nhóm học viên trong đồng phục áo thun xanh nước biển và quần dài màu xám tro, cũng ngồi khoanh chân giống thầy trên nền nhà với cuốn sổ và cây bút trong tay. Những bài thuyết giảng của guru chủ yếu về các quan niệm triết lý trích ra từ quyển trường thi Bhagavad Gita được xem như kinh thánh của người Hinđu, và về kinh điển yoga của Patanjali. Những lý thuyết khô khan, xa lạ với tôi. May lâu lâu có xen vào những câu chuyện kể.
Guru cho rằng rất nguy hại và đáng buồn là yoga ngày nay đang thịnh hành như một thứ thời trang trên thế giới. Tập luyện thể xác được chú trọng, rèn luyện trí não bị coi nhẹ. Ông bảo nếu mục đích việc luyện tập tư thế "con thuyền" chỉ để làm cho cái eo bụng nhỏ thì không đúng tinh thần yoga. Học yoga mà chỉ hướng đến các động tác cho cơ thể thì chẳng khác khỉ nhảy chuyền trên cây.
Về lại Canada nhiều người hỏi tôi Ấn Độ ra sao. Tôi thực tình không có câu trả lời. Đất nước mênh mông biển người như vậy. Nhìn sao thấu hết. Người bảo nền văn minh cổ kính đồ sộ, trí tuệ nhân loại. Kẻ bảo cái chậu toilet của thế giới. Còn tôi? Trong trí nhớ tôi vẫn rõ hình ảnh những con chó hoang rảo quanh các đống rác trên đường phố tìm bới thức ăn. Những em bé đôi mắt to nâu như quả chà là ngơ ngác nhìn mấy ông Tây bà Tây trong đoàn chúng tôi như thể họ là những con người đến từ hành tinh khác. Những người phụ nữ đeo đầy trang sức bước đi thanh lịch trong những bộ sari lộng lẫy sắc màu lúc chói rọi lúc phiêu diêu như hư ảo.
Có cái gì như sự bí ẩn trong một nơi chốn dường như hỗn loạn và đầy mâu thuẫn này. Những ngôi biệt thự cao tầng hiện đại nằm lấn giữa những căn hộ lè tè xiêu vẹo như trăm tuổi. Phố xá chật chội. Lắm con đường không có tên, không cả vỉa hè, rẽ đi tứ hướng. Bước ra đường là cảm giác căng thẳng. Vừa phải ngó chừng xe cộ phóng vùn vụt sát bên mình, vừa phải liên tục nhìn xuống chân vì nhãng một chút là giẫm phải phân. Không phân người thì phân bò, hoặc phân chó, phân heo, phân ngựa, có khi cả phân lạc đà. Thỉnh thoảng đàn bò ở đâu nghênh ngang ngay giữa đường phố. Nhưng không ai phiền lòng. Mọi người nhẫn nại né tránh. Đánh chết một người đa-lit giữa thanh thiên bạch nhật có thể không sao, nhưng bị vu giết một con bò thì có khi phải thế mạng.
Bò là con vật thánh với người Hinđu. Chúng có vị trí cao hơn nhiều so với đa-lit, những người ngoài đẳng cấp, tầng lớp đáy cùng xã hội. Người Hinđu trân trọng cả những chất thải ra từ con bò. Vào một số ngôi chùa của họ, tín đồ và khách sau khi cúng thần chút tiền sẽ được mời uống một chén nước thánh đặc biệt. Đó là nước tiểu nguyên chất của những con bò còn trinh. "Cuộc cách mạng phân và nước tiểu bò" được bàn thảo ở Ấn Độ từ đầu thiên niên kỷ mới. Họ tuyên bố từ nay mọi người không phải lo sợ nguy cơ nhiễm chất phóng xạ hạt nhân. Chỉ cần trát phân bò lên mái nhà hoặc hiệu nghiệm hơn nữa là bôi phủ lên cơ thể mình.
Năm 2002, Ấn Độ được Mỹ cấp bằng sáng chế cho các thành tựu chứng minh nước tiểu bò có thể dùng như những phương thuốc trị bệnh. Toàn Ấn Độ hiện nay có hơn 200 trung tâm điều trị dùng nước tiểu bò. Họ khẳng định rằng nó trị được tiểu đường, AIDS, hen suyễn, xương khớp, các chứng tim mạch và ung thư. Nước tiểu bò đã quý, phân bò lại còn quý hơn. Ngoài việc dùng làm nhiên liệu đốt của người Ấn Độ bao đời nay, nó còn được sử dụng chế tạo trà, kem đánh răng, xà bông tắm, dầu gội đầu, thuốc trừ sâu, phân bón. Mùi khói nhang tỏa trong các đền đài chùa chiền và nhà ở cũng từ chất thải ra của con vật được coi là thiêng liêng này. Gần đây, dân Nhật Bản cũng mê các loại nhang chế tạo từ phân bò ở Ấn Độ. Họ mua rất nhiều để dùng nơi thờ phượng, cầu nguyện, thiền, và đốt cho thơm nhà.
Nói về tín ngưỡng, Ấn Độ được coi là đất nước của người Hinđu, vì Hinđu chiếm trên 80 phần trăm dân số. Còn lại đạo Hồi, Cơ đốc, Sikh, Phật và các giáo phái khác. Ít nhiều giữa các đạo đều có mâu thuẫn, không bề mặt thì cũng ngấm ngầm. Chỉ nội thành phố Pune đã thấy lắm thánh đường, đền đài, chùa chiền lớn nhỏ, nghe bao chuyện đổ máu giữa Hinđu và Hồi giáo. Vào thăm Pataleshwar, ngôi chùa thờ thần Shiva dựng bằng đá bazan từ hồi thế kỷ thứ tám, vẫn còn thấy dấu tích các tượng thần bị hành hung.
Có lẽ không nơi nào trên thế giới nhiều thần thánh như Ấn Độ. Người Hinđu có trên ba ngàn vị thần. Thần nào cũng có chuyện về thần ấy. Nghe chuyện thần mới biết các vị cũng bê bối không kém người trần. Nóng tính, hám chuyện trăng hoa, ghen tuông, tham quyền lực. Tôi hỏi nhiều thần vậy làm sao người ta thờ cho hết. Các thần cư trú ở các chùa khác nhau, biết đi chùa nào. Guru giải thích rằng bắt đầu từ thời Chúa giáng sinh, người Hinđu có tập tục thờ lingam, biểu tượng cách điệu dương vật người đàn ông - mang ý nghĩa sức sinh sản của thiên nhiên. Nó tượng trưng cho thần Shiva, một trong những vị thần lớn của đạo Hinđu. Tuy nhiên tín đồ Hinđu không bị ép buộc phải thờ phượng một thần cụ thể nào. Thích thần nào thờ thần ấy. Không thờ thần nào cũng chẳng sao. Đạo Hinđu không có đức giáo hoàng, giám mục hay hội đồng giáo xứ nào quản lý. Các tín đồ chỉ phải tuân theo những truyền thống văn hóa của xã hội, bao gồm luật lệ của hệ thống đẳng cấp.
Từ một tôn giáo Hinđu lại còn đẻ ra nhiều giáo phái khác, thí dụ như Jain. Tín đồ cực đoan thuộc giáo phái này không mặc quần áo, không giết bất kỳ một sinh linh, không tin sự tồn tại của các vị thần như người Hinđu chính thống. Họ tôn thờ tôn sư của mình, tin rằng thầy mình có quyền năng thần thánh. Về đạo Phật ở Ấn Độ, guru cho biết hiện nay chỉ còn một lượng nhỏ tín đồ. Vì mảnh đất này là nơi đức Phật sinh ra và đắc đạo, nên nó trở thành địa điểm hành hương của tín đồ Phật giáo trên thế giới. Một giáo phái khác của Hinđu cũng thờ đức Phật vì họ tin ngài là sự hóa thân của thần Vishnu trong đạo Hinđu. Theo guru, sách vở hiện nay có lẽ cũng chưa tổng kết đầy đủ sự phức tạp về niềm tin tôn giáo của dân tộc Ấn Độ.
Giữa sự ngổn ngang bừa bộn trong xã hội ấy dường như lại có một thứ trật tự con người từ bao thế hệ luôn tự giác tuân theo. Người dân Ấn Độ tin rằng mỗi con người sinh ra trên đời có một vai trò được sắp đặt sẵn. Chu tròn nhiệm vụ mình ở cõi đời này là lập công đức chuẩn bị cho sự hóa kiếp lần sau tốt hơn. Tinh thần giáo lý trong Bhagavad Gita bị nhiều người trên thế giới phê bình vì nó dạy cho con người an phận với vị trí của mình, và nó khuyến khích sự tồn tại của hệ thống phân chia đẳng cấp trong xã hội, làm cho xã hội bị trì trệ, không tiến lên được.



Tôi đã hiểu tại sao những người nghèo tôi gặp ở Ấn Độ thường có nét mặt bình thản, chấp nhận. Tại sao ở đây lại có một đời sống từ tốn khác thường? Đến chín mười giờ sáng các cửa tiệm vẫn chưa mở. Không tất bật hối hả. Mọi người như hòa theo nhịp điệu ung dung của cuộc sống. Không muốn thay đổi. Những truyền thống bao ngàn năm tự thời Vedas vẫn được tuân thủ giữ gìn. Tôi nghĩ đến bao nhiêu người từ tiểu lục địa Ấn Độ di dân tới Canada mấy chục năm vẫn không bị "Tây hóa" nhanh chóng như các dân tộc khác. Phụ nữ vẫn trong trang phục truyền thống, đàn ông Sikh vẫn đội khăn xếp và để tóc để râu, trẻ con sinh ra ở xứ người vẫn thông thạo tiếng mẹ đẻ, tín đồ Hồi giáo vẫn nghiêm ngặt ăn chay trong tháng Ramadan, vẫn sắp xếp thời gian đọc kinh Koran đủ năm lần một ngày.
Còn đọng trong tâm tưởng tôi là những sớm mai chập chờn tỉnh giấc với tiếng kinh cầu đức ngài Patanjali buồn bã vẳng lên từ những lớp học yoga ở tầng dưới. O…m…Tiếng guru ngân nga khởi xướng. O…m… Giọng nhóm người nhịp nhàng họa theo.

yogena cittasya padena vacam
malam sarirasya ca vaidyakena
yopakarottam pravaram muninam
patanjalim pranjalir anato smi

(Xin nghiêng mình trước đức Ngài Patanjali,
Đem yoga đến cho bình yên tâm tưởng
Nguyên tắc văn phạm cho sáng rõ ngôn từ
Và thuốc men để tẩy uế xác thân)


Cứ năm giờ sáng mỗi ngày. Hòa lẫn với nhịp kinh nguyện là tiếng khạc đờm từng tràng dữ dội như xé rách lồng ngực của người đàn ông từ khu nội trú bệnh nhân tầng trên, và tiếng bồ câu thăn thĩ đâu đó từ phía xóm nhà nhếch nhác đằng sau học viện. Như một khúc hòa tấu nhẫn nại lặp đi lặp lại mỗi ngày. Tôi nghĩ đến cuộc sống của guru, những bữa cơm rau đạm bạc mỗi ngày cùng chế độ như những kẻ giúp việc ở Kabir Baug, gian phòng ở và làm việc khiêm tốn của ông, cả những bài giảng và câu chuyện ông kể trên lớp.
Rồi nghĩ đến ngôi biệt thự của người bạn ông đưa tôi đến uống trà, chủ một doanh nghiệp thực phẩm. Không khác một cung điện vua chúa. Chén bát ly tách tất cả đều bằng bạc nguyên chất, cầm nặng trong tay. Nhưng khách trầm trồ hơn cả là công trình kiến trúc tuyệt tác của ngôi chùa ông cất ngay trước sân nhà. Kiểu xe chiến mã hai bánh có mui và hai con ngựa kéo. Kích cỡ to như trong đời thực. Bên trong là một tượng thần Jain cũng bằng bạc nguyên chất. Toàn bộ ngôi chùa tạc bằng đá sống từ bàn tay những nghệ nhân có tiếng nhất của Ấn Độ. Một lần kẻ cướp vào định tẩu thoát với tượng bạc, cuộc xô xát làm ông bị bắn gãy một ngón tay. Nỗi buồn của ông là nếu như ông chết, cơ sở làm ăn của ông không ai tiếp tục gánh vác. Con trai và con rể ông đã chết trong một tai nạn giao thông.
Guru nói Ấn Độ cũng như bao nơi khác. Cũng khắc khoải mơ một cuộc sống dễ dàng hơn hiện tại. Người giàu cũng lo gửi con đi du học châu Mỹ, châu Âu. Người nghèo nếu có cơ hội cũng ráng ngoi ra khỏi số kiếp đen đủi của mình.
Ngày xưa ai đáp tàu rời khỏi quê hương khi trở về phải theo nghi thức tẩy rửa mọi chất nhơ bẩn bằng cách tiêu thụ bốn chất lỏng từ con bò: nước tiểu, phân loãng, sữa và máu.
Thời Gandhi trước khi đi học ở Anh Quốc cũng phải xin phép đẳng cấp của ông song bị chối từ vì điều đó trái với đạo luật Hinđu, nhưng ông vẫn đi và bị xóa tên trong đẳng cấp.
Bây giờ nhiều người rời con nước quê hương, không ai bị khai trừ khỏi xã hội như xưa nhưng ở mức độ nào đó cũng bị kỳ thị, coi như đã hoen ố. Trong lúc nhiều kẻ bị cuốn hút vào trò chơi của thế gian thì cũng không ít người nhận ra rằng con người ta lúc chào đời chẳng có một ru-pi và khi giã từ dương thế cũng không có đồng cắc nào. Guru nói sự chọn lựa cách sống của tín đồ Hinđu chính là dựa trên nhận thức ấy.
Guru kể có lần ông đi giảng ở Mỹ về, người ta hỏi ông đất nước ấy như thế nào. Guru trả lời họ vật chất thừa mứa, nhưng tinh thần kham khổ. Tôi nghĩ câu trả lời chung chung người ta hay dùng ấy chắc không thỏa mãn đầu óc những người Ấn Độ hiếu kỳ muốn biết rõ về cuộc sống ở một đất nước Tây phương. Cũng như tôi không thể chỉ đơn giản mượn câu trả lời ngược lại của guru để nói về đất nước Ấn Độ.
Tôi nhớ tới câu chuyện nghe được về Vivekananda, người Hinđu đầu tiên đặt chân tới đất Mỹ năm 1893 truyền bá triết lý yoga trong một đại hội về tôn giáo thế giới. Bài diễn thuyết xôn xao nước Mỹ. Người ta ca ngợi Ấn Độ và đạo giáo Hinđu đã mang đến những tư tưởng cao cả cho thế giới vật chất tầm thường của Tây phương. Họ đua nhau góp tiền ủng hộ cho sứ mạng rao giảng yoga của ông. Vivekananda trở nên một nhân vật nổi tiếng và được kính trọng.
Khi về lại quê hương, ông đã làm những môn đệ và các tín đồ Hinđu thất kinh. Ông bảo họ không thể tiếp tục suốt ngày ngồi suy tư trước các tượng thần. Phải rời khỏi chỗ cầu nguyện, bắt tay vào hành động. Đem học vấn và trí não của mình ra làm việc. Bắt chước người Mỹ, học tập công nghiệp của họ, giàu lên như họ, sống tiện nghi như họ. Không thể cứ ngồi một chỗ ăn đồ bố thí của tín đồ. Không thể hèn nhát mãi. Hãy làm một người đàn ông chân chính! Những lời ông nói có vẻ quá khích, nhưng giống như Gandhi, ông hiểu Hinđu, hiểu con người của đất nước ông.
Hơn thế kỷ trôi qua. Ấn Độ bây giờ đang được biết đến như một quốc gia có nội lực về kinh tế trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên tôi e rằng không phải tất cả mọi người trên đất nước ấy đều sẽ hưởng lợi từ cuộc cải tiến này, họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì một đời sống của bao ngàn năm qua. Những câu chuyện xảy ra chưa lâu về những người đa-lit ở các làng mạc hẻo lánh vẫn làm tôi bàng hoàng.
Tại làng Thinnian thuộc bang Tamil Nadu, hai người đàn ông đa-lit đấu tranh với một cặp vợ chồng đẳng cấp hy vọng lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt. Kết quả của sự vùng dậy là cả hai bị gia đình nọ đóng dấu khắp cơ thể bằng thanh sắt nung nóng, rồi hai người bị bắt đút cho nhau ăn hết đĩa phân người họ đưa. Tại làng Pakri-pakohi huyện Muzaffarpur, một phụ nữ đa-lit bị một nhóm người đẳng cấp kết tội có ma thuật, bị bắt trần truồng diễu hành khắp xóm, bị rút hết móng tay, và cũng bị bắt nuốt phân người. Còn bao chuyện khó tin xảy ra hằng ngày ở Ấn Độ đương đại. Tôi cứ tự hỏi không biết số phận của 170 triệu người đa-lit sẽ ra sao trong những ngày sắp tới. Đất nước đi lên, nhưng nhiều công dân của nó chắc vẫn bị bỏ lại đằng sau.
Vẫn còn bao điều bí ẩn về đất nước của guru tôi chưa biết

McAmmond Nguyen Thi Tu


http://www.luylau.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét