Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Sống và chết

Sống và chết chẳng qua là một biến hóa, một tiểu biến hóa trong cái đại biến hóa của trời đất. Chết là chuyển từ một cảnh này sang một cảnh khác. Nếu trong sự chuyển đổi này mà ta sinh lòng sợ hãi thì chẳng khác gì nàng Lộ Cơ khi lên kiệu hoa về làm hoàng hậu nước Tấn thì khóc lóc thảm thiết, nhưng khi đến nơi, vui với cảnh cung vàng, điện ngọc, đắm say duyên mới nồng nàn thì lại hối hận giọt lệ ngày xưa và không muốn trở về quê cũ.Sống chết đã nằm trong lẽ biến hóa vô cùng của trời đất thì việc sống chết của ta chẳng khác gì một lữ khách trên đường vân du ngoạn cảnh, càng đi càng gặp cảnh mới, và cảnh mới nào cũng đẹp, cũng xinh, chớ nên để cảnh nào trói buộc mình, giữ chân mình, vì trên đường đi tới còn bao nhiêu cảnh đẹp hơn nhiều đang chờ đợi ta.
Ta chẳng nên ham sống sợ chết làm gì. Chết chưa hẳn là đáng sợ. Khi đang sống thì ta sợ chết. Nhưng khi chết rồi biết đâu ta lại chẳng sợ sống. Nếu ở cõi chết có thần linh nào đòi đưa ta về cõi sống, biết đâu ta lại chẳng sợ hãi và tìm mọi cách trốn tránh, như khi ở cõi sống ta sợ hãi và trốn tránh cõi chết vậy. Ai biết thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi thì còn làm gì có vấn đề sống chết nữa”.
Còn các tôn giáo thì lại nói về một cuộc sống ở một cõi khác, một cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối dành cho linh hồn những người có thiện tâm và có đức tin vào đấng TỐI CAO.
Phật Giáo thì đưa ra thuyết luân hồi. Thuyết này chủ trương rằng con người chết đi, lại đầu thai để sống một cuộc sống kế tiếp khác và cứ thế trôi lăn cho đến bao giờ nghiệp tận, duyên cùng mới thoát khỏi sinh tử, tử sinh. Ngoài ra, Phật Giáo cũng có nói đến cảnh giới Niết Bàn, đến Tây Phương Cực Lạc dành cho những linh hồn trong trắng, thánh thiện.
Triết học và tôn giáo đã làm giảm thiểu nỗi sợ hãi của con người trước cái chết. Nhờ triết học và tôn giáo con người mới thấy rằng chết không phải đáng sợ như người ta nghĩ. Chết cũng không phải là hết, là chấm dứt cái "tôi". Người theo Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo chẳng hạn, cứ dốc lòng hành ĐẠO, dốc lòng tin tưởng vào đấng Tối Cao thì sau khi chết sẽ lại có ngay một cuộc sống khác huy hoàng, hạnh phúc trong cảnh trời vĩnh cửu. Còn Phật tử mà cứ tinh tấn hành trì Phật pháp thì sau khi chết sẽ đầu thai và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nhờ tích phước trong khi hành ĐẠO tại kiếp này.
Con người chỉ cần nói cho biết rằng chết không phải là điểm tận cùng mà là khởi điểm của một cuộc sống khác, nghĩa là có sự liên tục của cái "tôi" là sự sợ hãi trước cái chết chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Con người đến với tôn giáo này , tôn giáo nọ, chỉ cốt tìm một lời giải đáp siêu hình cho câu hỏi: "chết sẽ đi về đâu?", và cầu xin một sự cứu rỗi, cứu độ, để khi mãn kiếp, tròn đời sẽ được đón về một cõi huy hoàng, hạnh phúc nào đó.
Sợ hãi trước cái chết giảm thì có giảm, nhưng chưa dứt. Nó vẫn còn đó, vẫn day dứt, vẫn hành hạ. Tại sao vậy? Có cách nào dứt được mối sợ hãi thường trực và cố hữu này không?
Thông thường ta không bao giờ lại sợ hãi một cái gì mà ta không hề có một chút kinh nghiệm hay một hình ảnh nào về cái đó cả.
Như trên đã nói, chúng ta chẳng ai có được kinh nghiệm về cái chết mà chúng ta vẫn sợ chết. Sở dĩ vậy, chính chỉ vì ta có lưu giữ trong ký ức một số hình ảnh về cái chết.
Đúng vậy, ta đã trông thấy những xác người chết vì tai nạn xe cộ nằm cong queo bên vệ đường, máu me nhoe nhoét. Ta đã trông thấy nhiều xác chết cứng lạnh, trẻ có, già có, thân hình teo tóp, da dẻ xám ngoẹt nằm ngay đơ trước thân nhân, họ hàng đang khóc lóc thảm thiết. Ta cũng đã từng chứng kiến những người chết vì bom đạn, chết chẳng toàn thây, mỗi nơi mỗi mảnh. Ta cũng đã thấy những xác người được đưa vào lò thiêu hay đem đi chôn sâu trong lòng đất. Ta cũng đã thấy những xác chết không được chôn cất kịp thời, vòi bọ lúc nhúc và hôi thối bốc mùi. Ta lại cũng đã thấy những thây ma sình chương trôi dạt trên biển, trên sông.
Ta sợ chết mỗi khi ta nghĩ rằng những hình ảnh khủng khiếp mà ta có trong ký ức kia sẽ đến với ta. Ta hiện đang sống ở đây và vào giờ này, nhưng những hình ảnh ấy đang chờ đợi ta ở một không gian nào đó và nhất định rồi đây ta sẽ phải gặp chúng ở một thời điểm nào đó trong tương lai xa hay gần. Chính chỉ vì thế mà sinh lòng sợ hãi đấy thôi. Chừng nào mà ta còn lưu chấp những hình ảnh về cái chết, chừng nào mà ta còn quan niệm rằng sống nay mà chết ở mai sau, thì sợ hãi vẫn còn. Nói khác đi chừng nào ta còn kẹt vào vòng lệ thuộc của không gian, thời gian thì sợ hãi nói chung, trong đó có sợ hãi về cái chết, vẫn còn đè nặng tâm tư ta, làm tiêu hao thần lực của ta.
Trên thực tế, chết là một mặt của sự sống. Sống và chết như hai mặt của một đồng tiền. Có cái này là lập tức có cái kia. Sống và chết chẳng bao giờ rời nhau. Khi ta vừa mới sinh ra là cái chết đã có mặt trong ta. Nếu không có cái chết nằm sẵn thì cái sống không có điều kiện phát triển. Đúng vậy, khi thân xác ta đang sống thì các tế bào, những thành phần cấu tạo nên thân xác, cứ lần lượt chết đi. Nếu các tế bào không chết đi thì đứa trẻ nằm nôi vẫn cứ mãi mãi nằm nôi. Nó chẳng bao giờ có thể trở thành một thanh niên, trai tráng được. Cũng trong lúc thân xác ta đang sống thì các hồng huyết cầu trong cơ thể cứ theo nhau tự hoại diệt. Đời sống một hồng huyết cầu vào khoảng 120 ngày. Nếu hồng huyết cầu không chết đi như thế thì cái sống của thân xác cũng khó mà tồn tại. Rõ ràng cái chết chẳng phải ở tương lai đâu. Nó ở ngay hiện tiền cùng với cái sống. Nó cũng tự nhiên như cái sống vậy. Sống chết quyện vào nhau, bổ túc cho nhau, chứ không phải sống và chết là hai hiện tượng cách ly về phương diện không gian và thời gian. Cái mà ta gọi là sống, thực ra chưa bao giờ rời cái chết. Cái mà ta gọi là chết chính lại là điều kiện cho cái sống phát triển.
Trang Tử trong thiên "TRI BẮC DU" phát biểu về sống chết cũng nói:
"Sinh giả tử vi đồ, Tử gia sinh vi thỉ”

"Nhược sinh tử vi đồ, Ngô hựu hà hoạn"

Nghĩa là con người mới sinh ra, cái chết đã theo liền. Chết đi chính là khởi đầu một cuộc sống mới. Nếu sống, chết đã không hề rời nhau thì ta còn lo âu trước cái chết làm gì.
Tóm lại, để thoát khỏi sợ hãi trong đó có sợ hãi về cái chết thì không có đường lối nào khác là sống phi thời gian, phi không gian, tức là sống trọn vẹn với hiện tiền. "Sinh" là vấn đề thuộc quá khứ, "Tử" là vấn đề của tương lai. Một khi đã sống trọn vẹn với hiện tiền thì làm gì còn vấn đề sinh, tử nữa. Nói khác đi phi tư tưởng tức giải thoát khỏi sinh, tử vậy.

NHI BẤT NHƯỢC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét