Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Nhắc chuyện xưa ngẫm chuyện nay


Tam quốc diễn nghĩa kể lại chuyện về nhân vật Từ Thứ, là một người có tài, nghe tiếng Lưu Bị hiền đức xứng mặt một đấng minh quân, nên tự nguyện về giúp sức. Tào Tháo nghe tin lo sợ, muốn Từ Thứ bỏ Lưu Bị, bèn cho người bắt giữ mẹ của Từ Thứ và yêu cầu bà viết thư gọi Từ Thứ về. Nhưng Từ mẫu là một người đàn bà đầy khí tiết, đã thẳng thắn mắng Tào Tháo là đồ gian tặc. Tào Tháo muốn giết bà, nhưng nghe lời mưu sĩ giữ bà một nơi, ngày ngày cho một người giả danh là bạn của Từ Thứ đến chăm sóc bà rất chu đáo. Mẹ của Từ Thứ rất cảm kích, nhưng vì không được ra khỏi chỗ ở, đành viết thiếp cám ơn người đó. Tào Tháo liền cho người bắt chước tuồng chữ của bà, viết một bức thư gọi Từ Thứ về. Từ Thứ đọc thư, khóc mà xin từ giã Lưu Bị, khiến Lưu Bị đành lòng gạt nước mắt đưa tiễn Từ Thứ về Tào. Bịn rịn và tiếc người đến nỗi Lưu Bị đã thốt nên lời muốn chặt cả khu rừng trước mắt để khỏi thấy khuất bóng Từ Thứ.
Tư Mã Huy đến tìm Lưu Bị để hỏi thăm Từ Thứ, vốn là người bạn chí thân. Nghe Từ Thứ được thư mẹ và đã từ giã Lưu Bị để hồi Tào, Tư Mã Huy than là Từ Thứ đã thiếu sáng suốt, đã bị Tào Tháo lừa và ông nói, nếu Từ Thứ không về với Tào thì may ra mẹ của Từ Thứ còn sống, chứ nay Từ Thứ được thư đã lo về ngay thì thế nào cũng bị mẹ trách mắng và bà sẽ tuẫn tiết. Quả thật khi về gặp mẹ, Từ Thứ bị bà mắng một trận, chê trách con không sáng suốt, và vì uất ức, bà đã tự tử để khỏi bị nhục.
Xem thế mới biết, Từ Thứ là một người có tài nhưng vẫn là người thấp trí. Tài đây là tài của một mưu sĩ, là “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Ở với mẹ bao nhiêu lâu mà chẳng biết tâm ý bà là người thế nào đến nỗi mắc mưu Tào Tháo. Biết người ta mà lại không biết mẹ mình. Tuy nói là vì chữ hiếu đã làm cho ông thiếu sáng suốt, vì hiếu đạo mà hành sự thiếu suy nghĩ, nhưng rồi ông ta sẽ ân hận suốt đời. Tư Mã Huy chỉ là bạn, nhưng ông này lại hiểu rõ mẹ của bạn hơn chính con của bà. Cũng có thể nói Tư Mã Huy sáng suốt thấy rõ vấn đề vì ông ở vị trí khách quan.
Như vậy mới biết hiểu được người khác một cách tường tận không phải đơn giản.
Lại cũng chuyện Tam quốc nói về Khổng Minh và Quan Vân Trường. Khổng Minh lược trận Xích Bích, biết chắc sau khi thua trận, thế nào Tào Tháo cũng chạy về đất Ngụy và phải đi qua ngả Hoa Dung, là lối thoát cuối cùng sau khi bị truy sát khắp nơi. Biết số Tào Tháo chưa tận, và biết rõ Quan Công là con người có chung có thủy, là vị tướng duy nhất có thể bất chấp quân lệnh để mở cho Tào Tháo một con đường sống, nên Khổng Minh đã sắp đặt để Quan Công giữ trạm Hoa Dung quan. Trước là không muốn giết Tào Tháo, sau là để thu phục Quan Công. Cuối cùng, Quan Vân Trường đã ra lệnh lui quân, tha chết cho Tào Tháo và về chịu tội với Khổng Minh. Biết rõ người khác như thế, chắc trên đời chỉ có Khổng Minh mà thôi.
Lúc từ giã Lưu Bị, Từ Thứ có tiến cử Khổng Minh với Lưu Bị. Bị hỏi Khổng Minh là người thế nào, Từ Thứ trả lời: “Tôi mà so với người đó, chẳng khác nào ngựa hèn so với kỳ lân, quạ đen so với phượng hoàng. Người đó có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai”.
Nghe ra như vậy thì cũng không nên trách Từ Thứ. Nghe ra như vậy thì cũng không bao giờ nên trách cứ những người không hiểu mình, ngay cả những người bạn thân đến độ tâm giao, bởi vì trong cuộc đời này, tìm lõ con mắt, kiếm đâu ra được một người có thể sáng suốt được như Khổng Minh.
Tuy nhiên, phải làm sao để lúc nào cũng có thể đặt mình ở vị trí khách quan, nghĩa là không đứng về một phía nào cả để phán xét xử lý một tình huống thì có thể công bằng sáng suốt hơn. Dĩ nhiên là phải có trí tuệ, kiến thức để hiểu rõ chi tiết vấn đề. Nghe hai người hiểu lầm nhau, nếu chỉ là chuyện tình cảm thì dễ nhận định. Nếu vấn đề hiểu lầm có liên quan đến luật pháp, thì mình cũng phải hiểu rõ luật pháp. Muốn trọng tài một vấn đề chuyên môn giữa hai người thì phải biết rõ những quy tắc về chuyên môn, không thể nhận xét một cách hồ đồ vội vã.
Thời buổi bây giờ, xã hội càng ngày càng phức tạp. Ngoài những chuyện gièm pha nhau để tranh chấp quyền lợi, ngay cả trong bạn bè giao tế trà dư tửu hậu, nói chuyện người khác là một điều rất phổ thông. Chuyện người khác thì có chuyện hay chuyện dở, chuyện đúng chuyện sai, đôi khi nói mà không cần căn cứ xác thực, vì vậy rất dễ xảy ra những ngộ nhận, hiểu lầm nhau. Nhưng vì đã gọi là trà dư tửu hậu, thì những chuyện tam sao thất bổn nói trên, thực ra chẳng có gì phải để tâm. Cái phải để tâm làm cho mình có chút ít tổn thương là những chuyện hiểu lầm với những người bạn mình kết giao, đã từng chia sẻ ngọt bùi, mà khi xảy ra chuyện, vì một lý do nào đó, họ vội vã nói về mình một cách hồ đồ như một lời phán xét sai lầm mới là tệ hại.
Nếu theo như Từ Thứ, Khổng Minh tài năng xuất chúng khó có người so sánh thì muốn kiếm ra một người tri kỷ có thể hiểu mình đến như thế thì bất khả thi, không nói đến làm gì. Nhưng Từ Thứ cũng được xem như là một nhân tài hiếm có, mà cũng có thể hồ đồ, thua trí Tào Tháo, thì nghe có người thân thiết hiểu lầm mình cũng chẳng có gì phải buồn phiền cho lắm. Thôi kệ là hay nhất. Mình đúng thì trước sau rồi cũng đúng, bạn mình sai trước sau gì họ cũng sai, miễn không thẹn với lòng mình là được.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam số 148 | HOÀNG TÁ THÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét