Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Bài kệ Tứ Sơn

Vua Trần Thái Tông đời Trần, lúc việc nước rảnh rang, ngài đọc kinh Kim Cang, nghiền ngẫm câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Sau ngộ được lý nầy, trong bản Thiền Tông Chỉ Nam ngài có soạn pháp sám hối "Lục Thời Sám Hối", trong đó ngài sám hối mắt, sám hối tai, sám hối mũi, sám hối lưỡi, sám hối thân, sám hối ý. Mỗi thời sám hối một căn. Sám hối như vậy cốt để gỡ cái dính mắc sáu trần. Do ngộ mà ngài chế ra nghi thức sám hối ngay nơi sáu căn, đó là điều đặc biệt của riêng ngài, không bắt chước các pháp sám hối khác ở Trung Hoa. Và đây là bài kệ Tứ Sơn (bốn núi sanh, già, bệnh, chết) trong đó ngài sám hối sáu căn:


Tỷ trước chư hương, thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.


Dịch:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trường.


Là một ông vua bận rộn việc nước mà ngộ được lý đạo nhắc nhở chúng ta tu như thế, thật là chuyện hiếm có. Chúng ta là người đủ duyên phước xuất gia sống trong cửa thiền, duyên đời được cắt bỏ nhiều mà cứ dính mắc với sáu trần mãi thì biết bao giờ mới thấy đạo? Thời vua Trần Thái Tông là thời đất nước loạn ly, quân Nguyên xâm lăng. Việc nước nặng nề bận rộn mà ngài tu thấy đạo, nói được những câu như vậy. Chúng ta là những người ở trong chùa rảnh rang ít việc, không bận bịu gia đình, không lo nghĩ chuyện đói no ấm lạnh, thế mà buông sáu trần không nổi, thì chẳng biết nói sao! Thật đáng xót thương cho mình! Ðó là "khổ chúng sanh". Muốn tìm lại mình sống với chính mình, mà cứ dính với sáu trần hoài thì làm sao sống với mình đây?
Lâu nay chúng ta đang đánh mất mình, không riêng gì chúng ta mà cả nhân loại cũng đang mất mình. Như vậy người tu có ích kỷ không? Vì tìm lại mình lo cho mình, theo quan niệm người đời là ích kỷ. Chúng ta dồn hết tâm lực xoay lại tìm cho ra "cái chân thực" của mình, nhà Thiền gọi là "phản quan tự kỷ". Luôn luôn xem xét mình thấy như ích kỷ, chỉ vì mình. Song đó là việc làm lợi tha vô kể. Vì bao nhiêu tỷ người đang quên mình, đang đánh mất mình. Nếu mình tìm được "cái chân thật" của mình rồi, mình chỉ cho mọi người nhận ra "cái chân thật" của họ thì cứu giúp nhân loại biết bao!
Chúng ta đang sống mà không biết mình sống, nói mình mà không biết cái gì là mình. Như vậy là sống hay chết? Nói mình là cái nói rỗng, không có ý nghĩa. Chúng ta tu là phải xoay lại tìm cho ra "cái chân thật" đó, luôn luôn phải nỗ lực không thể chần chờ. Muốn tìm ra cái chân thật đó là phải đừng thương sáu trần. Quí vị có chấp nhận không yêu sáu trần nữa không? Dám ly dị, dám lìa bỏ chúng không? Quí vị mà lìa bỏ được sáu trần, quí vị không muốn làm thánh cũng là thánh. Còn nếu không lìa bỏ được chúng, thì chúng dẫn quí vị đi mãi trong vòng luân hồi sanh tử. Tu cốt để giải thoát sanh tử, muốn hết sanh tử phải nhận ra cái chân thật không sanh không diệt. Cái chân thật ấy có sẵn nơi mỗi chúng ta, chỉ cần không dính với sáu trần thì nó hiện tiền, còn vướng với sáu trần thì nó ẩn mất.


Trích: Mình Yêu Ai Nhất?
Tác giả:Thích Thanh Từ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét