Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Yến sào là gì ? Yến sào có còn là món ăn bổ dưỡng không?

Trên gần chục năm nay tại Hoa k , nhất là cộng đồng người Việt chúng ta.
Chúng ta thấy + nghe +  đọc rất nhiều loại thuốc bổ đầy dẩy trên báo , trên Tivi , trên giấy flyer ( giấy quảng cáo nhét vào kính xe hơi ,  quạt nước )
Nhất là quảng cáo rần rần rộ rộ về Yến sào .
Mà tất cả 100 % đều Made in China .
Yến sào là tổ yến của loại chim yến màu đen , bay vùn vụt về buổi chiều ( tại các nước Đông Nam Á , nhất là các quốc gia có vài hòn đảo gần đất liền ) . Vì về chiều thì nhiều loại mối hay con trùng nhỏ bay tứ tán khắp nơi . Những thức ăn nầy mà loài dơi và chim nhỏ bay nhanh thích ăn nhất.
Tại VN , Yến có tại đảo Yến gần Đà Nẵng nhiều nhất . Có nhiều vào thời vua chúa quan lại cao cấp VN thích dùng . Vì đắt vô cùng , chỉ có đồng lương nhiều của vua chúa quan lại đũ sức mua mà thôi .
Người Tàu ( gồm Trung hoa , Taiwan , Hongkong , Singapore , và Hoa kiều hải ngoại ) , cùng Việt Nam ta biết công dụng Yến sào nầy tốt về chuyện gì .
Yến sào thật sự là nước miếng cùa loài chim yến đen nhỏ , bụng màu trắng , bay rất nhanh hơn chim cắt . Đến mùa sinh sản thì chim yến phải làm tổ để đựng trứng . Mỗi tổ chim yến ( yến sào ) chỉ chứa tối đa 2 con chim nhỏ mà thôi . Đa số chim yến làm tổ tại vài hòn đảo ngoài khơi gần đất liền . Không phải đảo nào cũng có tổ chim yến. Khoảng 100 hòn đảo ngoài khơi thì chỉ có chừng 3-4 đảo là có tồ chim yến .
Việt Nam có vài đảo nhò , nhất là đảo Yến gần Đà Nẳng là có tổ yến . Nhưng vì thợ lấy tổ chim từ hàng trăm năm nay , nên chim con chết rất nhiều . Nay đảo Yến hầu như không còn tổ yến nữa .
Xứ Indonesia cũng có vài đảo có tổ chim yến , nhưng vì Indonesia theo đạo Hồi Muslim , nên dân Indonesia ít ai ăn yến . Dân chài Indonesia ra đảo lấy yến rất sợ lính hải quân Indonesia bắt gặp .
Tất cà yến sào đều được người Tàu mua sạch .
Vậy câu hỏi đặt ra : Yến sào mà bạn mua tại các tiệm thuốc bắc …tất cà đều có dư thừa đưa cho bạn chọn ( nào yến hạng 1 , hang 2 , hạng AAA , yến huyết …vv…) , vậy nguồn cung cấp yến sào phải đến hàng nghìn tấn mỗi năm . Vậy nguồn ấy lấy từ đâu ra ?
Nên nhớ người Tàu , người Nhật , người Đại Hàn , người Việt Nam rất thích ăn yến sào .
Người Tàu ( gồm Trung hoa , Taiwan , Singapore , Hongkong , …và Hoa kiều khắp nơi trên thế giới : San Francisco , New York , Canada , Thailan , Cambodge , Việt Nam , Paris , London …) . Tổng cộng dân thích ăn yến sào lên đến con số trên 4- 500  triệu người ( Trung Hoa hiện nay trên 1.5 tì người ).
Như vậy sự cung cấp yến sào phải hàng chục nghìn tấn mỗi năm thì mới đũ cho người tiêu thụ.
Chim yến làm tổ yến có 2 loại chim yến . Chim yến trắng có tên khoa học : Aerodramus fuciphagus , chim yến đen có tên khoa học : Aerodramus maximus .
Riêng loài chim yến trắng hầu như tuyệt chũng , hiếm thấy có.
Với số lượng người thích ăn tổ yến trên 4-500 triệu người  …mà chim yến càng lúc càng hiếm có , vì thợ chài lấy tổ thì giết hại tất cả chim con đang nờ.
Bạn cầm 1 tay yến sào , có nghĩa là 2 con chim con bị liệng xuống đất chết để lấy tổ.

Chim yến con bị liệng xuống đất chết , lấy tổ .

Phật tử thuần thành , biết nhân quả , biết ác nghiệp , thiện nghiệp …sẽ không bao giờ ăn tổ yến , vì mình đã giết chim con vì tổ yến cho mình ăn .

Ăn tổ yến xem như đang tự sát !!!

Mặc ai nói tổ yến tốt cở nào, nhưng xem xong cách chế biến sau đây, sẽ biết :
Khi lấy tổ yến về, cây cỏ, lông chim rất dơ còn thúi lắm nửa !
Không có ai muốn ăn đâu, hãy xem cách làm sạch sau đây :


Tổ yến lấy về như trên, công nhân phải lựa ra chất dơ : lông, đất, cỏ....



Sau khi lựa ra, cắt thành miếng nhỏ, tiếp tục xử lý...



Tiếp theo là ngâm vào nước, cho chất tạp nổi lên...



Tiếp theo cho ngâm vào thuốc tẩy vài tiếng đồng hồ, cho
đến biến thành màu trắng...



Màu của thuốc tẩy trở thành màu đục...





Sau khi tẩy trắng, dùng nước sôi để rửa, cho đến không còn
mùi thuốc tẩy...



Tiếp theo lựa ra những miếng không tẩy trắng được...










Tiếp đến là bắt đầu gia công, làm thành bánh miếng tổ yến.










Bỏ những miếng vụn tổ yến vào khuôn, đem sấy khô.



Sấy khoảng 1 ngày 1 đêm, ra lò là những bánh tổ yến trắng đẹp...

Mã Lai và Inđô mổi năm sản xuất ít nhất 800 ~ 2000kg tổ yến, trong một tổ, chỉ có rất ít là nước miếng của chim yến, nhưng vừa đen vừa dơ, không ai dám ăn, bởi vậy cần phải gia công tẩy trắng cho hấp dẫn người mua.
Một số nhà máy sử dụng H202 để tẩy mùi của tổ yến, H202 là hóa chất có độc tố rất mạnh, có thể gây ung thư, là loại hóa chất tuyệt đối cấm cho vào thực phẩm, còn có người sử dụng SO2 và SO3 để làm trắng, cũng là loại hóa chất có độc, dùng quá liều sẽ gây ung thư, không quá 2/1,000,000 hàm lượng cho phép.



Trước và sau khi tẩy trắng .

Sau khi xử lý gia công, chất dinh dưỡng của tổ yến không còn bao nhiêu nửa , còn không bằng nấm tuyết....Tổ yến dùng khuôn ép thành nhiều dạng, như hình chiếc lá, hình tròn, hình dài.... cũng có người nhuộm thêm màu vàng, màu đỏ... nói là huyết yến, hoặc yến đặc biệt, để bán giá cao hơn. Người bán cũng chưa phân biệt được, cứ mua cứ bán, không ai chịu trách nhiệm hết....

ST

Bài thuốc cầm máu vết thương

Khi bị một vết thương chảy máu, cần phải nhanh chóng tìm mọi cách làm ngưng chảy máu, để hạn chế mất máu nhiều có thể gây choáng nặng dẫn đến tử vong. Trước hết cần nâng cao phần bị thương lên, dùng khăn sạch hoặc dùng tay (nếu không có khăn) ấn chặt ngay vào vết thương cho đến khi máu ngừng chảy, hoặc dùng các loại thuốc cầm máu vào vết thương và băng ép lại thật chặt.
Dùng một số vị thuốc có tác dụng cầm máu tại chỗ

Cỏ mực, cây bỏng (sống đời), bông ổi, huyết dụ, tam thất, bách thảo sương (nhọ nồi), bại hoại (móng rồng), quế rành (trèn trèn, quế trèn), thài lài trắng, tu hú trắng, lá tía tô, lá sắn dây, lá dâu non, nõn cau tươi, nõn tre tươi, nõn chuối tiêu... Khi bị vết thương chảy máu cần ngay lập tức lấy một trong các loại cây thuốc trên, rửa sạch, giã nát và đắp lên vết thương rồi băng ép lại.



Cây sống đời.

Chế biến một số bài thuốc để dùng khi có vết thương chảy máu:


Bài 1: Bột sâm đại hành (không hạn chế liều lượng). 
Chế biến: Dùng củ đã cắt bỏ rễ và thân, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy thật khô, tán thành bột thật nhỏ, rây mịn, cho vào chai hoặc túi ni lông thật kín để nơi khô ráo. 
Cách dùng: Sau khi đã sát khuẩn vết thương, rắc thuốc cầm máu lên cho kín vết thương, đặt gạc hay vải sạch lên vết thương, băng ép chặt. Mỗi ngày thay thuốc một lần. Tác dụng: Cầm máu, tiêu ứ máu, giảm sưng đau, lên da non.



Cây cỏ mực.

Bài 2: Cỏ nhọ nồi (cỏ mực) sao cháy đen 100g, lá chuối hột khô sao cháy đen 100g, than tóc 100g. 
Chế biến: Cỏ nhọ nồi cắt bỏ rễ, rửa sạch, phơi khô, thái nhỏ, sao đen (tồn tính), lá chuối hột rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao đen (tồn tính), tóc rửa bằng nước bồ kết, sấy khô rồi đốt cháy thành than. Ba thứ trên liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây mịn. Đựng vào chai lọ hay túi ni - lon hàn kín. Bảo quản nơi khô ráo.
 Cách dùng: Sau khi đã sát khuẩn vết thương, rắc thuốc cầm máu lên cho kín vết thương, đặt gạc hay vải sạch lên vết thương, băng ép chặt. Mỗi ngày thay thuốc một lần.



Cây cẩu tích.

Bài 3: Lông cây cẩu tích tẩm cồn 90 độ, phơi khô. Khi gặp vết thương chảy máu thì lấy đắp vào vết thương rồi băng ép lại, máu sẽ cầm rất nhanh.

Bài 4: Lá trầu không 2 phần, lá gai làm bánh 2 phần, hạt cau già 1 phần. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, rắc lên vết thương rồi băng lại.

Chú ý: Sau khi cầm máu, dù là vết thương nhỏ cũng cần đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ kiểm tra tình trạng vết thương, tiếp tục theo dõi và có chỉ định điều trị phù hợp.


Theo Bs Thu Vân (Sức khỏe đời sống)

Nghe tiếng thu giữa Boston

Tôi đi giữa Boston. Cả một mùa thu. Trọn một mùa thu. Nhớ tới Xuân Diệu với “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ…”. Thực ra, lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà thôi. Bởi vì rất nhanh, lá bỗng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… và bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục. Mới mấy ngày thôi mà cây cứ tô dần tô dần cái màu vàng buốt, óng ả, rực rỡ chen lẫn với xanh đậm, xanh lợt mong manh đó… và sáng hôm sau, rơi từng lá từng lá tràn ngập các lối đi.Thu ở Boston hình như lạ hơn thu ở những nơi khác trên nước Mỹ, nên hàng năm cả nước Mỹ hành hương về Boston giữa mùa thu vàng. Họ không gọi Autumn – mùa Thu, mà gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết được nỗi vui mừng, nỗi xót xa, nỗi buốt nhớ… không rõ vì đâu. Và vì Fall, người ta dễ “fall in love” có phải, vì vậy mà người qua đường như cũng đẹp thêm ra, luộm thuộm thêm ra với lụa là gấm vóc, không còn nhếch nhác mùa hè mà cũng chưa cục mịch mùa đông. Tôi chưa có lần nào được sống thu như vậy, hoặc là chỉ sống với mùa thu sách vở, tưởng tượng ra cái mùa thu không có thật giữa miền Nam mưa nắng hai mùa nên tôi cứ lang thang, lang thang mà dòm cho hết cái thu của Boston. Và tôi bỗng nghe. Vâng, lúc đầu tôi chỉ định dòm thôi nhưng tôi bỗng nghe, không phải là tiếng quạ kêu quang quác thảng thốt, cũng không phải tiếng chim cu gù rúc rúc quyến rũ mà là một thứ tiếng lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ, tiếng thu. Và tôi giật mình nhớ Lưu Trọng Lư. Chính Lưu Trọng Lư chứ không phải ai khác. Em không nghe mùa thu. Rõ ràng thu không phải để dòm, để ngó, để ngắm, để nghía… mà chỉ có thể để nghe. Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ, một thứ “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…” (TCS) đó chăng.
Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân mình là từng lớp lá rụng, bước chân bỗng như hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác. Thấy mình như không còn là mình nữa. Hay mình là nai? Có thể chứ? Con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư? Và… Ơ hay… Có lẽ nào… Hay cũng chính là… Cũng có thể là… không hề có một con nai nào cả, mà nhà thơ, chính nhà thơ là nai! Thôi rồi, đừng có hòng mà giấu giếm gì nữa nhà thơ ơi! Chính nhà thơ là con nai vàng đang bước đi từng bước huyễn hoặc ngơ ngác đó thôi, sao lâu nay cứ làm cho người ta tưởng là có một con nai thiệt, đến nỗi trong một bài dịch thơ sang tiếng Mỹ, người ta cứ dịch con nai là con nai, có tội nghiệp không chứ! Phải rồi chính nhà thơ mới là con nai, một con nai ngơ ngác, nghe tiếng mùa yêu và fall in love. Với ai, vì sao nên nỗi? Có phải cái tiếng thổn thức, cái tiếng rạo rực của ai kia đã một hôm thu làm cho chàng thi sĩ trẻ tuổi trở thành một con nai, lang thang dẫm ngập lá vàng, hẫng bước đi mà chẳng biết về đâu, vì sao…

Đỗ Hồng Ngọc
(Boston, 1993)

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nói mà không ai nghe...

Không biết bao lần tôi được nghe ông nói. Không biết bao bài báo đã phỏng vấn ông. Ông được mệnh danh là người có “nghề” trả lời phỏng vấn đặc biệt là hỏi gì đáp nấy. Không phải tất cả những điều ông nói tôi đều thích nhưng phải thừa nhận rằng những điều ông nói bao giờ cũng hấp dẫn và nó luôn ẩn chứa một thông điệp nào đó liên quan đến những vấn đề “nóng” của xã hội.
Ông được xếp vào hàng “tứ trụ” (Nhất Thước/Nhất Ngoạn – Nhì Trân – Tam Lân – Tứ Quốc) trong Quốc hội, là người không thích nói suông mà phải xắn tay vào thực hiện, đó là điều chúng tôi cảm nhận được từ con người ông. Có gần ông, nghe ông trong những lúc “trà dư tửu hậu” mới hiểu rằng những khao khát cống hiến của ông cho đời thật là ghê gớm. Và đây là một trong những lần nói chuyện như thế mà chúng tôi ghi lại được với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.


Sách giáo khoa là linh hồn của bài giảng. Vâng, vấn đề sách giáo khoa (SGK) hiện nay phải nói là không ổn một chút nào.
Tôi đi nước nào tôi cũng mua SGK phổ thông, hiện nay tôi có chừng 70 cuốn SGK sinh học của các nước và tôi giật mình thấy SGK của nước mình không giống với SGK của bất cứ nước nào.
SGK Việt Nam dạy cái gì? Xin thưa, dạy tất cả các môn của Đại học Sư Phạm: Thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, động vật không xương, động vật có xương, giải phẫu người, giải phẫu động vật, sinh lý người, sinh lý động vật, sinh thái học, vi sinh học, tiến hóa, di truyền…
Trong khi đó một nước phát triển như nước Pháp, trong chương trình giáo dục học sinh phổ thông không dạy chương trình biologie, từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng họ có môn “la sienne de la vie”, “sienne de la terre” (khoa học về sự sống, khoa học về trái đất). Như vậy thay vì họ học về dương xỉ, mộc bá, quyết… cấu tạo dây thần kinh của thằn lằn, dây thần kinh thỏ… như chúng ta thì họ dạy những khái niệm rất chung như thần kinh từ vi khuẩn đến người, dinh dưỡng từ vi khuẩn đến người… còn những thứ mình dậy là vấn đề của những nhà nghiên cứu, của trình độ đại học.
Mô hình thứ hai là mô hình giáo dục của Nepal, một nước rất nghèo, nghèo hơn cả Việt Nam, nhưng giáo dục của họ tuyệt vời. Tôi mua 2 cuốn sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12 mỗi cuốn 700 trang. Với số lượng trang như vậy chắc học sinh của họ không cần phải học thêm gì nữa. Tại sao họ có thể dạy sinh học cho lớp 11, 12 với những cuốn sách 700 trang?
Câu trả lời cực đơn giản, nhưng tôi nói không ai nghe!
Đó là coi lớp 9 và lớp 10 là xong phổ thông. Thế hệ của tôi cũng vậy. Hai năm lớp 11 và 12 họ chia 4 phân ban: một là quản trị kinh doanh, hai là khoa học xã hội và nhân văn, ba là toán lý, bốn là hóa sinh. Và mỗi một chuyên ban lại học 4 môn. Chỉ có ban hóa sinh mới học sinh học, còn 3 ban kia chỉ cần kiến thức sinh học ở bậc phổ thông là đủ. Như vậy mới có cuốn sách giáo khoa 700 trang dành cho lớp 11 và 12. Lớp 11, 12 gần như bước đệm, dự bị đại học. Hơn nữa, không có nước nào có một bộ sách giáo khoa duy nhất như nước ta. Khi ở trong quốc hội, tôi đấu tranh chuyện này mà không thành công là bởi vì họ nghĩ một bộ SGK còn chưa ra gì huống hồ nhiều bộ.



Nhưng, chính là một bộ mới chưa ra gì vì không có cạnh tranh, còn ở các nước thì rất nhiều bộ SGK. Cũng như không có nước nào có một loại thuốc đánh răng, và đương nhiên không phải ai cũng làm được thuốc đánh răng vì nó phải có tiêu chuẩn của Bộ Y tế, cho nên phải có một chương trình chuẩn, phải dùng được lâu dài, nhiều năm chứ không phải như hiện nay.
Thế nhưng, kiến nghị của tôi cũng không ai nghe!
Xây dựng một chương trình chuẩn đâu có khó. Tôi không đồng ý với cách Nhà nước chuẩn bị đến 2015 mới bắt đầu đổi mới toàn diện chương trình giáo dục, làm thử vài năm rồi mới viết sách giáo khoa, rồi lại thử nghiệm vài năm nữa… đến lúc đó chắc thế hệ chúng tôi đã hai năm mươi rồi. Tôi cũng không hiểu tại sao không giao việc này cho các Hiệp hội chuyên ngành để chỉ cần trong một năm có thể hoàn thành Bộ Chương trình Giáo dục phổ thông trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi, sau đó có thể thông qua tại một Hội đồng đủ quyền lực cấp Nhà nước. Hội sinh học chúng tôi sẵn sàng chỉ với điều kiện cho chúng tôi xin những chương trình dạy học của một số nước. Việc đó cực dễ hỏi Đại sứ quán nào người ta cũng có thể cho ngay.
Để cho các hội chuyên ngành tham gia viết SGK là điều nên làm, và họ sẽ mời những người dạy lâu năm cùng tham gia. Như vậy SGK phải là chuyện của các nhà khoa học hay nhóm các nhà khoa học, của các thày giáo hay nhóm thày giáo… khi đã có một chương trình chuẩn rồi. Và cuốn nào hay thì người ta dùng. Chỉ tập chung làm một việc đó thôi cũng đủ tạo ra một bứt phá rõ rệt trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Một câu chuyện rất đơn giản đó nhưng…
Tôi nói cũng không ai nghe, không ai làm!
Học sinh của chúng ta đâu có kém, bằng chứng là đã có lần tôi ngạc nhiên và vô cùng phấn khởi khi dự một buổi lễ trao phần thưởng ở một trường Dược khá nổi tiếng ở bang California khi những em học sinh lên lĩnh phần thưởng đa phần là người Việt. Như vậy người Việt Nam không kém nhưng chương trình học của người Việt không tốt, SGK không tốt mà ở bậc đại học lại càng không tốt. Các trường Đại học lại mở ra quá nhiều mà không có SGK. Hiện nay nước ta có khoảng 400 trường Đại học cao đẳng, dự kiến đến năm 2020 có đến 600 trường, tôi nghĩ rằng nếu như thày không đủ trình độ để giải quyết những vấn đề của xã hội thì mở ra nhiều trường như vậy để làm gì. Ví dụ như ngành môi trường chẳng hạn. Giải quyết các vấn đề về rác thải, nước thải, ô nhiễm… đến thày các em còn chả làm được huống hồ sinh viên mới ra trường.
Môi trường chỉ là một ví dụ thôi, các ngành khác cũng vậy, phải có các thày là các nhà khoa học giỏi mới có thể đào tạo ra các chuyên gia, còn nếu các thày còn chưa đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề của ngành đó thì có đào tạo ra một loạt cử nhân cũng chả giải quyết được gì. Chi bằng ta nên mở nhiều trường đào tạo về ngoại ngữ, vì thích học đại học là nguyện vọng chính đáng của mọi người, và thậm chí cả nước được đào tạo về ngoại ngữ cũng chả sao. Tôi quen một người bạn là người đầu tiên làm ra cái bẫy dính chuột, tôi hỏi anh lấy đâu ra công thức? Anh bảo, trên mạng internet đầy. Bây giờ cái gì đã qua thời kỳ bảo hộ tác quyền người ta đều công bố hết. Như vậy, chỉ cần biết ngoại ngữ có thể trở thành nhà kinh doanh. Thà thế còn hơn đào tạo những chuyên ngành mà cả thày và trò đều không đủ trình độ để giải quyết các vấn đề xã hội. Dẫn đến việc rất nhiều sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm, thuốc lá, bán chè chén vỉa hè... Đấy là chuyện đau lòng.



Không có ngành công nghiệp vi sinh vật chúng ta không bứt phá lên được về kinh tế đâu! Tôi nói mà cũng không ai nghe…
Trong lĩnh vực vi sinh vật học, chúng tôi có hợp tác với Nhật bản để tìm ra các vi sinh vật mới, có một điều rất lạ là nếu như họ cần phải đi tìm một loài mới nào đó thì sẽ rất vất vả nếu họ đến các nước Châu Á song hễ cứ sang Việt Nam thì chỉ trong khoảng 2 tháng là bao giờ cũng tìm được rất nhiều loài mới… Tôi vẫn nói đùa rằng, có lẽ tại nước tôi bẩn quá chăng?
Thật ra không phải thế. Điều này xuất phát từ chỗ điều kiện khí hậu của nước ta nằm giữa khí hậu nhiệt đới với ôn đới, mặt khác nước ta lại có những khu rừng nguyên sinh mà tại đó chúng tôi chỉ cần lấy một cục đất bằng ngón tay thôi rồi cùng với những chuyên gia Nhật bản chúng tôi phân lập lựa chọn… Vậy mà tôi đã từng bị những người xấu tính vu cho là bán bí mật quốc gia, và tôi đã phải giải thích với những đồng chí lãnh đạo rằng đó chỉ là một cục đất không phải cái cây hay con vật. Nếu tôi không hợp tác thì họ cũng đút túi đem về tự làm và mình chả được gì. Chi bằng mình hợp tác cùng nghiên cứu, hai bên cùng được hưởng thành tựu từ việc tìm ra những vi sinh vật mới. Chỉ tiếc rằng mình chưa có ngành công nghiệp vi sinh vật, nên dù biết cái chủng này hay lắm, nó sinh ra chất này, chất kia, nhưng biết để đấy thôi vì… lấy đâu ra nhà máy mà sản xuất. Đất nước ta gần 90 triệu dân mà đến nay chưa sản xuất ra được một miligam kháng sinh hay vitamin nào, tất cả đều phải nhập khẩu. Điều đó thật vô lý và đáng tiếc. Trong khi đó ngành công nghiệp vi sinh vật là một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn cho đất nước.
Cho đến nay, ngành công nghiệp vi sinh vật của chúng ta chỉ xoay quanh 3 lĩnh vực: Đó là bia (chúng ta xứng đáng là cường quốc Bia). Tiếp đến là bột ngọt (nhưng là toàn nằm trong tay các công ty nước ngoài, họ chỉ lấy sắn, gỉ đường của chúng ta để làm ra bột ngọt. 1 lít dịch lên men làm được 150g bột ngọt. Mỗi nồi lên men vào khoảng 1000 lít, mà mỗi nhà máy của họ có khoảng 700 nồi lên men, như vậy mỗi ngày họ làm ra biết bao nhiêu tiền). Thứ 3 là Vaccin. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đã làm được khá nhiều việc do được Nhà nước tập trung đầu tư nghiên cứu. Việt Nam đã tự túc được khá nhiều loại vaccin, kể cả những vaccin thế hệ mới sử dụng tái tổ hợp gen. Đó là minh chứng điển hình cho khẳng định của tôi là: Nếu đầu tư nghiêm túc cho lĩnh vực vi sinh vật học thì chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều thành công.
Ngoài 3 lĩnh vực trên, chúng ta không phát triển thêm bất cứ sản phẩm nào từ vi sinh vật và đó là điều đáng buồn. Có những thứ rất đơn giản, rất thực tế, dễ làm mà chúng ta không làm. Tôi nói ví dụ như vấn đề số người mắc căn bệnh ung thư hiện nay của chúng ta tăng lên một cách đáng sợ. Vậy tại sao số lượng người bị ung thư lại tăng lên nhiều như vậy? Trong rất nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân mà dường như ai cũng biết, song đành phải cố quên đi. Đó là việc chúng ta đang phải ăn rất bẩn, ăn phải rất nhiều chất gây ung thư có trên các loại rau cỏ, thực phẩm… Tôi đã từng kiến nghị với Bộ Y tế một vấn đề mà chưa được giải đáp đó là Tương.



Tương là món ăn truyền thống rất ngon, đặc biệt là Tương Bần. Tôi đã phải về tận Hưng Yên để xem người ta làm tương như thế nào và tôi thấy sợ cách làm của người dân nơi đây.
Về lý thuyết cách làm tương là ngâm gạo nấu thành xôi sau đó đổ vào nong, chờ lên nấm mốc đó chính là nấm Aspergillus Oryzae một loại nấm tốt men cao chuyển hóa bột thành đường, chuyển hóa đậu tương thành axit amin. Nhưng khi tôi nhìn vào cái nong của họ thì thấy rằng không phải chỉ có Aspergillus Oryzae mà trăm thứ bà rằn, xanh đỏ tím vàng đủ các loại nấm. Trong đó có một loại nấm có tên là Aspergillus Flavur sinh ra độc tố Aflatoxin cực nguy hiểm có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sinh ra một số chất độc hại khác. Ngay những người có chuyên môn như chúng tôi cũng không thể phân biệt được 2 loại nấm Aspergillus Oryzae và Aspergillus Flavur vì chúng rất giống nhau. Tôi có đề nghị một bà cụ, người khá nổi tiếng vì đã từng được huy chương vàng về làm tương là: cho chúng tôi làm thử một mẻ, với điều kiện là… hãy để chúng tôi giặt nong.
Bà ấy nhìn tôi từ đầu đến chân giống như người ở hành tinh khác đến. Bà nói: Chúng tôi làm tương đã mấy đời nay, và bí quyết của chúng tôi là không giặt nong, đồ xôi xong là đổ ra nong ngay.
Tôi nói với bà, điều này quá nguy hiểm và thuyết phục bà cứ cho chúng tôi giặt nong, nếu hỏng chúng tôi sẽ đền toàn bộ chi phí cho bà, cuối cùng bà cũng đồng ý. Tôi lấy ra một gói bao tử nấm Aspergillus Oryzae do chúng tôi sản xuất (có giá là 1000 đồng/gói) và nhờ bà đồ xôi rồi rắc bao tử vào. Chúng tôi để lại số điện thoại và ra về. Hai ngày sau, bà gọi điện thoại cho tôi bảo: Bác ơi, chưa lần nào mà mốc nó lại lên đều và đẹp như thế.
Tôi tin là bà nói đúng, vì chúng tôi đã cấy hàng tỉ bao tử nấm vào mà lại chỉ toàn là nấm Aspergillus Oryzae đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu kỹ.
Qua chuyện này, tôi kiến nghị với Bộ Y tế là cho kiểm tra Aflatoxin ở các mẫu tương được bán trên thị trường. Để kiểm tra cũng rất đơn giản vì nó phát huỳnh quang khi chiều tia tử ngoại vào.
Nhưng tôi nói cũng không ai nghe, cho đến hôm nay cũng không ai làm!
Một chuyện nữa tôi thấy cũng khá hài hước. Trên TV ngày nào cũng ra rả quảng cáo các loại nước mắm không có vi khuẩn. Điều này thật buồn cười, chả có nước mắm nào có vi khuẩn vì nồng độ muối như vậy lấy đâu ra vi khuẩn. Còn nhớ đợt dịch tả năm nào cứ đổ cho thủ phạm là mắm tôm. Tôi đã nói trước Quốc hội: không phải do mắm tôm, vì với nồng độ muối của mắm tôm, không có vi khuẩn nào sống được, nhất là vi khuẩn tả là vi khuẩn không có bao tử thì chết ngay, nên không thể đổ tội cho mắm tôm được. Và kết luận phải chôn các bể mắm tôm ở các làng làm mắm tôn đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân nhưng về mặt khoa học lại không đúng.
Tôi cũng đã từng kiến nghị với đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội về vấn đề rau sạch. Một lần tôi được một đồng chí lãnh đạo của Hà Nội đưa đi thăm vùng trồng rau sạch, tôi hỏi anh căn cứ vào đâu để cho là rau này sạch. Anh bảo: Tôi đã ký hợp đồng với họ rồi, họ đã cầm bao nhiêu tiền rồi và cam kết là 5 ngày trước khi hái rau không phun thuốc…
Tôi cười bảo: Thế mà anh cũng tin được à?
Sâu chỉ trong một đêm là nó phá tan cả ruộng, họ chỉ nói vậy thôi chứ không thực hiện đâu. Một nguyên lý quá đơn giản là không có bướm thì không có sâu nên chỉ cần làm nhà lưới là giải quyết được vấn đề. Với nông dân chỉ cần trang bị đầy đủ nhà lưới, lo đầu ra cho sản phẩm và thuê họ làm với giá hợp lý là giải quyết được ngay vấn đề về rau sạch. Đấy cũng là một việc không hề khó, mà chúng ta không làm được. Ngoài cách làm này ra không thể tin được vào bất kỳ một loại rau sạch nào khác. Mọi người đừng bao giờ tin khi ra chợ các bà bán rau nói rau của họ bị sâu cắn lỗ chỗ nghĩa là không hề có thuốc sâu. Đó chẳng qua là “bài” của các tay đầu nậu, họ xui nông dân hãy để cho sâu cắn một ít rồi phun thuốc. Thậm chí có bà bán rau còn dấu một ít sâu trong túi thỉnh thoảng bắt vài con cho bò lổm ngổm trên rau…
Điều này là quá nguy hiểm mà tôi nói thì không ai nghe, và không ai làm cả…
Tại sao chúng ta không nghiên cứu những vấn đề rất cụ thể ví dụ như thuốc trừ sâu sinh học an toàn tuyệt đối với người nhưng diệt sâu rất hiệu quả. Khi trồng rau trong nhà lưới, mà có những vi khuẩn nhỏ vẫn lọt qua nhà lưới như con bọ nhện chẳng hạn, thì sẽ dùng thuốc trừ sâu sinh học.
Hay một ví dụ khác là hiện tượng ô tô, xe máy đang đi tự dưng bốc cháy gây hoang mang trong dư luận thời gian gần đây nhưng người dân không biết hỏi ai. Người thì bảo do chuột cắn, người bảo xăng có methanol, người bảo vấn đề tâm linh… và chẳng ai nghiên cứu về vấn đề này cả.
Như vậy tôi cho rằng phải có những cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu và chịu trách nhiệm trả lời về những vẫn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của mình. Phải có những phòng nghiên cứu chuyên đề cấp nhà nước. Ví dụ như về vi sinh vật, tôi xin đảm bảo, hỏi chúng tôi về vấn đề vi sinh vật học chúng tôi sẽ trả lời được. Nếu chúng tôi không trả lời được, chúng tôi sẽ hỏi bạn bè quốc tế, chúng tôi có quan hệ với tất cả các viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Cũng tương tự như vậy đối với các lĩnh vực khác. Tôi mong muốn nhà nước phải xây dựng những lực lượng nghiên cứu chuyên nghành để giao nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu. Không bứt phá về khoa học thì sẽ không bao giờ theo kịp các nước khác ngay cả mục tiêu cho đến năm 2020 sẽ trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại cũng là điều rất khó.
Với những ví dụ trên có thể thấy rằng không thiếu gì đề tài nghiên cứu mà chúng ta phải đổi mới hoạch định chính sách khoa học bằng cách là chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu như hiện nay. Chúng ta phải xây dựng những lực lượng nghiên cứu để nhà nước cần việc gì, giao việc đó cho bộ phận có nghề. Còn đấu thầu hiện nay đang dàn trải lung tung và không bứt phá lên được. Nếu chúng ta sử dụng tốt 600 triệu dolla dành cho nghiên cứu khoa học (một con số rất nhỏ so với thế giới, nhưng lại là một con số rất lớn với những người làm khoa học ở Việt Nam) chúng ta giải quyết được rất nhiều việc. Sắp tới chúng đang cố gắng để lập một xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ví dụ như cái taq polymerase là cái mà lâu nay chúng ta phải nhập để cho các máy PCR với giá rất đắt, chúng tôi đã làm thử với giá rẻ hơn Mỹ 10 lần thế mà tại sao chúng ta không làm mà phải đi mua do đó chúng tôi sẽ cố gắng làm ra những sản phẩm công nghệ cao để nuôi nhau. Và tôi nói thật, tôi rất tiếc, lẽ ra Nhà nước phải giúp chúng tôi vì đó là mô hình rất hay. Các nhà khoa học không cần tăng lương, mà chúng tôi biết cũng không thể tăng lương được (hiện nay gần 9 triệu người ăn lương thì làm sao mà chúng tôi hy vọng được tăng lương)… Nhưng, ngay cả điều này tôi cũng đã kiến nghị mà… không ai đầu tư cả!

Lê Trang

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Nên uống loại nước nào đầu tiên trong ngày?

Nhiều người thường uống nước muối nhạt hoặc nước hoa quả vào buổi sáng vì cho rằng nó tốt cho sức khỏe. Đó là một sai lầm.
Nước luôn được tôn thờ là “thần dược” tự nhiên và bổ dưỡng bậc nhất với cơ thể con người. Đặc biệt là cốc nước đầu tiên trong ngày, nó giúp thanh lọc cơ thể và đem lại sự tỉnh táo bất ngờ. Nhưng uống cốc nước đầu tiên thế nào cho đúng cách và đảm bảo sức khỏe lại là điều không phải ai cũng biết.


Nên uống loại nước nào đầu tiên trong ngày?

Hãy uống nước khi bụng còn rỗng để thúc đẩy tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, sau một đêm dài, cơ thể tiêu hao rất nhiều nước bởi hô hấp, bài tiết mồ hôi và hệ tiết niệu vẫn hoạt động. Một cốc nước trắng không pha chế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho mỗi sáng thức giấc. Nước sau khi đã đun sôi, mọi vi khuẩn đều bị tiêu diệt trong nhiệt độ cao, riêng các nguyên tố magiê, canxi trong nước cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Do vậy, không nên lựa chọn nước hoa quả, coca, nước có ga, cafe, sữa bò vào buổi sáng. Coca và các đồ uống có ga phần lớn đều có axit citric làm gia tăng tốc độ bài tiết canxi trong quá trình chuyển hóa thức ăn và làm giảm hàm lượng canxi trong máu. Nếu thường xuyên sử dụng các đồ uống này dễ dẫn tới thiếu canxi trầm trọng.
Những đồ uống còn lại tuy lợi tiểu, nhưng nếu sử dụng vào sáng sớm lại phản tác dụng bởi vừa không thể bổ sung hiệu quả lượng nước thiếu hụt sau một đêm dài vừa khiến cơ thể thêm háo nước.
Nước muối loãng càng khiến cơ thể bài trừ nước, gây cảm giác khát khô. Sáng sớm là thời điểm huyết áp tăng cao nhất trong ngày, do vậy, nước muối sẽ càng khiến huyết áp của bạn tăng thêm và dễ dẫn tới những biến cố khó lường.
Trong khi đó, nước tinh khiết sẽ giúp máu dễ dàng lưu thông, bổ sung lượng nước đang thiếu hụt. Hãy uống nước khi bụng còn rỗng, nghĩa là trước bữa điểm tâm sáng của bạn để thúc đẩy tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể, làm sạch đường tiêu hóa.
Nên uống từng ngụm nhỏ bởi uống quá nhanh và quá nhiều sẽ rất dễ bị tụt huyết áp, phù nề não, dẫn tới đau đầu, buồn nôn.
Nhiều người thường thích sử dụng nước trong tủ lạnh mỗi sáng thức dậy và coi đó là phương pháp hữu hiệu để giúp tinh thần sảng khoái. Thực tế, nhiệt độ nước quá thấp không hề có lợi cho sức khỏe. Bởi lúc này dạ dày đang rỗng, nước quá lạnh hoặc quá nóng đều kích thích và gây khó chịu cho dạ dày.
Do vậy, tốt nhất là hãy lựa chọn nước có nhiệt độ tương ứng với nhiệt độ phòng. Tuy nhiên vào mùa đông, bạn nên uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nước đun sôi để nguội ở nhiệt độ 20 - 25 độ C là lý tưởng nhất bởi vẫn giữ được các nguyên tố có lợi cho sức khỏe, dễ dàng thẩm thấu qua màng tế bào và thúc đẩy quá trình chuyển hóa mới, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Theo Đất Việt

Ngỡ ngàng chàng trai thổi “sáo tay” hút hồn khán giả

Không cần dùng bất cứ loại nhạc cụ nào ngoại trừ đôi tay diệu kỳ, chàng trai Mitsuhiro Mori cũng có thể tạo nên bản nhạc không lời khiến bất cứ ai theo dõi cũng phải trầm trồ, thán phục.
Là hình thức tiêu khiển không quá xa lạ với những em nhỏ tại Việt Nam hay châu Á nói chung, nhưng việc tạo nên những giai điệu du dương từ chính đôi bàn tay lại là điều không mấy ai làm được như chàng trai Mitsuhiro Mori (Nhật Bản).


Mitsuhiro Mori với khả năng "sáo tay" độc đáo của mình.

Cũng giống như nhiều em nhỏ sinh sống tại ngoại thành, Mitsuhiro Mori được cha hướng dẫn thú chơi bằng cách nắm chặt hai bàn tay và thổi vào đó tạo nên âm thanh vui tai. Dần dần từ những âm thanh vui vui, bằng khiếu âm nhạc và chút sáng tạo, Mori bắt đầu tạo nên giai điệu du dương dài hơi hơn từ “sáo tay” của mình.
Không dừng lại đó, cho tới ngày tốt nghiệp trường trung cấp âm nhạc, Mitsuhiro Mori đã biến hình thức giải trí thủa nhỏ thành màn trình diễn “có một không hai” của mình. Chỉ bằng “sáo tay”, anh có thể thể hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau từ cổ điển bác học cho đến nhạc pop trẻ trung.
Chính với khả năng độc đáo này mà anh cùng với người bạn học cũ Keisuke Usuda thành lập nên ban nhạc hai người mà Mitsuhiro đóng vai trò “kép chính” còn Keisuke đệm piano.


Hai chàng trai của ban nhạc "Childhood" khiến khán giả thấy lại hình ảnh thủa ấu thơ của mình.
Ngay từ khi “chào hàng”, ban nhạc của hai chàng trai trẻ này đã trở thành hiện tượng tại xứ sở Mặt trời mọc. Không những thế, hai người còn thực hiện những buổi công diễn tại nhiều nước bởi sự độc đáo trong âm nhạc này.
Và trong tất cả những buổi diễn đó, chỉ với đôi tay diệu kỳ, chàng trai Mitsuhiro Mori cũng có thể tạo nên những bản nhạc không lời khiến bất cứ ai theo dõi cũng phải trầm trồ, thán phục…
Cùng theo dõi một tiết mục “sáo tay” của Mitsuhiro Mori cùng sự hỗ trợ đệm piano của Keisuke Usuda:



Theo Dân Trí

‘Nữ tiếp viên ma’ hiện hồn cứu khách bay thoát nạn?

Ủy ban điều phối các sân bay quốc gia của Thái Lan khi đang điều tra vụ hạ cánh bất thường của chiếc máy bay ở Bangkok, thì nhận được nguồn tin, đã có một "tiếp viên ma" giúp sơ tán người từ khoang máy bay bị tai nạn.


ảnh minh họa

Chiếc máy bay của Thai Airways International trên đường từ Quảng Châu (Trung Quốc) trở về Bangkok ngày 15.9 vừa qua đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Bangkok với một bộ phận hạ cánh bị lỗi và trượt ra khỏi đường băng. Không có ai bị thương trong quá trình máy bay tiếp đất, tuy nhiên 13 người đã bị trầy xước trong khi di tản khỏi máy bay.
Một nhân chứng đã kể cho Ủy ban điều tra rằng: "Tất cả hoảng loạn, ai cũng nghĩ rằng máy bay cháy và đám đông vội vã xô đến cửa thoát hiểm. Các tiếp viên không đối phó nổi với tình huống này và bị dòng người xô ngã đập xuống sàn máy bay. 
Ở đỉnh điểm của cơn hoảng loạn, tôi bỗng nhìn thấy một nữ tiếp viên hàng không mặc trang phục truyền thống của Thái Lan.Tôi không thể đọc được tên cô ở biển hiệu trên ngực áo. Cô ấy rất bình tĩnh hướng dẫn hành khách và trong nháy mắt khôi phục trật tự. Sau cuộc di tản khỏi máy bay không ai nhìn thấy cô gái kỳ diệu này một lần nữa”.
Tuy nhiên, Hãng Hàng không Thai Airways cho biết, tất cả các tiếp viên của hãng đều phải mặc đồng phục hàng không trên các chuyến bay và không ai được mặc trang phục truyền thống. Camera giám sát sân bay cũng như những đoạn quay của lính cứu hỏa và lính cứu hộ đều ghi nhận rằng, tất cả tiếp viên trên chuyến bay này đều mặc đồng phục hàng không.
Các chuyên gia nghiên cứu thế giới siêu thực cho rằng hình ảnh mà nhân chứng nhìn thấy ở đây có thể là một trong những nữ tiếp viên hàng không đã thiệt mạng trong vụ tai nạn của Thai Airways hồi tháng 1.1998.

Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=716084#ixzz2hyrbVpwD
doc tin tuc www.xaluan.com

Sự khác biệt của đôi đũa các nước

... từ Hàn Quốc tới Việt Nam !
Đôi đũa không chỉ là vật được sử dụng trong truyền thống ăn uống mà còn trở thành nét đẹp trong văn hóa ẩm thực phương Đông. Theo quan niệm Á Đông, dao, dĩa có liên quan đến bạo lực và binh đao, thể hiện sự độc ác, chết chóc nên người dân kiêng không dùng trong bữa ăn. Hơn nữa, ở những nước này, các món ăn thường được chế biến thành những miếng nhỏ vừa miệng, thích hợp với dùng đũa và không cần đến dao để cắt thức ăn.

Đũa có nguồn gốc từ thời nhà Thương (1776 - 1122 TCN) ở Trung Quốc. Các nhà khảo cổ học đã tìm được một đôi đũa bằng đồng tại kinh đô nhà Thương, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và xác định đôi đũa này được làm vào năm 1200 TCN.



Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã có thói quen sử dụng đũa từ lâu đời thì người dân các nước châu Á khác như Thái Lan, Brunei… mới bắt đầu sử dụng đũa từ vài thế kỷ nay. Do ảnh hưởng về phong tục tập quán của dân di cư từ Trung Quốc, người dân các nước Thái Lan, Indonesia… đã chuyển từ ăn bốc (tức là ăn bằng tay) sang dùng đũa. Ban đầu, họ chỉ dùng đũa khi ăn mì, còn cơm và các loại thức ăn khác thường được ăn bằng thìa hoặc dĩa.




Đũa thường được làm từ tre hoặc nhựa nhưng cũng có thể làm từ kim loại, xương, ngà voi và gỗ. Do sự khác biệt về văn hóa cũng như phong tục tập quán mà đôi đũa mỗi nước có chất liệu, kiểu dáng và cách trang trí riêng. Chúng mình thử điểm qua một vài nét khác nhau giữa đôi đũa các nước nhé!


1. Hàn Quốc




Đũa Hàn Quốc được làm từ kim loại như nhôm, inox.

Có lẽ đôi đũa đến từ xứ kim chi có nhiều điểm khác biệt hơn cả. Dài khoảng 25cm, đũa được làm từ kim loại như nhôm hoặc inox chứ không làm bằng tre hoặc nhựa như các nước “láng giềng” khác.


2. Nhật Bản



So với đũa Trung Quốc, Việt Nam… đũa Nhật Bản ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Đũa có đầu nhọn, thường làm từ gỗ sơn mài, được trang trí với nhiều họa tiết vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Đặc biệt, đũa Nhật thường được phân biệt bằng màu sắc. Phụ nữ thường dùng đũa màu đỏ tươi trong khi đũa đàn ông thường là màu đen, bởi vậy người Nhật thường dùng một bộ đũa gồm hai đôi, một màu đen, một màu đỏ làm quà cưới cho những đôi vợ chồng trẻ.



Bộ đũa gồm hai đôi, một màu đen, một màu đỏ làm quà cưới cho những đôi vợ chồng trẻ.
Ngoài ra, người Nhật đặc biệt chú trọng đến chiều dài của chiếc đũa: đũa của chồng thường dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn con cái, đũa của anh dài hơn của em... Một điều thú vị khác là người Nhật có tục lệ: những người đi cắm trại hay picnic sau khi dùng đũa xong phải bẻ đôi đũa để tránh ma quỷ lợi dụng những đôi đũa đó làm điều xấu.




Trong tiếng Nhật, đũa được gọi là "hashi" (箸). Số 4 trong tiếng Nhật phát âm là Si (Shi), số 8 phát âm là Hachi, ghép lại thành “hashi” là đôi đũa nên người dân xứ hoa anh đào đã chọn ngày mồng 4 tháng 8 hàng năm làm ngày hội đũa. Các đôi đũa với đủ màu sắc, chất liệu, được làm cầu kỳ, tỉ mỉ, giá trị được trưng bày ra cho mọi người cùng xem. Ngày này còn được gọi là ngày thay đũa mới trong năm.

3. Trung Quốc


Đũa Trung Quốc thường dài hơn đũa của Hàn và Nhật vì người Hoa có thói quen bày biện các món ăn ở chính giữa bàn. Là một quốc gia rộng lớn, Trung Quốc có rất nhiều cách trang trí đũa khác nhau, phong phú, đa dạng tùy theo phong tục từng vùng, miền. Tuy vậy, các đôi đũa đều có điểm chung là làm từ gỗ hoặc nhựa, vuông ở phía cầm đũa và tròn ở đầu đũa.


Đũa của người Trung Quốc thường vuông ở phía cầm đũa và tròn ở đầu đũa.

Đôi đũa còn đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Trung Hoa. Đôi đũa theo tiếng Trung Quốc viết là 筷子, đọc là “kuàizi” mà từ “nhanh” (快) trong tiếng Hoa cũng có cùng cách phát âm là “kuài” với từ “筷”. Chính vì vậy mà ở nhiều nơi, trong lễ cưới, gia đình chú rể thường tặng hai đôi đũa và hai cái bát cho đôi vợ chồng để cầu chúc cho cô dâu chú rể không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn sớm sinh con đẻ cái vì từ “kuài” có nghĩa là “nhanh”.


4. Việt Nam


Đôi đũa nhỏ xinh, mộc mạc, giản dị đã đi vào văn hóa của người Việt từ xa xưa. Đũa thon thon ở đầu gắp, chất liệu thường là nhựa, tre hay trúc. Người Việt Nam còn có chiếc đũa cả to bản, dài, dẹt, được làm từ tre già dùng để đánh tơi cơm trước khi xới vào bát cho mọi người.


Chiếc đũa cả thường được dùng để đánh tơi cơm trước khi xới vào bát.



Người Việt Nam và người Trung Quốc có những quan niệm, những điều kiêng kị chung trong việc dùng đũa. Đôi đũa không bao giờ được cắm thẳng đứng vào bát cơm bởi mọi người chỉ làm điều này trong lễ tang khi làm cơm cúng cho người đã mất. Trong lúc dùng cơm, không nên dùng đũa đảo đều món ăn để tìm lấy phần ngon nhất cho mình hay dùng đũa đánh vào bát, đĩa. Lý do là bởi, những âm thanh phát ra từ việc gõ bát, đũa là dấu hiệu mời ma đến nhà.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Chinh phục thế giới bằng vô vi

Lão Tử nói:
Theo học, càng ngày càng thêm,
Theo Đạo, càng ngày càng bớt.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Không làm mà không gì là không làm,
Thường dùng vô vi thì được thiên hạ,
Bằng dùng hữu vi thì không đủ trị thiên hạ

Tri thức là gì? Và tại sao tất cả những người đã trở nên thức tỉnh đều chống lại nó sâu sắc?
Tri thức là phương cách để tranh đấu với sự tồn tại. Tri thức là công cụ trong tay của bản ngã. Tri thức là xung đột: bộ phận đang cố chinh phục cái toàn thể bằng việc biết bí mật của cái toàn thể. Tri thức là trò bản ngã cơ bản.
Cũng như tiền là trò bản ngã, quyền lực là trò bản ngã, tri thức cũng là trò bản ngã - nhưng nguy hiểm hơn tiền, nguy hiểm hơn quyền, bởi vì tri thức tinh vi hơn. Tôi phải kể cho bạn câu chuyện kinh thánh cổ về việc đuổi Adam ra khỏi thiên đường. Chuyện ngụ ngôn đó có nghĩa đa chiều. Một trong các nghĩa là của Lão Tử: Thượng đế tạo ra thế giới, và ngài bảo Adam không được ăn quả của cây tri thức - nhưng tại sao lại đặc biệt cây tri thức? Thực tế điều đó dường như ngớ ngẩn. Giá mà ngài cấm Adam không được giết người, chúng ta có thể đã hiểu được; giá mà ngài cấm Adam đi vào dục, thế thì mọi tôn giáo thế giới đã hiểu được. Nhưng Thượng đế không cấm dục không cấm bạo hành mà cấm tri thức. Tri thức dường như là tội lỗi nguyên thuỷ.
Nhưng tại sao Thượng đế cấm điều đó? Tại sao tri thức là nguy hiểm? Bởi vì chính nỗ lực biết bí mật là hung hăng. Hung hăng sâu sắc nhất. Chính nỗ lực tiết lộ các bí ẩn là bạo hành. Và chính nỗ lực để biết nghĩa là bạn đang sẵn sàng tranh đấu. Bằng không bạn sẽ làm gì với tri thức?
Tri thức là phương cách của hung hăng, tranh đấu và xung đột. Bộ phận đang cố nổi loạn; bộ phận đang cố có trung tâm riêng của nó để tách rời khỏi cái toàn thể. Bộ phận đang cố gắng trở thành trung tâm của bản thân thế giới!
Không phải là có một Thượng đế cấm đoán đâu. Hôm qua tôi đã kể cho các bạn rằng Thượng đế thích nghe chuyện. Bây giờ tôi phải kể cho bạn rằng bản thân Thượng đế là một phần của câu chuyện hay. Thượng đế là chuyện ngụ ngôn hay nhất. Không có gì giống như Thượng đế ở bất kì đâu. Đừng tìm ngài bằng không bạn sẽ tìm ngài một cách vô ích. Bạn sẽ không bao giờ bắt gặp ngài đâu. Thượng đế là chuyện ngụ ngôn - nhưng hay! Nó nói nhiều thứ, và bạn sẽ bỏ lỡ nếu bạn nghĩ rằng Thượng đế là người. Thượng đế không phải là người.
Chuyện xảy ra, có lần tôi nghe một đối thoại triết lí lớn. Tôi ngồi trong nhà của người giầu, trong phòng khách đẹp của người đó; người đó thường xuyên huyên thuyên, nhưng thế rồi điện thoại kêu trong phòng khác và người đó bỏ lại tôi. Cũng tốt là người đó bỏ đi bằng không tôi chắc đã bỏ lỡ cuộc đối thoại lớn này.
Ngay bên cạnh tôi có một cái bát lớn, và hai con cá vàng đang bơi trong đó. Con trẻ hơn bỗng nhiên dừng lại và hỏi con kia: "Đằng ấy có tin vào Thượng đế không?" Con cá trẻ này trông rất bình thản - người tìm kiếm. Con già hơn nói theo kiểu guru: "Có chứ, bằng không anh cho rằng ai thay nước hàng ngày? Nếu không có Thượng đế anh cho rằng ai thay nước hàng ngày cho chúng ta?"
Mọi khái niệm về Thượng đế đều giống thế này - Bạn cho rằng ai đã tạo ra thế giới? Bạn cho rằng ai đang kiểm soát thế giới, quản lí thế giới? Toàn tâm trí nhỏ bé, khái niệm nhỏ bé. Thượng đế không phải là khái niệm, đó là chuyện ngụ ngôn.
Cho nên nhớ khi tôi nói 'Thượng đế cấm' tôi không ngụ ý rằng có ai đó cấm. Tôi đơn giản ngụ ý rằng đây là cách nói cái gì đó. Sự tồn tại cấm tri thức. Sự tồn tại cho phép hồn nhiên và cấm tri thức bởi vì trong hồn nhiên bộ phận hội nhập với cái toàn thể, vẫn còn cùng với cái toàn thể - và khoảnh khắc nó bắt đầu biết, bản ngã phát sinh, bản ngã kết tinh. Bộ phận không tuôn chảy cùng cái toàn thể bây giờ, bây giờ nó có tâm trí riêng của nó - làm những thứ gì đó, không làm những thứ gì đó; bây giờ nó có chọn lựa riêng của nó, bây giờ nó có cái thích và không thích riêng của nó.
Đây là nghĩa của câu chuyện này: đột nhiên Adam và Eve bị đuổi khỏi thiên đường.
Bạn phải đã tự hỏi thiên đường ở đâu. Nó không phải là nơi chốn địa lí, nó là trạng thái tâm lí của tâm trí. Hồn nhiên là thiên đường, tri thức là việc đuổi ra.
Mọi đứa trẻ được sinh ra đều như Adam hay Eve và vẫn còn trong thiên đường. Nhưng thế rồi chúng ta bắt đầu dạy nó, chúng ta bắt đầu ước định nó. Mọi thầy giáo và mọi người đều ước định, tất cả những người cố làm cho đứa trẻ thành thông thái, đều là con rắn đã thuyết phục Eve rằng nếu bạn ăn quả của cây tri thức bạn sẽ trở thành giống như Thượng đế, bạn sẽ có trung tâm riêng của mình như Thượng đế có trung tâm của ngài. Nếu bạn biết, bạn sẽ trở thành cái gì đó khác hơn bạn đang vậy.
Toàn thể tri thức là dụ dỗ để trở thành cái gì đó mà bạn không là. Mọi tri thức đều tạo ra tương lai, mọi tri thức đều tạo ra ham muốn để trở thành cái gì đó mà bạn không là.
Hồn nhiên là tận hưởng cái bạn đang là, tri thức là làm nỗ lực vì cái bạn không là.
Con rắn đó là thầy giáo đầu tiên của thế giới. Con rắn đó đã tạo ra rạn nứt, và rạn nứt này là giữa hiện hữu và trở thành. Mọi tri thức đều tạo ra rạn nứt này giữa cái đang vậy của bạn và việc trở thành của bạn. Nó tạo ra mơ. Nó tạo ra cám dỗ, ảo tưởng rằng bạn có thể trở...

Sưu tầm

15 sự thật thú vị về giấc mơ


Giấc mơ của đàn ông có cảm xúc tích cực hơn phụ nữ rất nhiều.
Giấc mơ là hiện tượng bí ẩn và thú vị nhất trong cuộc sống tinh thần của mỗi người. Giấc mơ là điều ai cũng trải qua, nhưng bạn biết về nó được bao nhiêu phần?
Trong thời kỳ đế chế La Mã, một vài giấc mơ được đệ trình lên Thượng nghị viện La Mã để phân tích và giải thích về chúng. Người La Mã thời đó cho rằng giấc mơ chính là thông điệp từ các vị thần gửi đến. Những nhà phiên dịch giấc mơ thậm chí còn đi cùng với các nhà lãnh đạo quân sự tới các trận chiến và các chiến dịch.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ đã cảm nhận được những ý tưởng sáng tạo của họ từ những giấc mơ. Nhưng chúng ta biết những gì về những giấc mơ? Dưới đây là 15 sự thật thú vị về giấc mơ của bạn: 

1. Bạn sẽ quên 90% giấc mơ sau khi tỉnh giấc


Trong vòng 5 phút sau khi thức dậy bạn sẽ quên đi một nửa ký ức về giấc mơ. Trong vòng 10 phút, 90% ký ức giấc mơ của bạn sẽ biến mất. 

2. Người khiếm thị cũng có giấc mơ


Những người bị mù sau sau khi chào đời có thể nhìn thấy hình ảnh trong những giấc mơ của họ. Những người bị mù bẩm sinh không thấy bất kỳ hình ảnh nào, nhưng đã là giấc mơ thì đều sinh động thông qua các giác quan khác như thính giác, xúc giác, khứu giác và cảm xúc. 

3. Tất cả mọi người đều mơ


Mỗi con người đều có những giấc mơ (ngoại trừ trong trường hợp rối loạn tâm lý cực đoan). Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang không nằm mơ - bạn chỉ cần quên đi những giấc mơ của bạn. 

4. Trong giấc mơ, bạn chỉ có thể thấy khuôn mặt mà bạn đã biết


Tâm trí của chúng ta không phải là cỗ máy sáng tạo ra những khuôn mặt. Trong giấc mơ bạn sẽ thấy những khuôn mặt thật của người thật mà bạn đã nhìn thấy trong suốt cuộc đời chỉ có điều là bạn có thể không nhớ hoặc không biết. Chúng ta có thể thấy hàng trăm, hàng nghìn khuôn mặt khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy chúng ta có một kho cung cấp vô hạn những nhân vật cho não của chúng ta vận dụng vào trong giấc mơ. 

5. Không phải tất cả mọi giấc mơ đều có màu sắc


12% giấc mơ của những người nhìn thấy được hoàn toàn có màu đen và trắng. Số còn lai là những giấc mơ ngập tràn màu sắc. Những nghiên cứu từ năm 1915 đến 1950 đều cho thấy phần lớn những giấc mơ có màu đen và trắng, nhưng kết quả bắt đầu thay đổi vào thập niên 60. Ngày nay chỉ có 4,4% của những người dưới 25 tuổi mới có màu đen trắng. Nghiên cứu gần đây đưa ra giả thiết rằng có thể kết quả thay đổi liên quan tới sự chuyển đổi từ phim đen trắng sang TV màu tới các phương tiện truyền thông. 

6. Giấc mơ là những biểu tượng


Khi bạn mơ về một chủ đề nhất định, điều đó không có nghĩa là giấc mơ của bạn nhằm về điều đó. Giấc mơ là một thứ ngôn ngữ biểu tượng. 

7. Cảm xúc


Hầu hết cảm xúc trong giấc mơ là sự lo lắng. Cảm xúc tiêu cực này thường thông dụng hơn những cảm xúc tích cực. 

8. Bạn có thể mơ từ 4 đến 7 giấc mơ trong một đêm


Ở bất cứ nơi nào, trung bình bạn có thể mơ từ một hoặc hai giờ mỗi đêm. 

9. Động vật cũng mơ


Các nghiên cứu đã thực hiện trên nhiều loại động vật khác nhau, và đều cho thấy sóng não giống nhau trong suốt giấc ngủ mơ như con người. Đôi khi xem chú chó ngủ bạn thấy bàn chân chúng di chuyển giống như đang chạy và tạo ra âm thanh như đuổi theo cái gì đó trong giấc mơ. 

10. Bóng đè


Chuyển động mắt nhanh khi ngủ là một chặng trong giấc ngủ. Với người lớn, giai đoạn này chiếm khoảng 20 - 25% toàn bộ thời gian ngủ. Ở giai đoạn này, cơ thể bị “bại liệt” bởi một cơ chế trong não nhằm ngăn những chuyển động xảy ra trong giấc mơ khiến cơ thể cử động theo. 

11. Giấc mơ lồng ghép


Tâm trí của chúng ta luôn tiếp nhận mọi thứ diễn ra bên ngoài khi chúng ta ngủ và trở thành một phần của giấc mơ. Điều này có nghĩa rằng đôi khi trong những giấc mơ, chúng ta nghe thấy một âm thanh từ ngoài tác động vào và kết hợp cùng với giấc mơ. Ví dụ, bạn có thể mơ bạn đang ở trong một buổi hòa nhạc khi thực tế anh trai của bạn đang chơi guitar trong lúc bạn ngủ. 

12. Đàn ông và phụ nữ mơ khác nhau


Nam giới thường có xu hướng mơ về những người đàn ông khác. Khoảng 70% nhân vật trong giấc mơ của đàn ông là những người đàn ông khác. Mặt khác, giấc mơ của nữ giới bao gồm số lượng bằng nhau về đàn ông và phụ nữ. Bên cạnh đó, giấc mơ của đàn ông có cảm xúc tích cực hơn phụ nữ rất nhiều. 

13. Giấc mơ tiền nhận thức (Báo mộng)


Giấc mơ báo trước (báo mộng). Kết quả điều tra trên một bộ phận dân số chỉ ra rằng có khoảng 18-38% chúng ta từng ít nhất một lần gặp những giấc mơ báo trước, và có tới 63-98% chúng ta tin vào những giấc mơ kiểu này. 

14. Nếu bạn ngáy thì bạn không thể mơ?


Sự thực này được nhiều trang web nhắc tới, nhưng có chút nghi ngờ dù nó là sự thực vì chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. 

15. Bạn có thể có trải nghiệm "cực khoái" trong giấc mơ


Bạn không chỉ có "quan hệ" thú vị như trong cuộc sống thực trong giấc mơ, mà còn có thể trải nghiệm cực khoái mạnh mẽ như thật mà không có bất kỳ cảm giác ẩm ướt. Những cảm giác bạn thấy trong giấc mơ có thể là những cảm giác kinh nghiệm trong thế giới thực. 

Sydney
(Theo Boredpanda)